Thư viện

21/10/19

Về Ngang Qua Sài Gòn

Đường Tự Do Sai Gòn xưa


Về Ngang Qua Sài Gòn

Trang Y Hạ

Ta tha phương trước cảnh đời dâu bể
mang trong thân lắm chuyện không không
chẳng hận thù nên cần chi kể lể
vẫn hiên ngang vui vẻ trong lòng.

Ta ghé đường Bùi Chu mà nhớ về Phát Diệm
chừ đổi ra - Tôn Thất Tùng [*]
tâm hoài cổ - lang thang tìm kiếm mông lung
nhớ về - Chi Lăng
tướng giặc Liễu Thăng rơi đầu
nay còn đâu
người mới - Phan Đăng Lưu [*]
thuộc làu dòng sử lịch đã lâu
lần dò đi tìm Công Lý
công Lý chẳng thấy đâu
chỉ thấy Nam Kỳ Khởi Nghĩa [*]
nghe lòng buồn thấm thía
Cộng Hòa xưa một thuở với chợ Nancy
thành Nguyễn Văn Cừ [*]
ta lại ra đi
mắt ngân ngấn lệ
tìm dấu chân nàng một thời – Cường Để
ngẩn ngơ - Tôn Đức Thắng [*]
ta ngồi kể lể - kỷ niệm thuở học đường
Duy Tân, cây cao bóng mát – lòng vẫn tơ vương
chừ, Phạm Ngọc Thạch [*] lạ hoắc, lạ huơ
ta thầm đọc vài câu thơ
Chinh Phụ Ngâm – nhớ Đoàn Thị Điểm
nay là Trương Định [*] lòng bồi hồi
Đỗ Thành Nhơn chừ cũng xa xôi
Đoàn Văn Bơ [*] nhảy vô thế chỗ
ta cố đi tìm sự thật - kể ra có khổ
Thái Văn Lung [*] hất văng Đồn Đất
trời Sài Gòn tháng nầy mưa bay lất phất
ta bước đi như kẻ mộng du
quay về Đồng Khánh
Đồng Khánh mất tên bởi Trần Hưng Đạo B [*]
Trần Hưng Đạo A - ổng đi đâu - hề
ta chạy ngược ra Gia Long ngồi chờ nàng tan học
hóa ra - Lý Tự Trọng [*]
trong lòng ta nôn nóng
muốn thấy mặt Hiền Vương
Võ Thị Sáu [*] – đứng ngáng ở đầu đường
tư lự…
vội quay sang Hồng Thập Tự
lại gặp Nguyễn Thị Minh Khai [*]
chẳng lẽ đôi chân cứ miệt mài
tìm trong vô vọng
nhón chân ngong ngóng
thấy Huỳnh Quang Tiên [Sai Gòn]
nào dè chạm mặt - Hồ Hảo Hớn [*]
trong đầu lởn vởn
qua Đặng Văn Ngữ [*] [Gia Định]
lại đụng đầu Huỳnh Quang Tiên
đi mỏi chưn trong tâm cảm thấy ưu phiền
thôi trở qua [Gia Định] viếng Lăng Lê Văn Duyệt
mừng hết biết
gặp được Đinh Tiên Hoàng [*]
trở lại [Sai Gòn] trời nắng chang chang
thăm ông Lê Văn Duyệt
nhưng là Cách Mạng Tháng Tám [*] nổi lên
thủy triều dâng rác rến trôi bồng bềnh
thôi thì:
ghé vua Minh Mạng hỏi thăm chơi
không ngờ: Ngô Gia Tự [*]
vậy tìm ông ở đâu vậy hử
chạy ngược về [Phú Nhuận] hỏi Minh Mạng cũng hơi lâu
mới hay – Nguyễn Đình Chính [*]
tạt qua Ngô Tùng Châu - hóa ra Nguyễn Văn Đậu [*]
tạt qua Ngô Tùng Châu [Sai Gòn]
bất chợt thấy… Lê Thị Riêng [*]
nhớ Lục Vân Tiên đi tìm Nguyễn Đình Chiểu
chừ, Trần Quốc Toản [*] quả thiệt hoang mang
xưa: Nguyễn Hoàng – một thời đi mở nước
chín chúa, mười ba vua – không thể nào quên ơn được
chừ là Trần Phú [*] ta đứng mơ màng…
ngồi im lặng bên đàng
vòng qua [Gia Định] hỏi ông Nguyễn Huệ
công lớn - đại phá quân Thanh
Thích Quảng Đức [*] đã thay tên
thủy triều lại dâng - rác rến bồng bềnh
trời càng thêm nóng nực
không biết Nguyễn Huỳnh Đức - chừ ở đâu
ngước mắt lên mấy dãy lầu
thì ra, Huỳnh Văn Bánh [*]
trời trở mùa gió đông thêm lành lạnh
nhớ nàng ta đi tìm Nguyễn Minh Chiếu
chao ôi, không thể hiểu
Nguyễn Trọng Tuyển [*] xe cộ chạy không ngừng
Nguyễn Phi chừ là: Lê Anh Xuân [*]
dù xuân xưa chưa trở lại
Nguyễn Văn Học đường dài, hóa - Nơ Trang Long
thôi còn chi nữa mà mong
Nguyễn Văn Thinh nhường – Mạc Thị Bưởi [*]
Ngẫm ra cũng bớt đi tức tưởi
Nguyễn Văn Thoại vui cười với Lý Thường Kiệt [*]
nhớ ông – nhớ dòng dông Như Nguyệt
đánh tan giặc phương bắc chạy rong
Ôi thôi, Lê Hồng Phong [*] xua Petrus Ký
Không cần lời hoa mỹ
Lịch sử sang trang quả là hy hữu
Phan Đăng Hưng nhường Mai Thị Lưu [*]
Phan Đình Phùng đọc thơ Nguyễn Đình Chiểu [*]
kể ra cũng được đi
Phan Thanh Giản vị tiến sĩ miền Nam sử ghi
qua Pháp điều đình cho ba tỉnh miền Tây Nam Bộ […]
bất thành – chén thuốc độc quyên sinh
nay trở thành – Điện Biên Phủ [*]
trong lòng ta ấp ủ
Phan Văn Hùm hóa Nguyễn Thị Nghĩa [*] nàng ơi
ngồi nghe tiếng chuông Phát Diệm đổ liên hồi
té ra Trần Đình Xu [*] thay thế
cảnh đời dâu bể
Tạ Thu Thâu giờ là Lưu Văn Lang [*]
ta dừng chân đầu đàng
ngó về [Phú Nhuận], mây trời xanh xanh
Thái Lập Thành - nhường cho Phan Xích Long [*]
đầu óc ta lại tù mù
Thái Lập Thành [quận 1] là Đông Du [*]
Vua Thành Thái [bị đi đày] An Dương Vương [*] ngự trị
Thoại Ngọc Hầu khai hoang miền Tây
nay là Phạm Văn Hai [*]
lịch sử sao mà buồn như cánh diều đứt dây
ta tìm đường Thống nhất
chừ Lê Duẩn [*] đứng tên
buồn tênh hàng cây hai bên đường
về quận năm thăm Tổng Đốc Phương
tên mới Châu Văn Liêm [*] – quả là phân vân
Tôn Thọ Tường [gia định] là Phan Văn Hân [*]
Trần Hoàng Quân - Nguyễn Chí Thanh [*] canh giữ
Trần Quốc Toản oai danh sách sử
cũng đổi rồi - 3 tháng 2 [*]
Trần Quý Cáp hai bên đường lá vàng bay
là Võ Văn Tần [*]
Triệu Đà nhường cho Ngô Quyền [*]
đã bao lần đánh tan quân phương bắc
ngọn đèn đường hiu hắt
Trịnh Minh Thế bỏ tên lấy Nguyễn Tất Thành [*]
tên tuổi tiền nhân cũng mong manh
Trương Công Định lại rồi Trương Định [*]
nàng ơi – mấy ngày qua ta tìm hiểu
Trương Tấn Bửu ghi Trần Huy Liệu [*]
ta không rõ
Trương Minh Ký là Nguyễn Văn Trỗi và Lê Văn Sỹ [*]
chuyện ly kỳ
Trương Minh Giảng cũng Lê Văn Sĩ – Trần Quốc Thảo [*]
trong đầu ta điên đảo
Tự Đức nhường ngôi cho Nguyễn Văn Thủ [*]
Ta phấn khởi đi tìm đường Tự Do
hóa ra Đồng Khởi [*]
mỏi chưn, ta nghỉ ngơi
chạy về Võ Di Nguy [Phú nhuận]
chừ hai ngã: Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm [*]
lòng lo lắng biết nhà nàng ở đâu
bởi Võ Di Nguy [Sai gòn] là Hồ Tùng Mậu [*]
ôi thôi lại nhứt đầu – hết muốn đi thăm thú
Võ Tánh [Phú nhuận] - Hoàng Văn Thụ [*]
từ phương xa trở về quả là ái ngại
Võ Tánh [Sai gòn] một phần là Nguyễn Trãi [*]
Cống Quỳnh
Nguyễn Hậu - bên hông Bưu Điện Sai Gon
hóa ra Nguyễn Văn Bình [*]

Ta lang thang một mình
Tên đường càng ngày càng thay đổi
Thân già rồi - không thể tìm hiểu nỗi
chỉ biết "sưu tầm" bấy nhiêu thôi.

Trang Y Hạ
Sai Gòn, 2012.


 [*] Tên đường mới đặt sau 1975
 [...] Ba tỉnh miền Tây thời Phan Thanh Giản đi sứ
là: Vĩnh Long - An Giang - Hà Tiên


Trong "The of Reason" của triết gia Tây Ban Nha (George Santanaya) cuối thế kỷ 19, có nói:

- "Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xãy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử".



 Lớp dạy tiếng Anh Sai Gòn xưa


































2 nhận xét:

  1. Tôi đọc bài thơ của tác giả Hạ Trangy, gấp lại trang thơ rồi sao vẫn thấy lòng thật là buồn, thay mới tên đường, muốn xóa sạch dấu tích của chế độ VNCH nhưng không thể xóa được hết ký ức của người dân, cũng không xóa được hồn thiêng sông núi, tấc lòng thành chân chất của con người Sài Gòn xưa
    quay về Đồng Khánh
    Đồng Khánh mất tên bởi Trần Hưng Đạo B [*]
    Trần Hưng Đạo A - ổng đi đâu - hề
    ta chạy ngược ra Gia Long ngồi chờ nàng tan học
    hóa ra - Lý Tự Trọng [*]
    trong lòng ta nôn nóng
    muốn thấy mặt Hiền Vương
    Võ Thị Sáu [*] – đứng ngáng ở đầu đường
    tư lự…
    Lớp con cháu của chúng ta sẽ không bao giờ biết những tên đường phố Sài Gòn trong quá khứ, cảm ơn tác giả đã lưu lại bằng ký ức gần như là tất cả tên đường phố Sài Gòn trước 1975, bài thơ mang tính so sánh, đối chiếu tên đường cũ- mới với số lượng đến trăm nhưng không đơn điệu hoặc gây nhàm chán bởi sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, và tác giả chen vào cảm nhận, tình cảm trong bài thơ. Man mác một tình yêu với quê hương, một nỗi niềm hoài cổ, nuối tiếc,...lan tỏa dư âm của văn hóa người Sài Gòn xưa. ❤

    Trả lờiXóa
  2. Chân thành cảm nhận cô giáo Thu Hương. Chúc cô trẻ khỏe!

    Trả lờiXóa