Thư viện

26/5/20

Mảnh Phi Bào




MẢNH PHI BÀO

Phạm Thu Hương

Hoa rừng xanh lá sao ta thích mặc?
Sắc màu quân phục, khoác mộng đời trai
Mũ sắt, súng trên vai, giầy lấm đất
Xé rừng hoang, đỉnh đồi xanh cao ngất...

Vai vác ba lô, đạn cài ngoài cật
Nhớ quê hương lặn khuất ánh dương tà
Ngắm sao trời, quặn thắt nẻo quê cha
Mộng sum họp, vợi xa, nhiều khó nhọc...

Đón anh về, mẹ khóc một chiều xuân
Vành khăn tang nửa chừng quan tài gỗ
Mảnh phi bào lỗ chỗ mảnh đạn ghim
Thẻ quân nhân loang tím màu máu đổ...

Về với đất bia mồ ghi ngày tháng
Một thời hùng bi tráng đáng mặt trai
Bộ quân phục vẫn oai cùng sử sách
Mảnh phi bào - khí phách dậy non sông...

Phạm Thu Hương, 25.05.20

     Nhân kỷ niệm Ngày Lễ chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ , đôi dòng tri ân dành cho người bác và các quân nhân đã tử trận trong cuộc chiến anh em huynh đệ tương tàn của đất nước.


Lời Gió Mưa

Trang Y Hạ

     Ngày “Memorial  Day” hằng năm ở Hoa Kỳ, hay còn gọi là ngày “Chiến Sĩ Trận Vong”. Ngày tưởng nhớ, thương tiếc người chiến binh dũng cảm Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh, kể cả cuộc nội chiến “American War", từ năm 1861 – 1865. Và cũng có thể cho đó là cuộc chiến tranh giữa các Tiểu Bang (War Between the States).

     Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài bốn năm, đã cướp đi hàng triệu sinh linh của cả hai bên… Quân miền Nam đầu hàng - họ được quyền cầm súng, cưỡi ngựa về quê xây dựng lại đất nước. Hận thù được xóa bỏ vĩnh viễn. Người chết hai bên được vinh danh và chôn chung trong nghĩa trang “Arlington” rộng lớn. Nghĩa trang có thể ví như một “Danh Lam Thắng Cảnh” nổi tiếng về tính nhân ái của Hoa Kỳ!

     Tôi là người công dân Hoa Kỳ, gốc Việt. Hằng năm - theo phong tục ông bà… Tôi thắp nén nhang tưởng nhớ những chiến binh đã nằm xuống cho hòa bình tự do... Tôi cũng tưởng nhớ tới người lính Việt Nam hai miền (Nam - Bắc) đã bỏ mạng trong cuộc chiến 20 năm. Người lính miền Nam Việt Nam, đã thất bại và họ đã bị quên lãng ở trong nước cũng như tại Hoa Kỳ.

     Hôm nay tôi vô trong trang “face book” của cô giáo Phạm Thu Hương. Tôi thấy cô mặc bộ đồ quân nhân (treillis). Cô lại còn viết:

     -“Nhân kỷ niệm Ngày Lễ chiến sĩ trận vong của Hoa Kỳ , đôi dòng tri ân dành cho người Bác và các quân nhân đã tử trận trong cuộc chiến anh em huynh đệ tương tàn của đất nước.”.

     Là một người công dân Hoa Kỳ, gốc Việt, và cũng là người lính (miền Nam) thất bại... Tôi vô cùng cảm động khi thấy cô giáo Phạm Thu Hương khoát lên người bộ quân phục màu (treillis). Cô còn làm thơ diễn tả “nội tâm” người lính, mà chưa chắc người lính nào, còn sống hiện nay, làm được:

     “Vai vác ba lô, đạn cài ngoài cật
       Nhớ quê hương lặn khuất ánh dương tà
       Ngắm sao trời, quặn thắt nẻo quê cha
       Mộng sum họp, vợi xa, nhiều khó nhọc...”

      Ngày tháng đó đã đi qua rồi, dòng sông tuổi nhỏ đã lặng lẽ trôi qua rồi, còn lại là những đôi mắt già nua của - người lính già ở bên nầy, bên kia bờ đại dương. Đôi mắt người mẹ vẫn dõi theo như vậy! Mẹ tôi đã một trăm tuổi, mẹ tôi sống dai để chờ tôi về cùng chết với bà, hay để nhìn bà chết.

    “Con chim thời nhỏ bay ngang rồi”. thơ Ninh Chữ

    Tất cả chỉ còn là kỷ niệm vụn vỡ, có chăng còn sót lại trong mắt của một ai đó, từ lớp trẻ! … Mặc lại bộ quân phục như - một thứ trang trí mơ hồ lẩn khuất mất dạng trong dòng lịch sử lãng quên… Với cô giáo Phạm Thu Hương, thì tôi nghĩ là cô “trân trọng” bằng với tấm lòng nhân ái để tưởng nhớ một ngày “Memorial Day” của Hoa Kỳ! Hơn nữa là cô còn có một người Bác tử trận. Người đời họ sẽ không nghĩ như vậy. Có thể họ: giỡn cợt, mỉa mai… cho bọn, “ăn mày dĩ vãng” để nhận được sự - thương hại… xót xa…!  

     Cô viết lời tưởng nhớ rất cảm động và ý nghĩa. Và tôi, còn thích đoạn thơ của cô:

     Đón anh về, mẹ khóc một chiều xuân
     Vành khăn tang nửa chừng quan tài gỗ
     Mảnh phi bào lỗ chỗ mảnh đạn ghim
     Thẻ quân nhân loang tím màu máu đổ...

     Mẹ tôi đón tôi về tới hai lần…! Mẹ tôi còn may mắn hơn các bà mẹ Việt Nam khác trong cuộc chiến Việt Nam dai dẳng và sau ngày “hòa bình”.

     - “Một viên đạn xuyên qua một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã - xuyên vào trái tim một người mẹ”. Lời của tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln.

     Cá nhân tôi, kể từ ngày thất bại - tôi chưa một lần mặc lại bộ quân phục (treillis) đó. Lý do rất đơn giản: lịch sử đã sang trang; lịch sử có cái lý do của lịch sử, lịch sử có sự đặc thù của lịch sử… Dòng lịch sử xoay vòng, con người không thể cưỡng cầu được. Tôi không mặc bộ treillis, bởi tôi cảm thấy có lỗi với chính tôi, lỗi với người thân; xa hơn nữa là lỗi nơi tôi sinh ra! Tôi đã mang một “quốc tịch” khác. Tôi không “ăn mày dĩ vãng”. Người xưa nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”!

     Tôi là công dân Hoa Kỳ gốc Việt! Tôi, cảm ơn cô giáo Phạm Thu Hương! Cô đã làm thơ, viết lời bạc, mặc bộ đồ treillis - tưởng nhớ một ngày “Memorial Day”! Một ngày, đối với cô là - một ngày hoàn toàn xa lạ.

Trang Y Hạ
San Francisco - 5.25. 2020








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét