Thư viện

20/9/24

NGƯỜI CHƯA HỀ GẶP MẶT

 


NGƯỜI CHƯA HỀ GẶP MẶT

Trang Y Hạ

     Người xưa nói: “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Đó là ngày xưa, chứ thời đại “internet” thì chuyện thấy hình là quá đơn giản. Trực tiếp gặp nhau để nâng chén hàn huyên, đàm đạo thơ văn nhạc họa thì mới khó khăn. Khó khăn bởi công ăn việc làm bận rộn hoặc ở quá xa xôi nơi đất nước Hoa Kỳ quá rộng lớn.

     Người chưa hề gặp mặt - nhưng quen biết nhau qua điện thoại – đó là tôi và anh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân. Tôi chưa bao giờ gặp mặt nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân. Tôi chỉ biết anh Tân qua thi sĩ Trạch Gầm, khi anh Trạch Gầm viết bài thơ tặng tôi với tựa đề “Gửi Trang Y Hạ”. Bài thơ đó là thi sĩ Trạch Gầm “hồi âm” lại khi anh đọc bài thơ “Tâm Sự Người Thương Phế Binh” của tôi. Bài thơ “Tâm Sự Người Thương Phế Binh” được anh Nghệ Sĩ Minh Trí “CLB Tiếng Thơ Người Việt Xa Quê” trình bày:

      https://www.youtube.com/watch?v=0aa-_ExkjrU

      Bài thơ của thi sĩ Trạch Gầm cũng đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân phổ nhạc với cái tựa đề khác: “Cảm Ơn Mày, Cảm Ơn Chị”. Tuy nhiên bên dưới tựa đề mới của nhạc phẩm, anh Tân vẫn ghi “Gửi: Trang Y Hạ”. Nhạc Phẩm:

      https://www.youtube.com/watch?v=oq03EfoTDCM

     Ngày xưa, tôi cũng đã có biết sơ qua về anh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, từ chương trình phát thanh Sài Gòn qua “Bài Ca Ngông” của anh. Nghe nói đó là tác phẩm đầu tay của anh. Tôi còn nghe ca sĩ Hoàng Oanh ca bài “Ngày Xưa Em Nói” cũng của anh được thu âm qua Sóng Nhạc. Ngoài ra tôi cũng biết sơ về: Ban Nhạc Trẻ “BOY” của anh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân. Boy, là viết tắt: “Black, Orange và Yellow”. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân giữ vai trò đờn Guitar Lead trong ban nhạc. Nhạc sĩ còn cộng tác với “Ban Nhạc Joe Mac Coy” tại vũ trường Queen Bee, “Ban Nhạc Huỳnh Hoa” tại vũ trường Gemini đường Công Lý, và vài Club của quân đội Mỹ.

     Tôi biết anh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân định cư ở Hoa Kỳ, nhưng tôi chưa anh biết ở tiêu bang nào? Vào một buổi sáng anh gọi cho tôi (không biết ai cho anh số điện thoại). Anh nói với tôi là anh có đọc bài thơ “Đôi Nạng Gỗ Đã Què” do anh thi sĩ Huỳnh Tâm Hoài chuyển và anh cho biết là trong bài thơ có nhạc và nội dung bài thơ khí khái và cảm động - nếu tôi đồng ý anh sẽ phổ rồi anh hòa âm và trình bày. Còn làm YouTube trang trí hình ảnh thì đó là phần việc của thi sĩ Huỳnh Tâm Hoài. Vậy là nhạc phẩm phổ thơ đã ra đời như sau: https://www.youtube.com/watch?v=Des3lZENWN4&t=114s

     Một thời gian sau anh Tân còn phổ cho tôi một bài thơ nữa, nhưng anh không hòa âm.

     Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi gọi hỏi thăm qua lại... Tôi và anh cùng năm sanh, tính tháng thì anh lớn hơn tôi hai tháng. Anh cũng là sĩ quan, sau ngày mất nước anh cũng bị tập trung đi tù “cải tạo”. Năm 1995 anh tỵ nạn chính trị theo chương trình “H.O”. (H.O – 19) và định cư ở Sacramento. California… Quê ngoại anh ở Gò Công còn anh sinh ở Sai Gon.

     Anh phổ thơ của thi sĩ Trạch gầm nhiều nhất – hai mươi bốn bài [24], và thi sĩ Huỳnh Tâm Hoài... Ngoài ra nhạc sĩ còn làm CD nhớ về Gò Công quê ngoại: Gò Công Thương Nhớ - bằng hai nhạc phẩm “Gò Công Trong Lòng Tôi” & Tình Trái Sơ Ri”. Và nhạc sĩ còn được “giải nhì” trong của (Hội Khuyến Học Santa Ana) với nhạc phẩm “Em Đến Trường”, phổ thơ của thi sĩ Hoài Việt. Biệt tài có một không hai của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân là khi anh phổ thơ thành nhạc anh không sửa lời thơ, cắt bỏ lời của bài thơ. Nghĩa là bài thơ có bao nhiêu chữ là anh phổ hết.

     Nhạc sĩ còn có nhạc phẩm “Từ Đâu? Vì Sao?”. Nội dung của hai nhạc phẩm nhằm nhắc nhở lớp trẻ người Việt sinh ra tại Hoa Kỳ phải biết là từ đâu mà tới.

     Về thơ, anh có cho tôi biết anh cũng có làm thơ với bút hiệu “Thiết Bình Nương Tử”. Có thời gian anh làm Phó Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại Vùng Tây bắc Hoa Kỳ.

     Người chưa hề gặp mặt, nhưng đã gặp mặt qua điện thoại. Chúng tôi “tâm sự” với nhau về đời lính, về những năm tháng ở trong tù “cải tạo”; về sáng tác thơ văn nhạc; về cuộc mưu sinh ở trên xứ Hoa Kỳ xa và lạ nầy. Thôi thì, mượn thơ thi hào Lý Bạch “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, Mạc sứ kim tôn không đối nguyệt”. Tạm dịch: (Đã là người khi vui thì cứ vui. Đừng để chén không dưới ánh trăng).

     Người chưa gặp mặt trực tiếp thì nhiều. Có điều tuy chưa gặp mặt thậm chí chưa gọi hỏi thăm nhau một lần nhưng lại rất gần thậm chí cùng chí hướng. Đó chính là những bài thơ, bài văn, nhạc phẩm, họa phẩm, giọng hát...

     Khi hay tin anh qua đời. Tôi rất buồn, buồn vì anh chưa thực hiện hết những dự tính, dự định để hoàn thành... Người xưa nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Anh về với trời ở tuổi bảy mươi lăm [75] cũng là phúc thọ. Anh nhạc sĩ đã để lại cho đời, cho văn thơ Việt một gia tài đồ sộ mà như thi sĩ đời Nhà Đường là ông Trần Tử Ngang, nói: “Làm thơ là để gửi tấm lòng vô thiên cổ, chứ không phải lưu danh nhất thời”.

     Tôi viết vài dòng về anh Nguyễn Hữu Tân và cũng là viết cho tôi. Người “bên thua cuộc” lưu lạc nơi xứ người. Tôi trích hai câu thơ của Trang Y Hạ để tặng cho anh nhạc sĩ.

    “Quốc kêu tê tái san hà, Ta kêu dĩ vãng thức ra nhớ nguồn”.

     Sống tỵ nạn nơi xứ người, chết đi rồi hồn có về nơi cố quốc hay quanh quẩn nơi chân trời góc bể? Có lẽ bây giờ cả anh, cả tôi và hết thảy mọi người bỏ tổ quốc ra đi đều đã hiểu.

     Thôi, tạm ngưng – bởi: “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí”. Nghĩa là: (Tướng thất trận thì không nên nói mạnh. Quan để mất nước thì đừng có nói khôn).

      Cầu mong linh hồn anh an vui nơi miền cực lạc!

Trang Y Hạ. San Francisco – 2024.

LỜI GIÓ MƯA:

Im lặng không có nghĩa là không có sóng, chính sự im lặng mới nghe có sóng dữ dội hơn”. (Trần Phước Hân).

Chữ Quái Đản, chữ Quái Dị.

Bây giờ người ta viết, nói nhiều thứ chữ - quái đản, dị hợm.

Nào là: "Con nhang, Con nắng, Con tuổi, Con facebook, Con chữ, Con học sinh, Con nhà, Con Xe, Con sân khấu, Con iphone, Con đặc sản...". Viết ngược Mạo Từ (Cái - Con). Câu văn, Câu thơ, Câu hát, Câu ca, Câu Ca dao, Câu hò, Câu vè…, thì gom chung lại nói "Câu chữ"... ".

Nguyên vẹn thì nói “Vẹn nguyên”. Ngôn ngữ thì lại nói “Ngữ ngôn. Xót xa thì lại nói “Xa xót”… Nói ngược.

Thỉnh thoảng thì viết “Thi thoảng”. (Chữ thi trong tiếng Hán có âm khác là xác chết, "cương thi"). Mệt mỏi, chán nản, buồn chán, thì nói “Hoang hoải”. Qua lại, trao đổi thì nói “Tương tác”. Theo Hán Tự, trong chữ tương có: tương tư, tương trợ, tương lai... Còn: tác là làm, tác là đánh, tác là nối lại, hợp lại... Vậy nói “tương tác” thì hiểu theo nghĩa nào? Bữa tiệc thịnh soạn thì nói “Bữa tiệc hoành tráng”. Theo Hán Tự - Hoành tráng theo (bộ miên). Hoành = To tác, rộng rãi. Hoành là ngang "Hoành giáo giang san cáp kỷ thu" (Thơ Phạm Ngũ Lão). Hoành là Hoành Phi ... Trong toán học. Hoành là trục hoành "Tung độ, hoành độ". Theo (Bộ sĩ). Tráng = Mạnh mẽ, người tới ba mươi tuổi gọi là Tráng. Nghĩa là cái gì khỏe mạnh, lớn lao đều gọi là tráng. Như vậy, nói "Bữa tiệc hoành tráng, Đám cưới hoành tráng” & Tùm lum hoành tráng" là chẳng có ý nghĩa gì. chẳng ăn nhập gì hết. Ngày nay bất cứ chuyện gì cũng nói "hoành tráng".

Còn nhiều nữa. Tôi sẽ tuần tự trình bày trong những lần sau.

Buồn là các ông bà thi sĩ, văn sĩ đã ngồi dưới mái trường miền Nam (VNCH) mà lại đi xài thứ quái đản, dị hợm đó.

Trần Phước Hân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét