Thư viện

29/10/19

Đất Lành Chim Đậu




Đất Lành Chim Đậu

Trang Y Hạ
    
     Thuở nhỏ tôi thường nghe nói: “đất lành thì chim đậu”. Và, tôi không hiểu câu nói đó có ý nghĩa gì. Tại sao lại phải “lành”? Chẳng lẽ đất cũng bị (sứt mẻ) hay sao? Còn con chim cũng cắc cớ - đậu chỗ nào mà chẳng được lại chọn đất lành để đậu. Trên rừng cây cối rậm rạp thiếu gì. Lớn lên tôi mới tạm hiểu ra rằng: đất lành là vùng đất có con người hiền lành nhân ái, không cạm bẫy. Do đó, con chim về đậu mà không sợ bị sa lưới. Đó chỉ là ý nghĩa của một khía cạnh mà thôi. Muốn có đất lành thì phải cần nhiều yếu tố nữa để kết hợp lại.

     Vậy đất lành là đất loại nào?  Có nhiều nguyên nhân để có đất lành và đất không lành. Một người hỏi tôi rằng: đất lành tiếng Anh nói ra sao? Tôi không giỏi tiếng Anh nhưng cũng tạm đưa ra vài cách nói:

      “If the land is good, birds will come
       A good land for a bird to perch.”

      Theo địa lý: Đất lành là một vùng đất màu mỡ, khi gieo trồng các loại cây lương thực không cần phân bón, sản lương thu liễm dồi dào, đời sống người nông dân sung túc. Và một vùng đất đã hết màu mỡ, gieo trồng phải cần nhiều phân bón mà kết quả không được bao nhiêu. Tuy vậy, nhưng đất nơi đó vẫn là đất lành. Lành, bởi vì giòng họ đã cư ngụ trên mảnh đất đó qua quá nhiều đời, không nỡ bỏ tất cả mà ra đi tìm vùng đất mới. Hiện nay đã có khoa học kỹ thuật, với phương tiện cơ giới thì cải tạo một vùng đất khô cằn, sỏi đá trở thành màu mỡ để canh tác theo lối công nghiệp, nhằm đem lại sản lượng lớn lương thực nuôi sống con người là điều quá dễ dàng. Lại nữa là có đủ các loại phương tiện đi lại... Dù có xa xôi nghìn đạm vẫn thấy thật gần.

      Tư Tưởng – Văn Hóa – Tín Ngưỡng. Và (Chuyện bỏ quê hương ra nước ngoài “tỵ nạn”)  

     -Tư Tưởng: Tư tưởng bất đồng [chủ thuyết]! Tổng thống Pháp (De Gaull) nói: “Mọi chủ thuyết rồi sẽ qua đi, chỉ có dân tộc là trường tồn”. Một khi bất đồng tư tưởng thì sẽ xãy ra chiến tranh [nóng hoặc lạnh]. Thí dụ: một đảng phái nào đó lấy một chủ thuyết ngoại lai đem về áp dụng khi lên nắm chính quyền - dùng quyền lực và nhà tù buộc người dân phải tuân theo chủ thuyết... Thế nhưng, chủ thuyết đó đi ngược lại - Lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự, lợi ích của dân tộc, đồng thời làm mất đi tính truyền thống nhân bản vốn có từ lâu đời… Hoặc lợi dụng chủ thuyết đó để làm giàu trên xương máu của người dân. Người dân chân thành đóng góp ý kiến xây dựng, thì liền bị quy chụp cho cái tội “chống đối” hay một vài cái tội vu vơ đễ hãm hại... Từ đó, người dân cảm thấy tính mạng không an toàn, họ bỏ nước ra đi tỵ nạn là điều không thể tránh khỏi. Quốc tế cho đó là: “Tỵ Nạn Chính Trị”!

     Đất chẳng lành làm sao chim về đậu!

     Trong tư tưởng còn có giáo dục… Giáo dục không dạy cho học sinh, sinh viên biết: bảo vệ tổ quốc, yêu tổ quốc và giữ danh dự, thể diện cho tổ quốc, dân tộc, không dạy cho học sinh, sinh viên biết yêu thương đồng bào, không dạy cho học sinh, sinh viên lịch sử chống ngoại xâm, lại còn bóp méo sai lệch lịch sử (tuy rằng có dạy ở trong nhà trường, nhưng ra ngoài xã hội lại khác)… Thi cử không rõ ràng để xãy ra mua điểm, nâng điểm vô tội vạ. Hầu hết học sinh, sinh viên - học là để đối phó và lấy bằng chứ không quan tâm tới tài năng. Dẫu có tài năng cũng không được trong dụng. Cựu Tổng Thống Nelson Mandela nói: “Muốn xâm chiến hoặc phá hoại một quốc gia, thì chỉ cần phá vỡ hệ thống giáo dục và thi cử của nước đó…” . Phụ huynh học sinh bỏ ra một số tiền quá lớn để đóng học phí và mua sách vở hằng năm cho con tới trường nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Giáo viên thì lương không đủ sống phải làm nghề tay trái để tồn tại. Vậy là bằng mọi cách, các bậc cha mẹ đành phải đưa con của mình sang các nước tư bản – Hoa Kỳ, Phương Tây để du học. Quốc tế gọi đó là “Tỵ Nạn Giáo Dục”!

     Đất chẳng lành làm sao chim về đậu!

     -Tôn Giáo. Tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân loại. Tôn giáo cảm hóa con người quay về nẻo chính. Tôn giáo dạy cho con người “từ Bi – Bác Ái”. Không một chủ thuyết nào có thể loại bỏ tôn giáo, tín ngưỡng. Karl Mark nói: ‘Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Có nghĩa “thuốc phiện” là loại độc dược nguy hiểm…! Người theo các tôn giáo, tín ngưỡng không mưu cầu vật chất hay quyền hành ở thế gian. Họ theo đạo để tu thân, làm việc thiện để tích đức cho một cõi thiêng liêng trên trời để sau khi chết họ được hưởng phước từ Thiên Đàng, từ Niết bàn mà thôi. Vậy mà Le-nin ông nói: “Tiêu diệt đạo Thiên Chúa các đạo khác sẽ sụp đổ theo”. Tại sao phải tận diệt tôn giáo, tín ngưỡng? Trong khi đó còn nhiều thứ để diệt như: Mù chữ, đói nghèo, chiến tranh… Xung đột tôn giáo dẫn tới chiến tranh tôn giáo. Cố tình tận diệt tôn giáo sẽ dẫn tới chia rẽ người có tôn giáo, tín ngưỡng với người cầm quyền. Nhà nước nào kiểm soát quá sâu, quá khắc khe vào các hoạt động tôn giáo, nhà nước đó sẽ bị suy yếu bởi mất lòng dân. Chính tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần rất lớn để ổn định xã hội, tôn giáo không chủ trương lật đổ bất cứ một nhà nước nào. Một số ít người theo tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị lợi dụng làm những việc trái với giáo lý hoặc nhà nước lợi dụng số người đó cho mục đích chính trị như: biến họ thành “mê tín dị đoan” hay dùng họ để nói xấu các tôn giáo khác... Nhà cầm quyền cấm đoán các chức sắc hành đạo, tạo ra các thứ luật chằng chịt nhằm “quản lý” hay tịch thu tài sản, đất ruộng của tôn giáo, tín ngưỡng… Việc làm đó sẽ gây bất an cho người theo đạo, giữ đạo. Ngày xưa các vua triều Nguyễn chủ trương bách hại người Thiên Chúa và đã gây ra thảm họa cho hàng trăm nghìn người không chịu bước qua cây “Thập Tự Giá” mà đành chịu rơi đầu. Cuối cùng triều đình vẫn không tiêu diệt được tôn giáo. Cấm đoán và tiêu diệt tôn giáo là góp phần làm xáo trộn xã hội… Người theo tôn giáo cảm thấy sinh mạng bị đe dọa. Họ đành bỏ nước ra đi. Thế giới gọi là: “Tỵ nạn tôn giáo”!

      Đất chẳng lành làm sao chim về đậu!

     -Văn Hóa. Đất có hồn của đất, người có hồn của người. Người và đất quyện vào nhau lâu ngày, lâu đời, nẩy sinh tình cảm… Tình cảm đó gọi là tình yêu quê hương. Từ tình yêu quê hương lại sinh ra: tập tục, thói quen, nghi lễ, đạo đức, tiếng nói, chữ nghĩa… Đó chính là văn hóa. Từ tình cảm thiêng liêng [đất và người], mà mỗi khi con người rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi tìm kế sinh nhai nơi xứ lạ, trong lòng vẫn luôn nhớ về nguồn cội. Văn hóa chính là hồn nước. Thí dụ: Trong lịch sử Trung Hoa, khi người Mãn Châu chiếm Trung Hoa lục địa, nhưng chính nền văn hóa Trung Hoa lại chiến thắng. Nhà Thanh phải dùng chữ Hán, tiếng Hán và người Hán để điều hành đất nước. Thí dụ nữa là: Bắc Việt Cs “giải phóng” Miền Nam Quốc Gia, nhưng văn hóa Miền Nam vẫn tồn tại, cho dù có đốt sách, bỏ tù văn nghệ sĩ hay xóa bỏ lịch sử.

     Làng xóm người Việt từ xa xưa đã có Hương Ước. Hương Ước được truyền từ Trung Hoa sang Việt Nam và vẫn giữ nguyên bản sắc. Hương Ước, nói chính xác hơn là “lệ làng”. Lệ làng [luật làng] tồn tại song song cùng luật pháp từ thời vua chúa. Hương ước đơn giản chỉ là: “Quy ước – Điều Lệ” nhằm gìn giữ - Thuần phong mỹ tục, tương thân, tương ái và chuyện Quan – Hôn – Tang – Tế, an ninh. Hương ước cũng như là một “Tòa Hòa Giải” cấp thấp - hòa giải mọi vấn đề của đời thường dựa trên tình làng nghĩa xóm - để cho xóm làng thân thuộc luôn an lành mà không nhất thiết phải đưa nhau ra tòa đại hình. Thí dụ: một người vi phạm lệ làng nhiều lần mà không cảm hóa được. Người đó sẽ bị đuổi ra khỏi làng mà phép vua không thể can thiệp.

     Hương ước và cái Đình (văn hóa cái đinh) có thể nói là - một hình thức – “Độc Lập, Tự Chủ” của làng thôn. Ngày xưa dưới chế độ quân chủ, phong kiến vua chúa không can thiệp quá sâu vào sinh hoạt của người dân. Do đó mới có câu “Phép vua thua lệ làng” là vậy. Một nhà nước mà đặt chức quan cai trị, tới – Từng tất đất, từng bữa ăn, từng bước đi, từng lời nói của người dân… Tất nhiên người dân sống không thoải mái, họ luôn luôn cảm thấy mình bị theo dõi, nghi ngờ cũng như sợ trả thù với một lý do vu vạ không căn cứ - dù có cãi vả hay đi kiện… cũng không tới đâu, lại tốn tiền! Francis Bacon. Triết gia người Anh có viết: “Trả thù là sự công bằng man rợ!”. Ngoài ra còn có quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận sẽ góp ý hay, ý tốt cho xã hội - thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội về mọi mặt của đời sống…  Một khi mất quyền tự do ngôn luận con người như bị mù lòa và mọi người trong xã hội nghi kỵ lẫn nhau… Khi đó, người dân họ im lặng...[im lặng đồng nghĩa với chống đối ngầm]. Tổng thống Hoa Kỳ Washington còn nói: “Khi con người mất quyền tự do ngôn luận thì cũng không khác gì một bầy cừu bị người ta dẫn tới lò sát sanh”! Một số nhà độc tài hay nhà nước độc tài thường cấm người dân quan tâm tới chính trị - mục đích của họ là bịt miệng người dân. Chính trị là hơi thở của cuộc sống hằng ngày. Ví von: Chính trị là cái chợ... Ở đó giá cả lên xuống mỗi ngày; giá cả lên xuống mỗi ngày đều có liên quan tới bữa cơm của từng gia đình. Không một ai có thể đứng ra lo dùm cho ai về chính trị. Phủ nhận vai trò chính trị của mình - không dám lên tiếng - là tự trói tay, bịt mắt để cho kẻ khác muốn dẫn đi đâu thì đi...! Người dân có thể chịu khổ cực thiếu ăn, thiếu mặc…, nhưng dứt khoác không thể thiếu hơi thở tự do. Và họ sẽ bỏ nước ra đi. Thế giới gọi là “Tỵ Nạn Văn Hóa Chính Trị”!

     Đất chẳng lành làm sao chim về đậu!

     Đất lành, chính là do yếu tố của con người, chứ không phải do đất màu mỡ hay khô cằn sỏi đá... Chim và người có đậu nổi hay không trên mảnh đất đó thì phải cần có một số đáp ứng nhất định - Đơn cử, là: Người dân được hưởng tất cả những quyền được ghi trong bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền” của Liên Hiệp Quốc. Ngoài ra cần có các điều kiện khác của xã hội đó như: Chính quyền chăm sóc người dân về “An Sinh Xã Hội” đầy đủ. Môi trường sống trong lành [cả nghĩa đen và nghĩa bóng]. Luật pháp, tòa án xử phạt công minh không ưu tiên cho một ai. Giáo dục và y tế miễn phí. Nhất là y tế phải có thuốc men đầy đủ. Bịnh viện, bác sĩ chăm sóc bịnh nhân không phân biệt người có tiền hay không có tiền. Đừng để người bịnh phải đi ra nước ngoài chữa bịnh… Người dân thực sự làm chủ đất nước của mình. Người dân không sợ chính quyền đàn áp hay tới chỗ công quyền phải “bôi trơn” lo lót phong bì mới được việc… Người dân ra đường không lo sợ bị cảnh sát giao thông vòi tiền hay bị đánh đập… Đi ra đường không sợ bị trộm cướp. Không bị tốn tiền cho các trạm “thu phí” khi di chuyển trên các quốc lộ. [đã là quốc lộ thì không “thu phí” vì người dân đã đóng thuế]. Nước sinh hoạt phải luôn trong sạch và không bị cúp vô cớ hay tăng giá vô tội vạ. Điện phải cung cấp đầy đủ và không cúp bất tử hoặc tăng giá vô tội vạ. Xăng dầu đáp ứng đầy đủ và cũng không thể tăng giá vô tội vạ. Phương tiện giao thông công cộng hợp lý và thuận tiện. Thực phẩm phải an toàn để bảo đảm sức khỏe cho mọi người. Tuyệt đối không làm hàng gian, hàng giả, thuốc giả để lừa gạt… Ngân hàng uy tín. Tiền tệ có giá trị. Thu thuế hợp lý. Cuối cùng là người với người đối xử với nhau công bằng, thân thiện trong tình thương yêu chứ không phải - e dè, kiêng kỵ và nghi ngờ lẫn nhau. Các nước theo hệ thống tư bản họ đã làm được từ rất lâu.

    Đất lành! Còn nhiều yếu tố nữa để có một miền đất lành. Không đất lành – dù chim hay người cũng không thể về đậu bởi lo sợ “mắc bẫy” nên đành phải bỏ xứ ra đi tỵ nạn ở nước ngoài. Hơn nửa thế kỷ trước. Từ 1954, một triệu người bỏ quê miền Bắc chạy vô Nam. Từ năm 1975 cũng hàng triệu người miền Nam vượt biên sang các nước tư bản và đã bỏ thây hàng trăm nghìn dưới biển, bị bọn hải tặc Thái lan cướp bọc hành hạ, hiếp dâm... Dù thống nhất đã lâu, người dân Việt vẫn luôn mơ một vùng đất lành cho mình và cho quê hương an lành...! Nhưng xem ra khó quá, đành chấp nhận ra đi – ra đi bằng bất cứ hình thức nào… Lấy chồng hờ với ngoại nhân, kết hôn giả với ngoại nhân, hay đi “chui” bất hợp pháp - đánh đổi cả mạng sống, để lại hàng đống nợ vay cho người thân! Người nghèo thì đi vay nợ để ra đi. Người có chút đỉnh tiền thì dành dụm thêm để ra đi. Người giàu có thì đưa con qua các nước tư bản du học và mua nhà ở lại. Người nghỉ hưu, người đương quyền vơ vét tiền của tham nhũng để ra đi, hoặc trốn ở lại mỗi khi đi công cán ở nước ngoài. Người quá nghèo thì ngồi một chỗ mà mơ ước…!  

     Một khi mạng sống con người bị xem thường, cộng với sự mưu sinh bấp bênh, bất an, thì lòng người cũng cảm thấy bấp bênh, bất an theo. Một khi lòng tham đã thống trị mọi mặt trong đời sống xã hội và đạo đức suy đồi thì không bao giờ có đất lành để cho chim đậu.

Trang Y Hạ. SF

    


    



2 nhận xét:

  1. Tác giả Hạ Trangy viết bài chính luận hay quá, hệ thống lập luận trình tự , bố cục chặt chẽ các minh chứng rất thuyết phục, cách dẫn nhập các luận điểm theo cách nghi vấn : Đất không lành sao chim có thể đậu, lôi cuốn người đọc khơi gợi sự tò mò, không dứt ra được phải theo dõi đến kết quả, lời giải thích cuối bài viết. Rất hay, khơi gợi nhận thức, tình cảm của người đọc.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn cô giáo Thu Hương cho nhận xét. Chúc cô Vui Khỏe!

    Trả lờiXóa