Thư viện

25/6/12

Đêm Trên Chiến Địa


                       
                        Kính tặng chị Ca Sĩ  THANH THÚY

     

  Nghiêng bi đông, từng giọt nhỏ xuống môi
  người bạn nằm miệng khác khô chợt hé
  vết thương trên đùi hở ra giống chẻ
  làm đôi – nhìn tựa bờ bắc bờ nam

  cả chiến trường buông một màu khói lam
  những cột khói trên thân cây tỏa sóng
  mồ hôi ướt lưng áo trận – khô giọng
  chuyển từng người chạy ra bãi trực thăng

  rừng hoang vu chợt gào lên hung hăng
  trong một thoáng rồi lặng im như thóc
  xác trùm kín poncho ai đâu khóc
  người tiễn đưa giờ biết ở nơi đâu

  làm dấu thánh, đứng im lặng cúi đầu
  mây trắng chở tang thương về cố quận
  người lính chết có đồng đội làm chứng
  không chết bờ chết bụi giữa trời mây

  may mắn thì còn giữ được cái thây
  nghĩ cho cùng – cứ cho là có phước
  cuộc chiến đấu còn đang chờ phía trước
  chút tình yêu không thể hẹn bao giờ

  ghi vội vàng trên bao thuốc câu thơ
  giọng Thanh Thúy lắng sương chùng cảnh núi
  chuyến tàu hoàng hôn – trong đêm lầm lủi
  có chở theo người con gái tiễn đưa

  chiến trường đang nóng bỏng, chợt đổ mưa
  ngỡ nước mắt từ đâu về loang nước
  đất đỏ - bùn níu chân không dừng bước
  đạn reo vui như chẳng có chuyện gì

  đêm rừng già thèm ly rượu – tràn ly
  đêm trống vắng uống vào lòng tiếng hát
  tai nghe quen nhịp đều đều đại bác
  tưởng xuân về pháo nổ ngập màu hoa ./-


Trang Y Hạ
Sông Poko DakTo 1971

    
  Bài thơ "Đêm trên chiến địa", viết vào tháng sáu năm 1971. Thời gian nầy TYH đang công tác tại cái làng Dakkangjop, bên kia sông Poko cùng với một Đại Đội lính Trường Sơn mà đa phần lính là người anh em Sắc Tộc. Đang đêm được lịnh di tản ra bãi Trực Thăng thì súng nổ và một số anh em bị thương... Đêm rừng Dakto dày đặc sương mù lạnh ngắt, áo jacket không đủ ấm. Chuyến tàu hoàng hôn qua giọng hát của chị Thanh Thúy văng vẳng từ ba lô của một người lính nào đó. Người lính chợt rùng mình nhìn những giọt sương rơi nặng hạt từ tấm poncho nhỏ xuống đều đều mà cứ ngỡ như giọt nước mắt người con gái tiễn đưa người yêu ra chiến trường. Vội ghi lại những câu thơ trên bao thuốc lá, và nghĩ có dịp sẽ gởi cho chị Thanh Thúy như một lời cảm ơn!

     Chiến tranh như một cơn lốc cuốn xoáy đi tất cả con người, thời gian. Cho nên không có dịp nào thực hiện ý định. Thế rồi, miền Nam đầu hàng! Người lính bây giờ bước sang một giai đoạn khác - đó là buông súng- buông súng có nghĩa là thua trận! Sống lây lất và lao vào trong "tù cải tạo" để nghe tang thương gậm nhấm trên thân thể. Trong tù ước gì được nghe chị Thanh Thúy hát. Đêm trong tù có lẽ còn lạnh lẽo hơn đêm rừng núi ở Dakto ngày xưa - cho dù bây giờ cũng là đang ở rừng... May mắn hơn những người anh em khác là còn sống sót ra khỏi tù và phiêu bạc nơi xứ người. Đêm tha hương không có nghĩa là không còn lạnh! Có ai xa nhà mà thấy ấm áp bao giờ đâu? Giờ đây người chiến binh năm xưa đã lọm khọm. Ngồi nghe lại giọng ca của Chị Thanh Thúy hoặc của các anh chị Nhạc Sĩ - Ca Sĩ cùng thời - hát về người lính ai mà không tiếc nuối một thời hào hùng - một thời tuổi trẻ cầm súng đi giữ nước.

    Thế rồi, một người bạn chuyển cho trang nhạc "thanhthuy.me" của chị Thanh Thúy. Như bắt được vàng! Nghe nhạc thoải mái mà không cần phải đi tìm từng bản. Một ý nghĩ chợt đến là tại sao không gởi bài thơ "đêm trên chiến địa" đã làm khi xưa cho chị Thanh Thúy như hồi tưởng lại một thời đã qua, để cảm ơn chị cho dù tất cả đã đi vào dĩ vãng. Một dĩ vãng đau buồn cho một Quân Đội, một Chính Quyền tự do bị xóa tên trên bản đồ!

     Chị Thanh Thúy và BBT đã chuyển bài thơ "đêm trên chiến địa" lên trang báo thanhthuy.me đúng vào dịp tưởng nhớ Ngày Quân Lực 19.6. 2012. Như vậy bài thơ im lặng bốn mươi năm qua đến được với chị Thanh Thúy như một kỷ niệm. Vết thương nhỏ bé trên thân thể  đã lành, nhưng vết thương lòng quá lớn của Dân, Quân, Cán, Chính miền Nam vẫn còn đau đớn. Xin chân thành cảm ơn chị Thanh Thúy và BBT . Mong rằng giòng nhạc trữ tình miền nam tồn tại mãi mãi qua các giọng ca của các anh chị và các thế hệ tiếp nối trong đó có - thanh thuy.me

Trang Y Hạ
                         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét