Thư viện

7/7/24

CON VE SẦU MÙA ĐÔNG

 



CON VE SẦU MÙA ĐÔNG


Trang Y Hạ

Tháng nầy được lãnh lương sớm... Tôi lật đật trở về nhà trọ để đóng - tiền phòng, tiền ăn. Tháng nào cũng phải chi trước như vậy mới yên lòng. Đàn ông con trai giữ tiền bạc dễ bị... "rơi rớt dọc đường". Người xưa nói: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”. Nghĩa là: (biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì biết tới bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, còn đợi nhàn thì biết tới khi nào mới được nhàn). Bữa nay lúc trả tiền, nhìn vẻ mặt chị chủ nhà có vẻ hơi nghiêm nghị. Chị nhận tiền mà chẳng thèm đếm…! Tôi định hỏi, thì chị lên tiếng:

- Chị nói thiệt cho chú em biết nghen! Đừng tưởng hằng tháng lãnh lương ra đóng tiền... rồi đi biệt hàng năm ba ngày mới về... Dù có bận công chuyện, thì ít ra cũng phải nói cho anh chị một tiếng. Cơm nguội, canh lạnh cứ phải đổ bỏ!... Tình trạng nầy cứ tiếp tục thì chú em hãy ra quán cơm ở ngoài phố mà ăn, ăn bữa nào tính bữa đó cho đỡ tốn tiền. Tháng rồi chú em ăn chỉ có mười mấy ngày…

Tôi bước lại bàn ăn ngồi xuống, đưa mắt nhìn lên tấm ảnh gia đình hạnh phúc của chị treo trên tường, chậm rải nói:

- Chị trách em là hoàn toàn đúng! Em xin lỗi chị…! Nhưng chị ơi! Em đổi công tác lên phố núi nầy, may mắn em được ở nhà anh chị, chị nấu cơm cho em ăn, ở cùng gia đình anh chị cũng giống như gia đình của chị em ở Sai gon... Còn chuyện em đi về thất thường là do công việc gấp gáp chị ơi. Tiền ăn còn lại chị cứ giữ, nếu mai kia mốt nọ em có bị "tử thương" thì chị hãy mua một bó nhang thắp cho em là đủ rồi.

Chị chủ nhà làm dấu thánh... nhìn tôi nói:

- Thời buổi tên bay đạn lạc chú em đừng có mà nói bá sàm, không nên đâu. Chị nói chỉ là... nhắc nhở cho chú em biết vậy thôi! Tiền lương chẳng bao nhiêu, không tính toán cho khéo sẽ đâm ra thiếu hụt. Chú em nghĩ có đúng không? Tối nay chị có làm vài món ăn mừng sinh nhật cho chồng chị. Chị mời chú em, chú em nhớ về đúng giờ khỏi phải mua quà cáp gì nha.

Buổi sáng thứ bảy tôi đi ra nhà sách Minh Quang đối diện Hàng Keo trên đường Lê Thánh Tôn. Phố núi KonTum có vài ba nhà sách, nhưng tôi hay lại nhà sách nầy, tuy không lớn nhưng cũng tạm đủ các loại sách, kể cả văn phòng phẩm cung cấp cho các cơ quan hành chánh trong tỉnh. Tôi đang săm soi cuốn "Lửa Cháy Thành Đồ Bàn". Đứng bên cạnh là một cô gái trẻ măng, mặc áo dài trắng, tóc dài thật dài, khuôn mặt dễ nhìn, trông cô ấy có vẻ vui vui... Cô đang xem cuốn sách có tên "Kim Kiếm Điêu Linh" của tác giả Ngọa Long Sinh do thi sĩ Bùi Giáng dịch, bên cạnh là cuốn "Hòa Âm Điền Dã" của André Gide cũng do thi sĩ Bùi Giáng dịch. Đứng cạnh cô gái, tôi chỉ nhìn thoáng qua chứ không hề có chút "ấn tượng" gì... Bỗng có ai đó vỗ mạnh lên vai... tôi quay đầu nhìn. Thì ra... là anh chàng Triều, người bạn thổ địa mới quen... Anh ta liếng thoắng:

- Mới lãnh lương hả, mua sách gì đó?

- Lửa cháy thành Đồ Bàn. Tôi trả lời:

- Lửa cháy thành... Đồ Bà hả? (Cười!).

- Quỷ sứ... Làm gì có "đồ bà" ở đây cha nội. (Cười).

- Ê! Ngày mai lúc mười một giờ tới nhà mình uống bia nghe…!

Tôi chưa kịp trả lời thì anh ta đã chạy tuốt... Tôi tính tiền sách, lén kín đáo quan sát người con gái mua sách... Tôi có cảm giác rằng cô ta chẳng mấy quan tâm tới tôi... Tôi tự an ủi: "Cô ấy đi mua sách là đã cùng... sở thích với mình, có quen đâu mà quan tâm”!

Trở về nhà, leo lên gác nằm đọc cuốn sách mới mua... Tôi nghe văng vẳng từ cái máy cassette ở dười nhà vọng lên:

Đồ Bàn miền Trung đường về đây... Máu như loang thắm chưa phai dấu xương trắng sâu vùi khí hờn căm... khó tan. Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp”! *

Tôi đã từng tới Qui Nhơn, tới Bình Định, nhưng chưa có dịp tới thăm thành Đồ Bàn. Một lần nghe người bạn học ở đó nói: “Dù có đi tới chỗ thành cổ xưa đó cũng chẳng thấy cái gì đâu, chỉ thấy một cảnh tượng hoang vu tàn tạ mà thêm nặng lòng... Hồn thơ bạn lai láng - biết đâu khi đi thăm viếng nơi ấy lại bị các hồn ma Chiêm Nữ níu chân, níu tay - đi không nỡ, ở cũng không xong chứ chẳng chơi…”.

Tôi lẩm bẩm trong miệng: “Nước Việt Nam chỉ có một nửa nước từ Thanh Hóa trở ra Ải Nam Quan là - bốn nghìn năm... Từ Nghệ An tới Bình Thuận là của người dân tộc Chàm. Người Việt đã dùng mọi cách xâm lăng, tiêu diệt dân tộc Chàm. Mấy trăm năm qua người Chàm phải sống lưu vong tản mác cơ cực trên đất tổ quê cha của chính họ! ... "Một thuở mang gươm đi mở cõi...". Viết như vậy nghe có vẻ tự hào! Cảm thấy nhẹ tội hơn là nói: Mang gươm đi giết người, chiếm đất...! Lịch sử là bánh xe sắt luân hồi cán nát như tương tất cả những gì trên đường nó đi mà không vật cản nào cản trở nổi.

Tôi nghe tiếng đứa bé gái con của anh chị chủ nhà gọi:

- Chú Hân ơi, con mời chú xuống ăn cơm…!

Bước xuống cầu thang gác, tôi thấy đứa bé gái mặc quần áo đẹp, còn trên bàn thức ăn đã bày biện nhiều hơn mọi ngày... Tôi thắc mắc trong lòng "sinh nhật anh ấy sao mà chẳng có mời ai...?".

Anh Thuần chủ nhà mở tủ lấy ra chai rượu Napoleon nắp đen. Anh đẩy chai rượu qua cho tôi và nói:

- Chú em khui chai rượu dùm anh... Sinh nhật của anh chỉ có người trong gia đình thôi, năm nay thêm chú em, chú là "khách" quý...!

Sau bữa ăn tối và cũng là bữa tiệc mừng sinh nhật cùng gia đình chủ nhà xong tôi trở lên gác. Mùa đông nơi núi rừng lạnh thấu xương, hương vị ly rượu Tây Napoleon ấm áp tan dần... Tôi nhìn lên đồng hồ đã qua chín giờ tối. Phố núi chìm vào giấc ngủ, sương lạnh trùm kín giấc mơ khuya. Tôi ngồi vào bàn viết, định viết thư cho bà chị kể về chuyện lần đầu tiên xa nhà được dự tiệc sinh nhật cùng với gia đình chủ nhà trọ thật đầm ấm, không như sinh nhật của chị ở Saigon có nhiều khách khứa, bạn hữu... Tôi cầm viết lên rồi... lại bỏ viết xuống bàn, đi lại mở toang cửa sổ nhìn vào màn đêm, bầu trời tháng Noel không thấy một ngôi sao nào!

Hôm sau, giữ lời hứa với thằng bạn thổ địa, (tuy không thân lắm) nhưng chúng tôi luôn vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau. Tôi choàng cái áo lạnh lên người rồi xăm xăm đi tới nhà bạn Triều. Nhà Triều ở đầu đường Lê Thánh Tôn, Xóm Chùa. Từ ngoài cổng tôi nhìn vào trong sân, dười tàng cây vú sữa lớn có hai người - một nam, một nữ. Người nam chống cằm nhìn xuống mặt bàn, suy tư... Người nữ mặc áo dài trắng ngồi dựa ngửa ra ghế vẻ mặt hí hửng... Quá dễ để cho tôi đoán ra là hai người họ đang đánh cờ tướng tới hồi gay cấn... (Có thể bạn Triều đang bị quân cờ bên cô gái chiếu...). Tôi tằng hắng mấy tiếng... Triều quay mặt thấy tôi, vội đứng dậy đi ra mở cổng. Cô gái cờ thủ lấy tay ấn vai bạn Triều ngồi xuống trở lại... Cô đứng dậy chạy ra mở cổng. Cô ta nhìn tôi chằm chặp..., vẻ mặt hơi... khựng một chút, rồi rất nhanh nhẹn cô gái lấy lại bình tĩnh và tự tin.

Cô cười nói:

- Hình như tôi có thấy ông trong nhà sách Minh Quang... Ông có mua cuốn - Lửa cháy... thành... thành…

Tôi hiểu ra là hôm tôi đi mua sách. Triều và cô gái cũng đi mua sách chung, và hai người đã tới nhà sách trước, có thể Triều thấy tôi nên cố tình lánh mặt, sau đó mới giả bộ "không hẹn mà gặp"... Tôi lịch sự chào cô gái, dù biết cô ta lém lỉnh chọc quê... Tôi nhìn mặt cô gái trả lời:

- ... Thành Đồ Bàn, chứ không phải là cái thành... gì.. gì... từ miệng anh chàng cà rỡn đang ngồi đánh cờ với cô đâu đó…!

Cô gái cười giả lả... lật đật chạy lại ngồi vào ghế, nhìn bàn cờ có vẻ như thúc giục anh chàng Triều.

Cô gái hí hững nói:

- Cờ em chiếu tướng... Vậy mà hồi nãy tới giờ anh nghĩ chưa ra nước giải hả?... Thôi chịu thua đi...! Tránh voi đâu có hổ mặt nào mà ngại, thắng thua là lẽ thường tình trên đời... phải vậy hôông... anh kỳ thủ? Người xưa nói thắng phải thắng quang minh chính đại. Thua cũng phải thua cho đúng cốt cách mà! (Cười).

Triều ngửng đầu mỉm cười hiền hòa đưa hai tay "đầu hàng". Cô gái đắc thắng vỗ tay…! Đôi môi mọng cười tươi như hoa nở mùa xuân rồi đứng lên chào ra về.

Triều nói vói theo:

- Cô "công chúa" út ơi,! Chị Ba ơi! Hãy ở lại coi tụi tui uống bia nói chuyện cho vui...! Cô gái vừa đi vừa nói mà không quay người lại.

- Thôi! Em xin cảm ơn hai vị "hoàng tử" tốt bụng! Chị Ba nầy sợ mấy ông "con-ngọc-hoàng** lắm... lắm!…

Triều nói với tôi:

- Nhà cô ấy đối diện nhà mình là bạn hàng xóm. Cô ấy là con gái út, mới mười lăm tuổi mà trông phổng phao, bảnh gái, tính tình vui nhộn…! Cô ấy cứ bắt Triều nầy kêu bằng "Chị Ba". Triều nầy thấy cô hàng xóm còn nhỏ, tinh nghịch mà cũng rất dễ thương nên chìu kêu chị Ba luôn, kêu chị Ba miết đâm ra ghiền nặng…! Cha cô ấy là một kỳ thủ nổi tiếng, hổ phụ sinh hổ tử. Thôi bỏ qua chuyện đó đi, bữa nay chúng ta uống bia... Ngày kia Triều nầy lại quảy ba-lô đi công tác lâu lắm mới về nhà. Đi mà nhớ nhung cô bé quá chừng - chỉ nhớ đánh cờ thôi…!

Tôi nói với người bạn Triều:

- Đừng nói quanh co làm gì, có cô bạn hàng xóm xinh xắn là phước đức, là may mắn; bạn hàng xóm thông thường là dễ hiểu nhau, dễ yêu nhau hơn... Xa nhau một thời gian cũng là dịp để "trắc nghiệm" con tim rung động tới cỡ nào để biết mà lo liệu... Thấy Triều thua cờ là mình đã hiểu đôi ba phần…

                                              o0o
Thời gian công tác một năm của tôi sắp hết, tôi được thuyên chuyển về Long An. Trước ngày rời phố núi tôi có tới nhà thăm bạn Triều. Nghe người nhà nói Triều đi công tác xa chưa về! Tôi rất tiếc là không được ngồi uống bia cùng Triều trong ngày chia tay người bạn sơ giao đó đã từng hướng dẫn giới thiệu cho tôi từng địa danh ở phố núi. Tôi nhớ những lần cùng Triều ngồi ở quán cà phê Phượng Vĩ bên dòng sông Dakbla; ngồi uống bia ở quán Hàng Keo trên đường Lê Thánh Tôn... Và tôi nhớ tiếng chuông nhà thờ Tân Hương ngân vang giữa chiều sương thấp... Anh chị chủ nhà làm một bữa cơm chia tay. Tôi nhìn trên bàn có nhiều món ăn hơn, ngon hơn, khung cảnh trong nhà có vẻ... yên ắng hơn. Trên khuôn mặt anh chị chủ nhà phơn phớt chút u buồn tựa màn sương mỏng, mọi người cũng nói, cũng cười, cũng cụng ly, cũng kể lể... và trao nhau những lời thăm hỏi rất là thân tình. Nhưng trong tâm lòng mỗi người hình như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng, đôi khi trầm mặc, còn bé gái ngồi ăn mà đôi mắt gần như vô hồn... Tôi bưng ly rượu cụng với anh Thuần chủ nhà uống cạn rồi nói:

- Em cảm ơn anh chị đã cho em tá túc... Thấm thoát mà đã một năm trôi qua em đã sống cùng anh chị và cháu rất là đầm ấm thương yêu không khác gì ở với gia đình chị của em ở Saigon. Chiếc lịch thời gian không dừng lại cho một ai giờ đã tới lúc phải giã từ, nỗi nhớ thương và kỷ niệm còn in mãi trong lòng em. Em không hẹn, nhưng có dịp em sẽ trở lại…

Anh Thuần chủ nhà vỗ vai tôi, nói:

- Chú em đi rồi, căn phòng chú ở đó anh không cho thuê nữa. Anh sửa sang lại để cho cô con gái của anh chị làm chỗ học hành, con gái lớn phải có nơi chốn riêng tư…

Chị Huệ chủ nhà, rút từ hộc bàn ra một phong bì dày để trên bàn, nói:

- Hàng tháng chú em đóng tiền cơm cho chị, nhưng chú em bận đi công tác hoài thành ra chú em đâu có ăn đủ bữa. Do đó chị chỉ tính tiền những ngày chú ăn. Đây là số tiền thừa ra... Chú hãy giữ lấy như vậy mới công bằng.

Tôi định lên tiếng thì anh Thuần chủ nhà nhét vội phong bì tiền vô cái áo jacket của tôi, khoác tay không cho tôi nói. Tính tự trọng, sự chân thành của anh chị chủ nhà làm cho tôi xúc động tới nỗi nước mắt muốn trào ra.

Bé Loan con gái của anh chị chủ nhà, năm nay đã được mười tuổi. Cô bé biết ngày mai tôi ra đi, cô bé buồn lắm. Từ ngày được tôi dạy cho nhạc lý và đờn ghi-ta, cô bé tự tin và hãnh diện... Cô bé chạy lên phòng lấy cây đờn xuống và đờn hát tặng tôi mấy bản... Nhờ vậy mà không khí buổi tiệc chia tay bớt đi vẻ nặng nề. Buổi sáng ra đi tôi để lại cho cô bé Loan hai mươi bìa bản nhạc thiếu nhi và nhạc lý đã ghép thành tập. Cây đờn ghi-ta tôi cũng tặng luôn cho cô bé. Tôi để lại cho anh Thuần chủ nhà một chai rượu Napoleon. Tôi để lại cho chị Huệ chủ nhà một xấp vải. Tất cả đều xếp trên giường, lấy mền trùm lại, khóa cửa...

Gia đình anh chị chủ nhà và con gái đều có mặt ở nhà ga hàng không KonTum. Buổi sáng chia tay trời quang đãng, nhưng trong lòng người thì quá đỗi âm u... Lúc chuẩn bị lên máy bay tôi ghé tai bé Loan nói:

- Bên trong thùng cây đờn có một "cuộn giấy", chú tặng cho con. Một chặp nữa khi con về tới nhà, con nhớ nới lỏng hai dây đờn, nghiêng thùng đờn, lấy món quà nhỏ đó ra đưa cho mẹ cất giữ dùm, sau đó con vặn dây đờn lại, con đã biết cách chỉnh dây đờn rồi mà... Con nhớ lời chú dặn chứ?

Cô bé gật đầu dạ…, đồng thời nắm chặt cứng tay tôi thủ thỉ:

- Con cảm ơn chú! Chú đi rồi con học nhạc một mình buồn lắm... Con nhớ chú nhiều! Chú hãy về thăm con nha chú!

Chiếc máy bay gầm rú, lơ lửng bồng bềnh trên bầu trời... Tôi nghe lòng trĩu nặng!

o0o
Miền Bắc California, nắng hạn lâu năm! Nay đang mưa lớn; mưa tầm tả cả nửa tháng; hồ nước dự trữ cạn đáy giờ đã gần đầy, không khí mát mẻ cây cối xanh tươi, và con người có đủ nước để canh tác, ăn uống, tắm giặt... Buổi chiều chúa nhật từ nhà thờ đi ra tôi gặp đứa cháu trai con của cô em gái kế.

Cháu chào tôi và nói:

- Trời mưa mát mẻ, thậm chí lạnh nữa, ăn lẩu là đúng sách vở... Con mời cậu đi tới thành phố Millbrae gần phi trường San Francisco ăn "Hot Pot Garden".

Tôi nói với thằng cháu rằng:

- Đi đâu xa cho tốn xăng vậy cháu. Khu Sunset nầy cũng có "hot pot garden", cậu cháu ta đã tới đó ăn lẩu mấy lần rồi, cớ chi phải đi xuống tới Millbrae?

Thằng cháu cười rồi phân trần:

- Cậu chưa biết tin đó thôi. Quán lẩu ở Sunset đã dời về Millbrae. Quán mới tọa lạc ở ngay góc đường (…). Trang trí đẹp, hai mặt trông ra ngoài lộ, vách làm toàn kiếng trong suốt có Parking Lot, quán mở cửa từ năm giờ chiếu tới mười một giờ đêm, khoái nhất là có một giàn bia tới sáu chục loại bia tha hồ mà chọn! Tửu lượng cao như cậu thấy là mê tơi ngay…!

Thằng cháu của tôi tuy có công ty, làm ăn thuận lợi... Nhưng không hiểu tại vì sao nó không chịu lấy vợ, tuổi đời đã ba mươi bảy... Nhìn vẻ mặt vui tươi, hí hửng của "anh chàng" bữa nay tôi đâm ra hoài nghi... Đúng như lời cháu trai nói - từ xa đã thấy hàng chữ "hot pot garden" sáng rực rỡ, mới năm giờ chiều mà khách đã xếp hàng... Tôi uống tới ly bia thứ hai thì thằng cháu trai nói:


- Thưa cậu, cậu nghe con trình bày, Cậu cũng biết con rất mê cờ tướng... Thời gian qua con may mắn quen được một cô gái rất là dễ mến, đang ở với mẹ ruột. Nhà cô ấy cách quán "hot pot garden" nầy chừng mười lăm phút chạy xe... Mấy lần trước con tới thăm, con chỉ biết ngồi đánh cờ tướng với cô ấy - càng đánh càng thua! Trong tuần qua con học được mấy nước cờ hay... Tối nay con quyết "trả hận" mới được.

Tôi nghe cháu trai nói có bạn gái thì trong lòng rất đỗi vui mừng... Nhưng tôi thắc mắc tại sao trai gái gặp nhau lại phải đánh cờ? Mẹ cô gái không lẽ cũng mê cờ? Tôi có hơi thắc mắc...?

Tôi phăng hỏi thằng cháu:

- Vậy con có ý định tiến xa hơn với cô gái đó chứ? Cô gái đó có quan tâm con không? Và thái độ của bà mẹ đối với con có thiện cảm không?

Thằng cháu hơi... ngập ngừng:

- Thưa cậu, con có ý định sẽ tiến tới hôn nhân với cô gái đó. Theo con biết thì cô ấy có yêu con; con nhớ lần đầu tiên cô ấy đưa con về nhà giới thiệu, mẹ cô ấy tiếp đãi con niềm nỡ... Con thấy trên bàn có một bộ cờ tướng rất là đẹp, con cờ màu đen lớn như cái nắp chai "dầu cù-là", [tức đường kính rộng khoảng: 2,5 centimet, bề dày khoảng 2 centimet] chữ con cờ khắc rãnh sâu xuống, mỗi bên quân cờ sơn màu vàng, và màu trắng. Bàn cờ làm bằng gỗ quý, màu cánh kiến, đường ô vuông trong bàn cờ cũng khắc rãnh sâu xuống, đáy rãnh sơn màu nâu sậm, bàn cờ chạm trổ hoa văn rất công phu... Ngoài ra còn có một cái hộp gỗ, cũng chạm trổ đường nét tinh xảo dùng đựng quân cờ. Thấy con say sưa ngắm... Bà mẹ cô ấy hỏi con có biết đánh cờ tướng không? Con thưa với bà là con biết chơi, nhưng chơi cờ còn yếu. Bà nói: Vậy thì hai đứa con hãy chơi đánh cờ tướng đi, đó cũng là một cách vừa thân mật vừa giải trí. Nhưng lần nào con đánh cờ cũng... kéo cờ trắng!

Nghe cháu trai diễn tả con cờ tướng, tôi sực nhớ ra hồi còn ở trong trại "cải tạo", tôi có thấy một người tù cải tạo già, ông ấy moi ở đâu ra cái vỏ bình điện "ắc-quy" đã bị hư hỏng... Ông lén giấu đem về chỗ nằm, rồi tìm cách cắt ra từng miếng nhỏ hình vuông, tẩn mẩn ngồi mài giũa miếng ăc-quy tròn vo..., sau đó ông khắc tên cho mỗi con cờ... Đánh cờ là niềm vui thú duy nhất của người bị tù đày khi có thời gian rỗi rảnh...

Tôi giải thích cho thằng cháu:

- Cậu biết tay cờ con rất khá, nhưng con đánh cờ vẫn thua... Lý do là bà mẹ của cô gái là... một "kỳ thủ" có hạng. Cậu chỉ nhận xét sự việc qua lời con kể chứ chưa dám khẳng định chắc chắn. Con thua cờ trước cô gái là một sự may mắn cho con. Thua có nghĩa là đã thắng, con đã nhận được tình cảm của hai người phụ nữ... Con ghi nhớ rằng: khi đấu cờ với phụ nữ, con nhường cho họ, hoặc đánh "bãi nhị" để giữ tình cảm, đồng thời thể hiện tính cao thượng. Con hiểu ra chưa?

- Cậu đúng là "tâm lý chiến"..., quá hiểu, quá rành về phụ nữ. Con cảm ơn cậu đã chỉ điểm mấy chiêu quá tuyệt vời!

                                                 o0o
Ngôi nhà nằm trên đoạn đường dốc thoai thoải... Trước cổng có lùm hoa giấy hai màu xanh trắng, hình như gia đình cô gái đã biết trước có khách [?]. Cô gái chạy ra mở cửa cúi đầu chào tôi rất lễ phép... Cô gái mời chúng tôi vào nhà. Người mẹ chủ nhà, tầm sáu mươi tuổi ngoài, da dẻ hồng hào, dáng vẻ quý phái hoat bát, tiếp khách ân cần vồn vã...! Hai bên tự giới thiệu xong, thì người phụ nữ liếc mắt qua đôi trai gái... Đôi trai gái hiểu ý kéo nhau lại cái bàn xa xa, vui vẻ soạn cờ ra...

Tôi nghe cô gái nói:

- Anh Tiến mà thua cờ tối nay, chiều mai anh phải dẫn em và mẹ em đi "hot pot garden" đấy!... Mời ông cậu của anh đi nữa... Thua hay thắng chỉ đánh một ván thôi nha!

Nghe cô gái nói... Tôi rất tin tưởng và hy vọng thằng cháu Tiến của tôi sẽ thừa trí khôn và tỉnh táo để sẵn sàng chịu... "thua"!

Bà mẹ cô gái nói như phân bua.

- Tôi khuyến khích tụi nhỏ đánh cờ, đánh cờ cũng là một cách để chúng nó tìm hiểu tính tình của nhau; hơn nữa đó là kỷ niệm không bao giờ quên của một kỳ thủ…

Người phụ nữ hỏi:

- Anh uống bia nhé!

Tôi chưa kịp trả lời thì người phụ nữ đứng lên đi lại tủ lạnh lấy hai lon bia "Budweiser".

- Xin lỗi! Gia đình chị định cư nơi đây chắc đã lâu rồi chứ?

Người phụ nữ lấy giấy "napkin" lau sơ màng nước đọng trên miệng lon bia, khui ra mời tôi - rồi thư thả kể:


- Dạ thưa anh! Tôi ở đây cũng lâu rồi anh ạ! Ngày xưa quê tôi ở trên KonTum, chồng tôi là lính, đầu năm một chín bảy lăm, anh ấy bị thương nơi chân phải. Ngày mất miền Nam, người thân của hai chúng tôi đều thất lạc! Trời xuôi đất khiến cách gì mà hai đứa chúng tôi gặp lại nhau tại Sài gòn sau vài năm "giải phóng"...! Đôi bạn "hàng xóm" chúng tôi đùm bọc nhau bươn chải trong "xã hội mới" để tồn tại, rồi hai đứa chúng tôi lấy nhau, [có làm phép hôn phối tại nhà thờ]. Không một người thân thiết, không bạn bè. Người chứng giám hôn phối cũng nhờ các bà Phước, may cho chúng tôi là còn giữ được một ít hình ảnh giấy tờ... Năm một chín tám mươi, chúng tôi vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ tới nay. Vết thương từ cái chân anh ấy lúc trở trời, lúc trở gió hành hạ anh dữ lắm…! Hơn mười năm sau, hai chúng tôi mới sinh được một cháu gái, chúng tôi đặt tên cháu là Viễn. Viễn có nghĩa là xa phải không anh? Anh thấy đấy, nó đang ngồi đánh cờ... Chồng tôi, khi còn sống anh ấy có nói như là tự đằn vật, tự trách, tự thấy có lỗi: "Hai đứa mình là con ve sầu mùa đông! Một mùa hè mãi vui chơi, ca hát... Một mùa đông lạnh giá chẳng có một chút gì để ăn"!

Vậy, còn gia đình của anh thì thế nào? Tôi có nghe sắp nhỏ kể... Anh là... một nhà văn, nhà thơ phải vậy không anh?

- Thưa chị! Lâu nay tôi có viết... , nhưng chẳng phải "nhà" nào chị ơi - viết như là - ghi lại quá khứ một thời... Tôi tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ, đi bằng máy bay. Hiện nay tôi sống cùng vợ và một đứa con gái duy nhất. Ngày xưa tôi ở Saigon. Khoảng năm bảy mươi mốt tôi được đổi lên công tác tại KonTum một năm.

- Anh thấy KonTum quê của tôi có đẹp không? Anh có bạn hữu thân thiết còn ở đó không? Người phụ nữ hỏi:

- Thưa chị! KonTum có nhiều nơi đẹp như: Vườn Paradise, Tòa giám mục và những ngôi giáo đường cổ... Dòng sông Dakbla thơ mộng... Tôi có quen một người bạn "thổ địa" ở Xóm Chùa, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp…

Người phụ nữ vội vàng ngắt lời tôi:

- Xóm Chùa...! Xóm Chùa...! Nhà tôi ở đó...! Anh đã tới đó rồi? Anh có còn nhớ tên người bạn của anh không?

- Thưa chị! Chúng tôi chỉ là bạn sơ giao... Một phần là do công việc quá bề bận vả lại tôi ở KonTum cũng chỉ có một năm ngắn ngủi chưa đi hết những con đường phố núi, lại thêm chuyện thế sự dồn dập buồn đau nên tôi chẳng còn nhớ gì cả...! Tôi chỉ biết anh ấy mê chơi cờ tướng, chuyện đó cũng do một lần tôi nhận lời mời của anh tới nhà anh uống bia trước khi anh đi hành quân mà thôi... Ngày tôi rời KonTum tôi cũng không gặp anh ấy...! Tôi nhớ mang máng... Anh ấy có một người bạn gái hàng xóm tuổi còn nhỏ. Cô gái đó đánh cờ tướng rất giỏi. Anh ấy gọi cô bạn gái của mình là... "Chị Ba"!

Tôi vừa dứt lời. Đôi mắt của người phụ nữ giãn ra, sững sờ... chồm người tới vồn vả hỏi gấp gáp:

- Vậy người bạn anh có..., có..., yêu cô bạn nhỏ hàng xóm đó không?

Tôi quá đỗi ngạc nhiên! Tại sao người phụ nữ nầy lại sốt sắng quan tâm tới chuyện tình yêu của người khác? Trong lòng tôi hoài nghi... "Có thể nào người phụ nữ nầy là bạn gái nhỏ hàng xóm của anh bạn sơ giao ngày xưa?"...

Tôi thành thật thổ lộ:

- Thưa chị! Tôi nhớ, có một lần hai chúng tôi ngồi uống cà phê bên dòng sông Dakbla, Anh ấy có than thở: "... mỗi lần đi công tác xa... mình nhớ "Chị Ba"! Mình đã yêu chị ba bé nhỏ mất rồi"!…

Người phụ ngồi dựa ra lưng ghế, thở dài... Cặp mắt mơ màng nhìn qua đôi trai gái đang chăm chú đánh cờ... Tôi đoán người phụ nữ có tâm sự... Có thể người phụ nữ đang để dòng ký ức trôi trở về vùng tuổi thơ, vùng tuổi thơ tươi đẹp hồn nhiên, lẫn tinh nghịch... nơi quê cũ Xóm Chùa. Nơi đó đã từng có người thương yêu ruột thịt; có anh chàng hàng xóm mạnh mẽ và đầy lòng nhân ái; có tiếng mõ tụng kinh đêm; có tiếng đại bác từ rừng sâu vọng về làm cho người con gái phải bồn chồn lo lắng... Vùng ký ức nỗi bão dông nghiêng ngả, giằng xé chẳng những hiện tại mà cả tương lai và buồn hơn là mai nầy người con gái Viễn ấy, nguồn an ủi duy nhất rồi sẽ đi lấy chồng...! Giả dụ có "định mệnh" thì rõ ràng định mệnh là tấm lưới bủa vây nỗi cô đơn tới bất tận!

Người phụ nữ bỗng đứng dậy một cách mạnh mẽ, tự tin nhìn tôi, nói:

- Xin mời ông anh đi theo tôi! Tôi cho anh xem , cho anh xem hình một người và anh cố gắng lục lọi lại trí nhớ cho thật kỹ, thật chính xác... Biết đâu có thể người đó là bạn sơ giao của anh ngày xưa?

Tới phiên tôi sửng sốt…!

Trên bàn thờ qua ánh đèn lung linh mờ ảo – tôi nhìn... nhìn... thật kỹ tấm hình... Lạy chúa! “Người trong ảnh là bạn của con"! Bộ quân phục anh ấy mặc đã bạc màu lỗ chỗ dấu vết thời gian, chữ tên Triều trên ngực áo còn khá rõ. Dáng vẻ thời trai trẻ hiền lành khôi ngô tuấn tú cũng bàng bạc theo khói sương... Tôi bồi hồi xúc động nhớ về kỷ niệm một thời - một thời tự do, - một thời thanh bình trong lửa đạn; một thời "hòa bình" trong nước mắt. " . Tạo hóa gây chi cuộc hý trường"!...

Người phụ nữ đã bình tâm trở lai, vui mừng khi tôi xác nhận anh Triều đúng là người bạn thuở sơ giao; một người bạn có nhà ở Xóm Chùa, đường Lê Thánh Tôn, phố núi.

Người phụ nữ tiếp tục thổ lộ:

- Tôi nói thật cho anh hay... Tôi tên là Chi. Tên trên giấy khai sinh do cha mẹ đặt để. Tính tôi lúc nhỏ hay tinh nghich đùa giỡn... Tôi mới thêm cái dấu nặng... Tôi có một người chị, tôi gọi là chị hai. Tôi tinh nghịch, nhỏng thẻo... "bắt" ảnh phải gọi tôi là... "chị Ba" - và ảnh vui vẻ…! Tôi xin cảm ơn Chúa đã cho tôi gặp lại anh, anh là chứng nhân chuyện tình một thời của chúng tôi. Giọng người phụ nữ chùng xuống nói như khóc:

"… Tới nay em mới biết anh yêu em lúc em mới mười lăm tuổi - còn anh thì chẳng bao giờ chịu nói ra, chỉ nhường cho em thắng cờ... Lấy nhau anh cũng không nói anh yêu em. Anh giữ kín hình ảnh cô bé hàng xóm trong tâm; chị ba bé nhỏ trong lòng. Vậy mà em đã hoài nghi...".

Bây giờ tôi đã ngộ ra - Người con gái khi biết yêu - rất cần, và thích nghe lời nói xác định chắc chắn: "Anh Yêu Em" ngay từ "thuở ban đầu" xuất phát từ nơi miệng người con trai nói ra, mặc dù cô gái hiểu rõ ràng người con trai [người yêu] đã yêu mình tới mê muội... Sau nầy có là vợ chồng - người con gái luôn cảm thấy - thiếu... thiếu... cái "nguyên tắc" bất di, bất dịch thuở ban đầu của tình yêu - đó là câu (anh yêu em)... Đối với anh bạn Triều, tôi hiểu cho anh... Tôi hiểu anh bởi "đồng bệnh tương lân". Tôi và cô bạn gái của tôi cũng... trầm trầy, trầm trật đâu có thua gì... Ngày trước anh Triều đã có một tình yêu trong sáng đầy mộng mơ với... "chị Ba, mười lăm tuổi". Bởi cái tuổi thiên thần mười lăm ấy nên anh Triều ngần ngại, không dám nói yêu... Một mối tình đẹp! Thật quá đẹp trong một quê hương tự do, nhân ái... Ngày buông gươm mất tất cả, bản thân anh Triều lại mang vết thương chiến tranh. Quê hương tự do nhân ái bây giờ đâu có nữa! Gặp lại người yêu bé nhỏ lưu lạc và còn anh cũng nổi trôi còn tồi tệ hơn! Thân lo chưa xong, tương lai thì mù mịt làm sao anh đủ can đảm nói - anh yêu em với "Thiên thần chị ba mười lăm tuổi?". Gặp lại nhau trong cảnh "dầu sôi lửa bỏng"... Chính cái "nghĩa" mới chiếm trọn cái tình đã tồn đọng sẵn trong trái tim từ thuở trước mà đùm bọc nhau để tồn tại với nghịch cảnh... Người "chị ba mười lăm tuổi" cũng đau khổ không nguôi...! Hai người sau khi đã thành vợ chồng - kỷ niệm tươi đẹp ngày xa xưa ấy giờ chỉ nhìn nhau đối thoại câm để giữ hương vị tình yêu đằm thắm mãi trong hồn.


Tôi bỗng nghe giọng nói có vẻ hí hửng của cô gái tên Viễn: - Chiếu... tướng!... - Chiếu... tướng tiếp nè!... Tôi thấy cháu Tiến của tôi - tay chống cằm ngồi suy tư...!

Một tháng sau, chúng tôi hân hoan tổ chức đám cưới cho đôi "kỳ thủ" (Tiến - Viễn)! Chúng tôi luôn tin tưởng vào lớp trẻ! Lớp trẻ sẽ tìm ra nhiều nước cờ hay, chẳng những trên bàn cờ tướng mà còn trên quê hương, đất nước…

                                               o0o
Tôi nhớ gia đình anh chị chủ nhà trọ ở trên KonTum…! Không biết bấy lâu nay họ lưu lạc về phương trời nào? Còn bé Loan nữa? Cô "học trò con nít" duy nhất của tôi ơi! Tiếng đờn của con có còn vang vọng nơi phố núi sương giăng mờ mịt hay là tắt lịm theo dòng đời trôi nổi…?! Tôi mở cửa số, tháng Noel nơi viễn xứ gió lùa lạnh cóng người. Ngôi sao-lạ năm nay biết có còn rơi xuống chốn trần gian nầy!? Bên tai tôi lại nghe văng vẳng lời nhạc vang ra từ cái máy cassette của vợ chồng anh Thuần, chị Huệ năm xưa:

Tháng, năm buồn ngân... Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca. Người xưa đâu? Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu. Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu”. **

Xin cho người chết được siêu thoát... Mong cho người sống tìm được sự bình yên, dù ở bất cứ nơi đâu... ./.


Trang Y Hạ
Chú thích:
* Ám chỉ mấy người nghiện rượu
** Hận Đồ Bàn - nhạc và lời : Xuân Tiên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét