Thư viện

29/9/22

RỢ HAY CHỢ, TRONG "QUA ĐÈO NGANG".

 



RỢ HAY CHỢ, TRONG “QUA ĐÈO NGANG”.

Trang Y Hạ

Giáo sư Dương Quảng Hàm cho xuất bản cuốn “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” năm 1943, (tới năm 1968 đã mười lần tái bản). Nội dung trong cuốn sách ông có giới thiệu một bài thơ “Qua Đèo Ngang”. Bài thơ nầy của Bà Huyện Thanh Quan viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường Luật. Nhờ giáo sư Dương Quảng Hàm giới thiệu nên bài thơ được nổi tiếng khắp nơi; được đưa vào sách giáo khoa dạy ở bậc trung học thời Việt Nam Cộng Hòa (Lớp Đệ Tam). Nguyên văn bài thơ:


Qua Đèo Ngang
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Giáo sư Dương Quảng Hàm, nhận xét về thơ Bà Huyện Thanh Quan:
Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”. Trích.

Vậy mà, một ít các vị học giả trách rằng:

Giáo sư Dương Quảng Hàm đã bỏ chữ rợ ở trong câu thơ (thứ tư) để thay bằng chữ “chợ”. Đúng lý ra chữ “Rợ ” mới đúng. Ở Đèo Ngang chỉ có người Rợ sinh sống”.

(Hiện nay, trên các trang văn, thơ - vẫn viết chữ “rợ”. Vả lại còn tranh cãi để cho rằng đúng).

Theo cá nhân tôi. Giả sử, nếu cho rằng chữ “rợ “ mới đúng thì tại sao các vị học giả không trưng ra “bản gốc” của bài thơ có chữ rợ? Tại sao, cuốn sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” xuất bản lần đầu tiên từ năm 1943 và cho tới năm 1968 đã tái bản tới (Mười Lần) mà không thấy các vị khoa bảng; các vị thi văn sĩ thời đó tranh cãi “rợ và chợ” ở trong bài thơ “ Qua Đèo Ngang”? 

Tên của sắc dân (RỢ) đó họ có nguồn gốc như thế nào?

Ở Đèo Ngang ngoài kinh ra còn có nhiều sắc dân khác định cư (trên núi, ven sông, ven biển), và cho tới bây giờ vẫn sống như vậy. Hà Tĩnh có tới ba mươi sắc dân. Gồm có: Người (Ba Na, Rơ Ngao, E dê, H’mong, Dao, Lào, Giẻ Triêng, Khơ Mú, La Chí, Lô Lô, Cơ Lao, Cơ Ho, Tà Ôi, Raglay, Cống, Hrê, Giẻ Triêng, Sán Dìu, Nùng, Hoa, Khmer, Mường, Mạ, Tày, Thái, Thổ…). Ngoài các sắc dân bản địa thiểu số đó ra, không một sắc dân nào có danh xưng bằng cái tên “Rợ” ở Đèo Ngang, Hà Tĩnh. Tuy có nhiều sắc dân nhưng dân số của họ ít ỏi. Đèo Ngang ngắn, đèo dài khoảng chừng năm hay sáu cây số, dân ở không nhiều thì làm gì có chợ đông đúc, sầm uất…? Tuy nhiên tất cả các sắc dân đó họ không phải là “Man Di, Man Rợ, Mọi Rợ”! Họ là con người có nguồn gốc, có văn hóa…!

Giáo sư Dương Quảng Hàm không có lý do gì lại đi sửa thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” - một bộ sách văn học đồ sộ, gía trị - tài liệu chọn lọc kỹ lưỡng - thì hà cớ gì giáo sư lại phải đi sửa thơ của người khác? Chuyện đó, rất là khó tin!

Thời đại các vua Nhà Nguyễn, [kể cả trước Nhà Nguyễn] nền thi ca, học thuật, văn bản hầu hết đều dùng chữ Nho. Nho giáo ảnh hưởng rất sâu đậm trong triều đình và dân chúng, như: “Đoạn Trường Tân Thanh – Cung Oán Ngâm Khúc – Chinh Phụ Ngâm – Phan Trần...”. Và nhất là thơ, thơ chịu ảnh hưởng Đường Thi về - niêm luật, bố cục, tả cảnh, tả tình - ít nhiều lấy ý từ “Tiêu Tương Bát Cảnh” như sau:

1- Tiêu Tương dạ vũ (Đêm mưa ở Tiêu Tương). 2- Động Đình thu nguyệt (Trăng thu trên hồ Động Đình). 3- Sơn thị tình lam (Chợ núi lúc trời quang).4- Giang thiên mộ tuyết (Tuyết rơi trên sông buổi chiều).5- Viễn phố quy phàm (Thuyền buồm trở về từ bến xa). 6- Yên tự văn chung (Tiếng chuông chiều trong chùa đầy mây khói). 7- Ngư thôn tịch chiếu (Ráng chiều rọi vào thôn chài).8 - Bình sa lạc nhạn (Chim nhạn đáp xuống bãi cát phẳng). Những cảnh đẹp nầy là do dòng nước hợp lưu của hai con sông: (Sông Tiêu, Sông Tương) thuộc huyện Linh Lăng, tỉnh Hồ Nam bên Tàu. Dọc theo hai con sông nầy còn có nhiều cảnh rất đẹp, các thi nhân thời đó đều mượn cảnh của hai dòng sông làm thơ tả cảnh đồng thời gửi gắm tâm tư tình cảm tự sự vào trong thơ.

Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du và thi nhân thời đó đều ảnh hưởng phong cách Nho gia là chuyện đương nhiên. Theo giáo sư (Thanh Lãng), nhận xét: “Thơ Bà Huyện Thanh Quan đầy chất thơ. Lời thơ của bà điêu luyện, gọt giũa, đẹp như một bức tranh cổ”. 

Bức tranh cổ mà giáo sư Thanh Lãng nói đó có thể hiểu là một cảnh trong “Tiêu Tương Bát Cảnh”. Đó là: Sơn thị tình lam (Chợ núi lúc trời quang).

Theo tôi, hãy tìm hiểu chữ “rợ” có từ lúc nào? Trong lịch sử Trung Hoa họ có dùng các chữ “Nam Man”. Nam man, nghĩa là (Người man rợ phương nam). Thuật ngữ nầy dùng để khinh miệt các bộ lạc sống ở ngoài Trung Nguyên về phía nam. Thời phong kiến Trung Hoa (Hoa Hạ) họ tự cho rằng họ mới là cái rốn của “nền văn minh khai phóng” còn các bộ lạc khác đều là “Man, Di, Mọi, Rợ”. (Sâu, Bọ, Thú, Vật). Nhưng rồi một thời gian sau trong bộ thủ chữ Hán họ cắt bỏ các chữ dùng để miệt thị đó... Người Trung Hoa họ bỏ chữ Nam Man Mọi Rợ thì cớ gì người Việt lại xử dụng?

Trở lại “Rợ hay Chợ”? Thiết nghĩ nên đọc kỹ lại hai câu thơ: 

“Lom khom dưới núi, tiều vài chú, 

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”.


Tiều vài chú (ước lệ). Tiều là chỉ người tiều phu, họ sinh sống ở vùng Đèo Ngang. Tiều là một trong bốn ngành nghề: “Ngư - Tiều - Canh - Mục”. Tiều là người thợ rừng, họ đốn gỗ, đốn củi, đốt than, lấy tre, lấy các loại cây thuốc đem ra chợ bán. Người xưa nói “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là ám chỉ hai cái nghề - ngư, tiều! Bốn nghề nầy liên quan mật thiết đó là trao đổi thổ sán.. Trao đổi, thì phải có nơi chốn. Dân gian gọi nơi đó là Chợ! “Chợ Mấy Nhà”, chỉ là (ước lệ), nơi đó có đủ mọi sắc dân kể cả người Kinh, họ tụ về mấy cái nhà (dãy lều chợ, dãy sạp chợ). Trong mấy nhà chợ lưa thưa đó cũng là nhà của dân bản địa và gia tộc của họ... Vậy cớ gì phải miệt thị họ là rợ...?

Tiều vài chú” đối lại với “chợ mấy nhà” - là nghệ thuật đối chữ: (Danh từ đối với danh từ), theo luật Thơ Đường là vậy. Chữ rợ không phải danh từ đại diện để chỉ con người. Chữ rợ dùng để chửi, để miệt thị... Giả dụ: chữ rợ là (tiếng lóng, tiếng địa phương) chỉ cái chợ, thì cũng không thể đối với Tiều. Bài thơ mà dùng chữ “rợ” mọi, thì chưa chắc giáo sư (Dương Quảng Hàm) giới thiệu trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu”!

Bà Huyện Thanh Quan là người trí thức nho gia, trọng lễ nghĩa... Tình yêu quê hương trong thơ của bà dù hoài cổ vẫn gợi cho người đọc một nỗi buồn man mác đến khó diễn tả. Khung cảnh trong bài thơ, đó là một buổi chiều gió lạnh dừng chân trên đỉnh đèo hiu quanh của một người xa nhà, mà người xa nhà lại là một nữ thi nhân có học thức, có địa vị cao quý trong xã hội… Ý tứ diễn tả trong thơ chỉ có tính “ước lệ” giữa (thơ và cảnh)… chứ không nói rõ cụ thể từng chi tiết rõ ràng. 

Tại sao phải lấy ước lệ ra để làm cụ thể?

Bà Huyện Thanh Quan vốn không quen biết; vốn không tỵ hiềm với mấy ông tiều phu, mắc mớ gì bà phải chửi, phải miệt thị bằng chữ rợ không mấy lịch sự và thiện cảm.

(Từ trước cho tới nay các làng mạc, phố chợ đều ở bên bờ sông. Đó là sự giao thương qua lại bằng đường thủy rất thuận tiện, văn minh, lịch lãm và thông minh của người xưa).

Bài viết chỉ là ý kiến của cá nhân. Tôi xin mượn câu nói của Thi sĩ Bùi Giáng để kết thúc:


Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ người ta thì chỉ có thể làm một bài thơ khác” (BG)

Trang Y Hạ
San Francisco, 2014






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét