Thư viện

23/5/18

Tri Kỷ & Tri Âm




Tri Kỷ & Tri Âm

TRI KỶ:

     Tri kỷ là từ “Hán Việt”. Tri: hiểu biết. Kỷ: mình. Hai chữ “tri kỷ” ghép chung lại có nghĩa là hiểu biết về chính bản thân mình, tự hiểu về bản thân của mình… Có người nói:

     “Chính tôi còn không hiểu thấu tôi, vậy thì làm sao anh có thể hiểu được tôi!”.

     Câu tự thán đó không phải hoàn toàn vô lý. Để cho người khác thấu hiểu tâm lòng của mình khi mới quen hoặc chưa gặp mặt, hay dẫu có gặp mặt tiếp xúc đôi ba lần; trao đổi vài ba câu chuyện… chưa chắc đã hiểu nhau. Vợ chồng sống chung nhiều năm chưa hẳn là tri kỷ, khi mà ông nói gà, bà nói vịt cãi cọ ỏm tỏi hằng ngày. Thật ra cũng có nhiều cặp vợ chồng - ngoài tình vợ chồng ra họ vẫn là tri kỷ... - bắt nguồn từ nghề nghiệp, hay ngưỡng mộ tài năng trí tuệ hai bên qua dự cảm…  Tri kỷ, đó chính là dự cảm… Không ai xác định ý muốn một cách rõ ràng của chính mình để rồi tự nói ra cho người khác biết bởi - sự việc, ngữ cảnh, thời gian luôn biến đổi.

     Bạn bè quen nhau từ thuở còn ở dỗng, chia sớt vui buồn hoạn nạn cũng chưa hẳn là tri kỷ. Có hiểu chăng cũng chỉ là “suy bụng ta ra bụng người” mà thôi. Người xưa nói “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Lòng người thâm sâu hơn biển. Từ cổ chí kim có biết bao câu chuyện lừa thầy phản bạn đã đi vào lịch sử. Trong truyện Tàu có Bàng Quyên – Tôn Tẩn. Hai người cùng học một thầy là Quỷ Cốc Tiên Sinh. Vì ganh tỵ mà Bàng Quyên âm mưu hãm hại Tôn Tẩn để cướp đi trí tuệ của bạn. Trong con người có thiện có ác. Bầu trời có đêm có ngày, có nóng có lạnh luôn luôn xung khắc từng giây, từng giờ. Từ đó tâm tình con người cũng dễ sa ngã hay thay đổi theo.

     Xưa nay hầu như mọi người mỗi khi nhắc tới hai chữ tri kỷ là nghĩ ngay tới người phụ nữ, như: - cô ấy là hồng nhan tri kỷ của tôi; cô ấy là người thấu hiểu tình yêu của tôi đối với cố ấy và ngược lại, hoặc như - anh mong muốn em là người tri kỷ của đời anh… Vân vân & vân vân… ! Tri kỷ mà dễ dàng như vậy thì trên cuộc đời nầy làm gì có “Tình là dây oan”? Để rồi tương tư thất tình; để rồi tự vẫn vì người yêu phụ bạc; để rồi xuống tóc đi tu – [cắt đứt dây chuông] như trong truyện Lan và Diệp… Tri kỷ chẳng dính dáng gì tới tình yêu trai gái cả, chỉ mượn chữ để khẳng định một sự tương ngộ hay xác tín một sự việc mà thôi.

     Trong văn chương xưa nay không hiếm tri kỷ. Bởi văn là người - nghĩ sao viết vậy. Đọc văn, đọc thơ hòa mình vào trong tác phẩm để rồi cảm thấy dường như có chính mình ở trong đó…! Cảm nhận ra nhân vật hay ý thơ đã nói dùm tâm trạng của mình. Dù có gặp tác giả hay không gặp vẫn xem đó là [một nẻo về của tâm hồn] của tri kỷ. Trong bài thơ Khóc Dương Khuê [1839 – 1902] của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến có mấy câu:

     “Rượu ngon không có bạn hiền,
       Không mua không phải không tiền không mua,
       Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
       Viết đưa ai, ai biết mà đưa,”

Đó là tri kỷ, và… đã không còn tri kỷ, bởi vì:

     “Bác Dương nay đã thôi rồi.
       Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

      Vậy, tri kỷ là hiểu mình. Đi tìm một người để hiểu mình không phải là một chuyện dễ dàng. Hoặc ngược lại để hiểu một người khác cũng không phải dễ dàng, cho dù có là bạn bè lâu năm hay là vợ chồng ăn ở với nhau lâu năm.

     Để cho người khác hiểu được mình. Điều trước tiên phải có cái vốn sống với đầy đủ nhân cách, tư cách, phải sống thành thật, có lòng vị tha, không nghi kỵ, đố kỵ hay ganh ghét… Biết yêu thương và quan tâm… Biết chấp nhận sự bất đồng để được hòa đồng hay tương đồng. Hơn hết là bản thân phải sống có đạo đức…. Tri kỷ là phải biết dự cảm với tất cả mọi nguyên nhân chủ yếu tiềm tàng ở trong con người, hoàn cảnh… - có thể xãy ra bất cứ lúc nào và nơi nào. Tri kỷ không ai đem cho mà tự mình đi tìm tri kỷ...!

TRI ÂM:

     Tri âm có nghĩa là hiểu về âm nhạc. “Ai tri âm đó mặn mà với ai”. [Kiều]. Nguyên do hai chữ tri âm là từ chuyện Bá Nha - Tử Kỳ mà có.

    Bá Nha hay còn gọi là Sở Bá Nha. Ông là người nước Sở nhưng lại làm quan Thượng Đại Phu ở nước Tấn. Ông có ngón đờn Thất Huyền Cầm nổi tiếng đương thời. Còn Tử Kỳ họ Chung - Chung Tử Kỳ - một người danh sĩ ẩn danh, nhà ở thôn Tập Hiền trên núi Mã Yên gần cửa sông Hàn Giang. Ông làm nghề tiều phu [đốn củi] đổi gạo phụng dưỡng cha mẹ già yếu.

     Một bữa Bá Nha vâng lệnh của vua nhà Tấn tới nước Sở công cán. Buổi chiều, khi trở về đoàn thuyền của Bá Nha đi tới sông Hàn Giang, Bá Nha nhìn trăng thanh gió mát nên ra lệnh cho đoàn thuyền cắm neo và bày tiệc rượu đồng thời lấy đờn ra khảy…, đờn đứt dây! Chung Tử Kỳ trên núi lấy củi nghe và khen tiếng đờn rất hay…! Bá Nha nghi ngờ có thích khách nên cho người lên bờ tìm hiểu. Đối đáp qua lại, Bá Nha mới biết Chung Tử Kỳ là bậc danh sĩ đã ẩn danh. Bá Nha mời xuống thuyền và đờn bản “Cao sơn lưu thủy” và các bản khác cho Tử Kỳ nghe. Tử Kỳ nghe - đoán được ý nghĩ, tâm trạng, hoài bão của Bá Nha. Bá Nha nghĩ rằng mình đã gặp tri âm [hiểu âm nhạc]. Bá Nha ngỏ ý mời Tử Kỳ về kinh thành nhưng Tử Kỳ từ chối vì còn phải trả hiếu cho cha mẹ. Bá Nha hẹn Tử Kỳ sau khi xong việc công sẽ trở lại thăm… Khoảng một năm sau Bá Nha trở lại thăm Tử Kỳ thì than ôi…! Tử Kỳ đã bị bệnh mà chết….! Bá Nha bày lễ cúng và khóc than trước mộ Tử Kỳ!... Bá Nha đờn trước mộ Tử Kỳ hồi lâu… Sau đó đứng lên đập vỡ cây đờn mà nói rằng: “Tử Kỳ chết rồi thì giữ đờn làm gì”!

     Từ chuyện Bá Nha - Tử Kỳ mà sau này người ta hay nhắc tới "Tri Âm" như là một sự - cảm thông, hay đồng cảm, hoặc chia sớt vui buồn trong tình yêu, tình bạn...

Ngón đờn nổi tiếng mà chi
tìm đâu ra một Chung Kỳ lắng nghe.

Trang Y Hạ - San Francisco

   


                    Sinh Nhật của người em bạn



1 nhận xét:

  1. “Tương thức mãn thiên hạ,
    tri tâm năng kỷ nhân?” (Cổ thư).
    “Quen khắp thiên hạ gần xa,
    Hiểu mình, tri kỷ cùng ta mấy người?”
    Suốt đời nàng Kiều vẫn băn khoăn, canh cánh bên lòng, “ai tri âm đó mặn mà với ai?” Tri âm còn chưa có, nói gì đến tri kỷ?
    Mà đúng vậy thật! Nếu Thúc Sinh là tri kỷ sao để vợ cả hành hạ, giày vò nàng? Y cũng là tay làng chơi, kẻ phong tình, vì mê nha sắc mặn mà, giọng hát , tiếng đàn của Kiều mà chuộc nàng ra, bất quá cũng là tri âm khuyết. Còn Từ Hải cũng không được nàng xem là tri kỷ, nếu không nàng đã không dụ chàng ra đầu hàng để chàng bị giết giữa trận tiền; còn Kim Trọng, là tri kỷ sao để nàng lưu lạc những 15 năm, "ong châm, bướm chít""cánh hoa tan tác" giữa đàng?
    Vậy phải như thế nào mới hội đủ yếu tố "cần" và "đủ" cho 2 chữ tri kỷ đây?
    Xã hội bây giờ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi, cái "tôi" của mỗi người quá lớn. Liệu tìm một người biết biết lắng nghe, chia sẻ buồn vui, biết nhìn thấu tâm cang mà không cần nghe giải bày, biết cùng vui, cùng buồn, cùng quan điển, cùng tư tưởng,...hiểu nhau như hòa làm một, có dễ tìm không? Hay đốt đuốc tìm cả đời, bạn vẫn hỡi ơi: " Sao tôi mãi đơn côi giữa cõi đời?".

    Trả lờiXóa