Thư viện

19/4/24

MỘT NGÀY MỚI

 



MỘT NGÀY MỚI

Ngày mới dậy vân vê vài tia sáng
ngọn cỏ non quyến-luyến mấy giọt sương
lúa trốn đất thương hình hài thiếu tháng
ruộng chờ mưa, mưa tính toán đo lường.

Thân sấu-nhược thân không bàn thế-sự
mùi chiến-chinh, mùi cơ-khổ vây quanh
thiên lý dặm chân run vùng cô lữ
tự sơ-nhi níu cha mẹ dã hành.

Con bướm tía lầm lỳ hong chiếu nắng
con chuồn chuồn giỡn vũng cạn đáy sông
con chó vệnh vú teo nằm lẳng-lặng
con chim già ngoan-ngoãn hót trong lồng.

Người thiếu phụ văng vẳng ai gọi Bậu
nách rổ ra dạo vườn hái nôn-nao
nguyên sinh thuở trổ giò thời thơ ấu
ngước mặt lên đỉnh tháp dạ cồn cào.

Cô bé đẹp tuổi dậy thì ngơ nghễnh
chồng phương xa, chồng quanh quẩn trong thôn
bến khô khốc tìm đâu mười hai bến
người yêu ơi, trao ước vọng qua hồn.

ch nhái ngóng nước châu về ngay ngáy
xuồng nghiêng nheo đôi mắt ngó đồng khan
con bìm bịp tản-cư thôi về lại
nóng dư hơi thổi rát mặt xóm làng.

Người đàn ông vẽ đậm màu ngấn biển
vẽ gió đồng hoài niệm gửi làn hương
đêm yên lặng rộn cõi lòng nghe tiếng
lời tiễn đưa còn sót cuối con đường.

Con trai tiếc nắn nót từng nét chữ
đọc nỗi buồn trên đôi mắt nghĩa ân
miếng trăng héo ngồi ngọn dừa tư-lự
cầu khỉ khô bước chậm bước ân cần.

Trâu chờ ách, ách tròng đầu mỏi cổ
cọng rơm dai nhai lại mỏi cả trăng
đường thôn rộn một bầy xây-cố-lố
trần truồng vui đám ruộng đất khô cằn.

Hơi sương mặn thấm cành cây thầm thỉ
ửng vàng đâu cần tới mùa thu
thân du-thực thiết gì lời hoa mỹ
cá trong ao thương cá đọng ao tù.

Người di-tản nghiền-ngẫm trang sử rách
ai vá giùm, vá ngàn nỗi oan khiên
trố mắt đợi ngày vui rung mấy phách
câu ca dao mòn mỏi vọng qua miền.

Một buổi sáng trời vui vầy cõi thế
đã tỉnh chưa còn thức ngủ trong mơ
ngọn nắng nhọn xuyên qua ngàn giọt lệ
thế nhân ơi xin đừng có hững hờ.

Trang Y Hạ
LỜI GIÓ MƯA

Một kỹ sư Algeria bước vào một ga tàu điện ngầm ở Paris, thủ đô của Pháp.

Ở đó, anh ấy nhận thấy rằng, trong số rất nhiều cổng lối đi thông thường và bình thường, có một cổng lối đi miễn phí.
Sau đó, anh ấy hỏi người bán vé tại sao lối đi này được miễn phí và không có nhân viên bảo vệ ở đó.

Người phụ nữ bán vé giải thích với anh ta rằng lối đi này dành cho những người có thể vì bất kỳ lý do gì không có tiền để trả tiền vé cho mình.

Là một người hoài nghi, đã quen với cung cách của người Algeria, nên hỏi một câu hỏi hiển nhiên. Nếu người đó có tiền, nhưng không muốn mua vé thì sao?

Cô nhân viên nhìn xuống với đôi mắt xanh và nở một nụ cười trong sáng đến lạ lùng. Cô trả lời:

- Nhưng tại sao chúng ta phải làm vậy?

Lúng túng không thể trả lời được , người kỹ sư trả tiền vé và rời đi. Theo sau là một đám đông người cũng đã trả tiền vé.

Lối đi miễn phí vẫn trống trải.

Trung thực là một trong những giá trị tự trọng nhất mà một người có thể có.

Một xã hội sẽ thành công trong việc biến giá trị này thành một điều tự nhiên chắc chắn ở trong một trạng thái phát triển cao hơn.

Đó là giáo dục... Ngoài ra cũng là trên hết!
Nuôi dưỡng trau dồi giá trị này và truyền nó cho con cháu, học sinh và xã hội.
Thế giới của bạn thay đổi khi bạn thay đổi. Chúng ta đừng tưởng thưởng cho những hành vi gian lận, xấu tồi tệ, tham nhũng....
Hãy biến sự trung thực và thiện chí thành một thói quen....

Nguồn: CANG HUỲNH lược dịch từ La Vie est Belle.
----------------------

L' HONNÊTETÉ.

Un ingénieur algérien est entré dans une station de métro de Paris, capitale de la France.
Là, il a remarqué qu'il y avait, parmi de nombreux tours d'accès normaux et communs, un qui faisait libre passage gratuit.
Puis il a demandé à la vendeuse de tickets pourquoi ce moulin est libre de passer sans aucun agent de sécurité à proximité.
La dame lui a alors expliqué que cette étape était destinée aux personnes qui, pour quelque raison que ce soit, n'avaient pas d'argent pour payer leur billet.
Incrédule, habitué à la manière algérienne , ne put s'empêcher de lui poser la question qui, pour lui, était évidente:
- Et si la personne avait de l'argent mais ne voulait juste pas payer?
La vendeuse a plongé les yeux bleus et avec un sourire d'une pureté surprenant, elle lui a répondu:
- Mais pourquoi ferais-je ça?
Sans pouvoir répondre, l'ingénieur a payé son billet et est passé au moulinette, suivi d'une foule qui avait aussi payé pour ses tickets.
Le passage libre restait vide.
L'honnêteté est l'une des valeurs les plus libératrices qu'un peuple puisse avoir.
Une société qui a réussi à transformer cette valeur en quelque chose de naturel est sans doute dans un état de développement supérieur.
C'est de l'éducation... Aussi et avant tout!
Cultivez cette valeur et transmettez-la à vos enfants, à vos petits-enfants, à vos élèves, à la société.
Votre monde change quand vous changez. Ne récompensons pas les pratiques frauduleuses, les affaires mal réalisées, la corruption...
Faisons de l'honnêteté et de la bonne foi une habitude....
- La Vie est Belle.



San Francisco


18/4/24

GA CŨ

 

Xuân Lộc  1975


GA CŨ

Tặng: Nhà thơ: Trang Y Ha

Ga cũ chờ anh dưới ánh đèn
Bảng mờ nét nhạt chữ màu đen
Từ Vinh xuống tỉnh trăm cây số
Vài nóc nhà thưa đám thợ rèn

Đường về Đô Thành vẫn còn xa
Theo dấu bụi mù đám chiến xa
Đoàn người chạy giặc ra lộ lớn
Gồng gánh con thơ đỡ mẹ già

Sông Gianh sình khô lầy cỏ cháy
Giếng làng đục nước vẩn màu cây
Mưa đổ thượng nguồn vương bùn đất
Đạn pháo cày tung xác lính bày

Anh hứa về đây gặp lại tôi
Chiến trường đan lửa rất xa xôi
Tiểu đoàn đóng chặn lưng chừng núi
Súng gối lương khô hốc ngủ ngồi

Chông chênh bàn đá viết thư tay
Đạn réo bên tai khó giãi bày
Sương khuya động nhẹ khua cành lá
Khen chàng lính trẻ ý thơ hay

Vệt sáng bừng lên rạp cánh đồi
Như vì sao lạc sắp đổi ngôi
Máu người ngã xuống nhòe trang giấy
Chỉ còn hai chữ ghép chung đôi

Chiến sự lan ra khắp mọi miền
Đồng Xoài Bình Giã Hạ Lào Miên
Khe Sanh chủ lực lôi hổ thép
Giữ chặt Ban Mê khép gọng kìm

Triệt thoái Cao Nguyên tướng nghẹn ngào
Mùa hè đỏ lửa dưới trời sao
Bốn vùng thất thủ rồi Xuân Lộc
Trận cuối anh em đẫm máu đào

Thất thiểu người về đôi nạng gỗ
Lạc kẻ ra đi chẳng biết mồ
Chia nửa vầng trăng hai chiến tuyến
Khóc hận buồn vui lẫn hóa rồ

Rừng ban nở trắng khắp sơn khê
Ga cũ trông ai biết có về
Nhiều con tàu sắt nằm yên ắng
Mưa buồn lạnh vắng chiến khu D

Đợi gió chờ mây đến bao giờ
Nhìn trang nhật ký ngẩn vu vơ
Đôi bờ nhịp thở rung tà áo
Để mãi làm thơ viết truyện hờ.

Giang Trần
Trang Y Hạ cảm ơn Cô giáo nhà thơ!



16/4/24

BÔNG LÚA

 



BÔNG LÚA

      Tìm đâu hồn xác Chung Kỳ
      Bá Nha lặng lẽ ngồi lỳ trong khoang
      Sao băng rơi vỡ cây đàn
      Tiếng tơ năm cũ mây ngàn vẳng nghe.

Mưa rủ nắng bất thường nào ai trách
thủy triều xoay đúng hẹn gặp lớn ròng
xuồng Bậu đẹp giọng cười tươi mép lạch
ngược xuôi chèo giữ câu kệ đục trong.

lúa chung-thủy thôi đầu thai loài khác
gạo tỏa hương phúc hạnh lớn nên người
rơm đâu nỡ xé thân ra mục nát
trụ quanh nhà che ấm tuổi thơ chơi.

bông không phải ai nở cả
bông nở vì đời trở chứng thương đau
bông nở đẹp trần gian thôi vất-vả
bông nở ngồi ôn tình nghĩa nát nhàu.

lúa là Bậu tâm không đành lợi-kỷ
nguồn sông trong lòng chẳng thể độ-hà
dẫu biền-biệt vượt dặm ngàn hải-lý
kịp hồi cư nâng nhịp sóng dân ca.

thân xuồng mỏng tròng trành vui mặt nước
tâm an tâm giấu kín giọt tân-toan
mái dầm chắc can chi gió hắt ngược
ngọn kiếm phong sự thật xóa điêu-tàn.

trăng rãi ánh vẽ vàng đồng lúa chín
ứa mồ hôi đọng tuyết xót rát lưng
đông ấm lại rượu cạn mừng trăm tĩn
áo vu-quy rực-rỡ tựa một vừng.

nét chữ thức tả văn thơ dang dở
điểm vàng son ban ân-điển quang-minh
tự-huyễn hoặc đứng bên bờ lầm-lỡ
miệng ngậm câu “h thảo hóa vi huỳnh. *

buổi mùa được nặng đồng hương cốm mới
khúc Thiều-Hoa giã tróc hột trắng tinh
xuồng Bậu đẹp vẽ dáng xuân phơi phới
chỉ tội tôi ngắm dung ảnh viễn-trình. *

dự tính hoàng-đạo giờ gặp gỡ
cánh đồng tình vỏn vẹn chỉ có hai
đồng xanh đẹp trót vay chừ mắc nợ
đêm khuya lơ vọng âm rộn tiếng chày.

Trang Y Hạ


* “Hủ thảo hóa vi huỳnh” Tạm dịch: (Cỏ hư thối hóa làm con đom đóm).

* - Poetry is not turning loose of emotion, but an escape from emotion; it is not expression of personality but an escape from personality. But of course, only those we have personality and emotion know what it means to want to escape from these things. (T.S. Eliot)

- Poetry is a deal of joy and pain and wonder, with a dash of dictionary.

(Kahlil Gibran)

Tạm dịch:

- Thơ không phải là xóa đi cảm xúc mà là thoát khỏi cảm xúc; nó không phải là sự biểu hiện của cá tính mà là một lối thoát khỏi cá tính. Nhưng tất nhiên, chỉ những người có cá tính và cảm xúc mới biết ý nghĩa của việc muốn thoát khỏi những điều này. (TS Eliot)

- Thơ chính là niềm vui, nỗi đau và sự ngạc nhiên, với một chút từ điển.

(Kahlil Gibran).







MỖI ĐỘ THÁNG TƯ

 



MỖI ĐỘ THÁNG TƯ

Trang Y Hạ

Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục. Tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Thi sĩ: (Gamzatov, thuộc quốc gia Daghestan).

Cuộc chiến tranh do Bắc Việt khởi xướng mà chiến trường đẫm máu là ở Miền Nam Việt Nam - với sự trợ giúp vũ khí, lương thực rất nhiệt tình và đầy đủ của phe cộng sản quốc tế – trực tiếp là Trung Cộng và Liên Xô để đánh “đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam”.

Thành thật mà suy tính về thời gian thì quân đội Mỹ chính thức đổ quân ồ ạt tham chiến tại Miền Nam Việt Nam là năm 1965. (Thời thủ tướng Phan Huy Quát Việt Nam Cộng Hòa). Tới cuối năm 1970 “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” thì quân đội Mỹ đã rút về nước hầu hết quân chủ lực, chỉ còn một rất ít cố vấn quân sự. Ngày 27.1.1973. Hiệp định hòa bình nghĩa địa Paris ký kết, Mỹ cắt hết các khoản viện trợ quân sự cho Miền Nam. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đơn thân độc mã, thiếu trước hụt sau về mọi phương diện vũ khí, xăng dầu… - chiến đấu với cộng quân Bắc Việt và dẫn tới sụp đổ. Vậy thì đã quá ràng - âm mưu chiếm Miền Nam của phe cộng sản quốc tế đã chuẩn bị chu đáo từ trước – Đó là Mặt trận giải phóng Miền Nam do Bắc Việt dựng lên năm 1959 – 1960. Người Mỹ tới Miền Nam sau cái “mặt trận giải phóng Miền Nam”, nhưng lại mang tiếng là “xâm lược”. Đến năm 1975 Bắc Việt chiếm Sài Gòn hô hào - thắng đế quốc Mỹ. Hiệp định hòa bình Paris năm 1973, Mỹ rút khỏi Miền Nam, thì quân đội Mỹ có còn đâu mà đánh thắng? Đọc cuốn sách “Đại Thắng Mùa Xuân” của tướng Văn Tiến Dũng là rõ. Hoặc khi ông Bùi Tín tuyên bố tại Dinh Độc Lập khi nhận bàn giao Miền Nam từ tay Tổng thống Dương Văn Minh, đã nói:

Giờ đây, chúng ta đã kết thúc cuộc chiến, chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ thua trận, miền Nam và bắc Việt Nam chúng ta đã thắng, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lại đất nước”.

Sự việc như vậy, thì bên nào đã vi phạm hiệp định hòa bình Paris ngày 27.1973?

Mỗi độ tháng Tư về như một lời nguyền của phù thủy - Thảm cảnh chiến tranh - người dân Miền Nam phải gánh chịu trong suốt hai mươi mốt năm dưới thể chế tự do của chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã sống dậy – sống dậy trong tâm tưởng của mỗi người dù còn ở trong nước hay ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy chế độ tự do thời gian có ngắn ngủi nhưng đã để lại hai dấu ấn không bao giờ phai nhòa mà bất cứ quốc gia nào cũng mơ ước hãnh diện một khi thực hiện được hai chương trình nhân bản đó trên đất nước của chính mình.

- Một: Giáo dục. Một nền giáo dục Miền Nam đầy tính “nhân bản, khai phóng, trách nhiệm”. Miễn học phí cho học sinh... Đặc biệt là sách giáo khoa…. Đứa anh, đứa chị gìn giữ sách sạch sẽ khi học xong - để dành sách lại cho các em của mình tiếp tục học mà không cần phải tốn tiền mua mỗi năm…! Đó là chưa kể các khoản trợ giúp khác cho học sinh, như: Trợ giúp sách vở, viết, được uống sữa cho khỏi bị suy dinh dưỡng.

- Hai: Y tế. Người dân có bịnh tật, chuyển vô nhà thương, nhà thương sẵn sàng chữa bịnh, - không bắt buộc bịnh nhân nộp tiền trước mới chữa trị… Nhà Thương Thí, Nhà Thương Công Cộng - Miễn phí y tế cho người nghèo kể cả miễn thực phẩm cho thân nhân đi theo chăm sóc người bịnh. Trường hợp người bịnh và thân nhân không có tiền về nhà sau khi chữa lành bịnh thì Nhà Thương cho xe chở về nhà.

Đó là niềm tự hào của Chính Thể Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

Mỗi độ tháng tư về. Người dân miền Nam không bao giờ quên được những trận pháo kích của việt cộng từ trên rừng bắn vô làng xóm, thành thị... Thời trước ở Miền Nam, nhà nào cũng phải lo đào “hầm trú ẩn” cho chắc chắn để ẩn nấp mỗi khi có chiến sự xảy ra hay đạn pháo kích từ trên rừng rót về bất cứ lúc nào - nếu không muốn chết bất đắc kỳ tử.

Mỗi độ tháng tư về. Người dân Miền Nam không bao giờ quên mỗi buổi sáng - chở rau cải nông sản trên những chiếc xe Lam ra chợ bán... Những trái mìn do “du kích” việt cộng chôn dưới lòng đường đã lấy đi không biết bao sinh mạng của người dân thôn quê vô tội. Bởi lý đó, mỗi buổi sáng người dân thôn quê phải chờ quân đội đi rà mìn, gỡ mìn trên các trục lộ chính xong thì xe cộ mới dám di chuyển... Nỗi ám ảnh chết bất đắt kỳ tử vì mìn chôn dưới lòng đường đã làm mất thời gian, nhân mạng và xáo trộn đời sống của người dân nông thôn.

Mỗi độ tháng tư về, người dân Miền Nam vẫn nhớ rất rõ Cộng quân tấn công toàn Miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân, năm 1968 (dù cộng sản đã gửi lời hưu chiến trước để dân Miền Nam ăn tết, nhưng họ lại nuốt lời). Riêng ở Huế có hàng chục ngàn người dân bị giết bằng mọi cách… Hãy đọc tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế” của tác giả Nhã Ca. Không riêng gì ở Huế đã chịu cảnh chết chọc, tan hoang nhà cửa ruộng vườn. KonTum, An Lộc, Sài Gòn Chợ Lớn và các tỉnh khác… - cũng cùng chịu chung như vậy.

Mỗi độ tháng tư về, người dân Quảng Trị không bao giờ quên “Đại Lộ Kinh Hoàng” xảy ra năm 1972. Cộng quân pháo kích giết dân cả một đoạn đường dài bởi người dân họ chay về phía quân đội Việt Nam Cộng Hòa để được bảo vệ, để được giúp đỡ chỗ ăn chỗ tạm trú. Chứ không chạy về phía việt cộng. KonTum, Bình Định, An Lộc (Bình Long) cũng cùng chung số phận của chiến sự tang thương đó.

Mỗi độ tháng tư về. Không bao giờ quên - Hàng ngàn viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị giết chết - bởi ban đêm du kích về ám sát... Người cộng sản gọi hành động giết người đó - bằng danh từ bọc đường, là: “Tiêu hao tài sản và sinh mạng kẻ thù” hoặc “Giết lầm hơn bỏ sót”.

Cuốn phim “Việt Nam War” (dù cuốn phim có thiên vị một chiều). Tuy vậy ở trong cuốn phim đó cũng đã đưa lên rất nhiều hình ảnh tang thương do việt cộng gây ra tại Miền Nam. Tất cả hình ảnh chết chóc tang thương, hư hao tài sản chưa hẳn người Việt đã - nhìn thấy hết, đã hiểu hết,… - bởi bị báo chí, truyền hình phản chiến phương Tây, Mỹ che giấu số liệu hoặc bẻ cong lịch sử. Lịch sử đau thương mà người Miền Nam gánh chịu bởi cái Hiệp định hòa bình nghĩa địa ngày (27.1.1973)” gây ra.

Mỗi độ tháng tư về. Người Miền Nam không bao giờ quên đã b“đánh tư sản” mất tất cả tiền bạc. Bị đánh “Công thương nghiệp” mất sạch nhà máy, xí nghiệp, khu kỹ nghệ kinh doanh buôn bán và sản xuất. Và, bị “đổi tiền” ba lần xóa sạch nền tài chánh miền Nam. Số liệu như sau:

Thời Đệ Nhứt Việt Nam Cộng Hòa. (1955).
- 35 $ Miền Nam = $1 Mỹ kim
- Năm 1960 – 1970 khoảng 300 $ VNCH = $1 Mỹ kim
- Năm 1970 -1975, khoảng 500 – 700 $ VNCH = $1 Mỹ kim.

Trên mặt các đồng tiền của Việt Nam Cộng Hòa chỉ in hình các bậc tiền nhân chống giặc Tàu và cảnh trí quê hương.

Sau năm 1975, qua ba lần đổi đổi tiền:

- Lần thứ nhứt: ngày 22-9-1975.
- Lần thứ nhì: ngày 02-5-1978
- Lần ba: ngày 14-9-1985.

Bắc Việt, đã quy ra: 500 $ VNCH = 1 đồng Miền Bắc. Tức là chỉ 1 đồng rưỡi tiền Miền Bắc lúc đó đã đổi được $1 Mỹ kim. (Chỉ duy nhứt [$] đồng Bảng Anh mới làm được điều đó). Như vậy, thử hỏi rằng: Từ chỗ 1,5 đồng tiền Miền Bắc ăn $1 Mỹ kim thời năm (1975)… Vậy cớ gì sau bốn mươi tám [48] năm, đồng tiền của Việt Nam tụt xuống tới 24.000 $ mới đổi được $1 Mỹ kim? Đồng tiền Việt mất giá tới - Mười Sáu Ngàn Lần, gần áp chót theo bảng xếp hạng của ngân hàng thế giới.

Mỗi tháng tư về, người dân Miền Nam không bao giờ quên đã bị ép đem đất ruộng vườn và phương tiện sản xuất vô “tập đoàn, hợp tác xã” với khẩu hiệu “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ” để làm ăn tập thể. Lợi tức của mỗi người xã viên được chấm theo công điểm cao thấp, cuối vụ mùa chẳng được bao nhiêu. Đói và đói triền miên, phải ăn – Bo bo, sắn, khoai, rau rừng… Ngược lại các ông cán bộ không làm thì no đủ. Người dân có câu Ca dao: Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho cán bộ mua đài, mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân” hoặc “Nón cời làm cho nón cối ăn”. Bởi lo tiêu diệt tư sản, nên ngăn sông cấm chợ không cho hàng hóa lưu thông theo phương thức tư hữu thị trường. Làm ăn tập thể kiểu cha chung không ai khóc nên thất bại.

Mỗi tháng tư về người dân Miền Nam làm sao quên được cả Miền Nam bồng bế nhau chạy giặc vô Sài Gòn bằng tất cả mọi phương tiện trên đất liền, dưới biển và phi cơ kể cả đi bộ. Không biết bao nhiêu nhân mạng cả dân và lính ngã xuống cũng chỉ vì hai chữ tự do.

Còn nhiều lắm, không thể kể ra hết.

Lịch Sử Của Ngàn Người Yêu Tự Do Viết:

Hàng ngàn người viết ra không có nghĩa là: Viết ra để – khóc lóc, than thân trách phận hay để cầu xin sự thương cảm của kẻ chiến thắng hoặc viết ra nhằm mục đích khoe mẽ nỗi đau mất mác của từng cá nhân hầu mong cầu xin sự thương hại... Viết ra đây là viết để bày tỏ, làm sáng tỏ những khuất tất còn ẩn chứa bên trong dòng lịch sử đã bị phe phản chiến, phe chiến thắng...- hàm hồ vu khống - đổ lên đầu “bên thua cuộc” chiến - với vô vàn “tội lỗi” vu vơ, vu vơ nhưng hậu quả hết sức tai hại và nguy hiểm cho nhiều thế hệ sinh sau.

Viết về hàng triệu “Quân đội, Công chức…” Miền Nam bị dồn vô các trại tù, gọi là “cải tạo”, bị trả thù – một số – đã chết rục xương ở trong tù mà cho tới nay đã hơn nửa thế kỷ người thân gia đình của những ngươi tù bị giết chưa biết các hài cốt chôn ở đâu. Đã nửa thế kỷ trôi qua, chưa hề có một chương trình của (ai đó) trợ giúp tìm hài cốt của binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chết trận - chứ chưa dám mơ ước - tìm kiếm hàng chục ngàn hài cốt của người tù “cải tạo” ở khắp nơi trong các trại tù trên toàn cõi Việt Nam “thống nhứt”…!!

Viết về những người vợ lính đã chịu cực khổ cùng chồng - ở hết khu gia binh nầy - tới khu gia binh khác - nuôi con bằng đồng lương ít ỏi - đồng lương bằng máu của chồng - lương tháng nào tiêu hết tháng đó. Dù khổ sở nhưng con của họ vẫn được học hành. Bây giờ chồng bị bắt đi tù, họ phải ra đường buôn bán, ra đồng làm lụng để nuôi con, nuôi chính mình và dành dụm từng đồng, từng chút thực phẩm để đi “thăm nuôi” chồng bị “học tập cải tạo” ở khắp các trại tù trong cả nước mà các trại tù đó phần nhiều là ở chốn thâm sơn cùng cốc hay các vùng mà họ gọi là “vùng sâu, vùng xa” không có con người hiện diện.

Viết về hàng trăm ngàn người dân ở thành thị bị đưa lên chốn rừng sâu nước độc, gọi là “Kinh tế Mới” để lấy nhà của họ. (Một hình thức đem con bỏ chợ rất độc ác). Họ sống không nổi đành phải trở về lại thành phố (nhìn lại ngôi nhà đã bị người ta chiếm) đành sống lây lất nơi gầm cầu, nơi đầu đường xó chợ, nơi ven các dòng kinh, rạch, nơi bãi rác… Họ không có giấy tờ tùy thân, “hộ khẩu” hay “chứng minh nhân dân” cũng không ai cấp cho họ. Do đó, họ mất hết quyền lợi và con cái không được học hành. Đã vậy còn bị nhà cầm quyền xua đuổi như đuổi tà ma nếu bị phát giác sống “bất hợp pháp”.

Viết về hàng triệu người liều mạng nhào ra biển để đi tìm tự do trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ của các ngư phủ, mặc cho bão tố hải tặc Thái Lan bắt giết và hãm hiếp phụ nữ. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã có khoảng 600 ngàn người bỏ mạng trên biển với đủ các lý do. Trong số người sợ cộng sản bỏ chạy ra biển cũng có người từng nằm vùng hoạt động cho việt cộng cũng bỏ chạy.

Viết về thời gian đã từ bỏ đất đai, mồ mồ để sống đời ty nạn trong bốn mươi tám năm qua… Một nỗi buồn lịch sử không bao giờ phai nhòa từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Bị ghép tội là “dân ngụy”, nếu không từ bỏ quê hương ra đi thì làm sao sống nổi? Có gắng gượng sống cũng đâu khác gì công dân loại hai, loại ba... Bởi xã hội mới ưu đãi cho người “có công với cách mạng”.

Viết về các - di tích, dinh thự, đền đài, cầu cống, đường sá di sản quý giá của Miền Nam lần hồi bị xóa sạch trong bốn mươi tám năm qua - kể cả thay tên đổi họ…! Ngày nước Đức thống nhứt - (thống nhứt không đổ một giọt máu). Người Tây Đức không trả thù người cộng sản Đông Đức, không bắt đi cải tạo, không bắt đi kinh tế mới, không tịch thu tài sản nhà cửa ruộng đất, không bắt buộc ai phải vô tập đoàn, hợp tác xã... Ngược lại người Đông Đức vẫn nhận lương hưu, không mất một xu. Ai có việc làm vẫn đi làm. Ai có bằng cấp (các khoa, ngành) đều được trọng dụng. Điển hình như:

Bà cựu Thủ tướng Đức (Angela Dorothea Merkel) - vốn là người ở Đông Đức.

Nước Đức thống nhứt trong hòa bình và thù hận đã tiêu tan ở trong lòng người Đức, họ bắt tay xây dựng nước Đức giàu mạnh bậc nhứt Châu Âu và kinh tế đứng hàng thứ tư trên thế giới. Thủ tướng Đức - Helmut Josef Michael Kohl lúc đó đã lượng giá: - Chỉ cần khoảng (bốn trăm tỷ dollars) là có thể vực dậy nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu của cộng sản Đông Đức. Vậy mà đã tiêu tốn tới (bốn ngàn ngàn tỷ) mới tạm cân bằng với Tây Đức. Lý do số tiền chi tiền ra quá lớn là - ngoài kinh tế, an sinh xã hội ra – thì còn phải phục hồi lại tất cả - di tích lịch sử quốc gia vốn đã có từ xa xưa - mà người cộng sản Đông Đức đập phá nát hết - họ cho rằng những ngôi nhà cổ, những di tích đền đài xưa là của bọn - vua chúa, bọn địa chủ, bọn tư sản, bọn phản động…!

Viết về quê hương “thống nhứt” đã bốn mươi tám năm, nhưng lòng người chưa thống nhứt. Chưa thống nhứt bởi rất nhiều nguyên do. Dưới con mắt của người cộng sản Việt Nam, họ luôn nghĩ rằng - Họ: “Đã có công đánh thắng ba đế quốc: đế quốc Pháp, đế quốc Nhựt, đế quốc Mỹ xâm lược và người lính Việt Nam Cộng Hòa là ngụy tay sai bán nước, bán biển đảo cho đế quốc Mỹ. Người dân Miền Nam cũng là dân Ngụy”.

(Bất hạnh thay cho kẻ tự hào “chiến thắng” ba đế quốc tư bản bóc lột, xâm lược - lại nghèo nàn, lạc hậu… - phải đi xin viện trợ của cả ba đế quốc “thua trận” đó và làm thuê làm mướn cho họ, hoặc chạy qua xin định cư).

Nguyên do nữa, đó là - họ “giải phóng Miền Nam”, nhưng thật ra là Miền Nam đã giải phóng cho họ. Họ biết họ không thể làm theo mô hình tư bản tự do Miền Nam, nên họ kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Điển hình: - Giáo dục trong bốn mươi tám năm qua họ đã đi “lạc đường”. Trường học chỉ là nơi kinh doanh đủ thứ để thu tiền (phu huynh, học sinh) hơn là dạy học. Lương nhà giáo không đủ sống buộc họ phải (bon chen) với đời thường để kiếm sống làm mất đi danh dự, nhân phẩm cao quý vốn có từ ngàn xưa của người Thầy Giáo và đã biến họ thành nhà giáo “robot” trong việc giảng dạy... Không cho nhà giáo tự soạn bài giảng mà bắt nhà giáo phải “soạn giáo án” theo một chiều. Y Tế cũng là nơi kinh doanh để bán thuốc (thuốc giả). Người bịnh không có tiền thì bịnh viện từ chối không chữa bịnh.

Nguyên do nữa là – cộng sản họ không bao giờ tin tưởng người dân; Người dân thậm chí là kẻ thù tiềm ẩn”. Đó là câu nói của bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bà là bộ trưởng y tế trong “mặt trận giải phóng Miền Nam”. Người dân Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới thì lại càng không tin tưởng và xem họ là “thế lực thù địch hải ngoại” bọn “phản động hải ngoại”... Và có “nghị quyết” theo dõi họ mặc dù người Việt chạy trốn cộng sản là công dân của quốc gia họ đang định cư. Đã không tin tưởng, nhưng lại hô hào “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Hãy nhìn những người “Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa”, dù gì thì họ cũng là đồng bào ruột thịt - bao năm qua nhà cầm quyền cộng sản không quan tâm tới họ - đã không quan tâm tới thì thôi - đàng này lại đi cấm cản các vị ân nhân, các vị Mạnh Thường Quân, các đoàn thể tôn giáo trong và ngoài nước góp tiền giúp đỡ và chữa bịnh cho họ. Và, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa diện tích càng ngày càng hẹp, mộ phần bỏ hoang đồng thời cho người canh gác người chết. Hãy hòa giải với những người chết và những người “chiến binh ngụy” đã bị - cụt chân, tay, đui mù, bịnh tật... trước - như một khởi đầu tình đồng bào. Chuyện: đất, ruộng, vườn, nhà cửa, của cải đã bị tịch thu thì tính sau.

Còn nhiều nguyên do khác nữa chứ không phải chỉ có chừng đó.

(Tụt hậu nếu cố vươn lên sẽ bắt kịp người đi trước, còn lạc đường thì đi xuống địa ngục).

Viết ra không phải để khơi lại nỗi đau hay khơi dây hận thù mà viết ra để tự xoa dịu nỗi đau do lịch sử sang trang quá vội vã đã không kịp hoàn chỉnh chương hồi, lớp lang để tìm một phương hướng có nhân có hậu cho cuộc diện, cho dân tộc.

Ông Jean Paul Sartre, Nhà triết học lừng danh của nước Pháp, đã đi theo cộng sản Pháp. Ông đã từng nói: Kẻ nào chống cộng là con chó”. Vậy mà khi ông chứng kiến cảnh người dân Miền Nam Việt Nam sau năm 1975 - bất chấp cả sinh mạng, bỏ cả tài sản, mồ mả - cắm đầu chạy ra biển để trốn cộng sản. Ông đã tỉnh ngộ, ông đã hối hận. Từ đó ông huy động tiền bạc khắp nơi để mua một chiếc thuyền lớn chạy ra biển cứu vớt “thuyền nhân” Việt Nam tỵ nạn cũng như tìm mọi cách giúp đỡ họ.

Miền Nam người dân sợ cộng sản đã đành. Ở ngoài bắc, lúc “Việt Hoa hai nước chúng ta, vừa là đồng chí vừa anh em” một nhà, lại đánh nhau xương phơi đầy núi... Dân Miền Bắc hoảng sợ từ bỏ quê hương xã hội chủ nghĩa - rừng vàng biển bạc để chạy qua Hồng Kong xin tỵ nạn trong nhiều năm và được đi tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, nhiều nhứt là ở Mỹ.

Chuyện “thức tỉnh” của nhà triết học Jean Paul Sartre, cũng gần giống như năm 1976. Ông Tổng bí thư Lê Duẩn dẹp bỏ cái “mặt trận giải phóng miền nam”, khi đã hết giá trị xử dụng… - đã làm cho số người ở trong mặt trận “thức tỉnh” tháo chạy ra nước ngoài tỵ nạn. Ngoài chuyện đó ra các ông bà: Văn sĩ, Thi sĩ, Nhạc sĩ, Trí thức, Sinh viên, Tôn giáo, Thành phần thứ ba, Ký giả... - một thời được sống an lành dưới chính thể tự do Miền Nam đã hăng hái xuống đường biểu tình, đòi - “tự do ngôn luận”; đòi “xóa bỏ Chính thể Miền Nam”; đòi “đế quốc Mỹ xâm lược rút về nước” – Sau ngày 30.4 - họ cũng tháo chạy qua Mỹ tỵ nạn, ai còn ở lại thì trông chờ “bên thắng cuộc” (thưởng công). Người chủ mới “bên thắng cuộc” họ thừa biết bọn “trí thức như cục phân”. Họ khinh miệt và vứt bỏ như vứt bỏ cái mặt trận giải phóng Miền Nam.

T ngàn xưa cho tới nay, những kẻ phản bội, kẻ vô ơn bội nghĩa, kẻ phản chủ, kẻ ăn ở hai lòng… Tất cả bọn họ đều nhận nhận lãnh cái kết quả vô cùng cay đắng, nhục nhã - chẳng những họ mà còn lây sang các đời con cháu của họ. Lịch sử chương hồi và bia miệng thế gian rất công bằng - dù có tô son trét phấn, bẻ cong lịch sử cũng không thể thoát ra khỏi chân lý đó.

Người Tàu xưa họ rất ghét vợ chồng kẻ phản bội Tần Cối. Họ bỏ vợ chồng Tần Cối vô chảo dầu, gọi là: Dầu Chao Quẩy - (Du Trác Qủy). Dầu cháo quẩy hay (giò cháo quẩy) - Phiên âm Hán Việt từ tiếng Quảng Đông. Hoặc: Dầu chá kuảy, Du gia quỷ, Du tạc quỷ, Du thiêu quỷ, Dầu thiêu quỷ… Dù nói viết có khác nhưng tựu trung đều là: “Con quỷ bị chiên ở trong chảo dầu”. Nhạc Phi là một danh tướng, một nhà quân sự tài ba, nổi tiếng trong lịch sử quân sự Trung Quốc (1103 – 1142), bị vợ chồng Tần Cối và Vương thị hãm hại. Như vậy là đủ cho thấy kẻ phản bội, kẻ vô ơn - dù ở bất cứ nơi đâu cũng bị nguyền rủa…!

Cuộc chiến tranh (không đáng có) đã để lại thương tật chết chóc cả triệu người của cả hai phía, làm suy kiệt sinh mạng và cạn kiệt tài nguyên quốc gia trong nhiều năm. Bởi từ chiến tranh du kích, khủng bố hay còn gọi là “bạo lực cách mạng”. Cộng quân Miền Bắc với việt cộng Miền Nam gây ra mà họ gọi là: Vườn không nhà trống” - "Lấy nông thôn bao vây thành thị” - Tiêu hao sinh mạng và tài sản kẻ thù". Họ làm y theo kế hoạch của ông Mao Trạch Đông thời đánh chiếm Trung Hoa Dân Quốc của Tổng thống Tưởng Giới Thạch.

S quân nhân Miền Nam bị chết trận được Mỹ cho biết là khoảng 280.000 người. Đó là chưa kể người dân hai miền đã chết trong cuộc chiến khoảng 4 triệu người. Trong số quân nhân Việt Nam Cộng Hòa chết, có Bảy vị tướng (Một Trung tướng, Ba thiếu tướng, Ba chuẩn tướng). Đại tá có Mười Hai vị chết trận được truy thăng Chuẩn tướng. Trước ngày sắp mất Miền Nam đã có Năm tướng và một số Tá, Úy và quân nhân tuẫn tiết.

Tướng lãnh bị bắt đi tù “cải tạo” có Ba Mươi Bốn tướng tính luôn những người đã giải ngũ. Gồm có Sáu Trung tướng, Mười Một Thiếu tướng, Mười Bảy Chuẩn tướng. Rất trân trọng và hãnh diện cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa có những vị tướng can trường tuẫn tiết cũng như ở lại với thuộc cấp chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Điển hình là Tướng Lê Minh Đảo, đã chỉ huy trận chiến lừng danh cuối cùng tại phòng tuyến lửa Xuân Lộc (Long Khánh). Tướng Lê Minh Đảo bị bắt đi tù Mười Bảy năm. Tướng Lê Minh đảo nói “Nếu có kiếp sau tôi vẫn là người lính Việt Nam Cộng Hòa”. Câu nói đó của ông đã dược ghi trên nấm mộ của ông. Ở trong tù có một vị Thiếu tướng chết, chết ở trong trại tù Nam Hà. Những người “tù cải tạo” còn sống sót được thả ra cho về nhà với biết bao thương tật bịnh hoạn trong người… Việt cộng họ chỉ thả chứ họ không bao giờ “tha”. Lý lịch “Ngụy tay sai bán nước cho đế quốc Mỹ” như một bản án chẳng những treo trên cổ của người lính bại trận mà còn liên lụy tới vợ con anh chị em của người tù. Mang cái lý lịch Ngụy đó thì hầu như mất tất cả quyền lợi của một công dân bình thường ở trong cái xã hội mới, xã hội chủ nghĩa.

Việt cộng nói: Việt Nam Cộng Hòa là Ngụy tay sai bán nước cho đế quốc Mỹ”! Tại sao nói ngang mà không hề đưa ra “khế ước” hay “công hàm bán nước” của bọn Ngụy để làm bằng chứng với người dân cũng như thế giới và lịch sử...? Ngày xưa, Hoa Kỳ mua vùng đất Alaska của Nga Hoàng - ngày nay là Tiểu bang rộng lớn Alaska với rất nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là tiểu bang chiến lược về kinh tế, quân sự. Khế ước Hoa Kỳ mua vùng đất băng giá đó của Nga Hoàng hiện đang còn lưu giữ.

Tuy nhiên, những con số chết chóc, bất công không thể so sánh được với cảnh tang thương mà người dân Miền Nam gánh chịu. Cảnh tang thương mất mác đó như một vết chém sâu hoắm - cho dù vết chém đã liền da - đã liền da nhưng vết sẹo vẫn còn nhức nhối dai dẳng ở trong xương tủy... Và sẽ thành ung nhọt lở loét bởi thời gian quá lâu mà không được xoa dịu hoặc một lời xin lỗi. Đã vậy, lại còn làm cho vết chém càng thêm đau đớn hơn nữa.

T xưa cho tới nay kẻ viết lịch sử đều do bên chiến thắng viết. Bên chiến thắng viết phần nhiều là thêu dệt công trạng tưởng tượng của họ để mị dân, để cho các thế hệ sau nghĩ rằng họ có chính nghĩa. Bên bị thua trận thì hầu hết là mất tất cả, còn bị gán cho nhiều cái tội vô cớ và cái gì xấu xa, tồi tệ nhứt đều thuộc về kẻ thua trận…! Do đó, lịch sử do từ ngàn người viết - thì họ viết rất chân thật, viết rất chính xác - bởi chính họ là nạn nhân trực tiếp hứng chịu quá nhiều đau khổ giày vò bởi kẻ “tiếm danh” chiến thắng gây nên.

Mỗi độ tháng tư về, trong lòng người dân Miền Nam cũng như con cháu của họ đều luyến tiếc một thời sống trong tự do no ấm. Người dân Miền Nam đâu có cần ai “giải phóng”, bởi họ đã có đủ các quyền tự do căn bản của một người công dân. Họ có quyền tư hữu trên mảnh đất ruộng vườn nhà cửa từ đời ông cha để lại. Không ai có quyền cộng tài sản của người khác để nuôi sống cho một nhóm người cầm quyền độc đoán.

Một cuộc chiến tiêu diệt tư bản giãy chết” – gọi là “giải phóng”. Giải phóng nhưng không làm tốt hơn chế độ đã bị giải phóng. Cuối cùng rồi cũng phải chạy theo tư bản giãy chết để tồn tại và làm giàu bằng cách xin gia nhập “WTO”. (World Trade Organization). Cộng sản Việt Nam xin gia nhập WTO vào ngày 11/1/2007. Đó là Tổ chức thương mại Thế Giới tư bản thị trường được thành lập vào ngày 15/04/1994. Vậy mà từ ngày đó cho tới nay - đất nước vẫn không thể đi theo kịp đà phát triển của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Từng lớp thanh niên nam nữ đã phải đi ra nước ngoài làm thuê, ở đợ, lấy chồng… - Truyền thông, báo chí - khuyến khích với câu nói khó nghe, đi: xuất khẩu lao động”. Ông Karl Marx, Triết gia người Đức gốc Do Thái, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, nói: “Kẻ theo chủ nghĩa tư bản bị chúng ta treo cổ sau cùng, sẽ là kẻ bán cho ta sợi dây thòng lọng mà ta dùng để treo cổ nó”. Ông Karl Marx nói đúng theo “cương lĩnh” lý thuyết ao ước của ông. Nhưng chưa “treo cổ” được chủ nghĩa tư bản thì lý thuyết cộng sản đã lụi tàn đã trở thành dĩ vãng.

Chúng ta không thể ngồi đó mà than van khóc lóc hay nuối tiếc cho những gì đã mất. Chúng ta, những người yêu tự do, yêu sự thật cùng nhau viết “lịch sử’ để kiện toàn sự thật một giai đoạn lịch sử. Chúng ta không thể thay đổi được lịch sử nhưng chúng ta làm sáng tỏ lịch sử để hướng tới tương lai rạng rỡ tươi đẹp hơn.

Đau buồn cho đất nước Liên Xô vĩ đại và các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ. Nhưng lại vui mừng cho các quốc gia đó đi theo tư bản chủ nghĩa để được giàu có cũng như người dân của họ được hưởng các quyền tự do căn bản của Hiến chương nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Và hiện nay sau mấy chục năm từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, giờ đất nước của các quốc gia đó đã giàu có, cường thịnh.

Mỗi độ tháng tư về thương nhớ biết bao nhiêu! Đã nửa thế kỷ trôi qua mọi việc đã phơi bày rõ ràng ra đó và mọi người dân cũng đã quá biết, quá hiểu về thực trạng của đất nước… Là người Việt Nam dù là ở bất cứ nơi đâu; dù là công dân tỵ nạn mang quốc tịch các quốc gia nơi định cư nhưng trong tâm lòng vẫn luôn hướng về quê nhà - nơi đã sinh ra, đã sống, đã học hành… Do đó luôn ước vọng rằng đất nước giàu mạnh và người dân được các quyền tự do tối thiếu cũng như quyền tư hữu trên mảnh vườn ngôi nhà của chính mình.

Ông thống Đại Hàn Dân Quốc, Park Chung Hee, nói: Kinh tế phải đi trước chính trị, người dân không thể nhai khẩu hiệu để sống”.

Trong "The of Reason" của Triết gia Tây Ban Nha (George Santanaya) cuối thế kỷ 19, có nói:
- "Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xảy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử".

Trang Y Hạ
Tháng Tư, 2024.



15/4/24

QUÁN TRỌ

 



QUÁN TRỌ


Một chặp tối cổ thụ buông hạc lệ *
vọng tan sương gió lặng lá lim-dim
quán vắng ngắt biết cùng ai kể-lể
mắt đăm đăm diện-bích thử thử tìm.

cảm hơi Bậu trọ quán nầy từ trước
lạnh teo phòng thoang-thoảng ứ mùi hương
mùi thơm đọng phải chăng luồng mê dược
choáng hồn trai qua mấy kiếp lạc đường.

ngồi xuống cạnh mé giường du mộng tưởng
tiếng thở dài Bậu trút gởi cho ai
mắt nhắm mở hoài nghi tràn mấy hướng
ngọn đèn lay dồi dội tiếng u hoài.

lật đật ngó ngó qua khung cửa sổ
thược dược bông đối mặt nở nụ vui
hạc lệ hót vang rần không chịu vỗ
khúc mắc chi khan giọng rải bùi-ngùi.

thân phận khách lữ hành qua ngõ hẹp
quán trần đời nào đâu rõ ngay gian
sẽ vẽ Bậu bức truyền thần tuyệt đẹp
sẽ vẽ đời khờ khạo ngắm mơ-màng.

mưa gõ nhịp ngỡ rằng ai đó tắm
sạch bụi đời bám bụi tượng giai nhân
phòng trọ hẹp hòa hồn mơ say đắm
tiên thiên-đình trật bước rớt chỗ nằm.

quán trọ vọng cung đình ngân điệu nhạc
nhịp phách rung xô cạn hết mấy ly
Động Đình gió đẩy sóng thuyền man mác
Tây-Thi ơi, Nước Việt nghĩ suy gì.

ngã lưng thức chiêm bao gào bể não
Bậu cớ chi trầm-tích hóa lân tinh
lòng hồi hộp ngỡ ai cầm tay dạo
bước loanh quanh thì ra bóng với hình.

quán trọ đẹp trần gian đang hoan-hỉ
cô dâu từ đời thượng cổ chung vui
đèn hoa chúc kề tri-âm tri-kỷ
tràn mâm bày dĩ vãng thuở ngọt bùi.

đã, “phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh” *
tầm lại thời cõng Bậu thuở khai-sinh
mưa rỉ rả tỉ-tê thời kiêu hãnh
liếc qua gương chỉ thấy thấy một mình. *

Trang Y Hạ

Chú thích:
* - Lệ tiếng chim kêu. Hạc lệ là tiếng con chim hạt kêu. Mượn ý:
*- “Nhật mộ hương quan hà xứ thị.
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. “Hoàng Hạc Lâu”. Thơ: của (Thôi Hiệu).
* - Bài thơ “Khóc Bằng Phi, Nguyên tác của Thi sĩ Nguyễn Gia Thiều: “Đập mảnh gương ra tìm lấy bóng.
Khép manh áo lại để riêng hơi”.
Được Thi sĩ Trần Danh Án, đã chuyển qua Hán Văn:
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Trùng phong, khâm tử hộ dư hương”.

* Thi sĩ nổi tiếng người Mỹ, gốc Anh T.S. Eliot (1888-1965) định nghĩa về thơ như sau:
Thơ không làm cho sự xúc động bớt đi nhưng làm thoát ra khỏi sự xúc động; thơ không diễn đạt cá tính riêng, nhưng làm thoát ra khỏi cá tính. Nhưng dĩ nhiên, chỉ những người có cá tính và sự xúc động hiểu thế nào là sự mong muốn thoát ra khỏi hai điều đó.”.














7/4/24

THUYỀN GIÀ

 



THUYỀN GIÀ

Từ từ thân rệu có chi
trần gian quán vọng lưu gì tầm lưu
nghĩa ân đối-diện oán cừu
công danh lợi lộc đã hưu cả tình.

không tu sờ thử kệ kinh
mờ mờ thị-ngạn in hình xa xa
thuyền già trễ nhịp độ-hà
dát vàng điểm-thúy thân ma an lành.

bước thời lao dốc không phanh
ngụy chân, thua thắng xúm hành hạ thân
vuông tròn mơ được xoay vần
đã từng ước đặng xé tầng không gian.

bầy xác sóng cuốn dã tràng
gọi đâu trong cõi hỗn mang bây giờ
trất phong mộc vũ thân trơ *
sao đành di xú lu mờ tuổi tên. *

hà phương lắng tiếng sấm rền
hoành đao mấy độ chưa đền nợ trai
tống hành theo gió lướt ngày
chưa vay nợ kể như vay vay nhiều.

tiếc rằng chưa thụ trảm yêu
hai con mắt đỏ chứa điều trái ngang
tự thân chiết trữ điêu tàn
trách chi ai bỏ lỡ làng cho ai.

vùng nê-địa ủ hình hài
thân ngay thông đứng gió lay sá gì
từ từ thân rệu có chi
chốn hồng-hoang ngắm dã quỳ kiêu sa.

thôi đừng trách cứ thuyền già
độ bờ hay giữa biển xa tròng trành
mưa mù gặp bước nắng hanh
yêu thương vốn lớn để dành đó thôi.

đã qua muôn dặm lõm lồi
cung tàn tên mục ly bôi ngùi ngùi *
hưu tình sao nỡ Bậu ơi
con tim còn đập bể trời gọi tên.

Trang Y Hạ

Chú Thích:
*- “Trất phong mộc vũ”. (Giãi gió dầm mưa).
*- “Di xú vạn niên”. (Để tiếng xấu muôn đời).

*- “Thi thành, thảo thụ giai thiên cổ.”. Tạm dịch: (Bài thơ làm xong, cỏ cây thành thiên cổ). Trích: “Hán Dương Vãn Diểu” của Nguyễn Du.

Suy nghĩ rộng ra: Bài thơ vừa làm xong, thì thơ và thi sĩ, đất trời đã trở thành quá khứ.
Nghe ra thiệt là khủng khiếp...! Vậy Thơ là gì mà vừa: Hiện thực, sự thực, vị tha, triết lý, nhân sinh…, và tung thi sĩ lên bầu trời như vậy?!

Tạm hiểu ra thì thi sĩ chỉ là người viết giùm – viết đã không lấy tiền mà còn moi gan moi óc của chính mình ra để mà viết. Đúng như thi sĩ Trần Tử Ngang (661 – 702) Đời Nhà Dường đã nói “Làm thơ là gởi tấm lòng vô thiên cổ chứ không phải lưu danh nhất thời”. Vậy, thì gởi cái gì “vô thiên cổ”? Chắc hẳn các thi hào, thi bá đã biết gởi cái gì rồi!



Xe Đò Hoàng