Thư viện

26/1/20

Mồng Ba Tết Thầy

Cúi xuống trước người truyền chữ là nâng mình lên

Mồng Ba Tết Thầy

Trang Y Hạ

     Tôi nhớ lúc còn bé, mỗi khi tới ngày tết, cha tôi hay dẫn tôi tới chúc tết ông Giáo làng; (ông Giáo làng dạy tôi và các bạn của tôi ở trong làng) - nếu tính ra thì ông Giáo làng cũng là bà con xa gần của giòng tộc chứ không phải ai xa lạ. Vậy mà ngày mồng ba tết nghe cha tôi nói: – Sáng nay con theo cha đi chúc tết tại nhà ông giáo... Nghe nói tới nhà ông giáo là hai đầu gối của tôi run gần như quỵ xuống! Sợ…, nhưng vẫn phải đi mới đáng sợ chứ! Tôi ôm một gói nhỏ, không biết thứ chi ở trong đó – lững thững bước theo phía sau cha… Tôi nói thiệt, sở dĩ tôi sợ là có nguyên do… Tôi là một thằng thuộc loại nghịch tặc có số, có má trong đám thằng nghịch tặc. Thường hay rủ rê quậy phá trong giờ ra chơi…! Một hôm tôi làm hư ổ khóa lớp học. Ông giáo “thương cho roi, cho vọt”… cho tấm thân tôi một trận đòn thiệt đáng - đồng tiền bát gạo.

     Ngày xưa lũ con nít chúng tôi mong cho tới ngày tết, để được mặc áo mới, đi khoe với bà con chòm xóm; được ăn bánh tét, bánh ú… Và thứ kẹo mà tôi thích nhứt – đó là kéo Ú, viên kẹo để trần phủ một lớp bột trắng bên ngoài trông rất ư là hấp dẫn tới thèm thuồng… Tôi nghịch thì nghịch nhưng lại học giỏi và hay hỏi lung tung… Tôi có hỏi cha tôi – Tết tức là bánh tét phải không cha? Cha tôi không trả lời, trả vốn mà còn nói rằng – Lo học cho giỏi lớn lên sẽ biết, chừ cha có nói con cũng không hình dung được mà làm rối loạn việc học..! Cha tôi nói đúng. Sau nầy tôi đọc sách và biết rằng tết là Tiết chứ không là bánh tét – một năm của âm lịch chia ra làm hai mươi bốn tiết, sở dĩ chia ra là để biết thời tiết cho việc cày cấy của người nông dân làm lúa nước ngày xưa. Theo: Kinh Lễ Ký: Tế-Sạ có nghĩa là Tết. Khổng Tử viết:

     “Ta không biết Tết là gì. Nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man. Họ tụ tập nhảy múa, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó. Họ gọi tên cho ngày đó là "Tế-Sạ".

     Người Man mà ông Khổng Tử nói đây chính là người Bách Việt (trong đó có người Lạc Việt, tức người Việt Nam hiện giờ). Người Bách Việt ngày xưa sống hai bên bờ sông Dương Tử, đã biết cày bừa, nuôi tằm dệt vải… Lúc đó người Hán ở vùng Hoa Hạ đang sống du cư… Khổng Tử không biết rằng "tiết" là Tết, nên ông mới phiên âm Tết là Tế-Sạ! Khổng Tử cũng có lần xui vua mà ông đang làm quan đem quân đi tiêu diệt bọn người Man.

     Cha tôi và ông Giáo làng chúc tết qua lại, rồi đàm đạo… Tôi còn bé nên đứng xớ rớ ở cái chái bên hông nhà... Đứng ngồi không cần thiết miễn là có ăn là mừng lắm rồi… Tôi nhận được một “khúc” bánh tét dày khoảng hai lóng tay của người nhà ông Giáo cho, chừng đó thôi cũng là một niềm vinh hạnh và sung sướng cho một thằng bé con như tôi. Cha tôi còn nói: Vài năm sau con lớn, tới ngày Mồng Ba tết con tự đi tới thăm ông Giáo chứ cha không dẫn con đi nữa. Năm sau cha mẹ tôi bỏ quê đi lập nghiệp nơi khác… Vậy là tôi chưa được cái vinh dự “một mình” tới thăm ông Giáo Làng.

      Ngày xưa chẳng có ngày nào dành riêng để vinh danh người dạy chữ, chỉ có duy nhứt là ngày Mồng Ba tết. Theo thông lệ xưa là – Mồng một tết con cháu về chúc tết cha mẹ hai bên chồng vợ, Ngày Mồng ba đi tết Thầy... Tết Thầy, đó chỉ là mang tính lễ nghĩa trong ba ngày đầu xuân chứ không bắt mọi người phải tuân thủ. Tuy rằng, ngày xưa chẳng cho người Thầy một ngày vinh danh, nhưng người Thầy đã được vinh danh mỗi ngày bởi được sự kính trọng của xã hội, đó là “Tôn Sư Trọng Đạo”! Hơn nữa là đời sống vật chất của người Thầy - được xã hội cung ứng đầy đủ, không cần thiết phải hạ mình lam lũ đầu tắt, mặt tối ở ngoài chợ, ngoài đường, ngoài sá để bon chen kiếm thêm lợi tức - làm giảm đi giá trị cao quý của nghề giáo dục.

      Ở bên Thái Lan có ông Thủ tướng Thaksin Shinawatra, lúc đang tại vị, ông tới nhà người Thầy cũ dạy chữ cho ông thời  còn bé, ông cúi sấp người xuống để tỏ lòng biết ơn Thầy … Ông ngồi dưới sàn ân cần thăm hỏi sức khỏe cũng như gia cảnh hiện nay của Thầy... Ông chân thành thăm người thầy xưa, chứ không cao ngạo, hống hách rằng “ta đây hiện nay là Thủ tướng đương nhiệm”… Ông đi một mình, mặc bộ quần áo đơn sơ chứ không huy động lực lượng an ninh tiền hô hậu ủng theo bảo vệ… Còn người thầy già ngồi trên ghế vẻ mặt uy nghi như ngày nào…

     Người học trò cũ tới thăm Thầy giáo với chức danh Thủ tướng hay tướng lãnh… – thiết nghĩ người Thầy sẽ rất sợ… Bởi vì trong đời người Thầy, Thầy đã dạy cho không biết bao nhiêu học trò thì làm sao Thầy nhớ cho hết. Hơn nữa, trong số học trò đó cũng có một số học trò quá nghịch ngợm, phá phách… nên Thầy phải dùng roi vọt răn đe hoặc đôi khi đành phải đuổi học… mà trong lòng Thầy, Thầy đâu có muốn vậy. Người học trò cũ chừ đã có quyền thế trong tay, biết đâu chừng lại đâm nhớ hận xưa mà trở về thăm và cố ý “dằn mặt” Thầy một trận cho bỏ ghét...!

     Ở những nước độc tài thì càng sợ hơn…, một khi nghe một ông Thủ tướng hay ông Tướng đương nhiệm mà tới thăm thầy cũ – dẫn theo sau một mớ bộ sậu, báo chí - tiền hô hậu ủng, xe cộ hụ còi chạy rần rần cả làng trên xóm dưới đều hay... Thầy cũ nghe thôi cũng đã muốn “són” đủ thứ ra quần chứ chẳng chơi đâu. Ông Thầy Giáo cũ sẽ nghĩ rằng: không biết mấy ông học trò cũ – đương nắm quyền sinh sát… – ngày xưa có học với mình thời tiểu học hay không nữa? Chừ già rồi, đầu óc lẫn lộn, nhớ trước quên sau, làm chi mà nhớ mặt đứa nào ra đứa nào…! Biết đâu các ông đó lại nhớ lầm Thầy - hay là, có thể… cố nhận bừa Thầy để diễn kịch cũng không biết chừng? “Đời là vỡ kịch lớn”! Thôi thì đành chấp nhận người học trò cũ tới thăm mà không dám hỏi han nhiều, hầu giữ an toàn cho gia đình và bản thân. “Tránh voi chẳng hổ mặt nào”. Ông Giáo già đành gác bỏ hết tư cách của một ông giáo nghiêm nghị vốn có… - cúi thấp người đưa hai bàn tay - da nhăn nheo, run run…, trịnh trọng nâng bàn tay của ông Thủ tướng hay ông Tướng nào đó… Ông Giáo già giương cặp kính lão cố nở một cụ cười tươi… móm sọm!

     Mồng Ba tết, tôi lại nhớ cha tôi ngày xưa dẫn tôi đi thăm ông Thầy Giáo làng. Tôi nhớ ông Thầy Giáo làng đã truyền cho tôi những vần chữ Việt đầu tiên… Nhớ lằn roi ông đã đánh tôi, lằn roi nghiêm minh và ưu ái đó đã hết đau từ lâu. Nhưng bao năm qua, tôi cảm nhận có một lằn roi khác càng đau đớn hơn…! Đó là sự thất bại lịch sử trong đời tôi…! ./.


Trang Y Hạ - 2020


Kẹo Ú, Miền Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét