Thư viện

26/5/19

SỨ THẦN ĐẠI VIỆT GIANG VĂN MINH



SỨ THẦN ĐẠI VIỆT - GIANG VĂN MINH

 Tác giả: Trang Y Hạ
 
Việt sử phải học thuộc làu
là niềm hãnh diện ngàn sau vẫn còn
 
Sứ thần Giang Văn Minh vì “Thể Diện Quốc Gia Nước Đại Việt”, mà đã bị vua Tàu [Sùng Trinh], giết chết bằng cực hình dã man…! Sau đây, xin tóm lược bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ khó khăn của các Đoàn Sứ Thần Đại Việt, từ thời trước.
 
Nước Đại Việt xưa, có tên là Giao Chỉ. Sở dĩ, có tên Giao Chỉ là bởi tương truyền rằng: Người Việt cổ nơi hai bàn chân,  ngón chân cái cong ra bên ngoài, khi đứng hai ngón[giao nhau], nên mới gọi là giao chỉ. Từ năm 679, nhà Đường bên Tàu, kéo quân qua xâm chiếm Đại Việt và đổi tên Giao Chỉ, thành - An Nam Đô Hộ Phủ.
 
Nước Đại Việt, luôn bị giặc Tàu xâm chiếm trong hơn một ngàn năm, cho tới thế kỷ thứ mười, Đại Việt mới lấy lại quyền tự chủ và kéo dài tới thế kỷ thứ mười tám. Trong khoảng thời gian đó, giặc Tàu luôn xua quân tràn qua Ải Nam Quan xâm chiếm Đại Việt, nhưng lần nào cũng bị Đại Việt đánh bại, phải cuốn gói chạy về nước. Tàu là nước lớn, chung đường biên giới - nhất là nguồn nước, từ các con sông bên đất Tàu chảy qua... Bởi lý do đó, dù có thắng trận, các triều vua chúa Đại Việt ngày xưa phải uyển chuyển để giao hòa... "Tránh voi chẳng hổ mặt nào", nên sai sứ thần qua Tàu triều kiến, xin phong vương, nộp cống phẩm, nhằm mua sự bằng an cho có lệ... Nhưng lần nào cũng ở thế thượng phong và giữ quốc thể.
 
Một lý do khác nữa, đó là: bên Tàu bất cứ triều đại nào hễ mới lên nắm quyền, thì buổi ban đầu họ đều có ý định xua quân qua đánh nước Đại Việt. Trước tiên, họ hăm dọa, sau đòi vua chúa Đại Việt phải phục tùng và tiếp tục nộp “cống phẩm” cho triều đại mới. 
 
Và, một lý do khác nữa [thuộc về địa lý]. Đó là BIỂN. Chiếm Biển Đại Việt để có muối; có cá cho dân Tàu tiêu thụ.
 
Trong thời gian mấy trăm năm [tạm giao hảo], hai bên đã cử sứ thần qua lại... Theo sử của hai bên: “Phía Tàu, đã cử hơn một trăm phái đoàn đi sứ sang Đại Việt - nhiệm vụ chủ yếu của sứ thần bên Tàu: - Họ đốc thúc phía triều đình Đại Việt giao nộp cống phẩm… Phía triều đình Đại Việt, cũng đã cứ hơn hai trăm đoàn sứ thần sang Tàu - nhiệm vụ: Xin cầu hòa, xin phong vương…!”.
 
Nước Đại Việt vốn nhỏ bé, lúc nào cũng đề phòng người Tàu gây hấn..., kéo quân sang xâm chiếm, hoặc dùng tiền bạc mua chuộc bọn “Việt gian”, gây chia rẻ; hoặc dùng gián điệp gây rối… Do đó, ông bà ta mới có câu “Bắc Môn Tỏa Thược” ghi trong đền thờ ở Nam Định. Nghĩa là: Không mở cửa cho người phương Bắc. 
 
Di chúc, vua Trần Nhân Tông sau:
 
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo” Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên, các người phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác ". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".
 
Dù nước Đại Việt nhỏ, dân số ít, nhưng dân tộc Đại Việt quyết không nhu nhược, quỳ lụy hay sợ sệt người Tàu. Lòng yêu nước nồng nàn qua “Hội Nghị Diên Hồng” đã nói lên điều đó.
 
Nhiệm Vụ của Sứ Thần:
 
Nhiệm vụ chính của các sứ thần là ngoại giao… Sứ Thần phải giữ thể diện, danh dự của Tổ Quốc, của Quốc Gia. Tổ Quốc là Trên Hết ! Chẳng những sứ thần mà mỗi người công dân buộc phải giữ, như:
 
- Không ăn trộm, ăn cắp, khi đi tới một quốc gia khác... Không phát ngôn bừa bãi, hay có hành vi thiếu văn hóa trước mặt người ngoại quốc… Sứ thần đại diện cho Nhà Vua, do đó sứ thần phải là người đỗ đầu: Trạng Nguyên [tiến sĩ], có chức tước trong Triều Đình... Thông thạo ngoại ngữ, văn thơ, đối đáp lanh lợi… để đấu trí, đấu lực khi đi sứ. Trung Hoa là một quốc gia có truyền thống - xướng họa, thơ... đã có từ rất lâu đời, các nho sinh, tầng lớp trí thức, mỗi khi sum họp, thường hay đưa ra các vế đối, xướng họa thơ, bàn luận thơ… Do ảnh hưởng từ chữ Hán cổ, sĩ phu nước Đại Việt cũng đã gầy dựng được một truyền thống sáng tác văn học cho riêng mình.
 
Trên đường đi sứ sang Tàu, đường xa vạn dặm, sơn lam chướng khí… Tới nơi còn phải chầu chực nơi nhà "công quán" chờ dịp để được gặp vua Tàu; có khi chờ hằng vài ba tháng tới nửa năm mới được gặp…!
 
Trong thời gian đó, sứ thần phải ghi lại tất cả sự kiện trên đường đi sứ như: phong tục tập quán, lễ nghi, thổ nhưỡng, con người, địa lý…, để khi về nước trình lên cho Nhà Vua. Quan trọng nhất là - chương trình nghị sự, đề bạt lên vua Tàu. Trên đường đi sứ, các sứ thần thường hay làm thơ gọi là: “Sứ Hoa Tập – Sứ Giao tập – An Nam Ký Sự - Hoa Trình Vân Tập – Hoàng Hoa Thi Tập…”. Tất cả viết bằng chữ Hán cổ, sau nầy các sứ thần Đại Việt viết bằng chữ nôm.
 
Trong thời gian đi sứ, có khi kéo dài tới vài ba năm..., hoặc có khi bị giữ lại làm con tin, hay nước chủ nhà giết sứ thần như: trường hợp sứ thần Tô Vũ đời Hán Vũ Đế là một bằng chứng:
 
Tô Vũ, tên thật Tô Tử Khanh, quê Đỗ Lăng. Nhà Hán bị giặc Hung Nô quấy nhiễu... Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ. Tô Vũ làm phật ý vua Hung Nô, nên bị phạt bỏ đói ba ngày. Tô Vũ uống sương đọng trên ngù cờ mà sống. Chúa Hung Nô kinh sợ - cho Tô Vũ là thần, bèn đày đến đất Bắc hoang lạnh, chăn dê, kỳ hạn tới khi nào dê đực đẻ dê con mới tha... Tô Vũ ban ngày chăn dê, ban đêm ngủ trong hang đá, thiếu thốn và tuyệt vọng. Tô Vũ viết thư nhờ chim nhạn mang về quê nhà… Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư, mới biết Tô Vũ đang chăn dê ở phương Bắc. Hán Vũ Đế can thiệp... Tô Vũ mới được trở về Hán sau mười chín năm lưu đày nơi xứ người.
 
Sứ Thần Giang Văn Minh !
 
Trong lịch sử Đại Việt, từ trước tới nay, lịch sử luôn ghi nhận công lao của các Sứ Thần được vua cử đi sang Tàu điều đình công việc ngoại giao... Trong đó có - sứ thần Giang Văn Minh.

Tóm tắt tiểu sử của sứ thần Giang Văn Minh như sau:
 
Giang Văn Minh sinh năm 1573 ,tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, Tổng Cam Giá, Huyện Phú Thọ, Tỉnh Sơn Tây. Ông thi đỗ Đình Nguyên thám hoa [khoa nầy không ai đỗ Trạng nguyên hay Bãng nhãn]. Triều đình bổ ông vào chức vụ: “Bình Khoa Đô Cấp Sự Trung” [1630]. “Thái Bộ Tự Khanh” [1631]. Ngày 30.12. 1637. Sứ thần Giang Văn Minh cùng các ông: Nguyễn Bình, Thân Khuê, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Nghị - chia làm hai sứ bộ, đi sang Tàu cầu phong và nộp cống phẩm. Ông tới Yên Kinh năm 1638. Việc cầu phong không thành vì vua nhà Minh chơi trò "Bắt cá hai tay" nhằm chia rẻ nội bộ Đại Việt - Lý do: Nhà Mạc đã bỏ chạy lên Cao Bằng và lập kinh đô ở đó…!
 
Sứ thần Giang Văn Minh sau khi chết được truy tặng chức “Công Bộ Tả Thị Lang” tước “Vĩnh Quận Công”!

Theo sách: "Các Sứ Thần Đại Việt". Đúng ngày mừng thọ vua Minh (Sùng Trinh), sứ giả các nước đã tề tựu mà sứ thần Đại Việt vắng mặt. Vua Minh cho thị vệ đến công quán hỏi. Khi đến nơi, đám lính thấy sứ thần Giang Văn Minh nằm trên giường ôm mặt khóc. Chúng buộc ông phải vào triều. Vua Tàu hỏi vì sao vắng mặt? Giang Văn Minh nghẹn ngào nói:

"Thần tự biết vắng mặt hôm nay là phạm vào trọng tội, xin hoàng đế lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần đi sứ xa quê, ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ!".
 
Nói xong, ông lại ôm mặt khóc ầm lên. Hoàng đế nhà Minh cười nói:
  
"Tưởng sao chứ như thế thì việc gì ngươi phải khóc ! Khá khen cho nhà ngươi, biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha mẹ thì còn được, chứ ông tổ đã xa đến mấy đời thì cũng có thể miễn nghị”.
 
Giang Văn Minh ngừng khóc, rồi đứng dậy lau nước mắt, ngẩng đầu lên nói rằng:
 
"Muôn tâu, lời dạy của Hoàng Đế thật quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời có lắm chuyện xa xôi mà vẫn không được miễn nghị. Chẳng hạn, Thiên triều bắt nước Đại Việt phải cống người vàng, để trả nợ Liễu Thăng cách đây đã 200 năm. Nay được lời Hoàng đế ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với ngày khánh tiết này. Cúi xin Hoàng đế từ đây miễn nghị cho cái nợ Liễu Thăng, để tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu".
 
Nghe xong, Hoàng đế nhà Minh biết mình đã mắc lừa sứ thần nước Đại Việt, nhưng lời đã nói ra cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà gật đầu, ra lệnh cho bãi bỏ lệ cống người vàng.
 
Chuyện cũng kể rằng: Trong buổi thiết triều, vua Tàu lấy lý do: "Vì lệ cũ không quy định cho việc sắc phong, phải chờ ban sắc thư tưởng lệ". Ý đồ của vua Tàu là nhằm ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê. Đồng thời, vua Minh còn ra cho sứ bộ Đại Việt một vế đối rất ngạo mạn, như sau:
 
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục".
Tạm dịch: [Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc].
 
Câu này Vua Tàu có hàm ý nhắc việc Mã Viện đã từng đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền:
 
"Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt".
Tạm dịch: [Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong].
 
Trước sự ngạo mạn đó, sứ thần Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
 
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng".
Tạm dịch: [Bạch Đằng thuở trước máu còn loang].
 
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Câu đối xem như là cái tát vào mặt Hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước... Phần vì tức giận chuyện mắc mưu xóa bỏ lệ cống phẩm "Người Vàng Liễu Thăng", phần vì lo sợ trước tài năng của sứ thần Giang Văn Minh, vua Minh đã bất chấp thể diện một nước lớn, bất chấp luật lệ bang giao, trả thù hèn hạ bằng cách: Bôi đường vô mắt, vô họng, cắt lưỡi, cắt cổ sứ thần Giang Văn Minh. Giang Văn Minh mất ngày mồng 2.6 năm Kỷ Mão (1638), khi mới 65 tuổi.
 
Dù nghĩa vụ đi sứ dở dang, nhưng đoàn sứ bộ do Sứ thần Giang Văn Minh dẫn đầu đã tỏ rõ khí phách hiên ngang của nước Đại Việt, không khuất phục trước triều đình phương Bắc.
 
Thương tiếc, cảm phục một sứ thần tài trí, dũng cảm bảo vệ Danh Dự Tổ Quốc, vua Lê Thần Tông đã đến bái kiến trước linh cữu, đồng thời ban tặng đôi câu đối:
 
"Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng"
Tạm dịch: [Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng danh anh hùng thiên cổ].
 
Vua Tàu [Sùng Trinh] sau khi giết chết sứ thần Giang Văn Minh liền cảm thấy ân hận lẫn tiếc thương cho một nhân tài. Hơn nữa là: Vua Tàu lo sợ bị dân Đại Việt trả thù, nên ra lệnh tẩm liệm thi hài sứ thần Giang Văn Minh và đặt vô hòm rất chu đáo, theo đúng nghi lễ Ngoại giao… Sau đó, cho chuyển về nước Đại Việt.
 
Nhìn lại lịch sử xưa nay của đôi bên. Người Tàu và người Việt luôn luôn đối địch ! Dù là dưới chế độ Vua Chúa, nhưng Triều đình và người dân Đại Việt - Không hèn, không run sợ, không cúi đầu, không khúm núm trước vua quan Tàu. Không vâng lệnh dâng tổ quốc cho ngoại bang phương Bắc ./-
 
Trang Y Hạ – San Francisco.



    

2 nhận xét:

  1. Có thể nói thái độ ngạo mạn, ỷ mạnh hiếp yếu của Minh Sùng Trinh chỉ là tiếp nối thói hà hiếp, bắt nạt các nuớc nhỏ và tham vọng bá quyền của các đời vua Trung Hoa từ Hán, Đưòng, Tống, Nguyên, Minh,Thanh cho đến ngày nay đối với Việt Nam...Ngày nay, tình hình bang giao lại càng khó khăn hơn bởi chủ trương thôn tính đất nước ta của Trung Quốc ngày càng bộc lộ rõ ràng và diễn biến vô cùng phức tạp, được che đậy dưới cái vỏ bọc anh- em tốt đẹp, miệng thì nhơn nhơn buôn chuyện hữu hảo, xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp, nhưng dã tâm thì chỉ muốn chiếm đoạt nước ta từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản với thái đô ngang ngược, xấc láo trong cách hành xử của một nước lớn . Trước tình hình đáng lo ngại của đất nước hiện tại, đòi hỏi các nhà ngoại giao (những sứ thần đương đại) phải nhận rõ trọng trách mà dân tộc đã giao phó cho họ. Nếu còn nặng lòng với non sông , hãy sống và noi theo tiền nhân: thể hiện sự tài ba lổi lạc và lòng tự tôn dân tộc với khí phách hiên ngang . Đối ngoại với thái độ mềm dẽo, kiên nhẫn nhưng cũng kiên quyết không nhúng nhường, không thuần phục, nói “không” với những yêu sách, những đòi hỏi rất vô lý của Trung Quốc
    Xin mượn câu đối của dân gian viếng ông: “Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh. Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh (tạm dịch: Ai cũng có cuộc sống, nhưng sống như ông, mới thật đáng sống. Ai mà chẳng phải chết, nhưng chết như ông, chết còn như sống). Hãy để sử sách hậu thế ghi tạc, vinh danh các vị cho con cháu đời đời còn ghi nhớ và tôn vinh, đừng vì tham vọng cá nhân mà trở thành tội nhân thiên cổ, có khi phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và có khi phải chịu trách nhiệm trước lương tâm - làm người. Hãy nhớ lấy!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn cô giáo Thu Hương cho nhận xét. Chúc cô Vui Khỏe!

    Trả lờiXóa