Thư viện

24/9/19

THƠ ĐƯỜNG TRUNG QUỐC




THƠ ĐƯỜNG TRUNG QUỐC

Trang Y Hạ  

     Xưa nay mỗi khi nhắc tới thơ của người Trung Hoa, người ta thường nghĩ tới: Đường thi; Đường thi là thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử văn thơ cổ. Và đã cho ra đời cả thảy 2.200 thi nhân với 48.900 thi phẩm. Tuy nhiên, trước thời Đường vẫn có thi nhân - nhưng không là một vườn thơ nở rộ - chỉ lác đác như: Khuất Nguyên. Tống Ngọc. Đào Uyên Minh…

     Đầu thời Đường mà nói về văn học, thì đó là sự kế thừa từ Nho Giáo - Ngụy Tấn Nam Bắc Triều với những nhà tư tưởng học như Khổng Đĩnh Đạt qua tác phẩm “Ngũ Kinh Chính Nghĩa”. Tiếp theo có Đặng Huyền. Tiếp theo nữa có: Hàn Dũ – Liễu Tông Nguyên – Lý Cao – Lưu Vũ Tích – Đỗ Phủ - Bạch Cư Dị - Lý Bạch. Họ không những là nhà tư tường mà còn là thi nhân.

     Ngày nay thơ Đường không hấp dẫn với lớp thi nhân trẻ, bởi sự ràng buộc từ niêm luật quá khắc khe. Sau đây chỉ tạm dịch một số bài thơ ngắn của một số thi sĩ tiêu biểu. 

     Thơ Đường chia làm ba giai đoạn: Sơ Đường – Trung Đường – Vãng Đường.

- SƠ ĐƯỜNG (618-713)

Vương Bột – Dương Quýnh – Lữ chiếu Lân – Lạc Tân Vương –Thượng Quan Nghi –Thẩm Thuyên Kỳ - Tống Chi Vấn – Đỗ Thẩm Ngôn – Vi Thừa Khánh – Hạ Tri Chương –Trương Nhược Hư – Lưu Hi Di – Trần Tử Ngang – Trương Cửu Lình – Lý Bạch – Đỗ Phủ - Bạch Cư Dị


     Thơ: Trần Tử Ngang
     * U Châu : nay là Bắc Kinh

     Thơ: Trần Tử Ngang

“Làm thơ để gởi tấm lòng vô thiên cổ chứ không phải lưu  danh nhất thời” Trần Tử Ngang (陳子昂661-702)

ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA

Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ.

Bài Ca: LÊN ĐÀI U CHÂU

Ngó trước chẳng thấy người xưa
Nhìn sau kẻ mới lưa thưa nghĩ mà
Buồn trời buồn đất bao la
Một ta quạnh quẽ sương sa não nùng. [*]

      Thơ: Vương Bột

TƯ QUY
Trường Giang bi dĩ trệ
Vạn lý niệm tương quy
Huống phục cao phong vãn
Sơn sơn hoàng diệp phi

NGHĨ VỀ

Buồn theo sóng nước Tràng Giang
Quê xưa muôn dặm cũ càng nhớ thương
Chiều đêm gió lạnh canh trường
Lá vàng bỏ núi lạc phương trời nào. [*]

     Thơ: Vi Thừa Khánh

NAM HÀNH BIỆT ĐỆ

Đạm đạm trường giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh

GIÃ BIỆT EM TRAI XUỐNG PHÍA NAM

Đôi bờ nước lạnh êm trôi
Đau lòng viễn khách bồi hồi trong tâm
Hoa rơi tê tái sóng gầm
Nhớ về đất cũ thì thầm phương xa. [*]

     Thơ: Đỗ Thẩm Ngôn

THIẾP BẠC MỆNH

Thảo lục Trường Môn yểm,
Đài thanh Vĩnh Hạng u.
Sủng di tân ái đoạt,
Lệ lạc cố tình lưu.
Đề điểu kinh tàn mộng,
Phi hoa giảo độc sầu.
Tự liên xuân sắc bãi,
Đoàn phiến phục nghinh thu.

THIẾP BẠC MỆNH

Trường Môn cỏ biếc lối đi
Thâm u Vĩnh Hạng xanh rì rêu phong
Ái ân bị cướp đau lòng
Châu rơi tình cũ nhớ mong đêm dài
Mộng khuya sợ tiếng chim bay
Cánh hoa tơi tả lòng ray rức sầu
Sắc xuân còn có chi đâu
Gượng cầm quạt cũ đón màu nắng thu. [*]


      Thơ: Hạ Tri Chương

Hồi Hương Ngẫu Thư kỳ 1

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

Hồi Hương Tự Dưng

Trẻ đi, già trở lại nhà
Giọng quê chưa đổi tóc đà hoa râm
Trẻ con xúm lại xì xầm
Hỏi rằng: khách có đi lầm đường chăng! [*]


Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ 2

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.

 Hồi Hương Tự Dưng

Thời gian xa cách quê nhà
Người xưa làng xóm quả là đổi thay
Hồ Gương trước cửa heo may
Xuân về đẩy sóng ngày ngày y nguyên. [*]

Trang Y Hạ - Dịch thơ



- THỊNH ĐƯỜNG ( 714 - 836)
Vương Chi Hoán – Vương Xương Linh – Cao Thích – Sầm Tham – Mạnh Hạo Nhiên – Vương Duy – Trương Thuyết – Tổ Vịnh – Thôi Hiệu – Trương Kế. Vương Hàn – Đường Huyền Tông

     Thơ: Vương Hàn

LƯƠNG CHÂU TỪ

Bồ đào mỹ tữu, dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

LƯƠNG CHÂU TỪ

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Uống nhanh lên ngựa tiếng đàn giục đi
Say nằm chiến địa cười chi
Xưa nay chinh chiến mấy khi trở về! [*]

     Thơ: Vương Chi Hoán

XUẤT TÁI

Hoàng hà viễn hướng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán dương liểu?
Xuân phong bất độ ngọc môn quan

RA QUAN ẢI

Hoàng Hà hối hả theo mây trắng
Một mảnh thành hoang nấp đỉnh ngàn
Sáo rợ há nên hờn oán liễu?
Gió xuân lỡ hẹn Ngọc Môn Quan! [*]

     Thơ: Vương Duy

TƯƠNG TƯ
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư).

TƯƠNG TƯ

Đậu đỏ gốc ở phương Nam
Mùa xuân cành nẩy biết làm sao đây
Xin chàng cứ bẻ thẳng tay
Vật ấy gợi lại tháng ngày tương tư.[*]


     Thơ Sầm Tham

XUÂN MỘNG
Động phòng tạc dạ xuân phong khởi,
Dao ức mỹ nhân Tương giang thuỷ.
Trẩm thượng phiến thì xuân mộng trung,
Hành tận Giang Nam sổ thiên lý.

GIẤC MỘNG XUÂN

Đêm xuân gió trở vô phòng
Sông Tương người đẹp có mong chi về
Trong mơ xuân tới vỗ về
Giang Nam nghìn dặm sơn khê một mình. [*]

Trang Y Hạ - Dịch thơ



- VÃN ĐƯỜNG (836 – 905)
Lý Thương Ẩn - Đỗ Mục – Ôn Đình Quân – Tào Đường – Triệu Hổ - Trịnh Cốc – Tiết Đào – Trần Đào – Vi Trang – Trần Ngọc Lan – Cáp Gia Vận

      Thơ: Bạch Cư Dị

TRÌ THƯỢNG
Tiểu oa sanh tiểu đỉnh
Thâu thái bạch liên hồi
Bất giải tang tung tích
Phù bình nhất đạo khai

TRÊN AO
Cô gái nhỏ ngồi trên thuyền nhỏ
Hái hoa sen bơi ngược trở về
Vô tình chứng tích như in rõ
Mặt hồ còn rẽ một lối quê. [*]

     Thơ: Tiết Đào

THU TUYỀN
Lãnh sắc sơ trừng nhất đới yên,
U thanh dao tả thập ty huyền.
Trường lai chẩm thượng khiên tình tứ,
Bất sử sầu nhân bán dạ miên.

SUỐI THU LẠNH

Sương mờ suối lạnh vừa tan
Nước trong thanh vắng tiếng đàn mười dây
Gối đầu trằn trọc ai đây
Nửa đêm chưa ngủ buồn lây lất buồn. [*]

Trang Y Hạ -  Dịch thơ [*]

Đường Thống Nhất Sài Gòn 1961


2 nhận xét:

  1. Đường thi- thể loại thơ ra đời và thịnh hành dưới thời của Đường Huyền Tông nhanh chóng phát triển và tồn tại bền vững theo thời gian, và có sức ảnh hưởng lớn đối với văn hóa của các nước Đông Nam Á trong khu vực . Làm thơ Đường đã khó bởi quy định chặt chẽ về niêm, luật, vần, đối; dịch thơ Đường lại càng khó hơn , đòi hỏi dịch giả bên cạnh vốn liếng ngôn từ Hán học còn phải năm rõ giai đoạn lịch sử, hoàn cảnh sáng tác từ chính trị, xã hội đến hoàn cảnh riêng của tác giả, làm sao chuyển tải được tư tưởng, tình cảm của người viết gửi gắm trong bài thơ ; để đạt được đến mức độ thể hiện cao nhất đòi hỏi dịch giả phải đặt mình vào vị trí hoàn cảnh của người viết, nếu bám sát nghĩa từ theo tự điển không khéo lại phá vỡ nội dung chủ đề của tác phẩm. Muốn thành công, đòi hỏi dịch giả ngoài sự sự đồng cảm còn cần phải có sức liên tưởng và sáng tạo lớn, để toát lên được hết tâm tư tình cảm của thi nhân.
    Đó là những điều kiện cần và đủ mà dịch giả Hạ Trangy đã đảm bảo được, ngoài ra sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc để dịch thơ thất ngôn bát cú Đường luật là một điều đáng trân trọng, ai chưa làm thơ lục bát thì chưa thể nói là biết làm thơ, tình ý tâm tư của người sáng tác trong một số bài thơ Đường tiêu biểu cho từng giai đoạn của Đường thi đã được thể hiện gần như chính xác, đầy đủ và thể hiện suy nghĩ rất "riêng" , rất "mới" của người dịch.
    Cảm ơn anh Hạ Trangy đã đóng góp cho những đọc giả yêu văn thơ một bài viết rất hay và có giá trị,

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn cô giáo Thu Hương. Chúc cô vui khỏe!

    Trả lờiXóa