Thư viện

15/12/19

SÓNG SAU XÔ SÓNG TRƯỚC




SÓNG SAU XÔ SÓNG TRƯỚC

Trang Y Hạ

Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng
Trần thế kim nhân quán cổ nhân”.

Buổi sáng mùa đông, trời San Francisco khá lạnh, nghe đâu xuống tới khoảng... ba bốn độ C. Tuy biết rằng lạnh nhưng do thói quen hay chạy bộ lúp xúp ra biển nên không muốn ngồi ở nhà. Tôi choàng thêm cái áo ấm, mở cửa bước ra, đường vắng tanh không một bóng người. Xe hơi nằm hai bên lề đường chìm trong màn sương... Tôi chạy được vài trăm thước, sương gieo nặng hột đành phải quay về, nhìn không thấy ngôi nhà, cảnh vật chìm trong một màu trắng lờ mờ.

Chuông điện thoại reo lên…! Ở ngoài lạnh tê tay không thể cầm phôn. Chừ đọc tin nhắn: “Ngày đó…, tháng đó… Anh nhớ xuống em nha. Ngày đó, là sinh nhựt của thằng em đó”. Trời!… Chú em cà lăm dữ vậy ta. Nhắn tin có mấy chữ mà xài tới bốn chữ “đó”! Tuy rằng là em nuôi nhưng chẳng khác gì em ruột - bởi cùng họ, cùng quê, cùng tôn giáo.

Vợ chồng chú em đón tiếp tôi rất niềm nỡ… Tôi nhìn quanh chỉ thấy có vài ba bàn! Chú em biết ý nên vội vàng phân bua: - Anh đừng ngạc nhiên… Sinh nhựt của em năm nào em cũng đãi đơn sơ tại tư thất. Năm trước em có mời anh nhưng anh bận công việc.

Mọi người có mặt, họ ăn mặc chỉnh tề, lịch sự… Tôi thấy một người phụ nữ xinh xinh ngồi kế bên một anh chàng có râu quai nón, đầu cạo trọc trông họ rất tình tứ… Tôi nghĩ họ là vợ chồng. Trên bàn chưa có món ăn nào, nhưng các bạn trẻ đã khui bia “Heineken” ra cụng…!

Chú em giới thiệu:

- Các bạn ơi! - Đây là ông anh nuôi của tôi. Ổng ở San Francisco. Ổng là thi, văn sĩ.

Nghe chủ nhà giới thiệu… Tất cả quay sang phía tôi và vồn vã bắt tay chào hỏi…! Tôi thấy họ có vẻ ngạc nhiên…! (Từ San Francisco xuống chắc phải là rất thân tình lắm với chủ nhà, chứ có ai đâu vượt hàng mấy trăm dặm đi dự sinh nhật?). Tôi nghĩ họ nghĩ vậy. Anh chàng có bộ râu quai nón, đầu trọc. Tên là Anthony, vẫn tỉnh queo nói chuyện với cô vợ cho tới khi thấy mọi người bắt tay tôi xong, anh chàng mới quay lại bắt tay tôi, nói:

- Thưa chú, tôi sinh ra tại Hoa Kỳ, nói viết tiếng Việt không mạch lạc, tuy chưa đọc thơ cũng đã đoán biết chú viết những gì rồi, (thi sĩ là phải làm thơ tình, không làm thơ tình thì không phải thi sĩ). Tuy nhiên, thơ có hay hay không lại là một chuyện khác. Tác phẩm thơ có bán chạy hay không lại là một chuyện khác nữa).

Tôi cảm động những lời phê bình về thơ rất thẳng thắn, và có tinh thần xây dựng... (Người em, sợ tôi buồn lấy chân đè lên chân của tôi). Lời phê bình đó chưa chắc ai cũng có đủ can đảm để nói ra, vì đó là vấn đề tế nhị, và bởi ngại đụng chạm nên mọi người xưa nay làm thinh cho qua chuyện. Làm thinh bởi vì ai cũng hiểu rõ câu “Vợ người thì đẹp, thơ mình thì hay”. Đề tài văn thơ thì mênh mông, mỗi tác giả diễn tả trong tác phẩm tùy theo kinh nghiệm đã tích lũy được từ trong cuộc sống miễn là viết đúng văn phạm, viết đúng chánh tả, đừng xài các thứ chữ quái đản, dị hợm, lộn xộn, vô nghĩa, khó hiểu - nhất là viết sai văn phạm, viết sai mạo từ...!

Đừng nghĩ rằng thi sĩ thì có quyền tạo ra những thứ chữ vô nghĩa, tối nghĩa mà cho đó là ngôn ngữ riêng của thơ. Con diều xinh đẹp bay lượn trong gió chiều vẫn còn mắc nợ sợi dây. Thi sĩ dù có mộng mơ, mộng tưởng trên mây cũng không thoát khỏi hiện thực đó là cơm áo gạo tiền.

Người em nuôi nói vài lời phi lộ, rằng: Cảm ơn các bạn hiện diện, các bạn phát biểu ý kiến về văn thơ, chính trị, lịch sử, âm nhạc... và hát giúp vui, hãy hát nhạc Việt cho ấm lòng! Mọi người chúc mừng xong là những câu chuyện được nối tiếp.

Người em hỏi người có tên Anthony:
- Em trai cho vài nhận xét về thơ, và các bạn đưa ra nhiều đề tài để bàn luận cho vui... (hình như em nuôi của tôi khai mào về đề tài văn thơ cho tôi đỡ lẻ loi).

Anh chàng có râu quai nón Anthony, nói:

- Cha tôi đem về nhiều tập thơ tình. Tôi có đọc nhưng xem ra chẳng có gì sáng tạo. Tập thơ tình nào khi tôi đọc nội dung cũng na ná cùng một kiểu cách như nhau. Học giả Harold Bloom, phê bình gia người Hoa Kỳ, quan niệm rằng: "Thơ chỉ là những ứng đối lập luận của các nhà thơ với nhau, của người làm thơ thời sau trả lời với người làm thơ thời trước có thơ hay và nổi tiếng hơn". Học giả Harold Bloom đã nói trắng, nói thẳng ra là người thời sau phải có Thơ Hay Hơn Người Đi Trước. Nhưng cho dù thơ không hay hơn người đi trước, thì ít ra ở trong thơ cũng phái có văn chương, có hồn thơ ở trong tác phẩm.

Tác giả làm thơ, viết văn thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện nay không thể mưu sinh được bằng ngòi mà phải tự bỏ tiền ra để in và tự quảng cáo, (dù có rao bán) sách khắp mọi nơi cũng không lấy lại đủ số vốn! Tác giả nào không đủ tiền in thơ, đành cho thơ lên mạng xã hội… Người trên mạng xã hội cũng rất dễ dãi, (dễ dãi vì không đủ thời gian để đọc). Bình luận sơ sài cùng một “kiểu” như nhau: - “Thơ hay lắm, Thơ có hồn, Thơ rung động, Thơ lừng danh, Đệ nhất thi sĩ, Thơ và hình đẹp lắm”. Đôi khi “người trên mạng” lại hùa theo số đông (ai sao tui dzậy) hoặc vì bạn hữu thân thiết mà khen lấy khen để khỏi bị mất lòng chứ chưa chắc đã đọc thơ!

Điều thú vị là (có vài người) háo danh bỏ tiền ra thuê mướn người khác làm thơ để có thơ với đời. Từ đó mới có “phong trào” - người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, và xã, huyện, tỉnh thi đua mở “câu lạc bộ thơ” tràn lan khắp cả nước. Thơ “nở rộ” vậy mà chẳng có lấy một thi phẩm nổi tiếng thế giới như Truyện Kiều của thi sĩ Nguyễn Du. Thi sĩ Đời Đường, ông Trần Tử Ngang (661 – 702), viết: “Làm thơ là để gởi tấm lòng vô thiên cổ chứ không phải lưu danh nhất thời”. Phải có (cái gì) đó (...) để gởi vô thiên cổ chứ?

Anh bạn trẻ dừng nói vài ba giây uống bia rồi nói:

- Một nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp (gốc Việt) có nhiều tác phẩm trứ danh. Cô văn sĩ giới thiệu cuốn sách mới in viết bằng Tiếng Pháp. Trong một bữa dạ tiệc cô có ký tặng cho một số người... Bữa tiệc tan, tất cả ra về (bỏ quên) cuốn sách!

Tất cả vỗ tay tán thưởng…!

Tôi rất khâm phục và biết ơn anh bạn trẻ!

Cô nàng (vợ của anh chàng có râu quai nón với cái đầu trọc) - Cô tự giới thiệu tên: Jennifer - cô ăn nói lịch thiệp, nhã nhặn pha chút hoạt kê, Cô nói:

- Chồng tôi nói là nói “dzậy” chứ không phải dzậy đâu nha! Thuở xưa ảnh yêu tôi, ảnh cũng quăng cho tôi hai bài thơ, sau ngày cưới ảnh mới giải thích: “Hai bài thơ đó là tả hai con két. Con két màu xanh lục hót nhiều nhưng hót dễ nghe, dễ thương! Con két màu tím than là con két đã già, hót khó nghe!”. Mọi người hiểu ý vỗ tay cười, rần… rần…!

Một anh bạn trẻ khác cầm chai bia xoay qua cụng với tôi rồi góp ý, nói:

- Tôi đọc sách mới hiểu người khai sinh nền Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa là ông Ngô Đình Diệm. Chính phủ của ông chỉ tồn tại chín năm, nhưng trong chín năm ngắn ngủi đó là những năm thanh bình và phát triển. Đọc sách mới biết có nhiều người “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Đó là những - ông sư, bà ni cô, ông linh mục, sinh viên, trí thức, ký giả, tướng tá, đảng phái đối lập thuộc thành phần thứ ba đã gián tiếp, trực tiếp giết ông Diệm. Tất cả họ và con cháu của họ sau ngày 30.4.1975 cũng vượt biên qua Hoa Kỳ và họ lại tiếp tục viết sách, viết hồi ký tự tâng bốc, chạy tội.

Mọi người lắng nghe. Anh bạn trẻ nói tiếp:

- Họ hăng say phê phán “công, tội” của ông Diệm”! Thử hỏi: Tội gì chứ...?! Một người nhận trách nhiệm đứng ra lập quốc với hai bàn tay trắng. Tình trạng đất nước rối ren, đời sống người dân còn lạc hậu! Giết chết vị lãnh tụ công chính đã gắn lon, phong chức cho chính mình; giết chết người đã xây ngôi nhà để có chỗ trú mưa, trú nắng. Hành động đó là một hành động vô ơn, một hành động phản chủ, một hành động phản bội tổ quốc.

Còn về thơ văn, sáng tác thì tôi xin có vài lời:

Thơ là hơi thở của cuộc sống, thiếu thơ con người sẽ mất chỗ dựa để giải bày với bản thân, với thiên nhiên, với con người, và với lịch sử... Thơ gắn liền cuộc sống như vậy nên thơ cũng phải trải qua bao thăng trầm bởi nhiều nguyên do. Từ đó dòng thơ mỗi thời, mỗi thế hệ đều có khác biệt. Ngày nay là thời đại công nghệ kỹ thuật “internet”, chỉ mở máy ra là đã nghe: - giọng nói, thấy hình ảnh người (yêu, thương) từ khắp năm châu bốn bể... Hẹn hò thư từ qua lại bằng: - “email, tin nhắn” quá dễ dàng, cộng với đủ các loại phương tiện đi lại... Thời đại công nghệ, nhịp sống của từng con người, xã hội - vội vã, hối hả, gấp gáp, thực tế, thực dụng - thời gian là vàng, là ngọc - không thể ngồi đó mà làm thơ - than thân trách phận, hờn giận cuộc đời, không dám dấn thân và cầu tiến.

Tại sao lớp trẻ chúng tôi ngày nay ít đọc thơ, thậm chí không thèm ngó ngàng tới thơ! Lý do là, Thơ: “CẢI CÁCH, BIẾN THỂ VÔ TRẬT TỰ”, Ngôn ngữ thơ: Sơ sài, Đơn giản, Đơn Điệu, Trần trụi. Nội dung nói mông lung, không chủ đích, tệ hơn nữa lại xài thứ chữ “Thơ” Quái đản, dị hợm”. Thí dụ, như: "Con nhang, Con tuổi, Con facebook, Con chữ, Con học sinh, Con nhà, Con Xe, Con sân khấu, Con iphone, Con đặc sản...". “Cái mèo, cái chó...Viết ngược Mạo Từ (Cái - Con). Câu văn, Câu thơ, Câu hát, Câu ca, Câu Ca dao, Câu hò, Câu vè…, thì gom chung lại nói "Câu chữ"... ". Thỉnh thoảng thì viết “Thi thoảng”. (Chữ thi trong tiếng Hán có âm khác là xác chết, "cương thi"). Mệt mỏi, chán nản, buồn chán, thì nói “Hoang hoải”. Qua lại, trao đổi thì nói “Tương tác”. Đường hai chiều (ngược, xuôi), thì nói đường “Song hành”. Đánh người thì nói “Tác động vật lý”. Tình hình, tình trạng căng thẳng, biến động thì nói “Biến căng”… Dùng chữ “Hán Việt & Hán Nôm” lộn xộn… Rồi, nào là: Cá thể: - trâu, bò, heo, gà, vịt, ngỗng...". Hai người thì nói "Cặp đôi"; Hay hơn nữa, còn nói: “Nam cá nhân”, “Nữ cá nhân”. Đi hớt tóc thì nói đi “Cắt quả, Quả đầu đẹp”… Hột vịt lộn, thì nói "Quả vịt lộn". Tất cả chữ đó không nằm trong Tự Điển Tiếng Việt & Hán Việt.

Chẳng Lẽ Sửa Lại Lời Nhạc? Nhạc phẩm "Để Trả Lời Một Câu Hỏi" của Nhạc sĩ (Trúc Phương), có câu: "Từ bàn tay tiên nắn nót từng nét gửi cho anh, để anh vui bước đường quân hành...". (Nét có nghĩa là “nét chữ”. Không lẽ sửa lại (nét) là “CON” gửi cho anh. Nhạc phẩm "Tình Thư Của Lính"của Nhạc sĩ (Trần Thiện Thanh) có câu: "Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay...". Chẳng lẽ sửa lại "CON CHỮ" không ngay?! Đó là Ngược ngữ, Ngọng ngữ, Ngông ngữ, Ngu ngữ. Thậm chí loạn ngữ. Có còn Tiếng Việt thì quốc gia mới còn”!

Từ lâu: “Phép ẩn dụ luôn luôn được thêu dệt và lồng ghép chằng chịt ở trong tấm thảm nhung tuyệt đẹp của ngôn ngữ. Do đó, mà nếu không có phép ẩn dụ thì văn chương thi phú chẳng qua cũng chỉ là một miếng vải thô kệch, bạc màu rách nát.”. (Trần Phước Hân).

Thời đại khoa học kỹ thuật, quan niệm tình yêu và hôn nhân rất tự do, cởi mở, chứ không khắt khe như ngày xưa... Vả lại, thơ “SẢN XUẤT” ra tràn lan tới độ thừa mứa... Trong khi đó đời sống hiện tại, từ: chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế... - Sa đọa, lụn bại, bất công, nghèo đói, tỵ nạn, thiên tai - chủ quyền, đất đai, danh dự quốc gia bị kẻ khác xâm lấn, coi thường, thì “Thơ” KHÔNG nhắc tới, sợ hãi không dám nhắc tới.

Các thi hào, thi bá cứ xài thứ chữ quái đản, dị hợm đó thì không bao lâu nữa tiếng Việt của chúng ta sẽ phát âm giống theo giọng nói của người Hoa. Quy ước ngôn ngữ vốn đã có từ lâu, phản đối, phản kháng lại ngôn ngữ Hàn Lâm mà quần chúng đã công nhận Quốc Ngữ, đó là một hành vi chính trị độc tài, sa đọa, giả dối và áp đặt.

Đất nước bị diệt vong còn có thể phục hưng, văn hóa (chữ viết) bị tiêu huỷ thì tất cả bị tiêu diệt và nô lệ”. (Tổng Thống Đài Loan, Tưởng Giới Thạch), ông đã nói như vậy.

Văn sĩ người Nga, tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ. Aleksander Solzhenitsyn (1918 - 2008), nói: - Văn thơ không phả hơi thở của xã hội đường thời, không dám nói lên nỗi đau và sợ hãi của xã hội đó, không cảnh tỉnh kịp thời những mối nguy hại đe dọa đạo đức và xã hội - thứ văn chương đó không xứng đáng với cái tên của văn chương; nó chỉ có cái mã ngoài. Thứ văn chương đó đánh mất lòng tin của nhân dân, và những tác phẩm của nó được phát hành bị dùng như giấy lộn thay vì được đọc.”.

Các bạn trẻ vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình!

Tôi ngồi lắng nghe mà trong lòng dậy lên một niềm vui, và biết ơn... Nhưng than ôi! Chữ nghĩa, nguồn cội lịch sử đã không còn nguyên vẹn! Phe “chiến thắng” viết lịch sử theo quan điểm của kẻ chiến thắng, bên “thất bại” thì (một số người) theo cách “giậu đổ bìm leo”. Chúng ta đã thừa biết báo chí truyền thông Mỹ trong thời chiến tranh đã đối xử rất bất lương với quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam), thì đi tìm sự thật không phải dễ.

Đã lâu không nghe tiếng súng, nhưng tiếng súng vẫn nổ chát chúa vô dòng lịch sử . Bởi kẻ thì muốn nhớ; bởi kẻ thì muốn quên; bởi kẻ thì muốn xóa nhòa; bởi kẻ thì trung dung kiểu ba phải!

Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục. Tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Thi sĩ: (Gamzatov, thuộc quốc gia Daghestan).

Một bạn trẻ nói tiếp:

- Tôi lớn lên mới biết là công dân của “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ”. Tôi đọc truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, có một nhân vật “Cẩu Tạp Chủng” và ở Mỹ chẳng có khái niệm “đồng bào - tổ quốc” nhưng cho dù nếu có là tạp chủng người dân Hoa Kỳ vẫn luôn gắn bó cùng nhau như đồng bào để đưa đất nước của họ giàu mạnh đứng đầu thế giới về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật...

Tôi lại nghe một cô nữa, nói:

- Tại sao chúng ta sinh ở Hoa Kỳ? Trong khi Miền Nam Tự Do Nhân Bản của cha ông chúng ta thì người Mỹ “bỏ rơi” trong cuộc chiến hai mươi năm kể cả Cam-pốt và Lào? Ai biết trả lời cho?

Không ai lên tiếng. Người bạn trẻ đó nói tiếp:

- Tôi tìm đọc và biết: - Sau đệ nhị thế chiến, Mỹ tái thiết Châu Âu, Nhật Bản, bằng: Chương trình Marshalls với số tiền lên tới 173 tỷ mỹ kim, xây dựng quốc phòng Do Thái. Để tránh bị các quốc gia cộng sản phá hoại. Hoa kỳ bày chiến lược “be bờ” ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Và với chủ trương: “Quân đội Mỹ được đánh nhưng không được thắng”. Và rồi, năm 1971 từ Pakistan, ông Kissinger qua Tàu cộng bàn chuyện bán miền Nam, đồng thời đi đêm với đại sứ Liên xô (Dobrymin) nhằm bán đứng miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, loại Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc. Theo yêu cầu của Tàu cộng, Mỹ viện trợ máy sản xuất phân bón vô cơ, giúp nền nông nghiệp Tàu cộng phát triển. Mỹ còn trang bị thêm các loại máy móc để theo dõi Liên Xô. Và kết cục là “Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu -Liên Xô” sụp đổ.

Mọi người vỗ tay tán thưởng!

Có ai đó cất tiếng hát thật trong trẻo, thì ra là cô nàng Jennifer vợ của anh chàng có râu với cái đầu trọc.

Đồ Bàn miền Trung, đường về đâỵ máu như loang thắm chưa phai dấu, sương trắng sâu vùi khi hờn căm... khó tan. / Kìa ngoài trùng dương, đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng, xa xa tấp! / Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga…”.

Mọi người đều vỗ tay hát theo, (hình như cô ta như muốn nhắc nhở rằng chúng ta bây giờ cũng chẳng khác gì người Chiêm Thành đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới từ mấy trăm năm trước).

Một tiếng nói nữa, phát biểu:

- Chúng ta sinh tại Mỹ, là người Mỹ chính tông chứ chẳng còn là “gốc Việt”. Chúng ta và con cháu chúng ta có hình dung ra nổi một quê hương Việt Nam như thế nào đâu mà gốc với không gốc? Theo lịch sử, dân tộc Việt sinh ra từ bà mẹ (Âu Cơ), và cha là (Lạc Long Quân), y học ngày nay gọi đó là: “quái thai”. Một nửa theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng để rồi thù hận triền miên từ mấy ngàn năm qua. Đọc truyện “Sơn Tinh Thủy Tinh” đã nói lên điều đó. Dân Việt mang họ (Lạc), nên cứ mãi trôi nổi khắp bốn phương trời. (Đồng bào mà không đồng lòng!).

Tất cả mọi người vỗ tay!

Lại có một cô nàng xin góp ý. Cô nói rằng:

- Tôi biết, giáo dục của miền Nam tự do ngày xưa là miễn đóng học phí, sách giáo khoa không cần phải mua mỗi năm. Sách lớp trước để dành lại cho lớp sau học tiếp tục. Triết lý giáo dục của miền Nam tự do, là: - Dân tộc “Nationalistis”, Dân tộc, là: yêu tổ quốc, bảo vệ danh dự tổ quốc và truyền thống xã hội, gia đình, nghề nghiệp… Nhân bản “Humanistic”, Nhân bản là: tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy con người làm cứu cánh để phát triển và phải có trách nhiệm. Khai phóng “Liberlis”, Khai phóng là: khai triển giá trị khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội. Tiếp thu tinh hoa văn hóa kỹ nghệ thế giới.

Cô ấy nói tiếp:

- Tôi thương (một số) các anh chị đã chứng kiến cảnh cha mình bị bắt đi tù “cải tạo”. Mẹ mình một thân một gánh làm lụng nuôi con, các anh chị thất học và dù có đi học vẫn bị phân biệt. May mắn được qua Mỹ định cư, các anh chị là chứng nhân lịch sử; các anh chị nếu có viết sử, đó mới là Chính Sử. Chính sử chẳng qua là nói ra sự thật. Lời trên tấm bia khắc ghi ở bức tượng bên Ấn Độ của thánh Mahatma Gandhi có câu:

Hãy Tin Ở Sự Thật, Nghĩ Về Sự Thật Và Sống Với Sự Thật”.

Mọi người vỗ tay.

Tôi chậm chạp uống bia một mình. Chú em đi đâu mất tiêu!? Tôi cảm thấy lạc lỏng bơ vơ giữa lớp trẻ trí thức và biết nhận thức về cội nguồn.

Cô nàng lại nói tiếp:

- Miền Nam Tự Do (chết) qua cái “Hiệp định Hòa Bình (Nghĩa Địa) Paris năm 1973”. Chết chính là sự sống, bởi “QUÁ KHỨ ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI”. Miền Nam có: “Tự Do Tư Tưởng” của Voltaire - Có: Tam Quyền Phân Lập” của Montesquieu - Có: “Khế Ước Xã Hội” của Jean Jacques Rousseau - Có: “Quyền Tự Do Cá Nhân” của John Locke. Và có “Kinh tế Thị Trường Tư Bản Tự Do” của Hoa Kỳ.

Ông Lý Quang Diệu nói tại Hà Nội, rằng: “Các anh hãy học cách làm kinh tế của người Miền Nam Việt Nam chứ không cần phải học ở đâu cho xa”. Quả thật “Không sở hữu tư nhân con người không thể kiếm sống và trở thành nô lệ; cả xã hội đều là nô lệ; đánh mất quyền tự do dân chú”. Ngày nay, một số các quốc gia ghi danh xin vô (WTO) viết tắt: “World Trade Organization”. Tổ chức thương mại thế giới do Mỹ chủ xướng trong đó Việt Nam cộng sản đã gia nhập. Chủ nghĩa tư bản tuy không hoàn hảo nhưng đó là chủ nghĩa tuyệt vời nhứt mà các quốc gia đang đi theo. Tinh thần miền Nam tự do và tư hữu vẫn còn đó - dù cho hiện nay kẻ “chiến thắng” đã tốn rất nhiều tiền thuế của dân để thuê “một nhóm người” hằng ngày hung hăng chửi bới “Cái Xác Chết Việt Nam Cộng Hòa” bằng lời lẽ rất là tục tiểu... Tôi mong các bạn sẽ làm phong phú thêm!

Tất cả vỗ tay tán thưởng!
Lại có thêm một giọng ca nữ:

Lạy mẹ con đi, ôm ấp linh hồn Việt Nam / Lạy mẹ con đi, nối theo chí hùng ngàn năm / Vắng con mẹ buồn là bởi ý khiên khơi nguồn. / Nhưng còn gì hơn, tình nước vướng trong tình con.

Hát xong, cô ấy nói:

- Nền Tân Nhạc của miền Nam bị “phe chiến thắng” cho là “nhạc ủy mỵ, nhạc đồi trụy, nhạc phản động”. Tác giả âm nhạc, văn chương, thơ, kịch… thì bị quy cho cái tội, “bọn biệt kích văn nghệ phản động” bắt đi tù “cải tạo”. Vụ án lừng danh: “Toán Xồm - Lộc Vàng”. Toán Xồm, tức là ông (Phan Thắng Toán). Họ quy tội: “Ông Toán chủ mưu với các đồng phạm là nghệ sĩ tài tử, đi tìm kiếm các tác phẩm Văn Nghệ Đồi Trụy”. Phiên tòa xử vào tháng một, năm một ngàn chín trăm bảy mươi mốt (1.1971). Tòa án tuyên phạt hai ông mỗi người mười [10] năm tù và mười lăm [15] năm tù”. (Theo: Báo Hà Nội Mới). Khi hai ông “Toán Xồm - Lộc Vàng” mãn hạn tù. Một người còn sống. Một người sống vô gia cư và chết ở ngoài đường phố.

Chính từ thứ nhạc phẩm “đồi trụy, phản động” đó đã làm nên tên tuổi lừng lẫy của rất nhiều ca sĩ, là (con cháu của phe chiến thắng), đồng thời họ tự phong là: “Ông hoàng nhạc việt” ; “Bà hoàng bolero”; “Tiến sĩ Bolero”; “Sầu nữ Bolero”. Họ rất giàu có. Đài truyền hình “phe chiến thắng” lâu nay đua nhau tổ chức các cuộc thi hát hoặc tuyển chọn ca sĩ mà họ gọi chung là “Thi hát nhạc Bolero”. Trong âm nhạc có rất nhiều điệu nhạc: (Bolero, Tango, Cha Cha Cha, Rumba, Lambada, Slow, Vale…). Ăn quả “QUÊN” nhớ kẻ trồng cây lại còn chửi ngược rằng các ca sĩ miền Nam Việt Nam Cộng Hòa là thất học, nhờ truyền thông mà nổi tiếng.

Tôi nhìn chung quanh, thấy mọi người tạm ngưng ăn uống để chăm chú lắng nghe. Tiếng vỗ tay tán thưởng rất nhiệt tình, có vài bạn “mượn hoa dâng Phật”, lấy vài cành hoa nhỏ trên bàn chạy tới tặng cho cô “ca sĩ”!

Chú em của tôi nãy giờ chạy lăn xăn, bây giờ mới lên tiếng rằng:

- Tôi một mình theo ghe ngư phủ tới Hồng Kong năm 1979, (năm 1979 là năm Trung cộng xua quân đánh Việt Nam, dạy cho Việt Nam một bài học), lúc đó tôi mới được mười lăm tuổi. Ở trại tạm cư không khác chi ở tù “cải tạo” bởi chung quanh trại tạm cư là hàng rào kẽm gai. Tôi nghe người dân miền Bắc tỵ nạn chung với tôi, trả lời nhân viên Liên Hiệp Quốc tới phỏng vấn với nội dung rằng: Họ chưa bao giờ tiếp xúc với nền văn minh tư bản như người miền Nam, nhưng trong lòng họ tin tưởng ở các nước tư bản. Họ tin là họ sẽ tìm được một cuộc sống, tự do, hạnh phúc nơi xứ tư bản. Và họ còn nói rất nhiều...!

Chú em, nói tiếp:

- Chế độ tự do tư hữu miền Nam chết năm 1975, thì năm 1976 “Mặt trận giải phóng miền Nam” cũng bị xóa số. Ông bộ trưởng tư pháp của mặt trận giải phóng miền Nam vượt biên chạy qua Nam Dương, rồi qua Pháp viết cuốn hồi ký bằng tiếp Pháp với cái tựa: “Tôi Là Thằng Việt Cộng”. Và rồi các nước cộng sản (Đông Âu, Liên Xô) cũng tiêu vong.

Một giọng hát nữa đã cất lên:

Gặp nhau đây rồi chia tay / Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây / Niềm hăng say còn chưa phai / Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy...”

Lớp trẻ trình bày quan điểm trong suốt bữa tiệc. Tôi không có ý kiến vì tôi là một kẻ “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí”. Nghĩa là: (Tướng thất trận thì không nên nói mạnh. Quan để mất nước thì đừng có nói khôn). Tôi đứng lên âm thầm hát theo lớp con cháu “Còn trong ta, tình bao la / cuộc tình tươi thắm bừng lên muôn ước mơ…!

Chiếc bánh sinh nhựt được cắt ra chia cho mỗi người...! Bữa tiệc sinh nhựt đã xong! Mọi người đứng dậy gom chai bia bỏ vô thùng nhựa tái chế, chén bác đĩa bằng giấy thì túm gom bỏ vô thùng rác. Sau cùng là lau chùi bàn ghế sạch sẽ xếp lại gon gàng trả lại sự bằng an cho gia chủ.

Bữa sinh nhựt thật tuyệt vời và đầy ý nghĩa.

Trang Y Hạ
Mùa xuân, San Francisco.




Năm 1927, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Chủ bút báo Tiếng Dân viết: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét