Thư viện

10/1/15

LY CÀ PHÊ SỮA ĐÁ





 LY CÀ PHÊ SỮA ĐÁ

      May ra trời lặng nước trong,
        Chẳng may bão táp cực lòng thiếp thay”.
                                                        (Ca Dao)

     Thuở chưa được đi qua xứ “mỹ-đế” định cư, trẫm lo bên nớ biết có bán cà phê sữa đá hay không, nếu mà không có bán thì thèm lắm! Ly cà phê sữa đá có thể nói là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt lâu nay. Ngồi uống ly cà phê sữa đá bất cứ giờ giấc nào, rít một hơi thuốc thơm nữa thì có gì thú vị hơn.

     Thời gian khá lâu, lâu đến hàng chục năm sau, Trẫm và gia đình mới qua được chính phủ Mỹ chấp thuận qua xứ “mỹ-đế”, kể ra thì quả là hơi muộn màng so với người [cùng-thời-cuộc], Muộn màng bởi một vài nguyên do không ai muốn muộn! Tới xứ “mỹ-đế” mới biết các lớp đàn anh đi trước phần nhiều họ thành đạt, con cháu của họ cũng đã thành đạt! Trong lòng cũng thấy hơi tiếc lắm đó. Người đời hay nói:Trâu chậm uống nước đục”! Nghĩ cũng đúng, đành phải chịu thôi! Tuy nhiên, muộn thì cũng có cái hay của muộn, ai cũng đi sớm hết thì mặt đất làm chi có đồi núi nhấp nhô. Đường nào cũng về La Mã mà! Mừng là cả gia đình cùng đi chung kể cả đứa con gái đầu trên hai mươi mốt tuổi chưa lập gia đình!

Ngày phỏng vấn đậu cả nhà và dòng họ đều mừng, nói:

     - Đừng lo chuyện đi trước với đi sau mần chi. Đi được người nào hay người đó, qua bên bển coi bộ chịu không thấu cảnh tha phương thì trở về, chứ quê hương nào có ai bỏ ai. Đi cứ coi như đi du-lịch cho mở con mắt ra chứ mắc mớ chi lại ngập ngừng mà không đi. Đi Mỹ là để lo tương lai cho đám trẻ ăn học thành tài thi thố với đời, các nước tư bản tất cả mọi công dân của họ đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều có cơ hội thăng tiến. Bây giờ hai nước đã bang giao, đi lại đâu còn khó khăn trở ngại.

     Mỗi người khuyên mỗi câu nghe ra cũng ấm áp nỗi lòng người bỏ xứ ra đi - bỏ xứ ra đi mà xúm nhau háo hức kể cũng thiệt là lạ! Lạ và ngạc nhiên là mấy đứa trẻ, nghe nói đi qua xứ “mỹ đế” là chúng nó reo mừng như được lên thiên-đàng không bằng! Chúng nó có biết chi về nước mđế hỉ? Trẫm đây thì không nói mần chi vì ngày xưa còn phục vụ ở trong chính phủ miền Nam, cũng có tiếp xúc với một vài người mỹ, cũng có hiểu được chút ít về cuộc sống và văn hóa mỹ qua lời họ nói; họ nói răng thì nghe như rứa, nghe như vịt nghe sấm. Có lần họ nói như vầy “Ở nước mỹ có bốn cấp như sau: Nhứt đô la, nhì đàn bà, ba chó mèo, bốn đàn ông”. Nghe vậy, lúc đó tưởng họ nói cho vui.

     Mấy đứa con của trẫm, sinh sau đẻ muộn mần chi mà hiểu biết về nước Mỹ? Chúng nó chỉ biết qua một vài hình thức cụ thể, đó là: Quà, dollar... của thân nhân, của bạn hữu từ bên Mỹ gửi về cho!

Lúc chưa được đi, một bữa trẫm nghe đứa con gái lớn, thì thầm bên tai:

     - Cha ơi, dù con có học cho lắm ra trường chắc chi con xin được việc để mần! Cha mẹ lo cho con đi qua mỹ "du học"; cùng lắm là đi lấy "chồng ngoại"! (Người ta lấy chồng ngoại rần rần, đi cho biết đó biết đây, quẩn quanh ruộng lúa biết ngày mô khôn?

     Nghe con gái nói trẫm tỉnh ra: Quả thật con gái quê mình trắng đẹp, nổi tiếng: "Nha Mân - Tây Đô - Tân Châu... "! Đàn ông con trai ngoại quốc họ tới, họ thấy và họ mê mệt! đã rủ nhau tới cưới làm vợ ào ào... Họ (chi bạo thì gái quê ưng liền), chứ như con gái: Cam-pu-chia, gái Lào, gái Thái... mấy ông ngoại quốc đó họ có thèm đâu!

     Vợ chồng trẫm nghe con gái nói mà đâm hoảng sợ đến toát mồ hôi trán! Tiền ở mô mà đào cho ra những mấy chục triệu đồng cho con đi qua mỹ đế "du học?” Thêm chuyện nữa là: - Bốn đứa con gái đi “du học" thì không nói mần chi, chứ tụi nó hè nhau lấy chồng ngoại quốc một lượt, - mỗi đứa lấy một ông chồng khác quốc tịch rồi mai kia mốt nọ dẫn về một đám cháu (tạp chủng), chúng nó nói toàn tiếng tây, tiếng u mần răng mà nghe cho đặng? Gặp trường hợp rủi ro hay cơm không lành canh không ngọt, hoặc mần ăn thất bại thậm chí ly dị, chúng nó lại dẫn một bầy con nít (cháu ngoại đó) về quê gởi nhờ ông bà ngoại nuôi giùm thì trẫm lấy cơm áo gạo tiền ở mô mà nuôi cho xuể? Trời ơi, khi ấy nhà của trẫm chứa đầy một lũ cháu "hợp chúng quốc", không chừng chúng nó lại còn "kỳ thị chủng tộc" gây ra chiến tranh tan nát hết cửa nhà chứ chẳng chơi!

     Thời gian chờ đi buổi sáng mấy người em rể, em trai cùng bạn hữu, liên tục gọi đi uống cà phê, ăn sáng đấu láo toàn - chuyện bên “mỹ-đế”, bên trời âu. Người em rể thứ sáu nhìn chiếc máy bay dân sự bay ngang qua, cười nói:

     - Ngày anh đi, không biết anh hai ngồi ở khúc đầu, khúc giữa hay khúc đuôi trên chiếc phi cơ dân sự đó không biết nữa? Nghe nói vậy, trẫm cười mà nghĩ thương các em lắm. (Sau nầy người em rể thứ sáu cũng qua Mỹ - Qua Mỹ để rồi chết!).

     Cà phê sữa đá là cái "gu" của trẫm! Uống cà phê sữa đá phải biết pha cho đúng cách mới ngon. Đừng cho sữa ngọt quá - đừng pha đắng quá - đừng cho đá nhiều quá, đá cùng một cỡ thì hay lắm... Đừng bao giờ lấy cà phê kho, cà phê nấu mất hết mùi vị đem đi pha cà phê sữa đá, phải là cà phê phin nhỏ giọt đậm đặc. Ly pha cà phê là loại ly thủy tinh, dày, cao. Không cần quai nắm, có quai nắm khi uống cà phê lại nghĩ đến uống bia! Khi uống phải kèm theo một điếu thuốc, phải là thuốc thơm mới ngon. Hớp một ngụm nhỏ cà phê sữa đá, tiếp theo sau rít một hơi thuốc. Chao ôi, thấm tới tận từng tế bào; thấm tới tận từng chân răng, kẻ tóc…! Nhớ về những tháng năm xa xưa, đi lính ở KonTum, buổi sáng có dịp ngồi trong quán cà phê nhìn qua tấm kiếng mờ đục, sương mù gieo nặng hột tựa mưa phùn, người đường đi co ro trong gió lạnh, thở hơi ra khói hòa theo sương khói bay lơ lửng… Mùa mưa, mưa mùa lại càng thê lương ảm đạm! Uống một ly cà phê sữa đá, hút điếu thuốc thơm! Ngồi nghe Jo Marcel, trình bày nhạc phẩm “Thôi” của nhạc sĩ Y Vân, trong lòng man mác nỗi buốn!

Thôi em đừng khóc, đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
......
Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu nầy đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi… (lời nhạc).

     Nghe Jo Marcel ca lại nhớ hình bóng người yêu ở nơi phương trời thăm thẳm đến đứt ruột, đứt gan...! Bây chừ, tất cả đều đã qua đi nhưng mỗi khi ngồi uống cà phê sữa đá trong lòng lại hồi tưởng về thời xa xưa ấy mà nôn nao, da diết một cách kỳ lạ!

     Một buổi sáng. Trước một ngày lên máy bay qua Mỹ, trẫm uống với anh em ly cà phê sữa đá cuối cùng! Người em rể thứ bảy (bán sách báo - văn phòng phẩm) giới thiệu với trẫm một ông "việt kiều" vốn đã quen từ trước, khi biết trẫm là "phe ta"! Ông ấy nhanh nhẩu tự giới thiệu:

     - Chào ông anh, tên tôi là Tony Ly… Tôi định cư ở Hoa Kỳ kể từ ngày "định mệnh", con cái trưởng thành, học hành tới nơi tới chốn, chúng nó đều an cư lạc nghiệp. Vợ chồng tôi đi làm có (đóng thuế) nay đã nghỉ hưu, tôi về lai quê thăm thú, và đã mua một miếng đất, cất một ngôi nhà nho nhỏ an hưởng tuổi già, lâu lâu nhớ con cháu bay về bển thăm chúng nó, ăn một bữa "oyster", uống một bụng rượu tây. Ở mỹ uống rượu lái xe bị cảnh sát phạt trắng mắt vôi, chẳng những phạt mà còn phải bắt đi học luật giao thông trở lại rất là phiền toái hơn nữa là bảo hiểm tăng tiền thậm chí không cho lái xe. Tôi nghe nói anh sắp qua mỹ định cư, giờ nầy mới đi quả thiệt thòi cho anh! Tôi nói thiệt nếu anh có ruộng, vườn, nhà cửa, có công việc làm, lợi tức ổn định thì ở bên nhà sung sướng hơn nhiều. Đi qua bên dó làm chi cho khổ!

     Ngồi nghe ông "việt kiều" nổ, trẫm bị văng miểng tối tăm mặt mày không biết đường mô mà lần.

     Người em rể thứ bảy nghe xong, cười ngất một chặp, rồi nghiêm mặt, góp lời:

     - Gia đình tôi cũng có anh em, bà con bên xứ mđế. Đi qua bển mà "khổ" như vậy thì đi làm gì? Chính phủ Mỹ họ "bảo lãnh" cho đi thì cưa đi, chẳng lẽ họ đem con bỏ chợ? Người trong nước bao nhiêu năm qua nhìn mấy ông, mấy bà việt kiều áo gấm về quê, vung tiền làm "từ thiện" khắp mọi nơi, ăn chơi vung vít trên từng ánh mắt thèm thuồng của những người: bán vé số, người bán hàng rong, người nông dân cơ cực... Thử hỏi ai mà không ao ước đi qua bên bển? Một số còn ôm dollar về nhờ người thân đứng tên - mua nhà, mua đất! Một số về ở hẳn để "đầu tư kinh doanh" mọi ngành nghề, từ đó nhà nước mới ban tặng danh hiệu "việt kiều yêu nước - khúc ruột ngàn dăm" thật hãnh diện quá chừng!

Tất cả ngồi im lặng, im lặng tới nỗi nghe rõ từng nhịp đập của trái tim!

     Mấy năm qua trẫm cư ngụ ở trong thành phố San Francisco, thỉnh thoảng trẫm ngồi xe bus, mất gần một tiếng đồng hồ mới đến khu Tenderloin, khu nầy người Việt tụ về ở trong các “housing” (chúng cư) khá đông. Họ mở các cửa hàng buôn bán, quán ăn uống với đủ các món Việt, phần nhiều ở trên đường Larkin và các ngã tư gần đó. Trẫm thích nhất vô Lee's Sandwiches, nơi đây rộng rãi thoáng mát sạch sẽ, bàn ghế ngồi thoải mái, có restroom. Phần nhiều bán món ăn Việt làm sẵn, có cả bánh mì nóng, cà phê sữa đá… Ngồi ăn uống được nghe tiếng “đồng bào” nói chuyện rất êm tai lại gần gũi!

     Ly cà phê sữa đá bán ở Lee's Sandwiches, cũng khá đậm đà hương vị quê hương không thua chi ly cà phê sữa đá ở bên quê nhà, nhìn kỹ màu sắc có hơi nhạt vì nhiều đá. Giá cả ngang ngửa với ly cà phê starbucks, rất vừa túi tiền (tiếc là cái ly bằng nhựa và cách pha phế công nghiệp). Trẫm phân tích cho vui vậy thôi, chứ được uống một ly cà phê sữa đá trên đất “mỹ-đế” vùng San Francisco nầy là may mắn lắm rồi! Trẫm xin cảm ơn người có "phát minh vĩ đại" ra phê sữa đá! Trẫm "order" xong chờ gọi đến số thứ tự để tới “pick-up” bưng ra để trên cái bàn dài sát mé tường kiếng phía trước, ngồi ở đó nhìn ra đường Larkin vừa nhâm nhi vừa vân vê điếu thuốc thơm Marlboro mà hồi tưởng giọng hát của nam ca sĩ Jo Marcel! Khổ nỗi, thèm điếu thuốc thơm thì phải đi ra ngoài vỉa hè đứng co ro mà hít cùng với gió lạnh căm căm (ra ngoài nhớ mang theo ly cà phê), bằng không sẽ bị dẹp mất. Ngồi trong quán nhìn qua bên kia đường bà con homeless đủ các màu sắc - vui tươi thoải mái - đứng, nằm, ngồi đủ kiểu. Một vài ông bà homeless đó moi ở đâu ra một số đồ – áo, quần, giày, dây nịt… bày ra bán trên vỉa hè. Gia tài của họ mang theo lỉnh khỉnh chất đầy trên mấy chiếc xe đẩy tay lấy ở trong mấy siêu thị (mall), nếu ai có việc đi ngang qua chỗ họ thì được thưởng thức cái mùi “đặc trưng” thơm lừng của nhiều ngày không tắm. Nhìn xéo qua bên tay trái một chút là dịch vụ nhận gửi tiền, hàng hóa về Việt Nam. Trẫm đang mơ mơ, màng màng trong đầu vài câu thơ. Bỗng nghe có tiếng ai đó nói nho nhỏ:

     - Con chào chú! Chú có thể mua cho con một ly cà phê sữa đá, được không hở chú! Con thèm lắm chú ơi!

     Trẫm quay đầu nhìn lại xem thử là ai? Thì ra, đó là một cậu thanh niên còn trẻ chưa một lần thấy mặt, cậu khoảng chừng ngoài hai mươi tuổi, dáng người hơi thấp, khuôn mặt điển trai, có hơi lơ ngơ…! Cậu ta mang ba lô (xẹp lép). Phản ứng đầu tiên là "Tạm thời im lặng để suy xét nguyên do?" cái đã, (trường hợp nầy không phải cho là keo kiệt vì có đáng giá chi một ly cà phê sữa đá). Trẫm nghĩ: Người tuổi trẻ đó khỏe, đẹp trai! Anh ta từ nơi mô tới lại đề nghị xin một ly cà phê một cách thẳng thừng như rứa? Trẫm nhớ có lần theo bà xã đi chợ ở số 25, đường Irving, trẫm thấy hai người - một trai một gái còn khá trẻ, họ cùng nhau đi chợ, không rõ là vợ chồng hay tình nhân?. Người con gái hỏi người con trai bằng tiếng Việt, như độc thoại: - “Chuối nầy không biết có ngon không đây? Trái chuối trông mập mạp, ửng màu vàng rất đẹp. Trái cây ở đây không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng hoặc bị ép chín bằng hóa chất”.

     Trẫm nghe người trẻ tuổi nói tiếng Việt, trong lòng cảm thấy vui, nên quả quyết: “Chuối đó ngon lắm đó các cháu! Lâu nay chú thường hay mua”.

     Nghe trẫm nói tiếng Việt, hai anh chị quay lại, nhìn... với vẻ mặt lạnh lùng rồi quay người đi luôn một mạch! Không một lời chào nói chi đến chuyện cảm ơn!

     Trẫm ngập ngừng vài ba giây và làm thinh. Thấy vậy, chàng thanh niên đã quay người lầm lũi bước nhanh ra khỏi quán với vẻ mặt buồn rười rượi! Tự dưng trong lòng trẫm chợt dâng lên một nỗi thương cảm xót xa lẫn ân hận, ray rức, rồi tự hỏi "Người thanh niên nầy sinh ra ở xứ “mỹ đế” thì có lý mô lại "thèm" một ly cà phê sửa đá tới độ phải đi xin? Vậy chàng thanh niên kia từ nơi mô tới thành phố San Francisco nầy? Ở nơi đất nước tự do nầy có đủ loại người, có đủ màu da, có đủ cảnh đời từ giàu sang cho tới nghèo hèn “homeless”. Muốn giúp ai, muốn cho ai cứ cho đếch cần phải biết nguyên do? Đếch cần chi phải biết cái "lý lịch trích ngang" cho thêm nhiễu sự. Lý lịch đó chắc chi đã thật, chẳng lẽ đi mần thiện nguyện, thiện tâm cũng phải xin phép? Sao ta phải đắn đo, ngập ngừng để vụt mất một dịp may.

Trẫm lọt tọt chạy theo, nói:

     - Này, cháu trai ấy ơi! Chú mời cháu một ly cà phê nha! Hồi nãy cháu nói mà chú lo suy nghĩ để hoàn tất bài thơ nên không nghe…! (Cháu bỏ quên tiền ở nhà là chuyện thường tình thôi )! Bữa ni chú khao thưởng đồng-bào!

     Ly cà phê sữa đá, trẫm "order" đầy ắp để trên mặt bàn. Trẫm đẩy nhẹ (về phía ấy), nói:

     - Uống đi cháu...! Uống đi…!Dễ chi đồng hương chúng ta có dịp ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa đá ở trên đất nước mỹ đế nầy!

Chàng trai trẻ, để chiếc ba lô trên bàn, nói:

     - Dạ. Con vô cùng biết ơn chú về sự đối đãi nầy. Con sẽ không bao giờ quên bữa hội ngộ hôm nay.


     Người trai trẻ nhìn ra đường... Ba bốn làn xe hơi nối đuôi nhau dừng lại thẳng hàng khít rịt khi có đèn đỏ. Không thể biết trong đầu người trai trẻ đang nghĩ gì? Trẫm cũng nhìn qua bên kia đường, vài ba ông da đen honeless râu bạc tua tủa thoạt nhìn như dính một thứ bột trắng chi đó trên mặt? Họ đang cãi nhau ỏm tỏi, (cãi rất lịch sự chứ không gào toáng lên, xỉ vả nhiếc mắng). Tia nắng nghiêng chiều yếu ớt vừa mới ló dạng trên vỉa hè đã vội vàng lẩn khuất... Tin thời tiết cho biết khuya nay và suốt ngày mai, mưa bão sẽ ghé thăm chơi vùng San Francisco! Có thể mưa suốt tuần! Trẫm độc thoại nho nhỏ đủ để cho mỗi một mình trẫm nghe:

Ngấn biển xanh mộng dã tràng
trăng khuya run rẩy bóng tàn phong rơi
hồn hoang tiều tụy ma hời
chân xiêu đất lạ lão trời quá xa.
(Trích thơ Trang Y H).

     Chàng trai ngồi nhìn ra đường tư lự một hồi lâu, và hình như có nghe trẫm ngâm mấy câu thơ lảm nhảm một mình. Có thể chàng trai ngồi tư lự và rồi khi nghe trẫm ngâm thơ mà cảm nhận mối u hoài nơi đất khách.

Chàng trai quay người lại nhìn trẫm, nói:

     - Chú là thi sĩ phải không? Vừa rồi con nghe chú ngâm bốn câu thơ đầy ý nghĩa thấm đẫm một nỗi buồn man mác nơi vùng trời viễn xứ. Ngấn biển xanh mộng dã tràng ư? Biển muôn đời vẫn xanh, mộng công hầu khanh tướng ví như con dã tràng! Trăng khuya run rẫy bóng tàn phong rơi ư? Trăng đẹp thật nhưng suốt đời chỉ đứng một mình và nương nhờ ánh sáng mặt trời! Không nhờ ánh sáng mặt trời thì làm chi có trăng? Trăng tàn thì bóng cây phong cũng tàn theo! Hồn hoang tiều tụy ma hời ư? Ma hời lưu vong trên vùng đất của họ và khắp nơi trên thế giới đó thôi! Suy người mà ngẫm… Chân xiêu đất lạ lão trời quá xa ư? Trời thành “lão” không còn đủ sức quan hoài tới ai nữa rồi!

     - Thưa chú! Chú sống ở thành phố San Francisco nầy chắc đã lâu?

     - , thì cũng đã lâu lâu! Thân già dựa chính phủ mà sống mấy năm nay, may là không homeless, không đói, không rách. Bịnh... thì được điều trị miễn phí! Nói một cách cho công bằng rằng: Bao nhiêu năm qua chú đã - "Ăn bám vô đồng tiền đóng thuế của người dân Mỹ"! Chú mang ơn, mang nợ của họ và nhiều món nợ khác chất đầy hai vai - kiếp nầy không cách chi trả nổi!

     Chàng trai uống ly cà phê sữa đá hơn phân nửa, nhìn vẻ mặt đã tươi tỉnh và tự tin cũng như chững chạc trong lời đối thoại.

Chàng trai lại hỏi:

     - Thưa chú! Chú... quá thẳng thắn và thành thật rồi đó! Ngày xưa, chắc chú là... lính, hoặc công chức của chính quyền miền Nam? Con xin lỗi chú, con đã hỏi chuyện riêng tư.

     - ! Từ thời xa xưa, xưa ấy chú cũng có một chặp, mần "ngụy bán nước cho mỹ-đế"! Tôi trả lời chàng trai như vậy, để xem chàng trai có phản ứng gì không?

Chàng trai thảng thốt:

     - Chao ôi. Chú cũng nói chú là... “ngụy” nữa hả? Chúng cháu "hậu bối" không dám nghĩ các chú, các bác như vậy đâu.

     Trẫm nhìn qua bên kia đường, số người homeless tụ về càng nhiều, có thể họ chuẩn bị đi tránh mưa bão sắp tới. Một người đàn ông dẫn con chó đi rất hăng hái, thân con chó có mặc áo lạnh, trẫm nghĩ chắc họ cũng vội vàng trở về nhà để tránh mưa bão. Trẫm bỗng nhớ lại lời người lính mỹ năm xưa nói “nhứt đô la, nhì đàn bà, ba chó mèo, bốn đàn ông”.

Trẫm trả lời câu hỏi của chàng trai:

     - ! Người ta phong cho chú vậy mà, chú mới biết ngụy chứ? Có thể ở trong một khoảng thời gian, không gian chưa thể ước định sự cảm thông xen lẫn hối tiếc trỗi dậy muộn màng từ một thực tại đầy rẫy thiệt thòi của sự mất mác, đắng cay, tủi nhục, dối trá! Cá nhân cháu không nghĩ nhưng cái “ngụy” đó vẫn tồn tại, tồn tại trong mỗi con người và luôn tranh chấp nhau giữa “nguy - chân”, cái vòng tròn đó không nhứt thiết nằm lại một chỗ, nó theo thời gian chuyển động hơn nữa là không một tòa án nào xét xử. Đó là triết học nhân sinh, đó là vòng quay quá lớn của lịch sử nhân loại. Ngụy hay chân có thể như là một ân sủng hay một tai nạn rơi xuống thân phận con người và con người phải chấp nhận!

     - Cháu hiểu! Ngụy chưa hẳn ngụy, chân chưa hẳn là chân! Chuyện "ăn bám" như chú nói đâu chỉ có mỗi một mình chú đâu? Theo con biết trên thế giới cũng có nhiều quốc gia đi xin viện trợ các quốc gia khác đó thôi Người ta cũng đi xin viện trợ từ chính phủ Hoa Kỳ và các nước tư bản giàu có kia mà?

Chàng trai lý luận chắc nịch. Trẫm bắt đầu chú ý trong giọng nói có một chút thiện cảm.

     - Cháu nghĩ như vậy là đã "vượt vũ môn" rồi - cứ cho là dễ nói chuyện, dễ cảm thông.Tục ngữ có câu: "Một thằng nói ngang, ba làng cãi không lại". Trong cuộc sống nơi trần thế nầy có nhiều những người nói ngang, nói ngược nên không thể lý lẽ...! "Tất cả các chủ thuyết rồi sẽ qua đi, điều còn lại cuối cùng là dân tộc"! Tổng thống Pháp (De Gaulle).

     Khi chia tay, đôi môi người thanh niên mấp máy, có lẽ chàng trai còn muốn nói thêm điều chi đó. Chàng trai trẻ siết tay trẫm thật chặt rồi quay người vội vã bước đi thật nhanh như trốn chạy về hướng City hall (tòa thị chính). Trẫm nhìn theo cảm thấy như làm rớt mất một thứ chi đó rất trân quý mà vĩnh viễn không thể tìm lại được! Thứ trân quý đó không thể nào lượng giá cho đúng giá được! Bốn-mươi-năm trôi qua trẫm mới có một dịp may ngồi uống một ly cà-phê-sữa-đá đậm đà tình tha hương với một “chàng trai nước việt" trên vùng đất lạ!

     Khung trời San Francisco vần vũ âm u ảm đạm càng lúc càng sậm màu mây mưa hơn! Ngọn gió chiều thổi mạnh hơn! Người xe trên đường vội vàng hấp tấp hơn! Hầu hết họ lo chạy về nhà tránh mưa bão! Những người homeless cũng lo tìm chỗ tránh bão! Bão từ thiên nhiên, bão từ trong lòng đều là bão! Trẫm cũng vội vàng đi về theo hướng chàng thanh niên để xuống Metro Civic Center! Gió càng lúc càng lớn đem theo vài hột mưa, gió thổi tung mấy chiếc lá phong tạo khung cảnh tang thương tiêu điều giá lạnh. Bóng dáng của chàng trai trẻ chờn vờn ở phía trước vậy mà hai chân trẫm cố hết sức "quân hành" vẫn không cách chi theo kịp! Quả đúng là sóng sau xô sóng trước *. Ôi, ông thời-gian, ông không tha thứ cho một ai!

Trang Y Hạ
Ngồi nhìn mưa bay - 2014
* Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng
     Trần thế kim nhân quán cổ nhân”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét