Thư viện

13/12/13

Vườn Chuối - ông Già Lùn



                    
                Vườn Chuối - ông Già Lùn
                                    tạp ghi


     Không biết cha tôi kiếm ở đâu ra một cây chuối con đem về nhà, ông đem ra để kế bên thành giếng. Tôi thấy thân cây chuối màu đen chiếm hơn phân nửa thân bên dưới, năm ba cái rễ chìa ra hơi héo. Tôi không biết đây là loại chuối gì ? Vì trong vườn đã có sẵn những bụi chuối sứ thân cao to.

     Cha tôi xách cái xuổng ra vườn đào một cái lỗ đường kính rộng khoảng một thước, sâu độ tám tấc. Đất đỏ mùa mưa mềm, đào không mấy khó thoáng chốc là cha tôi đào xong. Ông gom hết phân bổi đã ủ chín tuôn xuống lỗ, sau đó cho một lớp đất cũng trộn với ít phân phủ lên trên, ông trồng cây chuối xuống và tưới nước. Tôi có hỏi loại chuối gì nhưng cha tôi cười nói - Khi trỗ buồng sẽ biết ! Cha tôi chăm bón thăm nom thường xuyên nên cây chuối lớn rất nhanh, chung quanh gốc mọc thêm ra mấy cây chuối con. Cây chuối con cao khoảng năm tấc, cha tôi bứng ra trồng chỗ khác, cách gốc chuối mẹ chừng hai thước rưỡi. Khi trồng nhiều thì hàng cách hàng hai thước.

     Do được chăm bón đặc biệt, cây chuối mập ú, cao ngang đầu người là trỗ buồng, buồng chuối dài gần chấm đất, tôi đếm có tất cả hai mươi lăm nải. Buồng chuối trái càng lớn, thân cây càng teo, cây không đủ sức đeo buồng chuối, sắp ngã. Cha tôi vô rừng đốn gỗ đem về làm nạng chống cho cây chuối đứng vững. Khi buồng chuối già các tàu lá trên đọt cũng héo khô, cha tôi hạ xuống cắt ra từng nải. Mẹ tôi đem giấu chuối trong cái sọt tre có phủ đầy rơm chung quanh, khi chuối chín mẹ tôi đem ra cho cả nhà ăn, chuối thơm ngon ! Cha tôi bảo tôi đem cho bà con và hàng xóm ăn thử để biết mùi vị của loại chuối lạ.

     Từ năm một chín năm mươi sáu. Dân nghèo hưởng ứng chương trình "Di dân lập ấp" của chính phủ Ngô Đình Diệm; Những gia đình thiếu đất ruộng canh tác đã tự nguyện ghi danh vô các Dinh Điền ở trên cao nguyên Trung phần như: Ban Mê Thuột, Pleiku, KonTum, miền đông Nam bộ và miền Tây... để lập nghiệp. Chính phủ cấp đất ruộng, nhà ở, lương thực, cây giống và phương tiện sản xuất đầy đủ. Khi nào người dân sản xuất - tự cung tự cấp lương thực được, khi đó chính phủ sẽ ngưng trợ cấp. Gia đình nào trồng cây công nghiệp như: Cây cao su, cà phê, cây đay, cây mía... Chính phủ cho vay tiền không lấy lời. Tiền vốn sẽ trừ dần sau khi chính phủ thu mua mủ cao sau, hạt cà phê, sợi đay hay cây mía.

     Cha tôi ghi danh đi lên KonTum lập nghiệp. Năm một chín năm mươi bảy. Con đường lên quốc lộ 19 khi đó còn lởm chởm đá xanh, có nhiều đoạn sạt lở, rừng rậm phủ kín ra hai bên mép đường, nhiều đoạn đường cành tre le hai bên đường giao nhau rất khó đi. Xe luồn lách chạy lên cao nguyên trong sương mù lạnh lẽo.

      Ngày đi di dân lên KonTum cha tôi chỉ mang theo duy nhất - một cái cối đá xay bột, và một nồi đồng lớn có cái miệng rộng bằng chiếc nón lá. Cha tôi nói hai cái nầy sẽ nuôi sống gia đình. Sau nầy tôi mới biết cả cái xã hơn hai nghìn dân chỉ mỗi gia đình tôi có cái cối đá, hai phần ba dân trong xã là dân Quảng Nam. Hễ là dân Quảng Nam thì tô mì Quảng không thể thiếu vắng được, ngoài ra còn phải có thêm các loại bánh: bánh xèo, bánh bèo, bánh đúc, bún... Bánh nào cũng cần có bột gạo... Cha và chú tôi vô rừng đốn tre lồ ô đem về đan mấy trăm tấm vỉ để phơi bánh. Sau đó nhồi rơm với đất sét đắp lò tráng bánh. Vậy là cái "xưởng" tráng bánh của gia đình tôi hoạt động hết công xuất. Nhất là vào những ngày rằm, ngày lễ...

     Đất đỏ trên KonTum rất tốt. Trồng cây gì cũng không cần phân. Nhưng nếu có phân thì càng tốt. Cha tôi nói: Một bữa đi ngang bờ ruộng của người Thượng  thấy một vài bụi chuối trồng trên bờ, cây thấp nhưng  buồng cho nhiều nải. Thử hỏi xin một cây con đem về làm giống thì người Thượng ấy không cho. Ngày hôm sau trở lại mang theo một lít rượu đế và một hủ mắm cái để trao đổi. Người Thượng ấy vui vẻ đào cho một cây chuối con. Người Thượng rất sòng phẳng, họ không xin của ai và cũng không muốn lấy không của ai. Nếu họ thích cái gì thì họ trao đổi, bao nhiêu cũng đổi cho bằng được, cho dù họ có chịu thiệt thòi.

     - Tôi hỏi tại sao kêu chuối già lùn ?

     Cha tôi nói:

     - Thì... do cái giống chuối có thân lùn. Còn già - thì cha có thấy một số loại chuối già lùn khi chín, bên ngoài lớp vỏ chuối có những nốt lốm đốm: lớn có, nhỏ có - thâm như da mồi trên mặt trên tay của những người già.

     Cha tôi giải thích như vậy nghe cũng hợp lý. Cha tôi nói ở đời người ta thường hay xem mặt đặt tên. Tỷ như già khú đế mà còn hám gái thì người ta kêu là: "già dịch - già dê - già mất nết - già không nên nết - già lựu đạn - già ó đâm..." vậy mà !

     Cha tôi gầy lần lần, vài ba năm sau đã trở thành một vườn chuối già lùn hơn năm trăm bụi. Còn những bụi chuối sứ được trồng chung quanh vườn để chắn gió. Thân chuối sứ rất cao, cao đến bốn thước, choáng đất và buồng chuối không cho nhiều nải. Tối đa cũng chỉ mười lăm nải. Nhưng lá chuối sứ gói bánh tét, bánh ú - bánh cho màu xanh thật đẹp, bánh thơm ngon. Người ta cúng ông bà tổ tiên, thần thánh bằng chuối sứ. Lá chuối sứ tươi cũng như khô còn dùng gói đồ rất thuận tiện. Chuối già lùn ít lá, lá lại dày và giòn nên không mấy người sử dụng. Vườn chuối của cha tôi mỗi tuần đều có thu hoạch. Ban đầu thì còn gánh lên chợ bán, chợ cách xa sáu cây số. Khi chuối nhiều qúa thì các người đi buôn đến tận vườn mua sỉ. Họ tự ra vườn xem buồng nào già thì chặt đem vô tính tiền. Cha tôi là người thấu hiểu chuyện đời, hơn nữa lại có tấm lòng nhân ái. Ông thường nói với các con rằng: "Mười đồng xét xa. Ba đồng xét gần". Nghĩa là muốn có trọn mười đồng thì hãy bỏ công gánh nông sản ra ngoài chợ ngồi dang nắng, dầm mưa để bán mà lấy đủ mười đồng ! Còn nếu bán tại nhà cho người đến mua sỉ thì phải trừ cái công đó ra. Ngồi nhà thì chỉ ăn ba thôi - ăn ba còn khỏe hơn ăn mười. Ăn trọn mười đồng còn lo sợ ế, sợ lỗ...

     Chăm bón năm trăm bụi chuối không phải chuyện dễ dàng, phải thường xuyên làm sạch cỏ chung quanh gốc, loại bỏ những tàu lá chuối vàng úa, khô, để tránh bị cháy. Khi buồng chuối trỗ thấy vừa đủ nải thì cắt bỏ bắp chuối đừng để trỗ nhiều nải quá, trái chuối sẽ nhỏ. Thấy cây chuối nào bị bệnh thì ngay lập tức loại bỏ cả bụi chuối, đào gốc lên đem tất cả đi nơi khác thiêu hủy. Xử lý đất bằng cách lấy vôi rải xuống lỗ. Mùa mưa thì lo dọn cỏ, đến mùa nắng thì rất mệt ! Lo phòng cháy, tưới nước để chuối cho năng xuất. Trên KonTum thường cuối mùa mưa là bắt đầu có gió, gió miệt mài ra tới tháng giêng. Da con người còn khô rám, nổi cáy, môi nứt nẻ đau rát, huống hồ là chuối, lá chuối bị gió khẻ cho te tua xơ mướp. Trước khi sắp dứt mùa mưa, muốn cho vườn chuối tươi tốt và năng suất bình thường, cha tôi phải thuê người cào đất chung quanh bụi chuối rộng ra, sâu chừng ba tấc tạo một bờ thành, bờ thành của các bụi chuối giáp nhau, vì mỗi bụi chuối chỉ cách nhau hai thước rưỡi. Sau đó ra đồng ruộng xin gom hết các rơm rạ, bó thành từng lọn chở về vầng kín chung quanh bụi chuối, phủ lên một lớp đất chừng vài tấc, sau vài ba cơn mưa cuối mùa rơm giữ nước, một thời gian sau rơm rạ mục sẽ thành phân bón hữu cơ. Cho dù có giữ độ ẩm, nhưng khoảng vài ba tuần cũng phải tưới đẫm một lần nước. Ngoài ra khi chặt buồn chuối, thân cây chuối đoạn làm hai, làm ba - chẻ đôi ủ trở lại bên dưới, còn gốc chuối sau khi lấy buồng, dùng cái xuổng nạy lấy cái gốc ấy lên. Làm như vậy sẽ rộng chỗ cho các cây chuối con tiếp tục lớn lên. bụi chuối không bị mau cỗi. Chuyện đốn bỏ thân chuối và đào gốc chuối sau khi thu hoạch buồng chuối, ban đầu cha tôi tự làm lấy, sau nầy có người đến vườn mua chuối cha tôi giao luôn chuyện đó cho họ làm. Cha tôi thưởng công cho họ bằng chuối, họ biết ơn, và làm rất gọn gàng, vừa ý !

     Khi vườn chuối thành khoảnh, xanh tươi, rậm rạp. Cha tôi trồng chen vô gần gốc chuối những cây ớt hiểm, loại ớt nầy rất cay, cay qúa mới gọi là ớt hiểm. Ớt hiểm trái nhỏ, cỡ bằng ngón tay út của con nít, nhưng bán giá cao. Ớt hiểm thường mọc hoang trong rừng rất nhiều, cây cao ngang đầu người lớn do chim ăn rồi thải hạt theo phân mà mọc lên. Cây ớt hiểm thích ở trong rậm rạp nên trái ớt có màu xanh đậm, khi chín có màu đỏ - độ cay giảm. Cha tôi trồng xen mỗi bụi chuối mỗi cây ớt. Thành thử thu nhập cũng rất đáng kể. Ngoài trồng chen ớt ra, cha tôi còn trồng chen lưa thưa thêm mấy trăm bụi thơm giữa khoảng cách hai hàng chuối, cũng như chung quanh vườn. Trồng chen thơm chủ đích để ăn, đôi khi chín nhanh quá thì cũng đem bán.

     Phía sau nhà khoảng năm chục thước, cha tôi làm một cái nhà cầu lợp tranh, chung quanh cũng che bằng mấy tấm tranh, ở dưới có một cái thùng lớn bằng tôn để khi đi cầu phân rơi vào đó, có cái máng cho nước tiểu chảy ra cái lu bên ngoài, bên ngoài có một cái lu đựng tro có nắp đậy kín, mỗi khi đi cầu xong là múc một bác tro đổ xuống. Tro lấy từ lò tráng bánh mà mẹ tôi tráng bánh làm mì Quảng cho người trong làng cũng như tráng bánh tráng sắn. Mùa mưa cũng tráng bánh, tráng ít hơn, mưa dầm thì nghỉ. Tôi không bao giờ thấy phân trong thùng tôn đó đầy, hình như cha tôi mang đi đâu tôi cũng không biết. Một bữa trời gần sáng, bên ngoài sương mù và rất lạnh, bụng tôi đau ngầm ngầm muốn đi cầu. Cha tôi có thói quen thức dậy lúc năm giờ sáng, ông tự pha cà phê, pha trà ngồi uống, ông không bao giờ nhờ đến các con hay mẹ tôi. Tôi thấy ly trà trên bàn nhưng không thấy cha tôi,  vì đau bụng tôi mặc vội áo lạnh chạy ra cầu. Ngồi trong cầu tôi nhìn vô vườn chuối tôi thấy một đốm lửa lập lòe, lúc thì huơ huơ... lúc thì sáng rực...! Trời đã lạnh mà tôi càng nghe ớn lạnh... Cứ nghĩ là ma trơi ! Tôi vội kéo quần đứng lên chạy vô nhà vẫn không thấy cha, tôi kêu mẹ dậy - la ỏm tỏi...! Ngoài vườn có ma ! Có ma trơi... ! Vừa lúc đó cha tôi bước vô nhà nói: "Ma cỏ cái chi, cha ngồi hút thuốc ở bụi chuối đó" ! Trong lòng tôi thắc mắc, trời lạnh như vậy tại sao cha lại phải ra ngoài vườn chuối mà ngồi hút thuốc ? Nhưng tôi không dám hỏi.

     Tôi rất tự hào với bạn bè trong lớp bởi nhà tôi có cái vườn chuối già lùn, mọi người trong làng kể cả con nít mỗi khi gặp cha tôi thì đều chào "ông già lùn" ! Cha tôi không có lùn. Ông rất thích được mọi người kêu ông như vậy. Trong nhà không thiếu chuối già lùn chín, trẻ em, người lớn dù quen hay lạ đến chơi hay thăm vườn hỏi mua chuối đều được cha mẹ tôi mời ăn vài trái chuối chín uống nước chè ! Cha tôi còn giúp cho một số gia đình đem con giống chuối già lùn về nhà trồng nếu họ muốn. Thành ra người trong làng rất kính trọng.

     Đúng tuổi tôi vô lính, trong nhà chỉ còn lại mấy đứa em gái. Tôi vô lính, ngoài chuyện nhớ thương lo lắng ra, cha mẹ tôi mất đi một tay trợ giúp đắc lực trong công việc nhà cũng như phụ chăm lo vườn chuối. Mấy năm sau cha tôi già yếu nên công việc đồng áng làm ít lại, ngay cả vườn chuối già lùn diện tích càng ngày càng giảm hẳn, chỉ còn để lại ba chục bụi. Ngược lại những người trong làng - vườn chuối của họ lại phát triển đáng kể. Một lần về phép tôi mua cho cha tôi một cặp rượu Tây. Tối đó, cha và tôi ngồi uống rượu dưới trăng trước sân nhà.

     Cha tôi nói rằng:

     - Làng quê Dinh-Điền mình trên vùng rừng cao núi thẳm, coi như ở trong "hóc-bò-tó"! Mần chi có khoa học kỹ thuật về trồng trọt, cha chỉ có kinh nghiệm của một lão nông. Phân bón thì sử dụng phân hữu cơ là chính, phân hữu cơ làm xốp đất. Sở dĩ chuối nhà mình tươi tốt là nhờ  "phân" của tám người trong gia đình mình ị ra, riêng cha mỗi buổi sáng khi thức dậy - pha cà phê, uống trà xong cha xách cái xuổng ra bụi chuối ngoáy một cái lỗ thật sâu và cha cũng ị xuống đó, lấp đất lại. Ngày trước cha ham trồng nhiều, trồng nhiều chăm bón không xuể. Giờ sức khỏe yếu, cha chỉ chăm bón ba mươi bụi. Nhưng con thấy đó, chỉ ba mươi bụi thôi mà cây chuối già lùn cho năng xuất gần gấp đôi, mỗi buồng chuối cho tối đa - ba mươi đến bốn mươi nải ! Mỗi buổi sáng cha "ngồi tâm sự" một bụi. Phân nhà nghèo bón cây ít tốt hơn phân nhà giàu, phân nhà giàu chất bổ nhiều hơn bởi họ ăn toàn cá thịt, cao lương mỹ vị... Nếu có được phân nhà giàu bón cho cây chuối già lùn thì sẽ tốt biết mấy !

     Tôi nhìn cha cười nói :

     - Cha so sánh vui thiệt ! Chắc là cha đã biết - Cây cải của Trạng Quỳnh... ?

     - Cha nhìn tôi gật đầu... rồi nhìn vườn chuối cười vang... !

     Thì ra trong mấy năm qua - mỗi buổi sáng sớm cha tôi đều đi cầu trực tiếp vô bụi chuối. Con bọ hung, con trùn sẽ "tiêu thực" để hóa thành một loại phân đặc biệt bón cho cây chuối mập mạp mà không một loại phân nào có thể so sánh bằng.

      Vườn chuối già lùn của cha tôi tuy chỉ còn ba mươi bụi. Nhưng được chọn con giống khỏe mạnh, được bón một "loại phân đặc biệt" nên cây chuối cho năng xuất rất cao, nên vẫn còn có nhiều người đến thăm - trầm trồ khen ngợi và thắc mắc: không biết làm cách nào mà cây chuối già lùn cho những ba mươi đến bốn mươi nải ? Nải chót cụng sát đất, phải lấy rơm bện thành một cái rế dày để kê lót bên dưới và chống đến hai cái nạng.  Ai xin cây con về làm giống thì cha tôi sẵn sàng cho, nhưng hỏi cách chăm bón thì cha tôi nói trớ đi. Không phải cha tôi "giấu nghề". Bởi thời thập niên: năm mươi chín, sáu mươi - chuyện lấy phân người bón trực tiếp cho cây cối là - còn lắm chuyện úy kỵ...! Vì sự tế nhị đó, mà cha tôi không bao giờ nói ra cho mọi người biết nguyên do.

     Thỉnh thoảng cha tôi có xách rượu và các thứ khác đem biếu ông già người Thượng đã cho cha tôi cây chuối, nhờ cây chuối già lùn mà gia đình tôi có lợi tức để sống qua nhiều năm. "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" là đạo nghĩa nghìn đời không bao giờ quên. Thiết nghĩ với kinh nghiệm nghề nông của cha tôi đã tích lũy... Những người nghèo khổ ở các vùng nông thôn hẻo lánh - ít vốn, ít học  lại không thể tiếp cận kỹ thuật trồng trọt và cây giống, phân bón hóa học... Có thể học hỏi kinh nghiệm trồng chuối theo cách "lão nông tri điền, tri thổ" của cha tôi để gia tăng lợi tức cho kinh tế gia đình thêm sung túc ! Điều căn bản là phải siêng năng, chăm chỉ, biết sáng tạo... Dân gian nói: "cái khó bó cái khôn". Nói như vậy là chấp nhận đầu hàng số phận và chịu sống trong cảnh đói nghèo hay sao?  Cái khó sẽ "ló" ra cái khôn !

     Cha tôi lúc nào cũng tủm tỉm cười mỗi khi có ai đó chào "ông già lùn". Người nào mới đến làng chưa biết chuyện nghe vậy thì ngớ ra... - Một ông già cao một thước bảy mươi hai ! Vậy mà gặp ở bất cứ nơi đâu, già hay trẻ thảy đều chào: Ông Già Lùn - một cách đầy yêu thương và trân trọng.



Trang Y Hạ
Saigon 1992, năm giỗ Cha thứ ba mươi

    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét