Thư viện

13/2/19

Nghĩ Về Một Câu Ca Dao




Nghĩ Về Câu Ca Dao

Trang Y Hạ

     Công cha như núi Thái Sơn
     Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
     ….

     Tóm lược về núi Thái Sơn:
     Thái sơn là một ngọn núi chỉ cao khoảng 1.545 mét so với mặt nước biển, thuộc tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Diện tích áng chừng hơn bốn trăm cây số vuông. Theo truyền thuyết của người Tàu - ngọn núi Thái Sơn có cột chống trời. Thái Sơn là thánh địa của Đạo gia, từ xưa tới nay đã có mười hai vị hoàng đế - từ Tần Thủy Hoàng cho tới Càn Long thân hành tới cúng tế đất trời cầu xin thái bình thịnh trị…!

     Núi Thái Sơn có bốn đỉnh:

     Đỉnh Ngọc Hoàng
     Đỉnh Thiên Trụ
     Đỉnh Nhật Quang
     Đỉnh Nguyệt Quan
    
    Đỉnh núi Thái sơn… Trên đó người Tàu xây dựng - hai mươi quần thể kiến trúc và có hai ngàn di tích lịch sử. Có Đầm Vương Mẫu, cung Đấu Mẫu. Hiện nay được Unesco công nhận là “Di sản thế giới”.

     Nước Việt Nam đã bị người Tàu đô hộ hơn một ngàn năm. Khoảng thời gian hơn mười thế kỷ đó dư sức để người Tàu xóa đi một dân tộc – chẳng những xóa hết một nền văn hóa mà xóa cả con người. Bằng chứng hùng hồn là ông cha nước Việt chúng ta đã “mang gươm đi mở cõi”, chỉ chưa đầy ba trăm năm thôi mà ông bà chúng ta đã xóa gần hết người Hời và văn hóa Hời. Hiện nay người Hời chỉ còn khoảng - tám mươi ngàn người sống rải rác trong nước và thế giới. Bốn mươi mấy năm nay những người Việt yêu tự do cũng không khác chi người Hồi là mấy. Hơn bốn triệu người Việt sống rải rác trên chín mươi quốc gia trên thế giới và con số người bỏ nước ra đi càng ngày càng nhiều thêm…! Nơi xứ người dần dà lớp con cháu có còn giữ được ngôn ngữ văn hóa tiếng Việt hay không? Đó là điều trăn trở hằng ngày của các bậc cha mẹ cũng như giới cầm bút hiện nay. Trong một ngàn năm bị làm nô lệ, người Tàu đã cố gắng hết sức để đồng hóa người Việt, họ tịch thâu sách vở, bắt dân ta học chữ Hán, tiêu diệt và bắt đi nhân tài của đất nước. Hoặc có học giỏi đỗ đạt cũng phải phục tùng cho người Tàu. Qua một thời gian dài như vậy nhưng người Tàu đã không đè bẹp được ý chí giành quyền độc lập, quyền tự chủ của người dân Việt

     Nước Việt chúng ta có núi cao, có sông sâu, có Ải Nam Quan, một quan ải hùng vĩ trấn giữ bờ cõi nước Việt trước trước họa xâm lăng của Tàu. Dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng lớn trãi dài qua hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu tới Yên Bái tổng chiều dài - một trăm tám mươi cây số, rộng ba mươi cây số có những ngọn núi cao từ: 1.800 m – 3. 090m – 2938m. Ngọn núi cao nhất Đông Dương là ngọn Phan-Xi-Păng có độ cao tính từ mặt nước biển là 3. 542m. Cao gấp đôi níu Thái Sơn bên Tàu.

          Bởi bị nô lệ người Tàu cả hơn ngàn năm do đó dân tộc Việt chịu ảnh hưởng về mọi mặt trong đời sống kể cả văn chương truyền khẩu như ca dao, tục ngữ… và thức ăn như: Bún tàu, thịt kho tàu, tàu hủ, gạch tàu… Thờ phụng, ma chay cúng quảy, cưới xin đều ảnh hưởng Tàu. Thờ nhân vật anh hùng và cả truyền thuyết của tàu như: Quan Công, Tây Vương Mẫu, Nữ Oa Nương Nương…!

     Ca dao Việt xưa nay nói:  

    Công cha như núi Thái Sơn!

    Người Việt tại sao ví công cha như núi Thái sơn? Núi Thái sơn của Tàu chỉ cao có 1.545m, thua ngọn núi thấp nhất của dãy Hoàng Liên Sơn Việt Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn rộng gấp nhiều lần Thái Sơn. Người Tàu họ ví công cha của họ như vậy là đúng! Chúng ta có dãy Hoàng Liên Sơn với những ngọn núi cao, thì chúng ta ví công cha của chúng ta như dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ bao la đã từng che chở đàn con Việt Nam qua bốn ngàn năm văn hiến.
    
     Còn câu thứ hai là:

    Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

    Thử hỏi, nguồn nào chảy ra…? Trên núi Thái sơn có thờ bà Vương Mẫu. Vương mẫu tức là bà Tây Vương Mẫu. Trên núi có cái đầm nước lớn, đề tên là “Đầm Vương Mẫu”. Bà Tây Vương Mẫu vốn là vị nữ thần độc ác, luôn gây tai họa cho dân gian… Về sau Đạo Giáo bên Tàu mới “cải tà quy chánh” cho bà hiền từ trở lại.  Thiết nghĩ “… nước trong nguồn chảy ra” chính là nước từ cái đầm của bà Tây Vương mẫu nầy chảy ra chứ chẳng sai.

      Chúng ta là người Việt nếu ví - công cha như núi Thái Sơn thì vô tình chúng ta ví cha Tàu chứ không phải ví công cha Việt của chúng ta, mà núi Thái Sơn bên Tàu cao cũng chỉ bằng phân nữa các đỉnh núi trong dãy Hoàng Liên Sơn. Ví như vậy là công cha Việt của chúng ta mất đi một nửa! Uổng quá, phải không nà? Còn ví nghĩa mẹ Việt như nước trong nguồn chảy ra…? Nguồn đây là nước nguồn cũng từ núi Thái Sơn mà ra, làm chi mà bằng nguồn nước trong xanh thấm tình quê cha đất tổ từ trong dãy núi Hoàng Liên Sơn được. Hai câu ca dao nối liền hai ý đều quy về một địa danh là núi Thái Sơn bên Tàu. Xưa nay qua ca dao chúng ta thản nhiên ví công cha nghĩa mẹ của mình với tấm lòng hiếu thảo của người con, mà đâu có hay rằng chúng ta đang ca tụng cha mẹ Tàu…!

     Vậy chúng ta hãy tự hào ví: công cha, nghĩa mẹ của chúng ta bằng hai câu thơ của Trang Y Hạ, rằng:

     Công cha như dãy Hoàng Liên
     Nghĩa mẹ, suối hiền tự núi chảy ra!

Trang Y Hạ - San Francisco



    



2 nhận xét:

  1. "Sợ Tàu, thuần phục Tàu", đã ăn sâu vào tư tưởng của người Việt Nam từ hơn 2000 năm trước. Từ thực tế nước ta bị giặc phương Bắc xâm lược suốt chiều dài lịch sử, họ đâu chỉ dừng lại ở tham vọng thôn tính, sáp nhập lãnh thổ Đại Việt, mà thâm độc hơn là đồng hoá dân tôc ta.
    Hơn nghìn năm bị đô hộ, không dễ gì mà không chịu ảnh hưởng của Tàu, từ văn hóa, giáo dục đến tư tưởng, nếp sống- nếp nghĩ,...ít nhiều dân ta đều phải chịu ảnh hưởng. Tuy vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận là văn hóa Trung Hoa đâu chỉ có cái xấu? Thực ra bên cạnh tư tưởng thần chủ, trọng nam khinh nữ, thì trong đạo tam cương- ngũ thường của họ vẫn có mặt tích cực, góp phần tạo nên bản sắc riêng của văn hóa phương Đông, Hình thành lối sống gắn bó, yêu thương từ trong gia đình ra ngoài xã hôi, trong đó chữ "hiếu" là đạo đứng đầu trong bách thiện, là ngọn nguồn của những đạo lý sống tốt đẹp khác.
    Điều đáng tự hào là, dù có tiếp thu văn hóa phương Bắc hàng nghìn năm đi nữa, thì ý thức tự tôn vẫn luôn ngấm ngầm được nuôi dưỡng và đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.Ta vẫn giữ được những tập tục, lễ nghi của tổ tiên, chữ Nôm, chữ quốc ngữ được dùng thay chữ Hán là một bằng chứng thuyết phục nhất, chúng ta tiếp nhận văn hóa Tàu một cách có chọn lọc, khôn ngoan. Có thể nói chí tự lập, tự cường của dân tộc Việt là một lực cản rất lớn đối với "giấc mộng Trung Hoa" ngàn đời nay vậy!
    Tác giả Hạ Trangy đã mượn hai câu ca dao ca ngợi công lao cha mẹ của Trung Hoa, mà trong văn học dân gian nước ta lưu truyền, thành câu cửa miệng trong cái đạo làm con. Sự so sánh đối chiếu của tác giả về chiều cao, vẻ bề thế của hai ngọn núi Thái Sơn (Trung Quốc) và Hoàng Liên Sơn (Việt Nam) rất thuyết phục; dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng 30 km, chạy dài 180 km theo hướng tây bắc-đông nam phía Bắc nước ta, trong đó có ngọn Phan Xi Păng cao 3.143 m (có tài liệu nói Phan Xi Păng cao 3.542 m), cao nhất Đông Dương. Xứng đáng để thể hiện cái công lao ngất trời của người cha. Vậy, dân Việt ta hà cớ chi phải mượn ngọn Thái Sơn của Trung Quốc mà ví von?
    Mượn chuyện vay mượn trong văn học để bàn đến vấn đề lớn hơn đó là nhận thức về tinh thần độc lập, ý chí tự cường của dân tộc ta trong hiện tình của đất nước ta hiện nay. Tôi thiết nghĩ là không phải thừa. Mỗi chúng ta, mỗi con dân Việt Nam hãy sống sao cho xứng đáng với tiền nhân.
    Cảm ơn tác giả Hạ Tragy đã khơi gợi một điều mà không chỉ riêng tôi, mà tất cả những người Việt Nam có lương tri đều phải trăn trở.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét của cọ Hương Phạm rất súc tích. Cảm ơn và chúc mạnh khỏ

    Trả lờiXóa