Thư viện

19/6/20

Con Sáo Sậu



CON SÁO SẬU

Trang Y Hạ

Con sáo sậu hay còn gọi là: Cà cưỡng, Cà cưởng, Cà cượng, Nhồng. Loài chim nầy có tên khoa học: (Gracupia nigricollis), thuộc dòng họ Sturnidae, bộ sáo, sẻ. Chim sáo sậu sinh sống tự nhiên, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, bắc Australia. Bắc Mỹ, Hawaii, New Zealand, miền Nam bên Tàu và vùng Đông Nam Á. Dòng họ Sáo sậu thích sống từng đàn.

Chim họ Sáo sậu có giọng xướng âm rất trong trẻo, nhiều dạng và cũng khá phức tạp… Sáo sậu thông minh, biết pha trộn các âm thanh ở chung quanh, như: tiếng mưa rơi, tiếng gió, tiếng sấm sét, tiếng còi xe, tiếng sóng, tiếng người - để hòa vô giọng hót của mình… Sáo sậu thích sống ở vùng đồng bằng sông nước, ruộng lúa, nơi đó có nhiều thức ăn. Thức ăn chính là: sâu bọ và các loại trái cây… Sáo sậu thường làm tổ ở trong các: hang, hốc, lỗ… Trứng Sáo sậu có màu xanh lam, pha trắng... Ở Việt Nam, loại chim Sáo được nuôi làm kiểng và dạy nói tiếng người. Sáo phát âm tiếng người rất đúng giọng và rõ ràng… Các nhà Nhân Chủng Học từ lâu đã nghiên cứu dòng họ Sáo, để tìm ra sự liên quan với loài người.

Không biết từ lúc nào, con Sáo sậu đã ngấm vô dòng - ca dao, thơ ca:  

     *Người ta có vợ có chồng
       Em như con sáo trong lồng kêu mai
       Má đào gìn giữ cho ai
       Răng đen, đen quá cho hoài luống công

     *Có con sáo đậu bờ rào
       Nhìn em tưới nước hát chào líu lo
       Ngoài kia con vạc con cò
       Ở trong bờ ruộng cũng thò đầu coi
       Trời đừng nắng lắm ông ơi
       Rau con nó mệt nữa rồi nó đau
       Cũng vì thương quý vườn rau
       Nên em thương cả cái gàu tre nan. 

     *Khen ai khéo gảy bài đờn
       Làm con sáo nọ chập chờn tỉnh mê. (Ca dao)

    *Con chim sáo sậu. Ăn cơm nhà cậu. Uống nước nhà cô.  Đánh vỡ bát ngô. Bà cô phải đền. (Đồng dao)

    *Chiều chiều anh đứng ngó bên sông, buồn thương con sáo sậu. Khi lúa mùa trổ đồng thơm bông, buồn thưong con sáo sậu. Nó lẻ bầy sổ lồng mà bay. (Dân ca)

Chim Sáo sậu có màu lông (đen trắng) trông rất giống với loài chim tu hú. Do đó, chim tu hú lợi dụng tánh tình hiền hậu thật thà của sao sậu, đẻ trứng vô ổ chim Sáo sậu. Sáo sậu nuôi dưỡng con Tú hú mà cứ tưởng là con của mình. (đã viết về loài chim Tu hú)

                                             ***  
Ngày trước, mẹ tôi, bà nuôi mấy đứa cháu ngoại. Tôi nghe bà mắng yêu:

     “Ngoại nuôi tụi bay cũng không khác chi… cà cưỡng nuôi tu hú. Một khi đủ lông đủ cánh, tui bay lại bay đi mất, đâu có còn nhớ tới ngoại nữa... Lá rụng về cội! Đúng là, thương cháu ngoại: thương dại, thương khờ”!  

Lúc còn bé, thật tình tôi chưa hiểu và cũng chưa cảm nhận… Sau nầy có cháu ngoại, mới thấm thía câu nói của mẹ, và nỗi khổ của con sáo sậu…! Bên ngoại là vùng đất tràn đầy yêu thương, vùng đất an toàn - dù có đi đâu, ở đâu, thành công hay thất bại, tất cả đều có hình bóng bên ngoại... Người thiếu phụ có giận hờn chồng, nhà chồng - nàng bồng bế con về ngoại để được - an ủi, san sẻ, che chở… Hoặc bồng con về gởi nhờ ngoại nuôi, để bước thêm bước nữa.

Có lẽ vì cảm thương cho con Sáo sậu (nuôi tu hú) mà người xưa liên tưởng tới thân phận người phụ nữ chịu muôn nghìn thiệt thòi chẳng những trong gia đình mà còn ở ngoài xã hội... Thời Phong kiến, người phụ nữ không khác gì một con vật được đem ra - trao đổi, gã bán như nô lệ. Người phụ nữ, không được học hành, không được tham gia bất cứ việc gì ngoài xã họi, không được ngồi ngang hàng với bất cứ ai. Khổng Tử, ông ta còn tròng lên đầu, lên cổ người phụ nữ nhiều cái “ách” nặng nề - Thí dụ như “Tam tòng, Tứ đức”...!

Thuở trước, cha mẹ sinh ra con gái ra là ôm một nỗi lo. Lo của “hồi môn”, không có của hồi môn sẽ không có chàng trai nào xin cưới. Con gái “tới tuần cập kê”, cha mẹ lo đi tìm mối mai, sợ con gái quá lứa, ế chồng. Do đó, người con gái thời xưa không thể báo hiếu, báo ơn sinh thành dưỡng dục cho song thân. Người con gái ví như con tu hú. Người con gái chưa kịp trưởng thành trọn vẹn về: thể xác, tinh thần - thì phải về nhà chồng - làm dâu, chịu chuộng chồng, cha mẹ chồng, anh chị em nhà chồng và sinh con cho nhà chồng. Lỡ sinh ra toàn con gái, thì phải đi cưới vợ lẻ cho chồng để chồng kiếm con trai nối dõi tông đường. Trường hợp về nhà chồng, trong ba năm không sinh nở, nhà chồng buộc phải ly dị. Người chồng dù có thương yêu, nhưng cha mẹ dòng tộc cũng không chấp nhận. Người phụ nữ vô cùng đau xót khi nghe câu nói:

     “Ba năm không sinh con, chẳng phải là vợ, hoặc một đứa con trai gọi là con, mười đứa con gái không phải là con”.
 
Ngày xưa con “Sáo” sang sông chẳng qua là đi theo chồng, theo người chồng - cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, không dám cãi, dù nửa lời. Con Sáo sang sông bỏ lại người tình thuở còn ở truồng tắm chung nơi dòng sông tuổi thơ. Ngày đó con sáo sang sông, không hẳn là đi biệt tăm, biệt tích. Thỉnh thoảng con Sáo sậu có thể chèo xuồng trở về bến sông xưa - thăm mẹ, thăm cha, thăm bà con lối xóm, và cũng có thể len lén nhìn người yêu cũ năm nào...

Ngày nay, con sáo sang biển, sang biển đi theo người chồng dị tộc. Dù cha mẹ không đặt đâu con ngồi đó. Người chồng “kinh tế” - một sứ thần từ trên trời rơi xuống (cứu rỗi nỗi nghèo khổ nhứt thời) cho cuộc sống của Sáo. Cuộc hôn nhân không tình yêu. Chấp nhận lấy chồng xa lạ chẳng khác chi canh bạc với nhiều rủi ro - nhắm mắt đưa chân, chưa hề thấy “mười hai bến nước” để chọn… Con Sáo sang biển - mù mù tăm tăm, đôi khi không biết đường để bay về thăm lại cố hương; đôi khi phải bỏ thây nơi xứ người, hay mang thương tích trong tâm hồn lẫn thể xác… Thời gian cứ trôi đi miết trong âm thầm chịu đựng - với chồng, với con, với phong tục tập quán, với thổ nhưỡng nơi quê chồng.

                                    ***
Con Sáo sậu miền Nam ngày xưa, cưu mang gần một triệu đồng bào di cư từ miền Bắc vô Nam. Con sáo sậu miền Nam dang tay ôm ấp tình đồng bào ruột thịt. Con sáo sậu miền Nam quá - nhân từ, hiền từ - "Cốt lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn". Con Sáo sậu miền Nam không ngờ tu hú (bắc - nam) hè nhau đẻ trứng trong ổ... Đàn “tu hu” con đó lớn lên làm tan nát cái ổ Sáo sậu miền Nam… Sáo sậu miền Nam tan đàn, xẻ nghé - bỏ đất, bỏ nhà…, bay đi tỵ nạn khắp bốn phương trời... Bầy Sáo sậu chết bờ, chết biển đau xót biết là dường nào. Sáo sậu, lạc lỏng nơi phương trời xa lạ, đã tụ tập lại thành đàn, lo xây dựng cuộc sống bằng hai bàn tay trắng… Dù không giàu có, Sáo sậu vẫn nghĩ về nơi quê cha, đất tổ với tấm lòng nhớ thương, bằng... - lá lành dùm lá rách! Sáo sậu dành dụm từng chút “mồi” gởi về cho người thân… Ngày nay người thân đã giàu có, biết có còn nghĩ tới con Sáo sậu còn đang tha phương, tỵ nạn nơi xứ người!

Trời sinh ra chi con Sáo sậu, hỡi trời…?!

Trang Y Hạ - San Francisco.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét