Thư viện

1/9/22

Cảm Nhận Thi Tập: "VẼ LẠI CHÂU THÂN"

 


Cảm Nhận Thi Tập: "VẼ LẠI CHÂU THÂN"

Của Tác Giả: Trang Y Hạ

Phạm Thu Hương
Tôi cầm Thi Phẩm “Vẽ Lại Châu Thân”, sách dày khoảng gần bốn trăm trang với: - Một trăm sáu mươi bảy (167) bài thơ. Một thi phẩm đồ sộ.
🌱
Thơ, theo tôi là phương tiện giúp cho người cầm bút thể hiện sự rung động của tâm hồn mình, thông qua phản ánh hiện thực khách quan của đời sống với lăng kính chủ quan của tác giả .

Ở đó, tác giả thể hiện những trang đời qua trang thơ bằng những nét cọ tâm tư. Đó là bức tranh lưu dấu những nơi chiến tranh khốc liệt trải hai thế hệ trong quá khứ, như Kon Tum, luôn khiến hồn thơ thổn thức tự hào về một giai đoạn lịch sử bi tráng của quê hương Cao Nguyên và của dân tộc nói chung, như:
- “Nhớ Về Khung Trời DakTo
- Chiều Trên Sông DakBla
- Về Thăm Lại Sông Ba”.
Bên cạnh là những bài thơ mang đậm chất trữ tình: - “Em Có Về.
- Ngày Ấy Bậu Đi.
- Em Sẽ Hát.
- Áo Bà Ba Vạt Xẻ.
- Gửi Người Tri Kỷ”.
Thì trong thơ Trang Y Hạ cũng phác họa những hình ảnh đa dạng về cuộc sống mà nhà thơ đã từng trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến. Tác giả thể hiện sự: “Kinh nghiệm, Suy tư, Triết luận, Tự sự...” của mình trước những bộn bề của dòng lịch sử mà mỗi con người đều cảm nhận trong dòng chảy đó có số phận của mình, của gia đình, của quê hương...

Thơ tình cũng là mảng thơ khá đặc sắc trong tập thơ. Tuy nhiên, thơ tình Trang Y Hạ không “Ủy Mị, Sướt Mướt…” - mà trong trẻo; có chờ đợi; có nhớ nhung nhưng trong niềm tin, trong niềm hy vọng vào ngày đoàn viên, như:
- “Hẹn Anh Trên Cầu Treo.
- Buổi Sáng Trên Biển.
- Ngày y Bậu Đi.
- Chờ Một Tiếng Phôn"...

Người phụ nữ trong thơ của ông phần nhiều là ông xưng "BẬU". Thỉnh thoảng vài bài ông mới xưng "em” thảng hoặc "nàng"! Nhưng tựu trung thì không nói về một người cụ thể nào mà là nhân vật - phiếm chỉ, mang tính tượng trưng, điển hình; người phụ nữ nào cũng có thể tìm thấy một chút tâm tình, một chút nỗi lòng của riêng minh trong đó... Và " bậu", "em", "nàng" cũng là ước mơ, khát vọng mà nhà thơ muốn gửi gấm…

Ông gửi họ: - Lên Trời - Lên Cung Quảng - Lên Xứ Sở Thiên Thần hay xuống Địa Ngục… Một nơi, mà không có chiến tranh hoặc đói kém, lầm than… Một cuộc sống thanh bình, no đủ, một cuộc sống mà ở nơi đó - con người ngập tràn hạnh phúc và ngập tràn tình yêu thương...!

Khách quan là một trong những thiên hướng thể hiện trong thơ của Trang Y Hạ, minh chứng chính là những vần thơ... Điều này thể hiện rõ nét qua nhiều bài thơ, tác giả đã thể hiện rất chân thực, dù dưới hình thức “Ẩn Dụ – Hoán Dụ - Tượng Trưng hay Cách Điệu” gì đi chăng nữa, thì tác giả cũng để cho người đọc - tự chiêm nghiệm và cảm nhận qua từng - câu chữ - hình ảnh - âm thanh - nhạc điệu trong bài thơ… Đó là những câu thơ như biết nói.

Chúng ta như thấy trong thơ ông - những con người – mà trong đó giữa chiến trường ngổn ngang khói lửa, trên nương rẫy khô cằn nắng đổ, người phu xích lô oằn mình nhấn bàn chân cố xoay vòng bánh xe giữa phố phường trong một chiều mưa giông… Và, người thiếu phụ ngồi lặng lẽ bên bờ sông dõi nhìn về phương trời xa thẳm…! Những dòng hồi ức làm cháy bùng lên cảm xúc hoài niệm về tuổi thơ, về những xao động ngất ngây của tình yêu buổi đầu và rồi phải chia ly bởi nhiều nguyên do... Cuối cùng dạt dào theo sóng biển trắng xóa nơi xứ lạ, nhìn ánh trăng chênh chếch phía trời xa với hàng cây cao vút hay khẳng khiu thay lá vào sơ đông. Từng nhành hoa mai đón nàng xuân đến; cũng như gọi dậy trong lòng người những mơ ước, khát vọng tốt đẹp …

Xin khép lại bài viết bằng nhận định đồng điệu tri âm của Nhà Văn Bác Sĩ Đào Duy An khi đọc thơ Trang Y Hạ: "Trưa nay, nhận được "Vẽ Lại Châu Thân", tôi lật từng trang, để cảm nhận một (Hồ Hương Nhân) xa xứ. Về anh, ai muốn rõ thì trong cuốn khảo luận "Ngày y Kon Tum" tôi đã khéo léo thổ lộ...

.... đọc cả "Vẽ Lại Châu Thân" chỉ một xót xa là anh cứ nhớ. Anh nhớ ai, anh nhớ thời, anh nhớ..." , khát vọng thổ lộ, cảm nhận, thâu nạp những người... Nhưng viết thì viết như một nhu cầu, không thể không viết. Có khi, chính tác giả cũng chẳng nhớ rõ sự việc ấy cụ thể trong trí nhớ, ký ức, thời gian nào,....

Tựa tập thơ là "Vẽ Lại Châu Thân" cũng tức là (Vẽ Lại Con Thuyền) - Tác giả dùng thơ để phác họa một bức tranh về con người và cuộc sống:

"(…) em ngồi vẽ lại châu thân
anh ôm anh siết vài lần thử nha
chờn vờn trở giấc Nam Kha
trong tranh em đợi nề hà chi đâu."


Đó là bức tranh mang tính hồi ký, về - quá khứ, về hiện tại và khi người đọc tiếp cận với Thi Họa này, người ta sẽ tự phát hoạ ra một bức tranh ở tương lai... Những bài thơ của ông kết thúc luôn mở ra một tầm nhìn mới cho người đọc chứ không bao giờ đóng lại trong “Bi Thương và Bế Tắc”.

Thơ sinh ra từ sự sống và khởi nguồn cho sự sống vậy!

Phạm Thu Hương



https://tiki.vn/ve-lai-chau-than-p195656779.html...

Thi phẩm có bán tại: Nhà Sách Khai Minh. 259 Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3 TP/HCM.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét