Thư viện

11/7/15

Đi Ăn Giỗ



                                

                              Đi Ăn Giỗ


     Mỗi buổi sáng tôi phải thức dậy thật sớm, ngồi học bài trên cái bàn cạnh cửa sổ trông ra vườn chuối già lùn. Trời cao nguyên sương mù nặng hạt đọng giọt trên lá, trên mái nhà rơi lộp độp... nghe rõ mồn một. Thời gian nầy tôi đang học lớp nhất trường xã, chỉ còn độ hơn tháng nữa thôi là đến ngày nghỉ hè. Nhớ đến ngày nghỉ hè dài dằng dặc đến ba tháng trời, tự nhiên trong lòng dậy lên một nỗi buồn vu vơ... Tôi gấp cuốn vở leo lên giường, định ngủ tiếp - đi học buổi chiều mà! Bỗng nghe tiếng mẹ nói với cha tôi rằng:

     - Mười một giờ trưa hôm nay, ông nhớ đi ăn đám giỗ bên nhà anh chị Hai!
    
     - Ừ! Bà nấu cơm sớm sớm cho tui ăn chút đỉnh để tui đi!

Tôi lại nghe mẹ còm ròm...
    
     - Không ai như ông, lần nào đi ăn đám cũng ăn cơm trước rồi mới đi? Ăn ở nhà rồi đến chỗ đám tiệc chẳng lẽ ngồi ngó người ta ăn hay sao? Ông cứ ra sau suối tưới rau, tưới bầu bí... Nhớ nhìn mặt trời lên tầm... hơn cây sào thì vô ăn cơm, chứ tui bận rộn với bầy heo không ra kêu ông được đâu đó.

     Nói thì nói như vậy thôi, chứ mẹ tôi đã quá quen cái tính, cái nết - lúc nào cũng thinh thinh của cha tôi từ lâu rồi! Cha tôi cũng không bao giờ chịu giải thích cho mẹ tôi hiểu rõ lý do tại làm sao - phải ăn cơm trước khi đi ăn đám tiệc? Không những mẹ tôi ấm ức, mà chính tôi cũng thắc mắc! - Có lần tôi nghe mẹ ngâm nga:

     "Hôm nay có đám giỗ gần.
      Trong bụng bần thần không muốn nấu cơm".

     Tôi chẳng hiểu có phải mẹ ngâm lên - với chủ ý là để "nhắc khéo" cha hay không? ... Theo tôi, hai câu thơ lục bác đó cũng có cái ý hay hay... Mỗi lần đi ăn đám tiệc, cha tôi - mặc áo dài, quần trắng, mang giày quai, tay cầm cây dù, có khi đội khăn đóng có khi không đội, nhưng cái khăn rằn thì lúc nào cũng phải vắt trên vai hay choàng quanh cổ. Tôi nhớ có một lần, thấy cha diện quần áo chỉnh tề bước ra tới đầu ngõ [?] tự dưng ông đứng lại, rồi vội vàng quay trở vô nhà - mắt dáo dác...? Thấy vậy mẹ tôi mới hỏi:

     - Ông kiếm cái gì vậy hử? Nói ra cho tui kiếm phụ với. Loay hoay sẽ trễ giờ! Hỏi hoài hai ba bận, khi đó cha tôi mới mở miệng:
    
     - Kiếm cái khăn rằn vắt vai bà ơi...!

Mẹ tôi nhìn cha tôi, thở ra... lắc đầu...nói:
    
     - Cái khăn rằn nằm chình ình trên vai ông vậy mà ông lại đi kiếm ở đâu đâu...?  Cha đưa tay lên vai... rồi nhìn mẹ cười mím chi... Mặt mũi ông đỏ rần rần đến tận mang tai y như con gà đá. Mẹ tôi nói mà như là độc thoại:

      - "Tuổi già rón rén gởi tín hiệu đến rồi đó...!".

     Bữa nay tôi được phép đi theo cha ăn đám giỗ. Con trai nhà quê to cao như tôi nhưng vẫn còn là con nít dưới mắt người lớn. Bởi chưa quen chỗ đông người, nên tôi bám sát cha. Trên bàn các đĩa thức ăn từng chồng đã được bày biện... Trên bàn thờ cũng có đồ cúng và mấy ly rượu, khói nhang thì ôi thôi, tỏa hương thơm lừng khắp nhà. Tôi thèm ăn lắm... Bỗng bà chị họ bưng đến cho tôi một đĩa lớn thức ăn. Có lẽ ưu tiên cho con nít ăn trước. Gồm: Chả ram, thịt gà, thịt heo luộc, xôi màu đỏ... Tôi nhìn cha, ông im lặng - nước miếng ứa ra, tôi bậm miệng nuốt, vẫn không dám ăn. Tôi bắt gặp ánh mắt cô gái đối diện, ngồi với mẹ. Cô ấy cũng có một đĩa thức ăn giống y như tôi. Cô ấy nhìn tôi hơi lâu lâu, rồi cúi xuống ngắm đĩa thức ăn... Hình như cô nàng có ý rủ tôi cùng ăn cho... có bạn. Tôi nghĩ như vậy...! Máu nam nhi chi chí ở đâu trong huyết quản tự nhiên tuôn tràn... Tôi cầm đũa gắp cục chả ram đưa lên - có ý mời cô ấy cùng ăn!

     Trên bàn lúc nầy mọi người bắt đầu rục rịch... muỗng đũa, ly chén sau khi hoàn tất phần nghi thức cúng tế... Họ bắt đầu ăn. Họ chấu đầu vô ăn uống nói cười... Tôi để ý, thấy cha tôi đang nhâm nhi ly rượu... Một bà nào đó gắp bỏ vô trong chén của ông một miếng thịt gà. Mọi người lo ăn, đâu còn tâm trí nào nữa mà để ý ai, riêng cha tôi lúc nào cũng ngấm ngầm quan tâm, theo dõi tôi! Tôi nói với cha rằng:

     - Cha ơi! Con muốn để dành phần ăn nầy để đem về cho mẹ. Chị họ nghe được vỗ vỗ vai tôi, nói:

     - Đệ cứ ăn hết đi, chị đã để riêng một phần cho mẹ đệ ở bên nhà rồi. Biết vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn còn hồ nghi... Tôi ăn chậm chậm từng chút một như con gái ăn, mong cho xong bữa giỗ đặng đem thức ăn về cho mẹ. Tôi vẫn được phép ăn thêm các món khác trên bàn... Có lúc trong đầu tôi thầm trách cha - sao không rủ mẹ cùng đi ăn đám giỗ? Cô gái ấy thỉnh thoảng ngước mắt nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại cô ấy, chỉ có nhìn thôi. Đám giỗ sắp xong lợi dụng lúc mọi người chào nhau ra về. Cô ấy nhích lại gần hỏi nhỏ:

- Đằng ấy học lớp mấy vậy?
    
     - Lớp Nhất! Còn cô? Tôi trả lời giọng thầm thì vừa đủ nghe.
    
     - Đằng nầy cũng đang học... lớp Nhất! Lên Trung Học đằng ấy về phố học, biết đâu sẽ gặp... Thì ra cô ấy là dân sống trên phố, hèn chi cô ấy nói năng thật là dạn dĩ, thái độ cư xử lịch thiệp. Trên đường về thấy cha vui vui... Tôi đánh bạo hỏi:

     - Cha ơi, con thấy bà ngồi gần bên cha, gắp miếng thịt gà bỏ vô chén của cha... Con có đẹp trai như cha ngày xưa không hở cha? Cha tôi quay đầu lại, nhìn... nhìn... - rồi bất thần đưa tay "cú" một cái vô đầu làm tôi đau điếng hồn! Ông còn lầm bầm:

     - "Mới nứt mắt...! Lo mà học hành, đừng có lắm chuyện" .

     Thấy cha cười mỉm! Tôi cho là... cha khoái tỷ khi được tôi khen ông đẹp trai... Tôi đưa tay xoa xoa chỗ đau trên đầu - tự hỏi: "Không lẽ cha đã thấy mình nói chuyện với cô ấy...? Có thể lắm chứ? Chuyện gì cha cũng ghé mắt... Từ rày mình phải cận thận mới được"!

     Nghỉ hè! Thời gian nghỉ hè dài đến ba tháng. Mấy ngày đầu nằm ở nhà buồn ơi là buồn; xách xe đạp chạy đến trường, hy vọng nhìn thấy một vài thằng bạn lảng vảng... Sân trường vắng hoe, cửa đóng then cài. Mấy ông bà thầy giáo cũng quay trở lại thành phố, dãy nhà dành cho mấy vị ở cũng cửa đóng then cài. Thất vọng, đành quay về nhà ngồi lo lắng, chỉ mấy tháng nữa thôi là phải đi ra phố học! Nghĩ tới cảnh đơn côi lúc ra tỉnh - phải ở nhà trọ, tự nấu ăn, tự giặt quần áo... Ôi, lại thêm - nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ con trâu, nhớ bạn bè, nhớ tắm sông... Hình bóng cô gái cứ ám ảnh... Phải công nhận là cô ấy có đôi mắt to đen như hai hạt nhãn, tóc cắt ngắn phơi cái cổ trắng ngần, ăn nói dạn dĩ, dễ mến! Trong thời gian nghỉ hè, cha biểu: mỗi sáng sớm dẫn trâu đi ăn, nắng nóng thì dẫn trâu về - Ông còn nói trống không:

     - "Đi chăn trâu siêng năng, trâu mập... Thiên hạ hay biết sẽ mời ra làm tể tướng như ông Bá Lý Hề bên Tàu thuở xưa"!

     Trong đầu tôi cứ lởn vởn mấy lời cha nói... Tại sao đi - chăn trâu, mà được thiên hạ mời ra làm đến chức... Tể tướng? Chức tể tướng đó có giống như chức - Thủ Tướng không? Ông Bá Lý Hề là ông nào vậy? Thôi, đợi đến khi nào ra phố sẽ đi tìm sách Tàu mà đọc thì biết liền chứ gì! Một bữa gần trưa tôi dắt trâu vô chuồng. Đóng cổng xong xuôi, tôi bước vừa tới đầu sân, vội chựng lại - Sững sờ...! Cô gái mà tôi gặp hôm ăn đám giỗ, đang ngồi vuốt ve con chó nhỏ trước hiên... Tôi đứng nép mình bên cây bưởi thanh yên - nhìn hơi lâu lâu..., lần trước ở chỗ đám giỗ đâu có dám nhìn kỹ. Tôi thấy hình như... cái cổ cô ấy cao hơn, trắng hơn thì phải... Nhưng mà... tại sao cô ấy lại ở trong nhà tôi? Trông cô ấy rất là tự nhiên như là đã đến nhiều lần? Tôi sửa lại tư thế chủ nhà - bước mạnh... Thấy tôi, cô gái chạy ra nhanh nhẩu nói như phân bua...

     - Đằng ấy về đấy hả...? Đằng nầy đi theo mẹ, đến... thăm mẹ đằng ấy...!

  Tôi và cô ấy đi bên nhau trở vô nhà. Nhìn ra sau bếp - mẹ tôi và mẹ cô ấy đang làm món ăn... Tôi nghe hai bà nói chuyện, xưng hô: - mầy mầy... tao tao... rất là thân mật! Hai mẹ con cô ấy ở lại nhà tôi ba ngày. Cô ấy bắt tôi hái dái mít xuống xắt nhuyễn trộn với xoài... Cô ấy còn theo cha tôi ra suối tập tưới rau, hái ớt chín... Cô ấy còn kéo nước từ giếng lên phụ rửa chuồng heo với mẹ tôi... Cô ấy theo tôi đi giữ trâu và gặp bạn hữu của tôi. Mấy thằng bạn thấy tôi quen con gái thành phố đứa nào đứa nấy trầm trồ cho rằng tôi có số đào hoa! Chúng tôi vẫn thường hay chọc ghẹo, cắp đôi nhau cho vui, chứ trong tâm hồn chưa có ý niệm về tình yêu trai gái. Khi hai mẹ con cô ấy trở lại phố. Mẹ kể sơ sơ cho biết:

     - Bà Thẩm - là bạn học chí thân của mẹ, ngày trước ở trong làng nầy, sau lấy chồng với người trên phố. Chồng lính, nghe đâu sau nầy làm - Đại đội trưởng hay Tiểu đoàn trưởng gì... gì... đó! Lâu lâu bà ấy mới ghé về thăm quê, thăm mẹ... Cũng ngay bữa chia tay hôm đó, cô ấy có tặng cho tôi một cái phong bì dán kín. Cô ấy còn dặn:

      - "Khi nào đằng nầy lên xe, đằng ấy mới được mở ra xem đó nha"!

     Đó là tấm hình con mèo cỡ: sáu nhơn chín. Phía sau tấm hình có ghi mấy chữ: "Thân tặng đằng ấy! Có dịp sẽ trở lại thăm. Châu Thu Viễn". Tôi rất vui mừng khi biết được tên thật của cô ấy!

     Bẵng đi một thời gian khá lâu, chúng tôi không gặp nhau, dù sau đó tôi có về ở phố... Chiến tranh càng ngày càng lan rộng và khốc liệt! Đến tuổi, tôi nhập ngũ như bao người thanh niên khác, cũng phải di chuyển khắp các nơi... Tôi cũng có quen vài người con gái nhưng tận trong tâm, không hiểu tại làm sao - cái bóng dáng cô gái nhỏ bé ngày xưa gặp trong bữa đám giỗ, ở năm cuối Tiểu Học - Lúc mờ, lúc sáng, chập chờn, chao đảo trong đầu... Thỉnh thoảng tôi cũng có lấy tấm ảnh "con mèo" trong túi ra ngắm...! Chinh chiến theo sát gót, chuyện tình duyên gia đình chưa là vấn đề cần phải ưu tiên hay gấp gáp đối với tôi.

     Cha tôi qua đời! Trước khi qua đời ông đã trả xong món nợ cho mẹ tôi và tôi. Đó là món nợ "Một câu hỏi" - Tại sao phải ăn cơm trước khi đi ăn đám tiệc? Cha tôi tuy ít nói nhưng một khi đã nói chuyện - thì rất là hóm hỉnh, thân mật, hiểu biết... Trong bữa cơm gia đình hôm tôi trở về thăm nhà. Cha hỏi tôi: Con có biết và hiểu câu: "Miếng ăn là miếng tồi tàn" không?

     - Thưa cha con có biết câu đó, nhưng ý nghĩa sâu xa thì con chưa rõ cho lắm!

     Cha tôi bưng ly rượu lên cụng với tôi - Uống một ngụm rồi nói tiếp: - Chuyện ăn uống đứng đầu trong - tứ khoái! Thức ăn nuôi sống con người... Do đó không bao giờ miếng ăn lại "tồi tàn" được. Ăn uống là một nghệ thuật đầy sự sáng tạo... Ăn uống có tồi tàn chăng là - Do con người không biết cách ăn uống mới dẫn đến... tồi tàn! Tôi hỏi:

     - Cha giải thích rõ hơn có được không cha?

     - Trong phạm vi gia đình thì cha nói như vầy cho dễ hiểu: Nhà mình ở quê, bữa ăn ngày ngày chỉ có rau củ, mắm dưa là chính. Cá thịt, món ngon vật lạ cũng có nhưng không thường xuyên. Do đó, mỗi khi ở nhà hoặc hàng xóm bà con có đám tiệc tùng giổ quảy, trong lòng luôn nôn nao, nôn nao bởi thèm được ăn món ngon vật lạ... Một khi bụng đang đói cồn cào lại ngửi phải mùi chiên xào, ít có ai đủ tỉnh táo. Thông thường khi đi dự tiệc người ta hay để bụng đói. Để bụng đói ăn cho được nhiều, uống cho được nhiều! Nhìn họ ăn uống choàm ngoàm, nhễu nhão, trông không ra thể thống gì cả! Nhân cách, sĩ diện mất hết! Đôi khi còn đánh mất cả lương tâm bởi giành ăn... Tệ hơn nữa là khi đã ăn no, uống say - rồi dựa hơi rượu gây gỗ, chửi xiên, chửi xéo ông nầy bà kia, hoặc phê bình xấu tốt, ngon dở... Tuy là vậy, nhưng vẫn còn nhiều người hiểu chuyện đời, còn nhiều người có tâm lòng thành thật! Đối với họ, ngày giỗ kỵ là ngày tưởng nhớ, cầu nguyện cho linh hồn người quá cố siêu thoát, và cũng là dịp gặp gỡ bà con họ hàng lối xóm xa gần... Sau rốt là để nhắc nhở cho lớp con cháu chớ quên ngày giỗ... Sở dĩ cha ăn cơm lưng lửng cái bụng, là để giữ cân bằng trạng thái tâm hồn, thể xác trước sự cám dỗ của các món ăn thơm ngon! Chúng ta cứ mãi mê ham ăn, giành ăn như loài thú hoang - đó mới là tồi tàn! Ở ngoài xã hội, lâu nay người ta hay nói - "Ăn dơ! Ăn bẩn! Ăn dày! Ăn tạp...!". Xuất phát từ - Lòng tham vô đáy - Dùng chủ thuyết, dùng quyền lực để tham nhũng - vơ vét của thiên hạ.    

     Ngày "hòa bình" buông súng đầu hàng! Tôi nhẩn nha đi ở tù "cải tạo" - đã quen tay nên gỡ xong hai cuốn lịch...! Và cũng vừa đúng - hai mươi tám tuổi đời! Hôm nay, tôi được phép ngồi chờ "thăm nuôi" ở trong cái "nhà chờ" sau hai năm - chờ...! Ngồi nhìn ra chỗ xét đồ thăm nuôi. Tôi thấy một người phụ nữ, tóc ngắn, dáng người cao cao, mặc áo bà ba màu đen, nước da ngăm ngăm đen. Tay phải người phụ nữ đó dìu bà mẹ! Tay trái xách một cái giỏ nặng. Trên vai còn mang một túi xách nhỏ. Tôi nhìn kỹ... Chúa ơi...! Mẹ của con đây mà...! Người phụ nữ dìu mẹ tôi là ai...? Sau khi đã ngồi vô bàn... Tôi cúi đầu chào mẹ! Quay sang chào người phụ nữ mà trong lòng quá đổi hồ nghi...! Mẹ cầm tay tôi run... run..., mắt ngân ngấn...! Người phụ nữ cũng nhìn tôi trân trân... vài ba giây, rồi quay mặt ngó qua chỗ khác. Bao nhiêu điều muốn nói với mẹ nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu! Thời gian chỉ có ba mươi phút! Mẹ ngó qua người phụ nữ rồi nhìn mặt tôi, chậm rãi nói:

    - Con còn nhớ cô gái nầy không? Đây là con gái của chị Thẩm, bạn của mẹ ngày xưa đó... Chồng chị đã tử trận! Ngày chồng chị còn sống chị theo chồng ở nhiều nơi trong các Khu Gia Binh... Sau ngày "hòa bình", hai mẹ con chị trở về lại quê. Mấy tháng sau, chị Thẩm bị bịnh qua đời! Phần mẹ, mẹ nhớ con quá! Không biết con còn sống hay đã chết? Sống thì phải thấy người, chết thì phải thấy xác chứ? Đàng nầy, mẹ... không thấy gì hết...! Mẹ suy nghĩ suốt đêm ngày, mà... sinh bịnh con ơi!... Nếu không có cô Viễn đây, thì mẹ đã... Nói tới đấy, mẹ tôi nghẹn lời... nghiêng đầu tựa qua vai người phụ nữ. Người phụ nữ - một tay giữ tay mẹ tôi, tay còn lại choàng ra phía sau - xoa... xoa... lưng mẹ tôi như ngầm nói: "Dì [mẹ] cứ yên tâm, có con đây... Đừng kể ra làm gì" . Đôi mắt to đen phủ một màu u uẩn... Sự quan tâm, chăm sóc ân cần đó của người phụ nữ đã làm cho tôi quá xúc động đến bàng hoàng...  Tôi nói như một kẻ mộng du - Cô Châu Thu Viễn ơi! - Cô là cô của ngày xưa đó sao? Tôi không ngờ rằng hai chúng ta lại gặp nhau ở trong hoàn cảnh như thế nầy...! Tôi xin chia buồn nỗi đau khổ mất mác mà gia đình cô đã gánh chịu! Tôi xin cảm ơn cô đến thăm tôi cũng như đã hết lòng chăm sóc cho mẹ tôi - lúc tôi vắng nhà đã hai năm qua! Đôi mắt nàng chất chứa u sầu, nhìn tôi hơi lâu... rồi cúi mặt - không nói một lời. Tôi đã thấy nàng mím môi cố nén... Tôi hiểu nàng đang nói... Và, nàng nói rất nhiều!

     Những tháng kế tiếp, đi thăm tôi chỉ có mỗi một mình nàng. Tôi biết có sự sắp xếp của mẹ... Nàng lệ khệ hai tay xách giỏ đi nuôi người dưng, nước lã - người đó chính là tôi. Tôi vẫn còn sốt sắng, miệt mài, chăm chỉ ở tù...! Trông nàng phong trần quá thể mà lòng tôi tan nát! Kỷ niệm của một thời tuổi thơ còn đọng mãi... Phải chăng từ tiền kiếp đã an bài sự đau khổ như vậy rồi chăng? Nàng đâu có tội tình gì đâu mà bắt phải phong trần? Tôi mang ơn nàng - ơn quá dày, quá lớn! Làm sao trả lại cho tương xứng đây...? Hiện giờ tôi đã mất tất cả! Ngay mạng sống của tôi cũng không biết có còn giữ được hay không? Tôi nghĩ - mẹ tôi và nàng - hai người phụ nữ mà tôi thương yêu nhất đã có một mối dây ràng buộc chặt chẽ, vô hình mà hiện hữu. Còn tôi, tôi đang cố sức bơi theo cái vô hình để bắt gặp thực tại - đang tù đày! Ngọn lửa: hy vọng, tình yêu, cuộc sống - ấm lên trong trái tim tôi, còn nhan sắc của nàng thì... từ từ đi xuống! Tôi phải làm sao đây trong hoàn cảnh khốn cùng nầy...? Dù có gào cũng vô ích. "Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra chi"!

     Quản giáo thông báo sắp hết giờ. Mọi người trong nhà thăm nuôi "vội vã vơ vét" những lời nhớ thương chất chứa - cố nói, cố dặn dò cho bằng hết. Còn nàng, nàng hỏi tôi một câu:


     - Con mèo đằng nầy, tặng đằng ấy có còn sống?

     Nghe nàng hỏi, tôi cảm nhận ra rằng - nàng đã yêu tôi. Tôi mừng! Nhưng trong lòng hoang mang, bởi tương lai gần như vô vọng! Nàng đã thấy, đã quá hiểu nỗi nhục nhã của người sa cơ thất thế... Vậy thì ngay trong lúc nầy đây - thân tôi còn lo chưa xong, đâu còn mặc mũi tư cách để mà thố lộ tình yêu với nàng trong thảm cảnh tù tội? Bởi vậy, nàng đã mở ra một lối thoát - cho tôi - cho chính nàng - cho mẹ tôi. Tôi ngầm hiểu câu hỏi đó - chính là: "lời tỏ tình kín đáo" của nàng. Và hơn nữa, nàng muốn có một sự khẳng định tình cảm của hai bên, để cho nàng yên tâm - dù là đang còn ở trong hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. Tôi hiểu nàng rất cần ở tôi một sự mạnh mẽ! Tin tưởng nơi tình yêu và hy vọng cho một ngày trở về đoàn tụ! Do đó nếu tôi có ý buông xuôi, chán nản, mặc cảm, tất nhiên sẽ gây thêm khổ đau!                                                             

     Tôi nhìn vô mắt nàng thật lâu - chầm chậm trả lời:

     - Con mèo vẫn còn đang sống, sống khỏe! Càng ngày càng xinh, dễ thương lắm! Bởi cách biệt quá lâu, lại quá nhớ bà chủ nên mèo thường hay... kêu - làm cho "đằng nầy" nôn nao mà mất ngủ. Hy vọng một ngày đẹp trời "bà chủ" sẽ đến đón về!

     Ngồi đối diện với nhau, tôi cảm nhận được một thoáng hồng hào trên khuôn mặt của nàng... Trong đôi mắt to đen chan chứa tình thương yêu không bút nào tả cho hết! Tôi đang chới với chìm nổi trong ánh mắt giai nhân... Kỷ niệm ùa về tràn ngập tâm hồn tôi đến ngạt thở! Chắc chắn, tâm trạng của nàng cũng không khác gì tôi mấy... Hai chúng tôi đứng dậy lần ra đầu bàn. Nàng quay người lại gần hơn, một tay nàng cầm cái nón lá, bộ dạng như che chắn, tay còn lại - bất thần nàng bậm môi véo mạnh vô sườn non của tôi một cái thật đau, đau thấu trời xanh! - "Cho chết luôn nè! Lần tới em cùng mẹ đến thăm anh". Vết thương tím rịm, rươm rướm máu - vết thương cũng đã lành. Mỗi khi đi tắm, thay áo, nhìn xuống vết sẹo - là nhớ đến nàng da diết! Tội nghiệp cho nàng - bất kể mưa nắng, nàng đã kiên trì đi thăm nuôi tôi mỏi mòn! Vậy mà, mãi đến sáu năm sau, nàng mới - chính thức làm chủ cái "vết sẹo" - một dấu ấn của tình yêu! ./.


Trang Y Hạ
Viết cho một người...
Saigon - những ngày đi mần thợ hồ






    

    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét