Thư viện

4/11/19

Sức Mạnh của Âm Nhạc




Sức Mạnh của Âm Nhạc

Trang Y Hạ

KonTum vào những năm cuối thập niên - sáu mươi, rừng núi vẫn còn âm u bạt ngàn – rừng lấn sát ra hai bên quốc lộ. Thời gian nầy bóng ma chiến tranh chưa bao trùm, chỉ thỉnh thoảng mới nghe một vài tiếng đại bác xa xa vọng về  từ đâu đó…, khung cảnh thanh bình luôn hiện diện trong những đêm trăng sáng. Không ai nghĩ rằng, chiến tranh sẽ ập về gây đau thương tang tóc cho những năm tiếp theo, với những trận đánh kinh thiên động địa đã đi vào quân sử.

Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa. Chính phủ, có tặng radio Ấp-Chiến-Lược màu vàng cho người dân – vùng nông thôn, vùng núi non… Chiếc Radio có hai băng tần. Gia đình của tôi cũng nhận được một cái… Cha mẹ tôi mỗi buổi tối, mỗi buổi sáng mở Radio để theo dõi tin tức và nghe ca nhạc, cải lương… (Thời đó nghe Radio là niềm vui duy nhứt trong mỗi gia đình ở vùng quê…). Ngoài ra, gia đình nào có tiền thì mua Radio hiệu Philip có tám băng tần. Radio hiệu Philip – âm thanh nghe rất rõ, mỗi chiều thứ bảy mọi người tập trung lại trường học hay trụ sở thôn, để nghe xổ số kiến thiết quốc gia… Mọi người mê say nghe giọng hát của Trần Văn Trạch vang lên qua Radio.

Kiến thiết quốc gia. Giúp đồng bào ta.
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà.


Tô điểm giang san. Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng.

Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà. Giàu sang mấy hồi.

Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức. Của người Việt Nam.

Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên. Xổ số... gần... đến...

Tiếng ca và lời nhạc đã thấm sâu vào lòng người dân miền Nam, hầu như ít nhiều mọi người đều có thuộc – ít nhất cũng thuộc vài đoạn trong bài hát – dù không hay hát nhưng nghe hoài rồi nhập tâm lúc nào cũng không hay. Còn tụi con nít như tôi thì khỏi nói - thuộc, và hát tới nhão luôn…! Bài nhạc đó gắn liền với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông dùng tiền lời của tám (8) lần xổ số kiến thiết để xây trường Đại Học Huế. Ngày nay vẫn còn đang xử dụng… Âm nhạc đã đi vào tâm khảm nhân loại. Dân tộc nào cũng hình thành một nền âm nhạc riêng, nhạc cụ riêng để diễn tả vẻ đẹp quê hương, đất nước… Châu Âu – cái nôi của âm nhạc, các nhạc sĩ thiên tài – Wolfgang Amadeus Mozat, Ludwig Van Beethoven…, viết ra các bản: nhạc hòa tấu, nhạc đạo - qua âm nhạc, mọi người cảm thấy gần gũi với nhau, xóa tan đi mệt nhọc, buồn phiền cũng như thù hận… Và có thể xác định rằng: các nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ, phương Tây - nhiều hay ít đều ảnh hưởng từ dòng nhạc Thánh Ca qua Ca Đoàn Nhà Thờ.

Âm nhạc phổ biến rộng rãi và từ đó đã cho ra đời các ban nhạc. Điển hình là “The Beatles”. Họ gồm có: John Lennon (1940-1980) - Paul McCartney, George Harrison (1943-2001) - Richard Starkey (tên thật của Ringo Starr). Cả bốn chàng trai có tài năng âm nhạc đều sinh ra tại thành phố cảng Liverpool của Vương quốc Anh. Và, cũng là nơi đặt Viện Bảo tàng The Beatles – một chốn “hành hương đầy hấp dẫn và mơ ước” của mọi tín đồ đam mê âm nhạc trên khắp hành tinh – mỗi năm đều đổ xô về chiêm ngưỡng...!

Hoa Kỳ cũng có các “Ban Nhạc Đồng Quê” lừng danh! Điển hình như:

-Bill Monroe
Tên thật của ông là William Smith Monroe (1911 - 1996). Ông là một ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ. Ông đã sáng tạo ra thể loại nhạc Bluegrass - một thể loại nhạc chơi bằng nhạc cụ có dây. Ông thường được gọi là "The Father of Bluegrass". Ông thành lập ban nhạc cùng với Charlie Monroe, và đặt tên cho ban nhạc theo thể loại mà ông sáng tạo ra: "Blue Grass Boys".

-Patsy Montana
Patsy Montana là nhạc sĩ - bà có tên thật là Ruby Rose Blevins, sinh năm 1908, mất năm 1996. Vào năm 1929, bà đến California học violon. Năm 1934, bài hát "I Want To Be a Cowboy's Sweetheart" được tung ra và bà Montana trở thành nữ ca sĩ nhạc đồng quê đầu tiên bán được một triệu bản single.

Sức mạnh của âm nhạc không phải là phương tiện chiến tranh, hô hào chiến tranh, mà là tình yêu. Sức mạnh âm nhạc đó là - vinh danh tình nhân ái, tình quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi… Một bài thơ mà may mắn gặp được một nhạc sĩ có tài, phổ thành bản nhạc thì càng được loan truyền rộng rãi và nổi tiếng.

Qua cái Radio Ấp Chiến Lược màu vàng của chính phủ phát cho. Tôi nghe ké những bản nhạc cùng với người lớn, như: “Chiều Mưa Biên Giới – Nỗi Buồn Hoa Phượng – Chuyến Tàu Hoàng Hôn – Hai Mùa Mưa… “. Tôi nghe, nhưng chưa có rung động… Ngày nhập ngũ, – vào quân trường thụ huấn rồi phân bổ về đơn vị. Đơn vị là tiền đồn hẻo lánh trên những ngọn đồi heo hút gió với sương đêm… Nhạc phẩm mà tôi đã nghe thời nhỏ, bây giờ mới thấy rung động và thấm thía – thấm thía bởi tôi là người lính – người lính trẻ tràn đầy sức sống rộn ràng ươm mầm mộng tưởng với hình ảnh giai nhân ở một cõi xa vời nào đó… Nhạc viết cho Lính, nhạc viết cho quê hương, nhạc viết cho tình yêu – (tình yêu học trò), nhạc viết cho bạn hữu… Nhạc đi theo chân chúng tôi mọi nơi… Nhạc chính là nguồn động lực thúc đẩy cho chúng tôi hăng say chiến đấu, chiến đấu để bảo vệ nơi mình đang ở. Chúng tôi cầm súng giữ nước là có phải hận thù – hận thù kẻ phá hoại miền đất thanh bình tự do – hận  thù nhưng không khát máu, độc ác…! Lời nhạc tràn đầy tình nhân ái và tha thứ đã in sâu vô tâm khảm của từng người yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do, yêu chuộng quê hương… Và đã in sâu vào lòng các thế hệ kế tiếp. Ngày tết, đón xuân – các bản nhạc xuân xưa rộn rã mọi nhà…!

Tôi Chưa Có Mùa Xuân

Hai mươi mấy tuổi đời, ai đón ai mời
Tôi chưa muốn trao lời, bản đàn xuân lả lơi
Tơ lòng đang rối, xuân đến thêm buồn thôi
Hai mươi mấy xuân rồi, tôi vẫn đi hoài
Nghe như vắng tiếng cười, chạnh vì non nước tôi
Đang còn lửa khói, ôi xót xa đầy vơi.
Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa
Mời xuân đến với tôi, giờ còn nặng hai vai
Thân chinh nhân hồ hải, hỏi xuân có gì vui
Hỏi xuân có gì vui, xuân làm dáng cho đời
Đẹp lòng giây phút thôi, ôi đất nước hai nơi
Xuân đi làm sao tới, dặm dài xin chớ lui ...
(Nhạc sĩ Châu Kỳ)

  “Ôi đất nước hai nơi”.
    Đất nước (bây giờ và mãi mãi vẫn là hai nơi)! Đó thôi…! 

Đừng nghĩ rằng: chiến tranh đã làm mất mùa xuân. Mùa Xuân năm 1968, Cộng quân đề nghị ngưng chiến để cho đồng bào vui đón xuân cổ truyền… Thế nhưng, họ đã lật lọng, xua quân tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam.  Ngay trong thời “hòa bình” rồi cũng không thấy mùa xuân – bởi chia ly và  nghèo đói… Chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã mất, người của miền Nam tha phương khắp thế giới... Thế nhưng âm nhạc và văn hóa của người miền Nam thì tồn tại – tồn tại ở cả trong lòng phe “chiến thắng”, cho dù phe chiến thắng cố gán cho cái tội “văn hóa đồi trụy”, đem đi thiêu đốt để xóa bỏ một nền văn minh, nhân bản…! Sức mạnh của âm nhạc là sức mạnh của sự biết lắng nghe và cảm nhận để an tâm... Tuy nhiên vẫn có lúc người ta dùng âm nhạc để gây ra sự ồn ào, sự ngộ nhận cho một lý tưởng hay sùng bái cá nhân… Điều đó có xảy ra nhưng sẽ bị quên lãng bởi không chính thống.

Thế giới vẫn còn ghi nhớ câu nói mạnh mẽ và tràn đầy niềm tin tưởng của ông Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Erich Honecker vào tháng giêng 1989. Ông tuyên bố chắc như đinh đóng cột rằng: “Bức tường Berlin sẽ còn đứng vững cả trăm năm nữa, không thế lực thù địch nào có thể phá vỡ”. Vậy mà chỉ có – mười tháng sau đó, ngày 9 tháng 11 năm 1989 - người dân Đông Đức ồ ạt dùng búa đập vỡ “bức tường ô nhục” đã tồn tại 28 năm, đồng thời kéo theo sự sụp đỗ cả khối XHCN.

Thử tìm hiểu nguyên nhân sự sụp đổ của “bức tường ô nhục” bởi vì lý do gì? Đó chính là:

     “Sức Mạnh của Âm Nhạc Phương Tây"!

Ngày 19 tháng 7 năm 1988. Một buổi trình diễn âm nhạc của nam danh ca người Mỹ, Bruce Springsteen. Anh là nghệ sĩ Mỹ nổi tiếng toàn cầu và là lần đầu tiên đến Đông Berlin trình diễn. Trong thời gian vỏn vẹn chỉ có bốn giờ đồng hồ mà đã có hơn 300.000 nghìn thanh niên Đông Đức khao khát tự do kéo nhau tới nghe buổi hòa nhạc… Giới trẻ thanh niên Đông Đức đã bị cuốn hút bởi nhạc phẩm - Chimes of Freedom! Nhạc và lời của Bob Dylan - đã làm cho họ mê hoặc tới độ sửng sốt...! Bruce nói với khán giả - anh đến trình diễn ở Đông Berlin không nhằm ủng hộ cho ai. Anh chỉ muốn truyền cảm hứng – “Dòng nhạc rock’n roll đến với khán giả Đông Berlin mà thôi». Và anh cũng «Hy vọng rằng - sẽ có một lúc nào đó những rào cản từ bức tường sẽ được tháo bỏ trong một ngày không xa “.

Một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc có uy tín thời đó, đã từng đánh giá - đêm biểu diễn âm nhạc tại Đông Berlin của Bruce Springsteen là một sự kiện âm nhạc «Quan trọng bậc nhất ở trong thế kỷ 20”

Nhằm để tránh cho giới trẻ Đông Đức cứ mê mẫn dán tai vô bức tường bờ tây để “nghe lóm âm nhạc ”. Nhà cầm quyền Đông Đức dưới thời ông Chủ Tịch Honecker đã mời một số nghệ sĩ lớn của Phương Tây tới trình diễn ở phía Tây Berlin vài tháng trước đó, để giải tỏa áp lực… Đó là các nghệ sĩ lừng danh như: David Bowie và Michael Jackson. Tiếng hát, tiếng đàn của họ từ bức tường phía Tây vọng sang đã chinh phục con tim của giới trẻ Đông Đức. Tiếp theo là nghệ sĩ âm nhạc lừng danh của Liên Xô. Ông đã bị nhà nước Liên Xô xua đuổi… và đến tỵ nạn chính trị ở Pháp từ lâu, cũng đã đến bờ Tây Berlin biểu diễn... Hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kéo đàn violoncelle bậc thầy của thế giới đã đánh thức trái tim tuổi trẻ Đông Đức. Ông đứng dưới chân bức tường bờ Tây. Mái tóc ông bạc trắng phất phơ trong gió… và với một cây đàn - ông biểu diễn bản Suites của Bach – đó là biểu tượng khởi sự cho một nền hòa bình. Berlin đang hồi sinh… Giới trẻ Đông Đức bừng bừng trổi dậy…!

Sức mạnh của “Âm nhạc phương Tây”, chính là nhát búa đầu tiên đánh sập Bức Tường Berlin.

Chiếc Radio màu vàng Ấp Chiến Lược, giờ đã không còn, cũng như chính thể miền Nam Việt Nam cũng không còn. Nhưng âm nhạc phát ra từ cái Radio vẫn còn văng vẳng bên tai…, với biết bao kỷ niệm của một thời tuổi thơ và của một thời cầm súng… Âm nhạc miền Nam mà ngày hôm nay người ta gọi là “nhạc vàng” để phân biệt với nhạc đỏ, thậm chí còn gọi một cách miệt thị… “nhạc sến”. Tôi không hiểu nhạc sến là loại nhạc gì? Nhưng tôi hiểu, nhạc vàng là – giai điệu và lời ca quý còn hơn cả vàng…!  Tôi tự hào mỗi khi nghe thấy lớp con cháu hát các bản nhạc: 

     - Con Đường Xưa Em Đi, của (Châu Kỳ - Hồ Dinh) 
     - Chuyện Buồn Ngày Xuân – Rừng Xưa, của (Lam Phương)       - Cánh Thiệp Đầu Xuân, của Lê Dinh – Minh Kỳ) 
     - Ly Rượu Mừng, của (Phạm Đình Chương)
     - Xuân Nầy Con Không Về của (Nhật Ngân)

Nhà cầm quyền độc đoán có thể bắt giam một người hay nhiều người, nhưng không thể giam cầm tác phẩm âm nhạc, mà nội dung âm nhạc đó xuất phát, - từ con tim chân chính, từ tình yêu lứa đôi, từ tình yêu quê hương đất nước, từ tình yêu nhân loại, từ tình đồng bào, từ tình huynh đệ chi binh… Dù có bắt giam người thưởng thức âm nhạc hay cấm cản một số tác phẩm âm nhạc - một năm hay nhiều năm, thì cũng không bao giờ xóa nhòa đi lời ca tiếng hát đã ăn sâu vào trong ký ức, trong tâm khảm của mọi người. Âm nhạc có sức mạnh riêng của âm nhạc, có quyền lực riêng của âm nhạc.

Trang Y Hạ



    Trong "The of Reason" của triết gia Tây Ban Nha (George Santanaya) cuối thế kỷ 19, có nói:
- "Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xãy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử".






2 nhận xét:

  1. Sức mạnh của âm nhạc,tác giả Trangy Hạ đã viết rất xuất sắc, mang tầm cỡ một bài nghị luận chính trị - xã hội lớn , rút ra một sự đánh giá rất hay, chính xác về âm nhạc làm nên sức mạnh vũ bão, nó thuyết phục người ta gấp trăm lần những lời hiệu triệu, tuyên truyền, mạnh hơn gấp ngàn lần sức công phá của những loại vũ khí tối tân nhất của thời đại.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn cô giáo Thu Hương. Chúc cô vui khỏe!

    Trả lờiXóa