SỰ LẠ TRONG TRUYỆN KIỀU
Chúng ta giả dụ nghĩ rằng: - Trong lòng
cô Thúy Kiều ngầm "trả thù" anh chàng Kim Trọng một chặp cho bỏ ghét
! Lý do: Mười lăm năm trước đã để nàng gánh chịu hoạn nạn một mình: "Liêu Dương nghìn dặm xa chi đó. Khéo
để Lâm Tri bướm dập dìu". Tệ hơn nữa là mãi mê "vui thú điền
viên" với người đẹp Thúy Vân mà trong suốt mười lăm năm dài không miệt mài
đi kiếm nàng về.
Cô Thúy Kiều vì trả hiếu mà phải "Thanh
lâu mấy lược, thanh y mấy lần". Mười lăm năm lưu lạc, phong trần đã lắm,
nay nối lai duyên xưa với chàng Kim Trọng vui vầy duyên mới. Vậy cớ chi Cô Kiều
phải e dè:
Những
như âu yếm vành ngoài,
Còn toan mở
mặt với người cho qua.
Lại như
những thói người ta,
Vớt hương
dưới đất, bẻ hoa cuối mùa.
Đọc Truyện Kiều người ta phân tích đủ các
khía cạnh về Kiều, nhưng ít có ai chú ý tới hai "cái lạ" trong truyện
Kiều:
- Một là: Từ Hải "bị" chết
đứng...?
- Hai là: Đêm "Động Phòng"
không giống ai của Cô Thúy Kiều.
[Chuyện Từ Hải
bị chết đứng tôi sẽ nói ở bài viết khác].
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu tại làm sao mà trong đêm
tân hôn Cô Thúy Kiều chỉ cho anh chàng Kim Trọng chạy loanh quanh ở vòng
ngoài...? Ban đầu cứ tưởng âu yếm vòng ngoài là hai anh chị ngồi uống trà đàm
đạo thơ văn suốt đêm cho tới chán chê rồi ai về phòng người nấy mà ngủ. Tôi
nghĩ vậy..., nhưng không phải vậy. Trời càng về khuya anh chàng Kim nhìn ánh
trăng chiếu xuyên qua khung cửa sổ... Khung cảnh gơi tình, lại thêm ngọn đèn
dầu lúc tỏ lúc mờ bởi bấc lụn, dầu hao. Tận dụng lúc tranh tối, tranh sáng anh
chàng Kim ngồi xích lại... Cô Kiều thấy vậy mới nhắc nhở:
"Đừng
điều nguyệt nọ, hoa kia
Ngoài ra, ai lại tiếc gì với ai". Kiều
[c. 461]
Nghịch lý và cũng oái ăm ở chỗ trong đêm
động phòng hoa chúc Cô Kiều lấy giấy viết ra làm "Văn Bản"... Điều
khoản ghi rõ ràng "Sống Theo Tình
Bạn Hữu". [Phụ nữ khó hiểu thiệt]. Anh chàng Kim Trọng vô cùng đau khổ
đặt bút ký tên. Trời ơi là trời ! Mười lăm năm nàng lưu lạc nơi chân trời góc
bể, nỗi khao khác được gặp lại người yêu để thỏa lòng mong nhớ. Vậy mà, đêm tân
hôn tình vợ chồng hóa ra tình bạn, còn gì đau khổ hơn là làm chồng mà chẳng
được làm chồng. Chàng Kim ngồi ủ rũ nhớ lại kỷ niệm năm xưa khi đi
"du-học" ở tận Bắc Kinh, vì mê Cô Kiều quá nên thuê nhà ở gần. Đêm
nào cũng nhảy rào qua ngồi nghe Cô Thúy Kiều đàn.:
"Khi
tựa gối, khi cúi đầu, [C.487]
Khi vò
chín khúc, khi chau đôi mày."
Bây giờ anh chàng Kim
trong đêm tân hôn [cũng - tựa gối, cũng cúi đầu...] như mười lăm năm về
trước...!
"Nghĩ điều trời thẳm vực sâu [C 2943]
Bóng
chim, tăm cá, biết đâu mà nhìn
Những
là NẤN-NÁ ĐỢI TIN"
Chàng
Kim Trọng ngồi ở nhà nấn ná... Đi kiếm nàng đâu có khó. Nàng là "Giọt Mật"; mà
hễ... chỗ nào có mật tất có Ong, kể cả Ruồi... Vậy thì cớ chi không sai người
đi kiếm... ?!
"Những
như âu yếm vành ngoài,"
Chúng ta thử phân tích về mặt tâm lý:
Cô Kiều trở về nhà đoàn tụ với cha mẹ và
hai em là một cuộc tái ngộ từ cõi chết sống lại. Tất nhiên cả nhà ai mà không
mừng . Thúy Vân với tình chị em ruột thịt ban đầu cũng vui mừng, nhưng rồi Thúy
Vân ngộ ra rằng - sự trở về của chị đã làm lung lay hạnh phúc gia đình của mình
vốn đã không mấy chắc chắn. Thúy Vân chỉ là [giai nhân thế thân] cho chị mình...
Thúy Vân chiếm được phần xác chứ không chiếm được tình yêu nơi Kim Trọng. Nay
Thúy Vân thấy chị mình và chồng [của mình] tái duyên giai ngẫu thì trong lòng
càng lo âu cho [phận làm vợ] lâu nay. Thời gian tới thứ bậc rồi sẽ ra sao đây?
Ai chánh, ai thứ? Mười lăm năm qua Thúy Vân sống với chồng mà có khác gì như
thân dây tầm gởi...! Mười lăm năm đó nếu tính ra Thúy Vân khổ còn hơn cả Thúy
Kiều. Thúy Vân có công rất lớn là giữ dùm chồng cho chị mình chờ ngày tái
hợp... Và, Thúy Vân sẽ phải [trả chồng] lại cho chị mình, hoặc chia sớt [chồng]
cho chị... Cô Thúy Kiều đã biết điều nầy, nên cô kiên quyết từ chối mối duyên
tái hợp...
Những như âu yếm vành ngoài, chẳng qua là
một cách nói để an ủi cho Thúy Vân được an lòng, và khỏi bị bẽ mặt với mọi
người ... Thật ra vành ngoài với vành trong không đặt thành vấn đề. Khoảng cách
giao thoa chỉ một tờ giấy "Pelure
Fort" mỏng dính.
"Còn
toan mở mặt với người cho qua."
Cô Kiều nói: Còn toan mở mặt với người cho
qua. Mở mặt với ai đây? Tâm trạng của Cô Thúy Kiều chao động, dằn xé... Nhưng
cô suy nghĩ đúng. Mở mặt như cô nói là -
cô Thúy Kiều muốn chàng Kim Trọng giữ mãi kỷ niệm "trong trắng" của
cô như thuở ban đầu, như vậy sẽ đẹp hơn là vầy một tấm thân đã tàn, nhụy đã rửa
sau mười lăm năm... Bây giờ Cô Kiều còn gì nữa để cho chàng Kim trong đêm động
phòng đây? Tình yêu của Cô Kiều đối với Kim Trọng dù có nặng tới đâu đi nữa,
nhưng ở trong hoàn cảnh nầy - Là một người tình cũ; là một người phụ nữ có học
thức - buộc cô phải giữ cái duyên của người phụ nữ, và cũng là giữ lòng tự
trọng tối thiểu để khỏi bị mọi người khinh thường .
Đời quá bất công. Tại sao lại bắt người
con gái [phải cho]... trong đêm tân-hôn mà không bắt người con trai cho? Câu
trả lời cũng không mấy khó - bởi người xưa ra lệ "cưới & xin".
"Lại
như những thói người ta,
Vớt hương
dưới đất, bẻ hoa cuối mùa."
Ý của hai câu nầy là cô Thúy Kiều tự biết
thân phận của mình, cô tự trách hờn cho cái số kiếp của cô. Đã có biết bao
nhiêu người đã... vớt hương dưới đất, bẻ
hoa cuối mùa với cô rồi, mà rốt cuộc chẳng có người đàn ông nào "vớt
cô"...! Chẳng ông nào thật tình ở bên cạnh cô, lo lắng đùm bọc cho cô.
"Lũ đàn ông" thường hay hứa mà không bao giờ thực hành lời hứa, cô
Thúy Kiều đã nghe đầy tai, chán tai lắm rồi... Cô Thúy Kiều nghĩ tấm thân đã
nhơ nhớp sẽ làm phương hại tới thanh danh, uy tín của người khác. Từ nguyên do đó
mà Kim Trọng cố gắng thuyết phục "Như
nàng lấy hiếu làm trinh", cô cũng hồ nghi.
Ngoài ra, chúng ta vô cùng thán phục tấm
lòng thương con của ông bà viên ngoại cha mẹ của cô Thúy Kiều. Ông bà viên
ngoại rất hiểu chuyện[tình tay ba] giữa các con, nên ông bà kiên quyết buộc cô
Thúy Kiều phải tái hợp lại với Kim Trọng?
Một là "chính thức hóa" về mặt
tình cảm vợ chồng Kim Trọng với Thúy Vân. Nghĩa là từ rày về sau Thúy Vân không
là kẻ thế thân nữa.
Hai là Cô Thúy Kiều tuy phong trần đã lâu
nhưng tuổi đời còn trẻ, tương lai còn dài không thể để phòng không gối chiếc,
hơn nữa nhan sắc lẫn tài năng của Thúy Kiều vẫn chưa mai một. Vậy thì ngoài Kim
Trọng ra, còn có ai xứng đáng hơn... Trong xã hội phong kiến chuyện [đa thê]
vẫn chấp nhận.
Bối cảnh trong Truyện Kiều là bối cảnh
thời phong kiến Vua Chúa "Rằng năm
Gia Tĩnh Triều Minh". Người phụ nữ dưới thời đó không khác gì phận tôi
đòi, phụ thuộc hoàn toàn vô người chồng, không có danh vị ngoài xã hội ... Người
ta có quyền kinh doanh [tình dục]trên thân xác phụ nữ, dùng phụ nữ trẻ đẹp, có
tài đem đi cống nạp để đạt mục đích - quân sự, chính trị... Bên Trung Hoa có
nàng Chiêu Quân, Nàng Thái Diễm bị đem đi cống rợ Hồ. Nàng Tây Thi, bị Việt
Vương Câu Tiễn đem dâng cho Ngô Phù Sai. Việt Nam thì có Huyền Trân Công
Chúa... "Hai châu Ô, Lý nay còn đó. Một gái Huyền Trân đáng mấy
mươi". Trong gia đình mỗi khi gặp hoạn nạn, đói nghèo... Cha mẹ thường
đem con gái cho đi ở đợ, hoặc bán cho người ta. Người xưa nói "bán vợ đợ
con" [con gái]. Thân phận người phụ nữ ở bất cứ thời nào cũng bị coi
thường!
Trang
Y Hạ
San
Francisco.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét