Thư viện

4/7/24

BẬU QUA

 



BẬU QUA

Bậu qua xế bóng nẻo lần
xơ-vơ xửng-vửng nét chân phương nào
xuân thì xịch-đụi thấp cao
giương-buồm sóng vỗ má đào mặn môi.

giương-cung thấp thoáng Thiên-Lôi
cắp lưỡi tầm sét dạo đồi cười vang
không hư trụ giữa địa-đàng
mắt giương tìm thuở hiên-ngang mỉm cười.

giương mắt ngó, ngó mắt đui
ai xướng nghĩa, ai nỡ vùi nghĩa-ân
trót sinh trót ẵm nợ-nần
chòi tranh lai vãng thiện chân vẽ đầy.

giương-dù ngăn bão bấy nay
lên cơn sặc-sụa đền đài bong rêu
quay thời gian giỡn cánh diều
tiếng cười Phù-Đổng lêu-nghêu giữa đồng.

lồm-cồm bờ ruộng bờ sông
bãi-buôi nước lớn, nước ròng bịp than
xuồng xưa bến cũ lỡ-làng
lần theo nắng, bước lang-thang vẽ giầm.

tàn cây khô giọt tuyền-lâm
lơ-ngơ chồi nứt giọt tầm-tã mơ
mây vui vẽ bóng hững-hờ
thú rừng khát nước ngẩn-ngơ hỏi rừng.

đã là nhân đứng suy hưng
nhân đi, nhân quả, quả từng hiểu qua
hoạt-nhân sống để vui là
cõi trần dự tiệc, thiết-tha lẽ thường.

ngậm-ngùi thử giở mấy chương
Bậu đi đi giữa phố phường ngổn-ngang
hai tay ôm gói điêu-tàn
mộng khuya, khuya bỏ đêm hoang trở mình.

nhớ rơm trâu dựa thinh-thinh
cày ôm góc chái khoe hình nhện giăng
lạ đâu mặt lũ ruồi lằn
xúm bâu cái xác khô cằn biết đi.

Thần-Hoàng ghẻ lở lầm-lỳ
long-lân-quy-phụng, biết chi để rầu
trống Đình dùi gác bao lâu
hỡi người đuổi mộng công hầu biết chăng.

hỡi người xác ấm mộ lăng
ngủ ngọn chớ để hồn trăn-trở hoài
tay thon sương-phụ loay-hoay
bật đèn soi tiếng thở dài thâu canh.

Phong-Châu giấc ngủ chẳng lành
chẻ đêm đối mảnh trăng thanh, nỗi nhà
an-bình mầm nẩy can qua
băng-tâm cố giữ san-hà bỏ thây.

Bậu qua bóng xế bấy chầy
theo mùa gió lộng vui ngày tái xuân
rượu thơm nâng chén chúc mừng
ruồi lằn tỏm-ngỏm vô bưng, biền.

Bậu qua thắp ngọn lửa thiêng
đội mồ các đấng tiên-hiền về chung
Khúc lưu sơn hết lạnh lùng
Quảng lăng khúc lạc tái rung cõi lòng.

Trang Y Hạ
Chú thích:
* Theo các bộ nhân (Hán Tự).
* Đất Phong nơi vua Văn Vương ở.
* Khúc Cao Sơn Lưu Thủy (Bá Nha Chung Tử Kỳ).
* Khúc Quảng Lăng Tán. (Một hôm Kê Khang tới chơi ở Lạc Tây, đêm xuống ngồi quán trọ gảy đàn. Có ông khách tự giới thiệu là người thời cổ rồi bàn âm luật. Ông khách lấy đàn khẩy rồi soạn Khúc Quảng Lăng Tán, tặng và dặn - không truyền cho người khác. Thời gian sau Kê Khang bị Tư Mã Chiêu giết chết. Khúc Quảng Lăng thất truyền.).

LỜI GIÓ MƯA:

Phép ẩn dụ luôn luôn được thêu dệt và lồng ghép chằng chịt ở trong tấm thảm nhung tuyệt đẹp của ngôn ngữ. Do đó, mà nếu không có phép ẩn dụ thì văn chương thi phú chẳng qua cũng chỉ là một miếng vải thô kệch, bạc màu rách nát. (Trần Phước Hân).

Văn sĩ người Nga - Aleksander Solzhenitsyn (1918 – 2008), tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ, nói: Văn thơ không phả hơi thở của xã hội đường thời, không dám nói lên nỗi đau và sợ hãi của xã hội đó, không cảnh tỉnh kịp thời những mối nguy hiểm đe dọa đạo đức và xã hội - thứ văn chương đó không xứng đáng với cái tên của văn chương; nó chỉ có cái mã ngoài. Thứ văn chương đó đánh mất lòng tin của nhân dân, và những tác phẩm của nó được phát hành bị dùng như giấy lộn thay vì được đọc.”.

Văn sĩ Aleksander Solzhenitsyn, nói đúng. Dưới thời cộng sản Liên xô, Đông âu các tác giả dùng nội dung (văn, thơ) là để tuyên truyền, xài thứ chữ mới, thứ chữ cách mạng câu cú không dựa theo tự điển, cho dù sau khi sụp đổ không bị (quăng vô lò lửa), các tác phẩm đó cũng đã bị người dân vứt bỏ đi rồi. Chữ “giản thể” (Hán Ngữ) cắt đầu, bỏ đuôi khô khan khó hiểu có lẽ... giống như vậy. Chữ Việt viết loạn xạ ngữ pháp, câu cú chắc chẳng hơn gì.

(Quy ước ngôn ngữ vốn đã có từ lâu, phản đối, phản kháng lại ngôn ngữ Hàn Lâm mà quần chúng đã công nhận Quốc Ngữ, đó là một hành vi chính trị độc tài, sa đọa, giả dối và áp đặt.).
Một số tác giả ngày nay cố tình hay vô tình xài thứ chữ Việt quái đản, dị hợm đã góp phần làm rối rắm, dẫn tới - “Cái Chết Của Một Ngôn Ngữ”. Tựa bài văn của Tác giả: (Trịnh Thanh Thủy).

Hãy tự đặt vấn đề, cớ gì để kẻ khác xỏ mũi dẫn đi tới chân trời góc bể mà tưởng rằng chân lý”. (Trần Phước Hân).

Trang Y Hạ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét