CÔ HÀNG XÓM
“Trăng lên khỏi núi trăng nghiêng,
Ta muốn vui chung với bạn, sợ láng giềng mỉa mai”.
(Ca Dao).
Trẫm thuê nhà (tầng trệt) ở khu Sunset gần bốn năm nay. Ngôi nhà tọa lạc trên triền dốc thoi thỏi, mặt nhà trông ra con đường khá rộng mang tên: Kirkham Street. Từ nhà xuống biển chừng một cây số, thấy rõ từng lọn sóng trắng xóa và vài chiếc tàu sắt xa xa...! Dọc theo biển có "high way" chạy phía trong dãy bờ cát, bên ngoài bãi biển rộng thênh khi nước rút, đêm xuống nước thủy triều dâng ngấp nghé bờ... Do đó ban đêm "high way" có khi phải đóng cổng cấm xe lưu thông. Mỗi ngày thứ ba, đúng mười hai giờ trưa, từ "radio" gắn trên cột điện sẽ báo thử hệ thống cho toàn vùng biết: "... không sóng thần... "! Phát bằng hai thứ ngôn ngữ: Anh - Hoa" (khu Sunset người Hoa ở nhiều). Ngoài ngày thứ ba thử hệ thống, còn lại các ngày khác hễ nghe báo động khẩn cấp là có - "sóng thần..." ! Dân chúng tập trung về trường học sẽ có xe của chính phủ đưa đi lánh nạn... Chính quyền khuyến cáo dân chúng sống trong vùng Sunset gom các loại giấy tờ văn bản cần thiết của gia đình vô trong một cái giỏ, khi báo động có "sóng thần" phải nhanh chóng ôm giỏ... chạy đến nơi đã quy định!
Cát biển không trắng lắm, hạt cát nhỏ mịn sạch trơn không một cọng rác. Vỏ sò, vỏ hến, vỏ nghêu... có moi tìm cũng chẳng ra. Bờ biển trơ trọi, lưa thưa lớt thớt dúm dó những lùm cỏ trông quạnh hiu...! Gió ngoài đại dương lồng lộng thổi vô bờ tạo sóng trên mặt cát gờn gợn ngoằn nghoèo phẳng lỳ, giống sa mạc... Nơi đây, dọc theo bờ biển thiếu vắng rừng cây dương liễu chắn gió thành ra không được nghe tiếng: tỉ tê, gào thét hùn hụt của gió, chỉ có nghe sóng biển thì thầm, mất hút...
Biển quanh năm lạnh, sóng nhỏ, không mấy ai dám xuống tắm ngoại trừ năm ba người đàn ông thanh niên lướt ván, chỉ đến mùa hè hoặc mấy ngày nóng bức dân chúng mới túa ra biển nằm trên cát phơi nắng, hóng gió biển... (Luật thành phố cấm không cho đem thức ăn, thức uống có cồn ra bãi biển). Muốn ăn uống thì đã có các restaurant cách bờ vài trăm thước, vô đó lên lầu ngồi phóng tầm mắt ngắm biển thật thoải mái... Nơi bãi biển hằng năm có tổ chức các lễ hội..., dân địa phương, du khách các nơi kéo về tham dự đông nghịt.
Nói ra thì thật là... xấu hổ! Trẫm về ở nơi đây thời gian đã khá lâu vậy mà nhà hàng xóm kế cận hai bên chưa bao giờ trẫm gặp mặt họ một lần, hầu hết mọi người ai cũng tất bật - sáng đi chiều về, chiều về trông cho tới cửa là chui vô nhà ngay... Ngoài đường phố vắng lạnh không người đi bộ, trừ một vài người gồng mình đi tập thể dục hoặc dẫn chó dạo nghêu ngao..., thở ra khói! Trẫm nhớ lại ngày còn nhỏ nghe cha trẫm nói: "Người ở trên thành phố không có tình cảm, chỉ biết đèn nhà ai nấy rạng. Không như bà con dưới quê mình tình làng nghĩa xóm lúc nào cũng gắn bó chặt chẽ; chuyện "quan - hôn - tang - tế", hay lúc tối lửa tắt đèn đều tận tình giúp đỡ cho nhau".
Ngẫm ra lời nói của cha trẫm ở vào thời điểm nầy là rất đúng! Đánh mất cái tình làng nghĩa xóm, là... mất hết chỉ còn trơ trọi một mình !
Nhà trẫm thuê ở gần biển, hưởng gió mùa đại dương quanh năm với sương mù, sáng sáng trẫm đi bộ một vòng ra biển - đó là thói quen của mấy người lớn tuổi. Hôm nào mệt mỏi hoặc biển động âm u mưa gió đành ngồi lỳ ở trong nhà ngó ra...! (Có lẽ do sợ chết sớm), thành thử cố mà tập thể tháo... Nhà hàng xóm nằm bên phía tay trái là người Mỹ, gia đình có bao nhiêu người thì không thể biết, chỉ thấy ba bốn chiếc xe hơi bỏ ngoài đường. Bên phải là nhà người Mỹ gốc Hoa ngự ở góc đường, mặt nhà xây ra hướng khác, vậy là quanh năm suốt tháng không thấy mặt một ai trong nhà của họ.
Ở khu sunset nầy xe hơi gần như chín mươi phần trăm bỏ ngoài đường dù xe đắt tiền hay không đắt tiền, không ai thèm lấy cắp xe hơi hay tháo lấy kiếng xe đâu mà sợ. Sương muối, gió biển lùa hơi nước mặn lâu ngày làm cho thân xe mau rỉ sét, mục nát là lẽ đương nhiên!
Sáng sớm hôm nay trời ít sương mù, trên đường chạy ra biển Trẫm thấy một cô gái da trắng, tóc heo heo vàng, dáng cao cao khá đẹp gái, cô mặc cái quần ngắn khoe ra cặp giò trắng hếu (người da trắng hình như không biết lạnh ?). Trẫm đoán không lầm thì cô gái nọ khoảng ngoài hai mươi tuổi, cô gái đi bộ dẫn theo một cậu chó cưng khá bự, lông trắng... Cậu chó giằng cái dây chạy vô đám cỏ xoay xoay tìm hướng - ỉa...! Cô gái chờ cậu chó ỉa xong, moi trong túi áo jacket lấy ra một cái túi nhựa màu đen tròng vô bàn tay phải, chiều dài cái túi nhựa gần tới cùi chỏ . Cô hốt cứt cho cậu chó gọn gàng trong lòng bàn tay. Đoạn, cô gái lấy tay trái lộn ngược cái miệng túi nhựa từ trên cùi chỏ xuống, cứt nằm gọn bên trong, cô gái cột túm miệng túi nhựa đem bỏ vô thùng rác. Mấy thao tác đó cô gái mần rất nhanh, rất thuần thục chứng tỏ cho thấy cô gái đã có một bề dày kinh nghiệm hốt cứt rất “chuyên nghiệp" ! Trẫm mừng cho cô gái, nếu cô không hốt mớ cứt thì trẫm, và người khác chứng kiến chụp hình, đi thưa cô sẽ bị phạt ăn "ticket" ! Hầu hết những ai nuôi chó, dẫn chó đi chơi đều đem theo túi nhựa để hốt cứt chó.
Thấy cô gái hốt cứt. Trẫm chợt nhớ lại chuyện của ông thầy thuốc Đông Y: “Một bữa trời sắp tối, ông thầy thuốc đông y thấy một thiếu phụ trẻ trên tay ẵm một đứa bé trai chừng vài ba tuổi trông xanh xao bước nhanh vô tiệm thuốc, mếu máo” - Thầy ơi, thầy...! Con của con nó... ỉa chảy mấy bữa rày! Thầy coi... thầy hốt, rồi... thầy ăn bao nhiêu thầy ăn"!
Trẫm đi lòng vòng một hồi quanh bờ biển đã nghe thấm mệt đành quay trở về, về gần tới nhà, trẫm lại “chộ” mặt cô gái hồi nảy!
Cô gái thấy Trẫm lơn tơn đi lại gần, cô tươi cười, nói:
- Nhà ông ở gần đây ư?
- Đúng vậy, thưa cô! Trẫm đưa tay chỉ cái nhà của trẫm thuê cho cô gái…!
Tay cô gái cầm sợi dây, giật... giật…, ghì cậu chó lại hình như cậu chó cũng nôn nóng trở về nhà.
Cô nói tiếp:
- Nhà đó là của ông mua hay... thuê? Gia đình ông ở đấy bao lâu rồi?
Được một cô gái Mỹ trẻ đẹp, gợi chuyện trong lòng trẫm vô cùng hân hoan...
Trẫm nói:
- Tôi thuê nhà đó đã được bốn năm! Hình như cô mới đến vùng nầy?
Cô gái nhìn trẫm hơi lâu, vẻ mặt vui tươi:
- Vậy mà tôi không biết ông! Thỉnh thoảng tôi có thấy ông đi tập thể dục. Thì ra, ông là hàng xóm...! Cha mẹ tôi thuê nguyên căn nhà gần nhà ông ở cũng khá lâu, còn tôi bận đi học xa mới về khoảng nửa năm.
Trẫm nhìn thẳng vô đôi mắt xanh cô gái, nói:
- Tôi cũng có đôi lần thấy cô dẫn cậu chó cưng đi ra biển. Tôi cũng như cô thôi - không có dịp để gặp “người hàng xóm”!
Cô gái và Trẫm cùng cười...!
Kể từ bữa nói chuyện đó trẫm và cô gái còn gặp nhau vài ba lần nữa vào buổi sáng, - cũng là tình cờ thôi - một già, một trẻ song hành đi ra biển. Trẫm và cô gái chỉ hỏi thăm sức khỏe của nhau rồi mỗi người mỗi việc, hình như cô gái chỉ yêu mỗi cậu chó cưng!
Tuổi lớn ít ngủ, trẫm thức dậy sớm, uống trà mở "computer" đọc email... Sau đó tà tà đi bộ ra biển, đôi khi còn phải dừng lại xem một vài món đồ người ta - ban đêm - đôi khi lén đem bỏ ra ngoài góc đường: (nệm, quần áo, bàn, tủ, ghế, truyền hình, đầu DVD, Vacuum, Microwave, Oven, giường, nệm…). Chưa bao giờ thấy bỏ dollar. Theo luật đem bỏ đồ như vậy là bất hợp pháp, mấy vật dụng đó đều đã cũ, vẫn còn dùng được đối với mấy người nghèo, hoặc người chuẩn bị nghèo thì cứ mà lấy đem về xài tạm... Trẫm đi một vòng cảm thấy mỏi cẳng đành tìm chỗ uống một ly "coffee starbucks" nóng cho tỉnh táo... Trẫm nhìn xa xa phía trước, hình như là cô gái hàng xóm thì phải? Quả đúng! Cô gái đang lom khom bên hông cửa sau xe hơi, trên tay đang cầm chai nước lọc, còn cậu chó đứng im re để cô chủ rửa đít...! Trẫm nhìn cô gái rửa đít cậu chó mà hơi sững sờ, ngạc nhiên bởi thao tác rửa đít rành rọt, nhuần nhuyễn không thua chi bàn tay người mẹ rửa đít cho đứa con ruột thân yêu của mình. Cô rửa đít cho cậu chó cưng xong, tiếp tục rửa bốn chân cậu chó, rửa mồm cậu chó. Cuối cùng cô bồng cậu chó cưng vô trong lòng - lấy giấy "napkin" lau đít cậu chó, lau bốn chân cậu chó, lau mồm cậu chó, lau lông cậu chó thật khô ráo. Sau đó mặc quần áo cho cậu chó - đang run vì lạnh. Khi cậu chó đã sạch sẽ - cô hôn miệng cậu chó vài lần rồi đẩy cậu chó vô trong xe đóng cửa lại rồi quay ra tiếp tục lau dọn gom rác trên mặt đường. Cô nhìn chung quanh không thấy thùng rác, cô gái đành phải vứt bịch rác trong xe.
Trẫm âm thầm nhìn cô gái: âu yếm, săn sóc cậu chó cưng mà suy ngẫm: "Chừ trẫm già rồi, chứ hồi còn thanh niên mà chợt thấy cảnh cô gái xinh đẹp chăm lo cho con chó một cách tận tình, còn hôn môi chó nữa...! Trong một khoảnh khắc nào đó, có khi cũng... ao ước được là - con (chó cưng) của cô ấy! Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại - biết đâu chừng đến lúc nào đó cô ấy bỗng dưng mưa nắng thất thường, nổi cơn tam bành lục tặc dẫn "cậu chó cưng đi... thiến"! Như vậy có phải uổng phí một đời?".
Trẫm đủng đỉnh bước lại gần cô gái:
- Chào cô hàng xóm buổi sáng! Cô khỏe đấy chứ? Tự dưng hôm nay mặt biển đầy sương mù như vầy...!
- Ồ! Chào ông buổi sáng!
Cô gái vui vẻ nói:
- Mùa Giáng Sinh năm nào biển cũng âm u như vậy! Ông đi từ từ về nhà nhé! Tôi phải đến trường học ghi danh, sắp trễ giờ!
Cô gái quẹo đầu xe lăn bánh, riêng cậu chó ngồi trong xe cố chồm đầu ra bên ngoài, sủa: chách... chách...! Hồi nãy lúc trẫm đang nói chuyện với cô chủ của cậu chó, trẫm để ý thấy vẻ mặt cậu chó luôn tỏ thái độ gầm gừ, hăm he, xua đuổi... Có thể cậu chó lo sợ trẫm "chôm" mất cô chủ xinh đẹp tựa thiên nga của cậu. Đúng là... "đồ chó giữ nhà” không ai bằng, không phân biệt được già với trẻ. Trẫm đã già đầu rồi chứ đâu có còn trẻ trung chi nữa, thời "hoàng kim" đã bay qua lâu rồi. Bây chừ: (súng gãy, đạn lép, gươm cùn) rồi, còn ở ngoài đồng cỏ non rợp trời, trâu già trâu què đành ngồi ngó...! Xe chạy cả chục thước mà mặt cậu chó vẫn còn, - ngừ... ngừ…! Có ân oán chi đâu mà cậu chó "thù dai" trẫm như vậy không biết nữa?
Trẫm "sorry" cậu chó nha, phần phước của cậu may mắn sinh ra ở mỹ-đế! Được hưởng đầy đủ: nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận, luật pháp công bằng, Sống trên xứ sở khoái nuôi chó nầy nếu có một ai đó lỡ tay, lỡ miệng, xúc phạm đến cậu chó, ắt sẽ bị đưa ra tòa, phạt tiền, thậm chí bị tù! Ở xứ mỹ-đế đâu có kẻ nào dám mần cầy "bảy món"! Trẫm nói thiệt nha, nếu cậu chó sinh ra ở các nước khoái cầy tơ thử coi, cậu mà, sủa: "chách... chách..." - tức thì được mấy ông "cẩu tặc" quăng dây vô cổ kéo cậu đi liền! Bàn dân thiên hạ sẽ đem - củ riềng, củ sả, mắm tôm, lá mơ, rượu đế ngọc dương nhét vô mõm cậu. Cậu hiểu chưa vậy hử?
Một buổi sáng nọ nghe tiếng động khá ồn ào... Trẫm hé cửa dòm ra xem thử có chuyện chi? Ngoài đường sương khói từ biển từng đàn hối hả kéo nhau lướt vô cánh rừng Golden Gate Park dày đặc, rờn rợn ma quái giống như trong phim “tây du ký”. Chiếc xe chở thuê (uhaul) to kềnh đang đậu kế nhà từ lúc nào...? Ba bốn người đàn ông Mễ hì hục, hớn hở chuyển bàn tủ ghế của nhà hàng xóm lên xe, sắp xong! Trẫm bước ra đứng, nhìn... nhìn...! Cậu chó bữa nay thấy trẫm vẻ mặt của cậu chó bớt "hận thù" không sủa (có thể cậu chó đánh hơi nhận ra người đàn ông hàng xóm tuy già mà không mất nết, không thả dê cụ để cuỗm cô chủ "tình thương mến thương" của cậu).
Cô gái thấy trẫm, cô đi lại nói lời chia tay như phân bua, rằng: - “Gia đình phải dọn đi nơi khác vì căn nhà đang ở quá chật chội, nhưng vẫn thuê nhà ở trong địa phận thành phố San Francisco nầy. Có dịp ra biển sẽ ghé thăm”!
Nói xong, cô gái xáp vô ôm trẫm thật chặt, (gái Mỹ có khác)! Con trâu già trẫm, tưởng chừng ngạt thở!
Cô gái nói tiếp:
- Tôi nhớ nhiều về ông, về những buổi sáng cùng ông đi dạo ngoài bãi biển thật êm đềm...!
Lời nói của người sắp đi xa nghe sao mà ngọt ngào...! Mùi con gái mỹ, từ mái tóc hoe hoe vàng tỏa ra hăng hắc…, lại thêm mùi nước hoa ngai ngái... hòa quyện đưa hồn trẫm lâng lâng lên chín tầng mây xanh...! Trẫm hơi thảng thốt, ngớ người hai cánh tay thẳng đơ chưa biết tính sao đây? May là nhờ có bản lĩnh đờn ông (già)! Trẫm hí hửng đưa lên, vỗ... vỗ... xoa... xoa... trên lưng cô gái (bịnh chi cữ, được gặp dịp may thì cứ vỗ cứ xoa). Trẫm ú ớ... nói vài câu chẳng ra đầu, ra đuôi! Chao ôi, đâu có phải là hương bồ kết, hương bưởi? Đâu có phải là tình yêu trai gái? Vậy mà, dĩ vãng tưởng ngủ quên bao năm tháng choàng dậy ùa về trệu trạo làm cho lòng trẫm bão tố nghiêng ngửa!
Trẫm và cô gái hàng xóm mới quen chưa bao lâu, giờ cô ấy chuyển nhà! Mai đây lang thang đi ra biển chỉ còn lại một mình! Tại sao thế gian cứ tái diễn cảnh chia ly để cho đời người cõng không biết bao nhiêu nỗi đau buồn vương hận? Cô gái hứa: "... có dịp sẽ ghé thăm"! Đừng hứa mần chi cô gái ơi! Hãy ôm trẫm lâu lâu một chút nữa đi nào. Lần tới, quỷ thần xui khiến có gặp lại thì dễ chi trẫm được cô ôm thật chặt như dzầy!
Trang
Y Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét