Thư viện

1/2/15

HAI PHIÊN GÁC ĐÊM




                
                      HAI PHIÊN GÁC ĐÊM

Trang Y Hạ

     "Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
      Mái tranh nghèo không người sửa sang
      Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân…” (Lời nhạc)

Ánh trăng hạ tuần tháng chạp bịn rịn giã từ hàng cây chuối nằm bên ngoài hàng rào kẽm gai. Không biết cơn gió đông còn sót lại, hay ngọn gió xuân mom men ùa về đẩy đưa mấy tàu lá - cứ ngỡ như cánh tay vẫy chào con trăng cuối cùng của một năm! Đêm âm u tịch mịch, nhìn lên bầu trời dòng sông ngân hà lúc nãy mới còn thấy đó, giờ đã biến đi đâu mất chỉ còn lưa thưa một vài ngôi sao chưa chịu đi ngủ. Phiên gác đêm cuối năm của Trẫm kể ra cũng không đến nỗi lẻ loi.

Trẫm, một người tù "cải tạo" ở trong cái dãy nhà lô số sáu, gồm có mười phòng - tất cả đều say "giấc nồng" bởi quá mệt nhọc sau một ngày lao động... Nửa năm nay, Trẫm gần như quá quen thuộc với khung cảnh tối om. Suốt hàng hiên dài hẹp, chỉ có duy nhất một cái bóng đèn tròn treo đung đưa... nhễu ra thứ ánh sáng vàng vọt, mỗi đêm loài thiêu thân thích xúm nhau lại bu bám nên càng mờ thêm. Suy ra cũng đúng thôi, nào có "thư từ - sách vở - báo chí" để đọc đâu mà phải cần đến nhiều bóng đèn? Tối đến mọi người ngồi xếp hàng theo từng tổ, dãy để bình bầu cá nhân "lao động xuất sắc" trong ngày. Bầu bán xong là leo lên sạp gỗ - ngủ say như chết, mặc cho muỗi rệp tha hồ mò mẫm...

Rừng cao su - mùa đông lá rụng trơ cành trông quang cảnh đìu hiu... Thân cây mang đầy sẹo từ vết cạo mủ giờ đã liền da, nhưng lại thâm đen sần sùi... Chén đựng mủ cạo, đã bể nát từ lâu chỉ còn trơ trọi lại cái giá đỡ bằng cọng sắt hoen rỉ trễ xuống trông thật thảm hại! Chưa đầy một năm kể từ ngày "đổi chủ", người thợ cạo mủ không biết lưu lạc về phương trời nào? Do thiếu bàn tay chăm sóc - rừng cao su trở thành hoang vu, cỏ mọc um tùm, nhiều nhất là: cỏ gai mắc cở, cỏ tranh, cỏ hôi... dày đặc không có chỗ chen chân, đã vậy còn bị người dân họ cũng thản nhiên xúm nhau chặt đem về làm củi... Cũng chính nơi cánh rừng cao su nầy, trước ngày "...tháng tư..." đã xảy ra những trận chiến đấu dẫm máu của hai bên...! Chứng tích còn để lại trên thân cây cao su loang lở bởi mảnh đạn, từng đám cây rừng gãy đổ nay đã khô mục... Mưa núi tận tình xóa sạch gần hết chứng tích. Người lính miền Nam trong cuộc chiến - phần chết, phần còn lại thì "vâng lệnh đầu hàng"! Và, hiện nay họ là tù nhân bị đày cải tạo đang trở lại thăm chiến-trường-xưa trong thân phận người-thua-cuộc"! Thân hình của họ xơ rơ, xác rác... không khác gì rừng cao su mùa đông trụi hết lá!

Mùa đông cây cối trụi lá là báo cho nhân gian biết rằng một năm cũ đã sắp trôi qua - mùa xuân mới sắp tới – với biết bao hy vọng cuộc sống sẽ thịnh vượng và tươi đẹp hơn... Nhưng than ôi: mùa xuân năm này và có thể là những mùa xuân kế tiếp – thân phận người lính đầu hàng ở trong lao tù sẽ không bao giờ được vui hưởng không khí xuân cùng gia đình nơi quê nhà. Đời lính bao năm qua chịu gian lao khổ ải trên khắp bốn vùng chiến thuật chẳng qua cũng chỉ là đi lo giữ bình yên cho mọi người dân có được một giấc ngủ ngon, cho ngưởi dân được an tâm mà làm ăn sinh sống, cho em thơ tới trường tìm cái chữ, tìm tương lai, cho tiếng chuông chùa, cho tiếng chuông nhà thờ ngân vang đánh thức con người hướng về “từ bi, bác ái”. Và tin tưởng hơn nữa là miền Nam được thanh bình thịnh vượng, dù người lính có đón xuân nơi tiền đồn xa xôi trong ba ngày tết thì ở trong lòng vẫn vui, vẫn tự hào.

Gần ba trăm con người tù được sự "bảo vệ nhiệt tình của phe chiến thắng" - Họ khai triển đội hình, xung phong ào ào vô rừng cao su, trên tay không vũ khí súng đạn chỉ có mấy con dao sắt cùn... cùn... Họ hối hả dùng sức băm ngã cây cao su mà không hề thương tiếc - có thương tiếc cũng không xong - đó là lệnh...! Họ làm thật nhanh để bảo đảm "chỉ tiêu"... Dòng mủ trắng dành nuôi sống thân cây cao su trong mùa đông, và nẩy lộc trong mùa xuân chảy ra không ngừng... Trẫm liên tưởng đến vết thương của những người lính chiến, họ cũng đã từng đổ máu nơi vùng rừng cao su nầy chừng nửa năm trước đây thôi...! Hàng loạt cây cao su hạ xuống được chặt ra từng đoạn dài khoảng một thước... Đoàn người tù: khiên, vác, ẵm, kéo lê trên mặt đường... Bằng mọi cách phải chuyển cho bằng hết số gỗ cao su đó về khu nhà bếp của trại.

Nhập vô trại tù năm đầu tiên chưa được phân phát "đồng-phục". Đoàn người tù mặc đủ các loại quần áo, có người rách hết quần áo bởi vì theo thông báo của cách mạng thì chỉ đi học tập có mười ngày rồi trở về sum họp cùng gia đình. Do đó phần nhiều anh chị em chỉ đem theo vài bộ quần áo “civil”. Bởi đi lao động nặng nhọc hằng ngày lại không có xà bông để tắm giặc nên mồ hôi muối thấm đọng lâu ngày làm cho mục và rách te tua... Ngày nghỉ cuối tuần tất cả anh chị em tù lấy cọng sắt mài thành cây kim, đào moi lấy bao cát ở giao thông hào, ở lô cốt cũ để lấy chỉ vá quần áo. Một số người còn lấy vải bao cát may thành áo để mặc và làm miếng vải vá quần áo... Những vị trí giao thông hào, lô cốt chiến đấu nầy cách đây mấy tháng thôi - những người lính miền Nam đã từng chĩa mũi súng về phía quân thù...

Đoàn người tù nối đuôi nhau đi hàng dài trên quốc lộ một dưới ánh nắng gay gắt của vùng Xuân Lộc đất đỏ. Họ, dân chẳng ra dân, lính chẳng ra lính. Ôi, một "lũ tay sai bán nước cho đế quốc Mỹ bại trận"! Bước chân của họ lê thê lếch thếch, mồ hôi nhỏ giọt bởi khúc gỗ nặng nề oằn trên đôi vai, trên đôi tay ốm nhom do thiếu ăn! Trẫm nhìn thấy một số bà mẹ đứng hai bên lề đường... Ánh mắt mẹ trông theo đoàn con bị tù mà buồn thiu! Trẫm thấy một ít thiếu phụ ẵm con, dẫn con - nhìn chăm chăm vô từng khuôn mặt người tù!... Hy vọng sẽ thấy được người chồng thương yêu đi trong "đoàn quân tù" ấy! Thỉnh thoảng Trẫm thấy vài lão ông đưa tay đấm vô ngực mình.

Trên đường di chuyển, "đoàn quân tù" bắt gặp - một vài gói thuốc lá, một vài bánh thuốc lào, một vài cái bánh in, một vài cuộn giấy nhỏ (...) vo tròn bỏ bên lề đường... Đôi mắt người tù liếc nhanh như để ghi nhận tấm lòng của một ai đó còn nghĩ đến thân phận người lính thua trận... Đôi chân đoàn người tù vẫn tuần tự bước, nào có ai đâu dám dừng lại mà khom người xuống để lấy những món quà tình nghĩa đó…! Người mẹ thấy vậy kéo vạt áo lên chặm nước mắt...! Người thiếu phụ nhìn không thấy mặt chồng đi trong đoàn quân tù tủi thân ôm con khóc tức tưởi...! Một vài đứa trẻ đánh bạo cố chạy theo "đoàn quân tù" nhét vội cái gì đó... vô túi quần, túi áo của người tù. Nhưng tất cả đều bị người của phe "chiến thắng" tích cực xua đuổi trở lại...!

Một bữa, Trẫm đi ngang qua "khu vực" nuôi heo. Thoáng nghe một anh bạn tù phụ trách chăn nuôi ở đó. Anh vừa tắm cho heo... vùa nói lảm nhảm:

- "Con heo lớn nầy: - cha đặt tên cho con là: Thu! Con heo trung kia - cha đặt tên cho con là: Vân! Con heo nhỏ đó - cha đặt tên cho con là: Út Trường! Chúng heo tụi bay đã được cha đặt cho mỗi "đứa" một cái tên - thật đẹp! Chúng "con" nhớ kỹ chưa? Chúng con nhớ vâng lời cha, cha sẽ cho các con ăn no và tắm rửa mỗi ngày! Cha sẽ mua quần áo mới cho các con mặc... ! Các con ơi, các con có nhớ cha lắm không? Còn cha, cha nhớ các con lắm!...Tết nầy cha sẽ về với các con. Hòa bình rồi mà...".

Một mai quê hương không còn chinh chiến
Ba sẽ về bên con
Bỏ đi ngày tháng mỏi mòn...”

Hôm nay có lẽ là ngày hai mươi ba tháng chạp - năm một chín bảy mươi lăm? Trẫm đoán mò thôi chứ nào biết có đúng hay không nữa? Bởi nghe một vài tiếng pháo vọng về từ một nơi nào đó nên nghe trong lòng nao nao nhớ da diết về những mùa xuân cũ…! Thường thì mỗi năm cứ đến ngày nầy, mẹ Trẫm sửa soạn lễ vật để cúng đưa ông Táo về trời. Không biết năm nay mẹ có tiền mua hoa quả để cúng không? Trẫm nghỉ: Năm nay, mẹ mà... có cúng thì thế nào mẹ cũng nhờ ông Táo chuyển dùm một đoạn "sớ" ngắn lên Thiên Đình:

- "Kính thưa ngài Ngọc Hoàng Thượng Đế! Con trai của tôi nó đã tuân lệnh - Đại tướng, Tổng thống Dương Văn Minh - bỏ súng đầu hàng từ lâu rồi...! Đầu hàng thì phải được hưởng quy chế tù binh theo luật của Liên Hiệp Quốc chứ? Chẳng hiểu tại làm sao mà bên phe "chiến thắng" vẫn bắt con tôi biền biệt chưa chịu thả nó về nhà...? Mong Ngọc Hoàng phán xử dùm cho...!".

Một vài tiếng pháo hay tiếng súng nổ ở đâu đó vẫn liên tiếp vọng lại? Trong lòng người tù càng thêm ray rức nỗi nhớ gia đình! Trại tù không cho người tù viết thư cho gia đình hay biết đang bị giam cầm ở nơi đâu… Tiếng pháo làm sống dậy trong lòng người lính hình ảnh tang thương buồn thảm từ những năm còn chiến tranh – đó là "tiếng pháo" tết Mậu-Thân hòa với tiếng đạn tổng tấn công miền Nam của cộng quân!

Mỗi buổi sáng đoàn tù đi lao động ở bên ngoài trại. Đoàn người tù băng ngang quốc lộ một. Người dân đi đường và xe cộ tạm dừng lại ở hai đầu - để chờ đoàn người tù cõng trên vai lỉnh kỉnh các loại dụng cụ canh tác nông nghiệp, như: cuốc, xuổng, xà beng, dao, rựa....băng ngang qua quốc lộ. Hai mắt Trẫm nhìn phớt nhanh trên từng khuôn mặt mọi người đi đường, để dò thử xem có phảng phất một mùa xuân vui tươi hạnh phúc trong ngày "thống nhất" hay không? Trẫm cảm nhận ra từng nét đăm chiêu, nặng nề trên từng khuôn mặt của họ! Tất cả đứng im lặng như bị trời trồng! Tất cả đều chăm chăm dõi theo đoàn người tù hối hả di chuyển giống y chang... bầy mối, bầy kiến... Đôi mắt của họ tựa cái máy quay phim, cố quay cho hết hình ảnh chưa từng xảy ra trong lịch sử, và trong suốt cuộc đời của họ. Một số lắc đầu nhè nhẹ... Một số cúi gầm mặt không dám nhìn, hay không muốn nhìn một thực tại quá đau lòng bày ra trước mắt... !

Có thể họ nghĩ:

-"Một lớp sĩ quan, trí thức các cấp... đã từng được đào tạo từ trường lớp hẳn hoi! Một lớp công chức, giáo chức trí thức các ngành, các cấp... cũng đã được đào tạo chuyên môn đến nơi đến chốn. Đa phần còn trẻ! - Đó là tài nguyên của một đất nước. - Đó là tinh hoa của một dân tộc... Tiếc thay đã bị vùi dập một cách thê thảm…! Thật quá phí phạm...! Tình đồng bào đã mất, lẩn quẩn mãi trong cái vòng thù hận càng đào thêm hố sâu ngăn cách chứ chẳng ích lợi gì"!

Dù muốn dù không, con én rồi cũng sẽ bay trở về đậu trên từng khuôn mặt đăm chiêu của người dân miền Nam... Sự đổi thay cách sống từ "xã hội mới" quá đột ngột nên không dễ gì một sớm, một chiều có thể dung nạp hết cho được cái mới đó. Và dù có dung nạp được đi chăng nữa thì chưa chắc đã thích nghi với cả tâm lòng.

Trẫm nghĩ ngợi:

- Chắc chắn, cái tết đầu tiên sẽ chung vui với người tù "cải tạo"! Người tù mơ mộng: - Một miếng thịt heo mỡ - một miếng bánh tét - một chút mứt gừng - một dúm hạt dưa... Được nghỉ một ngày lao động để mừng mùa xuân mới! Anh em bạn tù ngồi lại - ăn tết bằng kỷ niệm, bằng quá khứ… (Nhớ cha mẹ anh chị em, nhớ vợ con, nhớ người tình hẹn thề chưa kịp về phép để cưới). Người tù nhìn nhau, chúc nhau được ngồi tù mà không rõ ngày nào tha thả ra. Ôi, người trai thời ly loạn bởi chiến chinh đi giữ nước! Ôi, người trai thời "hòa bình" chưa được hưởng hòa bình! Thời nào người lính cũng được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai!

Trẫm nhớ lại mùa xuân năm cũ. Đêm núi rừng Cao Nguyên (KonTum - DakTo) sương dày lạnh cóng, choàng tấm "poncho" ôm súng ngồi co ro trên lô cốt chờ đúng giờ để đổi phiên gác... Tới giờ, Trẫm lần mò đi tìm người gác phiên kế tiếp. Trẫm vén mùng - lay... lay... hai ba bận, mà người bạn tới phiên gác vẫn không chịu thức dậy. Trong lòng sinh nghi, Trẫm đưa tay thử sờ lên trán... Thì ra, anh bạn đang lên cơn sốt rét, toàn thân nóng bừng bừng mồ hôi vã ra ướt cả áo...! Trẫm đi báo cho người y tá, ghi tên vô sổ trực, rồi quay trở lại vọng gác, ngồi gác thêm một phiên gác nữa. Đóng quân nơi tiền đồn hẻo lánh, quân số thiếu hụt, chuyện gác đêm, tuần tra ban đêm hay đi hành quân là nhiệm vụ bắt buộc, là chuyện sống còn của đơn vị. Sĩ quan, Hạ sĩ quan. Binh sĩ xem nhau như anh em luôn giúp đỡ lẫn nhau. Ban đêm (nếu có) bị cộng quân tấn công chớp nhoáng hoặc pháo kích… Người chết người bị thương là chuyện thường của đời lính. Đôi khi người lính tới phiên gác kế tiêp đã chết. Do đó gác thay là chuyện phải làm.

Đêm nay, dưới cái mái hiên ở trong trại tù. Trẫm nhìn nền đất "bazan" đỏ lòm, lồi lõm, u sần... Trẫm so sánh "nền đất" ấy với khuôn mặt người tù - háp nắng, đói ăn... chở đầy muộn phiền! Tâm trạng lúc nào cũng mong ngóng trong vô vọng một tin vui nào đó sẽ tới cho ngày cuối năm! Trẫm ngồi thù lù bên cái bàn dài trước hàng hiên để gác đêm - Gác đêm (không súng)! Gác đêm cho người tù với nhau ngủ, gác để nghe tiếng thở, tiếng ngáy của người tù chứ chẳng canh giữ cho ai. Hai tay Trẫm chống cằm nhìn vô khung trời vắng tanh, cánh rừng cao su trơ cành co ro trong màn sương khuya dày đặc. Mấy ngôi sao còn sót trên nền trời giờ càng lúc càng nhỏ dần rồi trốn vô màu đêm...! Hàng chuối đứng bên ngoài hàng rào kẻm gai hình như cũng quá mệt mỏi đã ngủ vùi! Sương khuya đọng từ trên mái tôn rơi xuống - từng giọt... từng giọt...! Tiếng chó tru ở đâu đó trong cái ấp Đoàn-Kết ở phía trong rừng cao su loang đi trong đêm nghe rợn người... !

Trẫm nghĩ về nơi quê nhà:

- Không biết mẹ có đón giao thừa như mọi năm? Không biết mẹ có may quần áo cho các em để sáng mồng một tết, các em mặc quần áo mới mừng tuổi mẹ? Không biết mẹ có gói: bánh ú, bánh tét, bánh tổ... như những năm trước? Con biết mẹ quét dọn bàn thờ...! Con biết mẹ nói chuyện với ảnh cha trên bàn thờ...! Con biết mẹ khóc nhiều vì nhớ thương đứa con trai còn độc thân của mẹ đang bị tù đày nơi chân trời góc bể mà không biết ngày nào được trở về!

Con chuột chù đi tìm thức ăn chạy ngang qua bàn chân, làm Trẫm giật mình cắt đứt dòng suy nghĩ... Tiếng ngáy: ồ... ồ... của ông bạn chiến hữu nào đó ở bên trong sạp gỗ vọng ra chẳng khác gì cái ống bể lò rèn... Ôi, người tù làm gì có tết, có giao thừa mà đón chứ? Vậy thì, mấy đêm cuối năm cứ "thoải mái" nằm ngủ đi nha các bạn...! Ngủ cho thật mê say hỡi các chiến-binh thua trận! Đêm cuối năm lũ rệp xúm nhau đón giao thừa...! Chúng nó tự tuyên bố "hưu chiến" và sẽ không thăm nom, lục lọi, sờ sẫm các bạn đâu! Hãy cố mà mơ một giấc mơ thật đẹp...! Nhớ, xin lỗi người thân - xuân nầy còn bận ở tù không về được!

        “Trả súng đạn nầy khi sạch nợ sông núi thù
  • Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao...”
Đã tới giờ đổi phiên gác. Trẫm nhìn vô cuốn sổ trực và đi dò tìm chỗ nằm của người tù gác phiên kế tiếp. Trẫm đứng lên đưa tay che miệng ngáp dài - uể oải bước đi tới cái phòng số hai lần mò tìm chỗ nằm của người tù thứ mười trên dãy sạp gỗ liền nhau ở phía bên tay trái, (tính từ cửa chính trở vô). Tìm tới nơi, Trẫm nghe... có tiếng ú ớ từ trong mùng:

- "... Thu ơi...! Vân ơi...! Trường ơi...! Cha... nhớ...nhớ... các con lắm! Cha... sẽ... sẽ... về với các con trong dịp tết nầy mà...!".

     Lạc bến mái chèo khua viễn xứ
     sầu dâng con quốc vọng đêm sương. (Thơ: TrangY Hạ)

Bởi chưa lập gia đình cho nên Trẫm không thể nào hiểu được tình yêu của người cha dành cho con của mình sâu đậm tới mức nào. Trẫm chỉ biết cha Trẫm yêu thương, dạy dỗ vậy thôi. Đêm nay nghe người bạn tù nằm ngủ mà mơ được trở về với các con trong dịp Tết. Trong lòng Trẫm xốn xang nhớ mẹ nhớ các em dữ dội. Và nhớ cô bạn gái đã yêu mấy năm qua giờ không biết cô có còn yêu một người lính thất trận bị tù đày nữa hay không?

Trẫm nín thở, quay người nhẹ nhàng như một con mèo... Dò từng bước... từng bước một đi trở ra hàng hiên, tâm trí quay cuồng vì quá cảm thương cho người người bạn tù... Trẫm buông người xuống ghế, đưa tay chống cằm lắng nghe từng giọt sương rơi nặng nề trước hàng hiên, và “tự nguyện” gác thêm một phiên gác nữa./.

Trang Y Hạ 
Những cái tết trong tù 


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét