Thư viện

29/5/20

Mưa Chiều Tháng Tư



MƯA CHIỀU THÁNG TƯ

     Mỗi ngày là mỗi tháng tư
     Theo năm sôi sục đã nhừ thời gian (Trang Y Hạ)

Thơ: B. Thủy

Chiều nay có cơn mưa nhỏ
Về qua thành phố mong chờ
Nhớ người vẫn thường qua ngõ
Hàng cây im đứng ngẩn ngơ

Buổi chiều, phố phường vắng ngắt
Mưa rơi, đường vắng tiêu điều
Chợt nghe nỗi buồn se sắt
Từng cơn gió thổi hắt hiu

Mưa rơi trong chiều chủ nhật
Đến khi thành phố lên đèn
Mưa tiếc cuộc tình đã mất
Mưa khóc một tháng tư đen

Còn đâu tên đường Tự Do
Quán La Pagode một thời
Ly café nồng nàn ngày đó
Còn chăng hoài niệm mà thôi

Còn đâu Crystal Palace
Còn đâu Passage Eden
Những chiều Sài Gòn gió mát
Thướt tha tà áo lụa mềm

Còn đâu tiệm bánh Givral
Trên đường Lê Lợi năm nào
Nhớ sao những chiều tháng tám
Bạn bè ngày ấy bên nhau

Còn đâu tên đường Công Lý
Còn đâu tên đường Duy Tân
Tìm về hàng cây phượng vĩ
Hoa phượng đỏ thắm bâng khuâng

Chiều mưa, em về đếm bước
Lẻ loi trên phố Sài Gòn
Tìm về ngày xưa, thuở trước
Thấy lòng mình sao héo hon.

Ngày 28/4/2020
B. Thủy

LỜI GIÓ MƯA

Trang Y Hạ

Nam Kỳ (Sai Gòn) có hai mùa mưa nắng. Tính theo thời vụ, thì tháng tư chưa mưa, chỉ có “cơn dông”; cơn đông không kéo mây mưa… Vậy “cơn mưa nhỏ” - mưa từ đâu tới - mà “đường vắng tiêu điều” như vậy? Và, lo lắng, thấp thỏm:

     “Nhớ người vẫn thường qua ngõ.
       Hàng cây im đứng ngẩn ngơ”.

     Cơn mưa dù nhỏ cũng đem tới chút dịu êm, cớ sao hàng cây ngẩn ngơ...?! Ngẫm nghĩ, tôi mới nhớ ra rằng: (quả là có cơn mưa nhỏ đó). Tuy mưa nhỏ, nhưng đã làm ướt mặt đường phố, ướt áo sân trường, ướt áo tha nhân - cơn mưa nhỏ vẫn nhỏ cho tới tận hôm nay, mưa cho người ở lại và… cũng cho người từ phương xa.

Mưa! Mưa …! “phố phường vắng ngắt”. Mưa “tiêu điều”. Mưa buồn “se sắt”. Mưa buồn gió cuốn “hắt hiu”. Mưa rơi trong chiều chủ nhật”. Thánh đường cũng buồn theo tiếng chuông ngân…! Người đi tới thánh đường vội vã, nhưng trong lòng vẫn nghe lời kinh âm thầm vang vọng trong hồn, từng bước chân qua nhanh trong cơn mưa nhỏ của trời, của chính mình.

… Dễ chừng - đã lâu - đã lâu lắm lắm... Tôi, tôi - là một cái “thằng” còn trẻ măng, mới ngoài đôi mươi lẻ (chút xíu)… - đã từng bước đi trên con đường Tự Do… Ôi, nhớ cái quán cà phê La Pagoda; cái quán nầy chật hẹp, quá chật hẹp, diện tích đâu chừng 60, hay 70 m2. Bên trong quán bày biện mươi cái bàn tròn bằng gỗ và ghế cũng bằng gỗ… Ngồi uống cà phê nhìn ra công viên Chi Lăng nằm chênh chếch về phía ngã tư với nhiều cây cao bóng mát. Thi vị nhứt là nhâm nhi ly cà phê hồi tưởng về kỷ niệm - về tình yêu - về tình bạn hữu - về thơ văn, và chiến tranh… Thú vị nữa là nhìn những cơn mưa nhỏ, từng giọt mưa bay lất phất như: bụi - như: mưa phùn gió bấc của mùa thu nơi miền Trung, miền Bắc: lạnh giá, với “Thu Điếu” của Tam Nguyên Yên Đỗ, Nguyễn Khuyến; với “Giọt Mưa Thu” của Đặng Thế Phong…! Giọt rơi, từng giọt rơi trên lá, giọt rơi thấm qua lòng người…! Chính nơi cái quán cà phê nầy - đã có biết bao văn nhân thi sĩ cho ra đời tác phẩm, mà… cho tới tận bây giờ - kẻ nằm xuống vĩnh viễn, kẻ ở lại soi mặt tìm dĩ vãng, kẻ ra đi ra ngoài trùng dương xa cách vẫn nhớ…!

… Rồi, nào là: Crytal Palace - nào là: Passage Eden - nào là: Thanh Thế - nào là: Gival (tiệm bánh) - nào là Kiosque sách báo băng nhạc trên đường Nguyễn Huệ. Đường Lê Lợi với Nhà Sách Khai Trí. Tôi đã từng tới đó để tìm mua cuốn sách “Tiểu Phi Lạc Sang Tàu và cuốn Tiểu Phi Lạc Đại Náo Sai Gòn” của Hồ Hữu Tường (Tiểu Phi Lạc là bút hiệu của ông). Thi phẩm nổi tiếng “Mưa Nguồn” của thi hào Bùi Giáng.

       “Còn đâu tên đường Công Lý
         Còn đâu tên đường Duy Tân”

Hai câu hỏi, chỉ có thể là: “Biết trả lời sao, khi gió mưa trong đời…”!

Tôi không phải là người Sai Gòn, tôi chỉ là một người ở (tỉnh lẻ). KonTum. Thuở xa xưa ấy… Tôi vẫn đi và về Sai Gòn “công tác tài chánh” - mỗi tháng bảy ngày. (Phú Nhuận), nơi đó tôi có bà Dì ruột. Ở cầu Tre đường (Lục Tỉnh), nơi đó tôi có người anh cũng bạn Dì... Bạn Dì nhưng Hai “thằng tôi” tuổi ngang nhau - cùng lớn lên từ vùng đất miền Trung “phèn chua, sỏi đá”. Tôi không “Tìm về ngày xưa, thuở trước”. Tôi chỉ nhớ về thuở trước - thuở trước đối với tôi đã “què” -  dù què hay còn lành lặn vẫn là què, (đôi nạng gỗ đã què). Tôi có thơ về ý nghĩ què đó. Nhạc sĩ đa tài (Nguyễn Hữu Tân). Ông phổ, ông hòa âm, ông tự hát. “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng”. Nuối tiếc chi nữa! Nhưng:

     “Mưa tiếc cuộc tình đã mất
     Mưa khóc một tháng tư đen”

Một cơn mưa nho nhỏ, đã làm nổi sóng trong lòng... Mưa, mưa cho cuộc tình đã mất. Tình nào cũng mất hết sao? Một tháng tư mưa nhỏ cho con người đen hơn là một tháng tư đen. Tôi nghĩ vậy!

Cảm nhận bài thơ… Tôi viết vài lời “Gió Mưa”!
Tôi cảm ơn tác giả: B. Thủy

Trang Y Hạ
San Francisco. 5.27.2920










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét