Thư viện

25/9/24

NGÀN NĂM THĂNG LONG

 



NGÀN NĂM THĂNG LONG

Thơ: Vyvy Lan. Tặng: Trang Y Hạ

Thăng Long hỡi tôi mơ hồi trống trận,
Phá xâm lăng cường bạo báo hồng ân.
Nhớ thành xưa của những Lý-Lê-Trần
Cờ phất phới tiễn đoàn quân chiến đấu.

Tôi mơ lắm tự thuở còn thơ ấu
Chuyện Rồng bay huyền thoại đã truyền rao.
Mơ Quân Vương trao kiếm báu năm nào,
Sau trận mạc hoàng bào vương máu giặc.

Mơ sống lại trái tim Bà Trưng Trắc,
Phận nữ nhi cũng lược giắt trâm cài.
Hán Quân kia từng khiếp đảm thần oai,
Dòng sông Hát, tuyền đài soi bóng ngọc.

Ngàn năm trước Thăng Long còn trong trí...
Tiếng quân reo ngựa hí đuổi quân thù.
Cổ thành xưa nền cũ bóng tàn thu
Mà chẳng thấy đoàn sĩ phu đất Bắc.

Thần Kim Quy thanh kiếm vàng đã cất,
Biết trao ai dũng khí đất Thái Hà?
Năm cửa ô nay chờ đón Phục Ba!
Còn ai nhớ trận Đống Đa, Kỷ Dậu?

Giờ Thăng Long đỏ tươi tanh cờ máu.
Quỷ Vương sao cũng biết khoác Long bào?
Chểm chệ ngồi trên chín bệ ngôi cao,
Mặc lê thứ kêu gào trong khổ ải...

Ngàn năm sau Thăng Long buồn tê tái,
Rứt thịt da...chia biệt Ải Nam Quan!
Biết khi nào lấy lại đảo Hoàng-Trường,
Trang Sử Việt lật những chương buồn bã...!

Quốc Tử Giám sầu thương từng bia đá,
Nơi Ba Đình vất vưởng những hồn ma
Nước không thông dòng không chảy, Nhị Hà
Như cũng muốn cùng dân hòa máu lệ.

Đã giết chết bao đời trai thế hệ,
Đã vùi chôn bao phận gái ê chề
Cả em thơ cũng sống cảnh bùn nhơ.
Còn kiêu hãnh Thăng Long Ngàn Năm Thế!

Vyvy Lan, 2010

Lời Gió Mưa:

     Lý Thái Tổ (974 – 1028). Ông đã thành lập triều đại Nhà Lý (hậu lý). Tiền Lý là Lý Nam Đế. Ông dời đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010 về sau đổi tên thành Thăng Long. (Tức Hà Nội ngày nay). Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên, rồng bay lên là điềm lành đem lại sự bằng an và cuộc sống sẽ vươn lên như rồng. Vậy mà mấy ngàn năn qua dân Việt không thể bay lên nổi nên cứ mãi nghèo đói triền miên... Và, theo truyền thuyết thì dân tộc Việt sinh ra bởi mẹ Âu Cơ và cha là Lạc Long Quân. Mẹ Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng trong một bọc, do đó mới gọi là “Đồng Bào”. Ngày xưa đẻ như vậy là linh thiêng, còn ngày nay y học cho đó là “quái thai”. Bởi do Cha rồng, Mẹ Tiên nên sinh ra xung khắc đành phải “ly hôn”. Mẹ Âu Cơ dẫn năm mươi đứa con đi lên rừng. Cha Lạc Long Quân dẫn năm mươi con xuống biển. Con Tiên, Con Rồng đâu có biết nghề ngỗng gì quanh năm chỉ biết phá rừng để sống, bắt cá để ăn. Do đó, cây rừng mọc không kịp, cá cũng lớn không nổi.

     Bầy con quái thai lớn lên lại tranh giành lãnh địa. Từ dưới biển kéo nhau lên rừng; từ trên rừng kéo nhau xuống biển, hai bên “xáp-lá-cà” - gà nhà bôi mặt đá nhau - tới u đầu sứt trán triền miên... Tệ hơn nữa lại còn chia lãnh địa ra làm mấy khúc. Cuối cùng con bên mẹ Âu Cơ chiến thắng, đuổi con cha Lạc Long Quân chạy xuống biển đành phải đi tỵ nạn khắp bốn phương trời.

     Trót mang họ “Lạc”, nên con cháu mấy ngàn năm nay cứ mãi ly hương.

                                         ***

     Tôi nhận được bài thơ của thi sĩ Vyvy Lan gửi tặng. Đó là: “Ngàn Năm Thăng Long”. Nội dung trong bài thơ, thì ý thơ đã trình bày quá đủ sự kiện, địa danh rồi chẳng cần phải bàn luận gì thêm. Bài thơ tác giả viết bằng cả tấm lòng cho quê hương tổ quốc:

     “Ngàn năm sau Thăng Long buồn tê tái,
        Rứt thịt da, chia biệt Ải Nam Quan!
        Biết khi nào lấy lại đảo Hoàng-Trường,
       Trang Sử Việt lật những chương buồn bã...!”. (Vyvy Lan).

       Trước đây, tôi có đọc bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh”

      "Đất nước mình ngộ quá phải không anh
        Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
        Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
       Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…”. Tác giả: (Cô giáo Trần Thị Lam).

      Bài thơ của cô giáo Lam như những lời hiệu triệu kêu gọi lương tri của hàng ngàn Việt khắp nơi.

      Thi sĩ Trần Tử Ngang (661 – 702) thời Nhà Đường nói “Làm thơ là để gửi tấm lòng vô thiên cổ, chứ không phải lưu danh nhất thời”. Gửi vô thiên cổ đó chính là gửi vô lịch sử. Thơ văn tức là viết giùm cho từng giai đoạn lịch sử, cho những chuyện bất công áp bức, cho sự nghèo đói, cho sự chia ly; cho yêu thương giữa con người với con người chứ không hẳn chỉ có tình yêu trai gái, hay “than thân trách phận, hờn giận cuộc đời”.

       Trong "The of Reason" của Triết gia Tây Ban Nha (George Santanaya) cuối thế kỷ 19, có nói: - "Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xảy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử". Ở trong Tiếng Việt, chữ nói về “Tương Lai” có năm chữ [5]. Chữ nói về “Hiện Tại” có bảy chữ [7]. Chữ nói về “Quá Khứ” có mười tám chữ [18]. Như vậy, quá khứ định hình cho tương lai. Chúng ta luôn nhìn về quá khứ để đi đúng hướng.

     “Quốc kêu tê tái san hà,
      Ta kêu dĩ vãng thức ra nhớ nguồn” (Trích thơ: Trang Y Hạ)

     Cảm ơn thi sĩ Vyvy Lan. Chúc thi sĩ luôn an vui, sức khỏe!

Trang Y Hạ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét