Thư viện

4/6/18

Họp Mặt Cựu Tù




Họp Mặt Cựu Tù 

Trang Y Hạ

     “Người lính già không bao giờ chết, vì sao chỉ mờ nhạt đi”
       [Đại Tướng, Douglas Mac Arthur]

     Kể từ ngày họp mặt anh chị em trại K4, LK lần thứ nhất tại Westminster ngày 4.7. 2010 tới nay tính ra cũng đã được tám năm. Trong tám năm dài đó đã có một số anh chị em già nua, bịnh tật, sức yếu và một số anh chị em đã chết… Do sống rãi rác trên toàn liên bang Hoa Kỳ và thế giới. Dù có biết, có nghe anh chị em cựu tù tổ chức - một cuộc gặp mặt nhưng không thể tới tham dự dù trong tâm lòng rất mong muốn…! Qua tám năm đó dù có nhớ nhau cũng chỉ nói chuyện qua phone…! Vì vậy tổ chức họp mặt lần hai - là để nhìn lại nhau; ôn lại một thời quá khứ… Và, nhìn về tương lai!

     “Cửu hạn phùng cam vũ, tha hương ngộ cố tri”
     [Chín năm hạn hán gặp trời mưa, tha hương đất khách gặp bạn cũ]

     Họp mặt lần nầy đúng vào ngày 26 & 27. 5. 2018 [nhằm thứ bảy & chúa nhật] mang tính cách gia đình tại nhà anh Nguyễn Trọng Tuấn cựu tù nhân chính trị K4. [Anh Tuấn xuất thân từ ngành Tâm Lý Chiến, chuyển qua công tác tại nhiều tiểu đoàn CTCT]… Do đó, lễ nghi tổ chức không rình rang như lần họp mặt ở Westminster lần thứ nhất… Lần thứ hai nầy anh chị em ghi danh ít hơn. Nơi tổ chức ở thành phố Portland, Tiểu bang Oregon. Gia đình anh Nguyễn Trọng Tuấn đứng ra sắp xếp tất cả - từ viết “băng-rôn”, lập danh sách các anh em chết trong tù và các anh chị em chết sau nầy…! Anh còn sáng tác một nhạc phẩm “Nỗi Niềm K4” và chính anh vừa đờn vừa hát cho anh chị em thưởng thức… Anh còn làm thơ diễn tả nỗi cơ cực trong những tháng năm tù đày…! Những anh em cựu tù nào tới thành phố Portland họp mặt thì cũng chính anh và anh Nguyễn Văn Khoan chạy xe ra phi trường đợi đón đưa về nhà ... Sự niềm nỡ của các anh, của vợ con các anh tiếp đón các bạn cựu tù tới họp mặt thật là nồng ấm, chân tình… Xóa tan ngay hết cả mệt nhọc cũng như lo lắng, bồn chồn… Gia đình các anh cũng đã lo mua - thực phẩm các loại, nước uống đóng chai, bia, rượu… trữ sẵn! Cháu Tú con rể anh Nguyễn Trọng Tuấn ra sông câu đem về hàng chục ký cá còn sống tươi roi rói để đãi các bác, các cô chú tới tham dự trong những ngày họp mặt… Đầm ấm và cảm động hơn nữa là em trai anh Nguyễn Trọng Tuấn cũng có mặt - đờn cho anh chị em cựu tù hát quốc ca…! Con trai, con gái của vợ chồng anh chị Nguyễn Trọng Tuấn và bạn hữu của các con anh chị cũng tới tham dự trong buổi tiệc..! Ngoài ra, con trai, con rễ của anh chị còn lo mọi công việc cho ngày họp mặt đầy đủ: Dàn máy karaoke, loa, amply, ánh sáng, chụp hình, bày tiệc và dọn dẹp… Đặc biệt là vợ anh Tuấn xưa nay chị rất ít khi chụp hình cá nhân, còn chỗ đông người thì tuyệt đối không bao giờ… Vậy mà lần nầy - chị nễ lời mời của các anh chị em cựu tù nên chị chịu chụp hình chung!

      Anh chị Tuấn bao tiêu tất cả phí tổn từ - ăn uống, chỗ ngủ, thăm viếng danh lam thắng cảnh và đón đưa anh em trong mấy ngày họp mặt mà không chịu thu tiền [góp vui] của anh em … Anh chị nêu ra lý do rằng:

-”Các bạn đã bỏ tiền ra mua vé máy bay tới họp mặt là đã quá tốn kém rồi…”!

     Anh chị em cựu tù chỉ còn biết ghi nhận tấm lòng nghĩa hiệp…! Dù có nói hàng nghìn lời cảm ơn cũng không đủ!

     Đa phần anh em cựu tù tới Portland khoảng gần trưa ngày 25.5… Bạn tù gặp mặt nhau tại nhà anh chị Nguyễn Trọng Tuấn - Tay bắt mặt mừng…! Ôm nhau mà rưng rưng…! Nhìn nhau cố ôn lại, cố nhớ lại, cố hình dung lại hình ảnh của nhau. Nhất là các anh em - kể từ ngày ra tù cho tới nay chưa bao giờ gặp… Nay gặp lần đầu có ngỡ ngàng giây lâu - nhưng kỷ niệm tội tù; nỗi đau khổ trong tù…, dần dần nhận biết hết! Tối đến, một bữa tiệc do chính tay chị Tuấn và các con nấu để khoản đãi… Bàn tiệc được bày ra phía sau nhà [sân sau] rất rộng…, nửa có mái che, nửa lộ thiên. Chung quanh có bức tường đá xây kiên cố cao khoảng một thước rưỡi, trên đầu tường sâu vô trong chừng hơn một thước là hàng rào bằng ván ngăn cách nhà hàng xóm. Khoảng đất trên đầu tường đá đó được trồng cây thông, trồng hoa và để những bình hoa kiểng trông đẹp mắt…! Anh em cựu tù nói vui là: “Sao mà giống bức tường đá trong tù, do chính bàn tay tù “cải tạo” xây gần ba năm mới hoàn thành để nhốt tù là - chính mình…”!


     Trong buổi tiệc đầu tiên đó - dù tuổi tác đã nhiều, cũng như một số trong anh em mang đủ thứ bịnh, nhưng vui quá mà phá lệ kiêng cử uống thuốc... Tất cả cùng nâng ly tưởng nhớ tới các anh em đã - bị đánh - bị xiềng, - bị biệt giam đã chết; nâng ly tưởng nhớ tới anh chị em còn ở bên quê nhà; nâng ly tưởng nhớ tới các anh chị em vì già yếu đã qua đời; nâng ly tưởng nhớ tới các anh chị em đã mua vé máy bay nhưng bị bịnh bất ngờ nên không tới được…! Ly rượu ngâm thuốc do chính anh Tuấn [chủ nhà] ngâm – được anh em nhấm từng ngụm nhỏ…, nhìn nhau… nuốt vô trong tâm lòng tất cả thương mến … Dù cách biệt tuổi tác vẫn cứ xưng hô… tao mày tuốt luốt…! Ôi, nghe sao mà… thân thiết không khác nào anh em ruột thịt…! Thăm hỏi nhau về gia đình vợ con; thăm hỏi nhau về đời sống hiện tại… Ôi, lúc nầy tất cả tuổi già cũng như tất cả bịnh tật đã trốn chạy đi đâu mất tiêu chỉ còn lại những con người sảng khoái của một thời tung hoành ngang dọc thuở chinh chiến…! 

     Khi hơi rượu thâm thấm…, ai nhớ được chuyện gì khi ở trong tù thì cứ nói ra… Người lớn tuổi nhất là anh Tuấn – tuổi đời của anh cũng đã tám mươi, số anh em còn lại dưới bảy mười và trên bảy mươi một vài tuổi… Trông anh Tuấn trẻ như người ở tuổi sáu mươi - anh để tóc dài bồng bềnh ngang vai - rất nghệ sĩ, cũng phải thôi vì - Anh Tuấn là - nhạc sĩ, họa sĩ và cũng là nhà thơ. Anh ăn nói sang sảng và luôn vui cười… Anh lái xe bạt mạng, ngồi trong xe cho anh chở đi các nơi mà phát ớn lạnh…! Trong bàn tiệc bữa nay có các anh Nguyễn Văn Vui, tới từ tiểu bang Louisiana. Anh tham gia rất nhiệt tình và đảm nhiệm nhiều công việc cho cộng đồng tại nơi anh ở và thế giới… Anh Phong Tây Sáng, tới từ tiểu bang North Carolina. Anh nhỏ tuổi nhất so với anh em trong bàn tiệc. Anh bệ vệ, râu ria rập rạp đậm chất lính rừng… Anh nhớ về sự đau khổ đánh đập ở trong tù…, nhất là khi anh chứng kiến cảnh anh Nguyễn Trọng Tuấn bị đánh mà anh không cầm được nước mắt. Anh khóc tức tưởi tại bàn khi kể lại cho anh em nghe… Anh Nguyễn Pháp tới từ thành phố San Jose, tiểu bang California, anh xuất thân từ trường “Chiến Tranh Chính Trị” Đà lạt. Sau khi ra tù anh vượt biên bằng đường bộ tới Thái lan. Anh tham gia công tác xã hội và giúp đỡ anh em…! Được gặp nhau đã là may mắn…! Buồn hay vui như nước lớn, nước ròng…! Xin mượn hai câu thơ của Lý Bạch để nói lên tâm trạng:

     “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
       Mạc sứ kim tôn không đối nguyệt”
Nghĩa là: [Đã là người khi vui cứ vui. Chớ để chén không dưới ánh trăng]

     Trong ngày 25, ngày tới Portland đầu tiên [thứ sáu]. Khoảng 3 giờ chiều. Tận dụng thời gian…, anh Nguyễn Văn Khoan [thổ địa] hướng dẫn ba bốn anh em đi thăm đồi Đức Mẹ “The National of Our Sorrowful Mother Portland, Oregon USA”. Đồi cao đá dựng cheo leo, phải đi bằng thang máy. Đứng trên đồi nhìn bao quát một vùng rộng lớn… Trên ngọn đồi là một rừng cây thông nguyên sinh rậm rạp, âm u… với một dòng suối nhỏ nước trong xanh chảy bốn mùa không bao giờ cạn. Đền đài, tu viện nơi đây mang dấu tích cổ xưa - có nhiều hàng ghế dành cho người hành hương cầu nguyện… Tượng đức mẹ, bàn thờ Chúa được khoét sâu vô núi đá. Hàng lưu niệm có bán dưới chân đồi. “A History of The Grotto” bắt đầu hình thành từ năm 1923. Diện tích rộng 62 acre [mẫu Anh]. Các bạn có thể tìm hiểu thêm lịch sử ở - website: www.thegrotto.org.
    
     Ngoài các món ăn do chị Tuấn và các con của chị nấu còn có một món thịt heo rừng do anh Tuấn mua để đãi anh em. Anh Tuấn chưa biết cách làm món gì cho ngon nên đã phone hỏi ý kiến cựu tù Trần Phước Hân từ lúc còn ở San Francisco… Bữa nay - chính Trần Phước Hân trực tiếp “tư vấn” cho cháu Tú [rể của anh Tuấn] cách cắt thịt, cách ướp thịt để làm món nướng [BBQ] ngoài trời… Món nướng nầy rất hạp với hương vị rượu thuốc… Người trực tiếp nướng là do anh Phạm Huy Cầu [anh là người to cao nhất trong số anh em] đảm nhận… Anh Cầu tới từ tiểu bang Texas. Anh là cầu thủ bóng chuyền và cũng là võ sư… Hiện nay anh bị bịnh tim mạch, cao máu phải thường xuyên uống thuốc… Anh nướng thịt chín tới mẻ nào thì anh em bốc bằng tay nhai ngon lành tới đó…! Sau đó, cựu tù Trần Phước Hân còn làm một món thịt trâu rừng [anh Tuấn mua] xào với cộng hành… Anh em thưởng thức khen ngon rầm trời… [cười]…! Trong lúc tâm tình nơi bàn rượu, thì các anh chị em cựu tù bốn phương gọi tới… Vậy là vừa nói chuyện vừa mở video cho tất cả cùng nhìn dung nhan già chát của nhau… Ôi thôi, đủ thứ chuyện để mà nói, giành phone với nhau để mà nói, mà nhìn...! Tội nhất là các anh đã mua vé máy bay từ mấy tháng trước như – vợ chồng anh Đỗ Văn Bình ở tiểu bang Ohio, gần tới ngày sắp đi họp mặt thì cả hai vợ chồng đều bị bệnh và cả hai phải vô nằm bịnh viện….! Anh nằm trong bịnh viện mà gọi thăm anh em… Nhìn nét mặt của anh rất là mệt nhọc thở không ra hơi, nhưng anh vẫn cố gắng nói cho xong cảm nghĩ và ngỏ lời tiếc nuối…! Anh xin lỗi tất cả… ! Anh Bình còn gọi mấy lần nữa…! [Xin nói thêm - ở trong tù anh Đỗ Văn Bình Bình và anh Đỗ Minh Giám bị biệt giam hai năm...Và hai anh là người rời K4 sau cùng!].Vợ chồng anh Phạm Sơn Long ở New Hampshire cũng đã mua vé, nhưng gần ngày đi thì đứa con bị bịnh… Thiệt là buồn cho các anh! 

     Anh Nguyễn Văn Phòng ở Florida, lần họp mặt thứ nhất anh cùng vợ và con gái tới tham dự… Anh đã hơn tám mươi sáu tuổi, sức khỏe không cho phép đi xa, vì phải ngồi máy bay tới tám giờ, anh không thể chịu nổi.  Anh gọi thăm sức khỏe từng anh em cựu tù đã tới hội ngộ lần thứ hai. 

     Ngoài ra còn rất nhiều anh chị em ở các nơi khác và cả người còn ở quê nhà gọi tới hỏi thăm liên tục trong mấy ngày họp mặt... Tình cảm bạn cựu tù; tình cảm huynh đệ chi binh với biết bao kỷ niệm - tang thương, đày ải, máu và nước mắt, mồ hôi… Một thời bỏ mạng trên chiến trường; một thời bỏ mạng trong lao tù “cải tạo”… Một số anh chị em may mắn còn sống thì cũng mang một bản án “ngụy” cho chính bản thân và con cháu…! Hầu hết người tù đều mang  - “di chứng” bịnh tật trong thân xác…! Để lại “chấn thương” trong tâm hồn… Hiện nay, nơi xứ người mang một nỗi buồn: Cựu Tù Nhân Chính Trị - Làm thân tỵ nạn - tỵ nạn biết tới bao giờ…?!

     Chiến trường đi nào đâu tiếc thân trai
     Lịch sử quên ngậm ngùi quê bỏ mặt
     Nơi xứ lạ gió xiên chiều hiu hắt
     Vệt trăng soi còn tỏ nước xuôi dòng. [thơ tyh]

     Sáng ngày 26.5. Anh Nguyễn Văn Khoan mời tất cả anh em cựu tù tới nhà anh, trước để cho biết nhà và sau đó là… ăn sáng…! [nhà anh cách nhà anh Tuấn khoảng 15 phút chạy xe]. Trên đường đi, anh Nguyễn Trọng Tuấn đề nghị ghé garage sửa chữa xe hơi của con trai đầu của anh. Cháu Diệm là tên con trai đầu, cháu chào hỏi nhiệt tình và hứa bốn giờ chiều đóng cửa, về sớm… Tại nhà anh Nguyễn Văn Khoan - anh Khoan cùng các anh em cựu tù chụp hình chung trước nhà, sau đó anh dẫn anh em ra vườn sau xem rau và cây ăn trái do chính anh trồng và chăm bón… Điều ngạc nhiên là vợ anh – chị  đã nhận ra vài người cùng làng – đó là anh Nguyễn Pháp, anh Trần Phước Hân. Chị hỏi thăm vui vẻ, tiếp đãi anh em cựu tù ân cần…, nói là ăn sáng chứ thật ra là một bữa tiệc gia đình với đầy đủ các món ăn quê hương do chính tay chị nấu [hình như đã có chuẩn bị từ trước]. Anh em cựu tù vô cùng xúc động…! Trong bữa tiệc có uống một vài chai bia cho ấm lòng! Trời ngả về chiều tất cả anh em cựu tù tạm chia tay để trở về nhà anh Nguyễn Trọng Tuấn.
    
     Vợ chồng anh Nguyễn Viết Lý ở Sacramento, tiểu bang California. Anh chạy xe hơn 10 giờ mới tới Portland. Anh chị thuê khách sạn nghỉ qua đêm, ban ngày tới nhà anh Tuấn để gặp gỡ hàn huyên cùng bạn cựu tù. Sự nhiệt tình của anh cùng với tài nhớ dai nhiều chuyện trong tù… Anh kể lại rành mạch cho anh em nghe - thật cảm động…!

     Anh Nguyễn Thảy ở Tennessee, 7 giờ tối ngày 26 mới tới sân bay Portland. Anh Tuấn đi đón. Anh Thảy là một trong những anh chị em đã khỏi xướng một cuộc họp mặt lần thứ hai. Tuy ở rất xa nhưng lúc nào anh cũng quan tâm tới bạn cựu tù. Sự hiện diện của anh làm cho anh em rất phấn khởi…!

     Đêm nay – đêm 26 là đêm chính thức anh chị em cựu tù làm lễ tưởng niệm để nhớ tới các anh chị em chết trong trại tù K4 và những anh chị em K4 chết ở ngoài… vì tuổi già hay bị bịnh. Và, cũng tưởng nhớ tới tất cả anh chị em đã chết trong khắp cả các trại tù khác trên toàn cõi Việt Nam. Hiện diện đêm nay - ngoài một số anh chị em cựu tù K4, còn có một số con cháu tề tựu… Trên bàn thờ có danh sách các anh em đã chết trong tù…! Danh sách anh chị em chết sau ngày trở về…! Ly rượu rót tràn đầy tình thương nhớ; nén nhang thơm thắp lên khói tỏa khung trời…, được trao tận tay từng anh chị em… Và, anh chị em tuần tự tới trước bàn thờ khấn vái, thầm thì đôi lời…! Sau đó anh Nguyễn Trọng Tuấn nói lên lý do họp mặt… Đồng thời tất cả đều đứng lên. Tư thế nghiêm trang để chào cờ, hát quốc ca… - một phút mặc niệm… tưởng nhớ tới các linh hồn Quân Dân Cán Chính Miền nam đã bỏ mình vì chiến tranh; bỏ mình ngoài đại dương; bỏ mình trên rừng để đi tìm tự do.

     Nghi lễ đã xong - Anh Nguyễn văn Vui đọc “lời bạc” tưởng nhớ lại một giai đoạn tang thương, dâu bể chất chứa đầy những – chia ly, đày ải, đói khác, chết chóc…, để cho anh chị em và con cháu hồi tưởng về một quãng thời dĩ vãng đau buồn không thể nào quên. Với giọng miền Nam. Anh Nguyễn văn Vui đọc thật chậm rãi, rõ ràng từng chữ - tất cả đều im phăng phắc, không khí về đêm im ắng như tờ. Mọi người nghĩ rằng - Các anh chị em khuất mày, khuất mặt đã tụ về quanh nơi họp mặt này để hòa vui cùng với anh chị em cựu tù và con cháu đang hiện diện…!

Lời Bạc Cho Ngày Họp mặt
Cựu Tù Chính Trị K4

Trời Portland nắng ấm
Những cánh chim - bốn hướng tụ về
Những cánh chim - lìa bỏ chốn quê
Những cánh chim - chưa bao giờ mỏi mệt…!

K4!... K4!... K4!... !

Chốn tu luyện… người sống, trở thành … kẻ chết!
tang thương, khổ ải, đọa đày…
đêm lộn ngày,
ngày lộn đêm,
giữa, khung trời hữu hạn.
thương cha…!
nhớ mẹ…!
mong vợ…!
đợi con…!
anh chị em… nghìn trùng… sương phủ!

Đêm K4…!
Ngày K4…!

Người với người - đối đãi nhau… như loài dã thú!
gán lên đầu… vô số tội viễn vông…!
cùm U sắt - những bãi chông.
xích, xiềng… phận người công chính.
hằng ngày… nghe hằng nghìn… lời lừa phỉnh.
sắn, khoai, ấp ủ… đời trai
có ngày mai, mà… không thấy ngày mai
tù, không kêu án
thân đang sống…, trở thành thân - dĩ vãng
nhìn tương lai…, trắng toát chân trời!

Than ôi!
oan khiên… phủ kín khung trời
tìm đâu ra lẽ phải…?
lẽ phải là tội đồ…!
người tù chết, vùi thây - nấm đất hoang mồ
mắt trừng trừng… ngó về quê - báo mộng
bạn tù sống - chôn bạn tù chết
chiếc chiếu manh… ẩm mốc, thay hòm!

Nơi đất người lưu lạc sớm hôm
nhớ quê, nhớ bạn tù, suốt đời lận đận…!
nhưng hoài bảo - trong tâm cứ vẫn
giữ trong lòng: Danh Dự - Trách Nhiệm… không quên.

Trời Portland tụ tập tuổi tên
người tù già…, nhưng không bao giờ chết
tương lai… con cháu lưu danh…
không bao giờ chấm hết!
ly rượu cay…
nhưng rất ngọt nghĩa tình!

Than ôi!
Trang Y Hạ

     Tôn Tử nói: 

    "Một cuộc chiến đều dựa trên những điều lừa bịp”

Tội nghiệp cho - Người dân và Quân Cán Chính Miền Nam do không đủ khả năng [lừa bịp] mà đành chịu thua…!

     Đêm ở Portland trời xuống lạnh, anh chị em cựu tù cùng con cháu ngồi bên nhau, cùng nâng ly chức mừng ngày họp mặt. Không khí gia đình - vừa trang nghiêm, vừa hân hoan, vừa đầm ấm… Tình đồng đội, tình bạn tù như một cuốn phim từ từ quay lại thời tuổi trẻ, khi phải rời - mái trường, rời gia đình thân yêu cầm súng đi - giữ nhà, giữ nước… Tội tù là một vết dao “hận thù” được chém từ phía sau lưng xuyên suốt lịch sử.

     Vết đâm rồi cũng sẽ quên
     Sẹo lành còn nhức mông mênh nỗi sầu!
    
     Anh Tuấn, anh Lý… Lần lược kể ra một vài chuyện ở trong tù cho mọi người cùng nghe; đồng thời cũng trả lời cho lớp trẻ những câu hỏi…! Càng về khuya không khí càng thân tình qua từng lời ca, tiếng hát – những bài hát về lính được các giọng ca già cũng như trẻ trình bày ngọt ngào và cảm động! Trời không lạnh lắm nhưng lớp cựu tù cảm thấy lạnh… Do đó, lớp tù già nhường “sân chơi” cho lớp trẻ ăn uống, ca hát được tự nhiên hơn! Tất cả kéo nhau vô nhà tiếp tục hàn huyên tâm sự cho tới tận khuya mới đi ngủ.

      Ngày hôm sau, tất cả chở nhau đi dự lễ ngày chúa nhật ở nhà thờ Đức Mẹ La vang. Dự lễ xong lại kéo nhau tới nhà Diệm – con trai anh Nguyễn Trọng Tuấn ăn sáng. Bởi ngày hôm trước cháu Diệm có mời… Nhà vườn của cháu Diệm rất là rộng rãi thoáng mát…. Cháu Diệm mời mọi người lên sân thượng bằng gỗ lộ thiên phía sau nhà. Cháu Diệm đãi món phở tự tay vợ chồng cháu Diệm nấu…! Nguyên liệu toàn cây nhà lá vườn. Lúc ăn cháu Diệm có mang rượu tây ra, có cả bia. Độc đáo nhất là – cháu Diệm rót ra một ca lớn rượu thuốc ngâm… đã tám năm để đãi các chú, các bác…! Tạm biệt nhà cháu Diệm tất cả kéo sang nhà vợ chồng cựu tù Nguyễn Văn Khoan – Vợ chồng anh Khoan hôm trước đã có mời cơm trưa thân mật trước khi chia tay! Tới nhà anh Khoan thì thấy giờ còn quá sớm nên anh Khoan đề nghị đi du ngoạn ngắm đồi hoa hồng và thác nước. Hai địa danh nầy nổi tiếng ở Portland. Lên đồi hoa hồng anh chị em đi một vòng…, chụp hình lưu niệm… Sau đó tiếp tục chạy tới thác nước, đường đi khá xa… Đến nơi mới hay là - địa điểm du ngoạn thác nước đóng cửa để sửa chữa…!

     Anh chị Khoan sinh nhiều con, hầu hết đã lập gia thất… Hôm nay ngày cuối tuần. Nghe anh chị nói – ngày cuối tuần các con trai, con gái, dâu, rễ, cháu nội, ngoại, tập trung về nấu nướng… ăn uống tới chiều tối mới ai về nhà nấy. Đúng là nhất cử lưỡng tiện! Tiệc vui cuối tuần của gia đình kết hợp với niềm vui các chú, các bác cựu tù tới thăm…! Già trẻ cùng ngồi chung mấy bàn nâng ly mừng hội ngộ…! Tan tiệc, một số anh em cựu tù trở về nhà, số còn lại tập trung về chỗ anh Nguyễn Trọng Tuấn, ngủ nghỉ... Ai về lại nhà mình thì anh Tuấn đưa ra phi trường. Sáng hôm sau, thứ hai, anh Tuấn cùng vài anh em cùng nhau ra chợ mua thực phẩm về làm bữa cơm trưa để giã từ...! Một vài anh em ở lại thăm người quen, thì vẫn ở nhà anh Tuấn. Riêng hai bạn cựu tù Trần Phước Hân và Nguyễn Pháp được anh Khoan đưa ra phi trường lúc 6 giờ 30 chiều.

     Họp mặt rồi chia tay; chia tay rồi mong mỏi một ngày lại họp mặt để biết ai còn, ai mất... Gặp nhau sau một thời gian dài - tay bắt mặt mừng, ôm nhau, siết tay nhau… Lúc chia tay ở trước sân nhà anh Tuấn sau mấy ngày hàn huyên, nâng ly chúc mừng - đã nói ra biết bao chuyện muốn nói mà vẫn không hết… Mọi người ai cũng - Bùi ngùi… ! Rưng rưng…! Bịn rịn, lưu luyến… nặng nề từng bước đi… Anh Nguyễn Trọng Tuấn hai mắt đỏ hoe… gượng cười… ra lệnh cho cựu tù Trần Phước Hân:

-         Đứng nghiêm…! Chào tay…! Chào…!

     Cựu tù Trần Phước Hân cũng cùng tâm trạng buồn bã… như anh chị em! Nhưng… “Quân lệnh như sơn” phải chấp hành! - Cựu tù Hân – Chập hai chân vào, đứng nghiêm chỉnh - đưa tay phải lên chào huynh trưởng đúng theo quân cách nhà binh! Hai cô con gái của anh Tuấn đứng trong hiên nhà chứng kiến giây phút chia tay của cha chú cũng phải bật cười… Và, không khí đã bớt nặng nề…! “Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây…”!

     Thôi, xin mượn câu nói của Nhậm Ngã Hành trong truyện kiếm hiệp “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung – Ông đã nói với cô con gái của ông là - Nhậm Doanh Doanh lúc thoát ra khỏi nơi tù đày - Mười hai năm dưới đáy Tây Hồ để kết thúc bài viết.

     “Khi con người muốn sống, tất nhiên phải có lý do để sống”

     Xin chào - Hẹn một ngày không xa - sẽ họp mặt lần thứ 3…!

Trang Y Hạ
San Francisco.


    















Họp Mặt Lần Thứ 2 tại Portland, Oregon - 2018


Họp Mặt Lần Thư Nhất tại Westminster, Califonia - 2010


      



















2 nhận xét:

  1. Một cuộc chiến đã kết thúc. Bên thắng- bên thua, kẻ lên voi- người xuống chó, kẻ đắc thắng được đền bù cho những năm tháng cống hiến- kẻ âm thầm lui về với cuộc sống ẩn dật của người thua cuộc. Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó...
    Những vấn đề phát sinh thời hậu chiến mới thực sự là một câu chuyện dài, mà những người còn lại kể mãi, kể mãi không có hồi kết chuyện...
    Bạch đầu quân sĩ tại,
    Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
    (Lính bạc đầu còn đó,
    Kể mãi chuyện Nguyên Phong)
    Trần Nhân Tông
    Tôi đọc 2 câu thơ này từ hồi còn học phộ thông. Và đôi lúc tôi suy nghĩ "Vì sao người lính già chỉ kể mãi chuyện quá khứ mà không phải là chuyện ở thực tại?", chắc chỉ có họ(những người trong cuộc) mới lý giải thỏa đáng điều thắc mắc của tôi. Còn bản thân tôi, theo suy nghĩ chủ quan, tôi mạn phép nói, có thể không đúng hoàn toàn: Có lẽ vì cuộc sống ở thực tại không bằng trong quá khứ, từ "bằng" tôi so sánh, đối chiếu ở góc độ giá trị tinh thần, đó là sự "hài lòng", "tự hào" với những gì bản thân mỗi người thực hiện được. Những người lính VNCH- những người con của Tổ quốc VN thân yêu, họ đã hy sinh tuổi xuân, cuộc sống hạnh phúc mà một con người muốn được hưởng, đương nhiên phải được hưởng để thực hiện sứ mạng cao cả của người trai thời loạn li. Khi cuộc chiến kết thúc, họ là những người may mắn còn sống sót, dù là sự tồn tại của những kẻ thua cuộc đi nữa. Nhưng, đấy mới là khởi đầu cho biết bao thăng trầm, biết bao khổ nhục, biết bao mất mát của những "tù binh chiến tranh". Họ đã phải chịu đựng những đòn giáng trả "thù hằn ghê gớm" độc ác, nhỏ nhen và đê tiện...Tôi không biết nhiều về những "thảm cảnh" mà các anh- những "tù binh chiến tranh" đã phải nếm trải ở trại K4, nhưng đọc những dòng tự thuật của tác giả Trangy Hạ tôi cũng cảm nhận được phần nào những đau đớn, tủi cực mà các anh đã trải qua: lao động khổ sai, đói khát, rách rưới, tra khảo, đánh đập, gông cùm, xiềng xích...nhưng những hình phạt đó cũng không đáng sợ hơn sự tra tấn về mặt tinh thần khi các anh- những con người có tri thức được huấn luyện và giáo dục rất kỹ về DANH DỰ- TRÁCH NHIỆM về NHÂN ÁI của một người lính, họ phải im lặng, cúi đầu nghe những bài chính trị thao thao bất tiệt của các tuyên giáo CS, nghe mạt sát , bôi nhọ cái chính nghĩa của quân lực VNCH, chà dạp danh dự và lòng quả cảm của người lính đấu tranh vì chính nghĩa, bây giờ gọi là "ngụy quân". Có những anh em vĩnh viễn ra đi vì không chịu đựng nổi chế độ "nhân đạo" của trại cải tạo, cũng có người chết không biết lý do...? Các anh may mắn hơn, còn có ngày trở về với cuộc sống của xã hội dù là với "thân tàn ma dại" đi nữa, rồi những tháng ngày tiếp tục vất vả mưu sinh trong cái nhà tù lớn, vẫn phải trinh diện, làm lao động theo yêu cầu của các vị lãnh đạo ở địa phương,...Tôi lúc ấy chỉ mới lớn, tôi nhìn những sĩ quan chế độ cũ qua hàng rào kẽm gai của ủy ban xã, họ làm lao động dáng vẻ cam chịu, nhẫn nhục, bất giác tôi thấy lòng đau xót, chế độ sản sinh nên những phận người, nào họ có tội lỗi gì đâu?
    Có thể nói việc tập hợp các anh em tù cải tạo của các anh là một việc làm rất có ý nghĩa, hết sức nhân văn. Khi các anh lập bàn thờ truy điệu những anh em đã mất trong hoặc sau cải tạo; cùng ôm nhau thắm thiết, mừng mừng tủi tủi, cùng hàn huyên tâm sự, kể nhau nghe những chuyện còn chưa kể về những năm tháng ở trại K4, những người già yếu, bệnh tật cũng được các anh chia sẻ, động viên,...tinh thần "phụ tử chi binh" tình đồng đội của các anh khiến tôi vô cùng xúc động không thể không viết vài dòng bày tỏ tình cảm và sự ngưỡng mộ của bản thân tôi, mà cũng không riêng gì tôi , còn là của những người đã sống trong giai đoạn chiến tranh, giai đoạn giao thời, từng nghe và chứng kiến biết bao cảnh ngộ đau thương mà lẫm liệt của các anh. Xin được ngã mũ cúi chào các anh: những người của một thời đại đã qua, thời đại của TRÍ- NHÂN và DŨNG!

    Trả lờiXóa
  2. Nội dung nhận xét:

    Suy luận có tình có lý… Viết y như một đoản văn, cái hay ở chỗ là - sau sự “chiến thắng” - có chiến thắng được đói nghèo và cả sự xâm lăng của kẻ thù phương bắc luôn rình rập…

    Người lính già ngồi kể chuyện “Nguyên Phong”
    Người lính già thời Trần tự hào đã đánh thắng giặc phương Bắc xâm lăng tới ba lần. Một nghìn năm nô lệ giặc tàu nhưng - anh hùng mỗi thời vẫn có, đã giành lại mảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam. Người dân Việt không cúi đầu chịu nhục và cũng chưa bao giờ để mất một tấc đất của cha ông cho giặc Tàu. Sứ Tàu vào Thăng Long phải run sợ, chứ không dám nghênh ngang hống hách…

    Cảm ơn cô Thu Hương! Chúc cô bình an và khỏe mạnh!

    Trả lờiXóa