Thư viện

14/2/24

UỐNG RƯỢU VỚI CỤ KINH KHA

 



UỐNG RƯỢU VỚI CỤ KINH KHA

Chở bậu vượt trùng-dương tầm Nước Vệ 
diện-kiến người vẽ sử đã bao năm
sạn đạo gập, gập-ghình có-có trễ
trăng mấy mồng may kịp ngắm trăng rằm.

Người đời tụng Kinh-Kha công hiển-hách
Tần-Thủy-Hoàng đâu chỉ mỗi một ông
giết không đặng tiếng vang xa mấy phách
số dân đen, tựa cá chậu chim lồng.

Kinh-đô Vệ tầm Kinh Kha không thấy
đồn-đồn rằng ông ấy đã vượt biên
Nước Yên có tự-do chạy qua đấy
Bậu và tôi trót lạnh-cẳng qua miền.

Kinh Kha gặp Kha Tiệm Ly kết bạn
ngày nối đêm đờn ca hát vui chơi
thân nhược tiểu, thân ly hương chán-nản
vục đầu vô hồ trường lãng quên đời.

Người Du Hiệp Điền Quang lòng độ lượng
dẫn Kinh Kha tiến cử Thái Tử Đan
chút hy-vọng từ đây tìm ra hướng
môn khách nhờ ăn ở đỡ cơ-hàn.

Đan Thái Tử bạn xưa cùng Doanh Chính *
Chính lên ngôi trở mặt chẳng hỏi han
cuộc cờ thế nghĩ mưu sâu lừa phỉnh
Tần tóm thâu, ép tiểu quốc quy-hàng.

Kế thích khách, Kinh Kha xin ra trận
đầu Ư-Kỳ, phản Tần sẽ đem dâng *
chủy-thủ giấu trong bản đồ dự sẵn
Tần Vũ Dương theo yểm-trợ ân cần *

Dao chủy thủ độc dược ngâm ủ kỹ
bày tiệc sang đưa tiễn vui càng vui
Đan Thái Tử lặng im nhìn tráng-sĩ
rượu kê môi, đắc ý chẳng ngậm-ngùi.

Người Du-Hiệp Điền-Quang ngồi tựa đá
mặt trầm-tư chìm vô cõi mông-lung
vài canh nữa sầu dâng tràn tấc dạ
Hiệp-Sĩ đi thích-khách đã anh hùng.

Người bạn hữu Kha Tiệm Ly lẳng-lặng
chẳng một lời ngầm tiễn-biệt Kinh Kha
chuông chùa xé màn sương khuya văng-vẳng
lá rơi hiên lạnh cóng xác trăng tà.

Men chếnh-choáng, bóng giai-nhân lởn-vởn
Kinh Kha ngồi cầm bút nhả câu thơ *
thân sấu-nhược dấn thân vô việc lớn
Dịch-Thủy trông biên-ải Triệu mây mờ.

Đêm khuya khoắc tiệt tàn giai-nhân ngủ
tiếng đờn câm tiếng sóng dội tê tâm
Dịch-Thủy bến xóm thuyền sương ấp-ủ
mái dầm đưa có tiếc đã đưa lầm.

Uống đi Cụ, đừng trầm-tư thêm mệt
nghe nói rằng - cụ giỏi vô phải không
đã giỏi võ - cớ chi đành chịu chết
chết dưới tay bạo chúa quả hận lòng.

Cụ có biết anh hùng Phạm Hồng Thái *
đã đánh bom Sa-Điện, giết giặc Tây
Châu-Giang sóng cuốn thân lưu danh mãi
Hoàng Hoa Cương nấm mộ khói nhang bày.

Kinh-Kha cụ thở dài, nghe tôi kể
môn-khách là - lệ thuộc có khác đâu
ông chủ khiến đi mần, thì không thể
đã ăn nhờ ở đậu phải lụy hầu.

Ta ái ngại, bởi người đời ca tụng
rất tự hào Phạm Hồng Thái xứ ngươi
thân ty-nạn chẳng qua nhờ ân-sủng
văn không hay võ nghệ múa gây cười.

Bậu nghe thấy ông Kinh Kha tự thán
có hiểu ra sự thật với lời đồn
đã mấy bận theo tôi bậu có chán
trong cuộc cờ, biết ai dại ai khôn.

Tôi chở bậu quay về nơi đất Mỹ
Nước Vệ chừ hòa vô cõi hư-vô
đời tỵ-nạn đất ruộng đâu có hỉ
nai lưng mần chai cứng bước lộ-đồ.

Trang Y Hạ
(Trích trong thi phẩm)

Chú-thích:

*- Doanh Chính tức là Tần Thủy Hoàng sau nầy.
*- Kinh Kha người nước Vệ, ông qua nước Yên và kết bạn với Kha Tiệm Ly, sau được Điền Quang giới thiệu làm môn khách cho Thái Tử Đan nước Yên.
*- Tần Vũ Dương đi theo yểm trợ cho Kinh Kha
*- Phàn Ư Kỳ, tướng thất sủng của Tần Thủy Hoàng trốn qua nước Yên làm môn khách cho Thái Tử Đan. Ông tự cắt đầu để Kinh Kha dâng vua Tần cùng với tấm bản đồ nước Yên để cho vua Tần tin mà cho Kinh Kha diện kiến.
*- Thơ của Kinh Kha:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Trang sĩ nhất khứ hề, bất phục phản”.
Trang Y Hạ Tạm dịch:
(Gió gợn hiu hiu sông Dịch lạnh
Đã đi tráng sĩ chẳng mong về).
*- Phạm Hồng Thái trong phong trào Đông Du đã đánh bom Sa Điện hầu giết Toàn quyền Đông Dương Pháp Merlin, ngày 19.6.1924.

LỜI GIÓ MƯA

Viết Sử Viết Sự Thật

"Thời Đông Châu Liệt Quốc bên Tàu có bốn anh em viết sử là: (Thôi Bá, Thôi Trọng, Thôi Thúc và Thôi Quý). Họ đã để lại sự tích cho đời nhau về giá trị của một nhà viết sử.

Nguyên do:

"Quan đại phu nước Tề là Thôi Trữ lộng quyền giết vua Tề Trang Công, ông ta muốn che giấu sự thật tội giết vua với hậu thế nên ra lịnh cho quân Thái sử Thôi Bá viết vào sách sử rằng "Tề Trang Công vốn do bị bệnh sốt rét lâu ngày mà chết". Thôi Bá không nghe theo lời, và nhất quyết viết "Ngày ất hợi, tháng năm, mùa hạ, quan đại phu Thôi Trữ lộng quyền đã giết vua". Thôi Trữ nổi giận rút gươm ra giết chết Thôi Bá. Người em kế là Thôi Trọng lên thay, Thôi Trọng vẫn viết "Ngày ất hợi, tháng năm, mùa hạ, quan đại phu Thôi Trữ lộng quyền giết vua". Thôi Trữ giận dữ giết luôn Thôi Trọng. Người em kể là Thôi Thúc lên thay cũng viết đúng sự thật y như hai người anh đã viết và cũng bị Thôi Trữ giết luôn. Người cuối cùng là Thôi Quý lên thay cũng viết đúng sự thật mà ba người anh đã viết. Thôi Trữ cầm trang sử lên đọc và rất ngạc nhiên nên hỏi: "Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu viết nầy mà bi ta giết chết. Vậy lẽ nào nhà ngươi lại không tiếc mạng sống của mình hay sao? Nếu như ngươi sửa câu này theo đúng ý của ta, ta sẽ tha chết cho". 

Thôi Quý thản nhiên trả lời: Người ta có thể giết chết người viết sử, nhưng người ta không thể giết chết được sự thật. Chép đúng sự thật là chức phận thiêng liêng của người làm sử, nếu trái chức phận, trái với sự thật mà ham sống thì chẳng thà chết còn hơn".

Thôi Trữ nghe vậy, đành không giết Thôi Quý nữa. Và cuối cùng là cả dòng họ Thôi Trữ bị tru di... Vợ chồng Thôi Trữ tự sát. Người con út là Thôi Minh ban đêm lén đào hố vội vã vùi xác cha mẹ rồi trốn sang nước Lỗ.".



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét